Tác giả: TS Vũ Quang Việt
DĐKP giới thiệu: Đi tìm nhân tố nào là quan trọng để nâng cao tăng trưởng kinh tế của một quốc gia là một câu hỏi khó khăn nhưng cực kỳ thú vị. Loài người đã sống vô cùng ảm đạm suốt cả thiên niên kỷ từ năm 0 đến năm 1000 với tuổi thọ trung bình trên dưới 25, với mức tăng trưởng thu nhập đầu người 0,01% mỗi năm. Vào năm 1000, thu nhập bình quân đầu người chỉ trên dưới 400 US$ (tính theo sức mua so sánh PPP, thời giá 1990 ở Mỹ), tức là vừa đủ để sinh tồn. Tây Âu còn thua cả Trung Hoa và Nhật. Sau 500 năm, đến 1500 thu nhập đầu người Tây Âu tăng lên gấp đôi, trong lúc Trung Hoa chỉ tăng lên 30%, các nước châu Á khác tăng ít hơn và châu Phi thì tụt hậu. Đến năm 1800, thu nhập đầu người ở châu Âu đã cao gấp đôi Trung Hoa, Nhật và châu Á. Kể từ đó cho đến cuối thế kỷ 20, trừ Nhật ra thì sự chênh lệch ngày càng tăng tốc mạnh mẽ. Điều gì đã xảy ra tại châu Âu và châu Á trong thiên niên kỷ thứ II, đặc biệt trong thời gian từ 1500 trở về sau? Yếu tố nào đã giải phóng hoặc kìm hãm sự tăng trưởng? Bài nghiên cứu trình bày tóm tắt sau đây của TS Vũ Quang Việt, kết hợp với những dữ liệu chi tiết của GS Angus Maddison trong tác phẩm “The World Economy” (xuất bản bởi OECD Paris 2001) sẽ giúp độc giả đi tìm câu trả lời…