Trang chủ » ADAM SMITH khởi động cuộc cách mạng kinh tế

ADAM SMITH khởi động cuộc cách mạng kinh tế

Tháng Ba 2023
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thư viện

Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức

Người ta có thể nói về Adam Smith mà không sợ phản biện rằng với một tác phẩm duy nhất, người Scotland cô đơn này đã đóng góp cho phúc lợi loài người nhiều hơn tất cả những lãnh đạo quốc gia và những nhà lập pháp tên tuổi mà lịch sử đã ghi nhận trước đây[1].

Sử gia Anh Henry Thomas Buckle

Lịch sử kinh tế cận đại có thể xem như bắt đầu vào cuối thế kỷ 18 khi lý thuyết kinh tế tự do được Adam Smith hệ thống hóa lại trong tác phẩm lớn nhất đời ông. Trước đó cả ngàn năm nhân loại sống trong tối tăm nghèo đói, năm này qua năm kia, thế kỷ này kế tiếp thế kỷ khác. Trừ tầng lớp quí tộc thống trị có cuộc sống an nhàn xa hoa, còn lại toàn xã hội in đậm dấu ấn của nghèo nàn lạc hậu. Con người làm lụng vất vả chỉ để mưu cầu sống còn, thường trực bị đe dọa bởi bệnh tật và chiến tranh. Mỗi hộ gia đình phải sản xuất hầu hết những gì phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, còn thừa ra chút đỉnh thì dùng để trao đổi lấy những vật dụng do người khác làm ra. Không có hoạt động „làm kinh tế“ như chúng ta biết hiện nay, cũng chưa hề có một cuốn sách chỉ dạy cho mọi người phương pháp cải thiện thu nhập, nói gì đến lý thuyết kinh tế, mặc dù kỹ thuật in ấn đã phát triển từ lâu. Trong thời đại đó, lúc mà tuổi thọ trung bình không vượt quá 40 năm, triết gia Thomas Hobbes người Anh diễn tả cuộc sống con người là „cô đơn, nghèo đói, bẩn thỉu, thô bạo và ngắn ngủi“[2].

Kể từ thế kỷ 15 con người bắt đầu chứng kiến những thay đổi đầu tiên trong đời sống xã hội, với những sáng kiến mới mẻ hơn trong hoạt động tích lũy của cải. Đấy là thời kỳ kéo dài ba thế kỷ mà ngày nay chúng ta gọi là thời đại của chủ nghĩa trọng thương[3], hoặc với thuật ngữ quen thuộc hơn là thời kỳ tiền tư bản ở cuối thời gian đó. Nhiều hoạt động rộ lên khắp nơi trong nỗ lực cải thiện đời sống và tích lũy của cải, những cuộc thám hiểm xuyên lục địa ngày càng nhiều hơn, vàng bạc châu báu cướp được từ những vùng đất mới làm cho vài quốc gia châu Âu ngày càng giàu có. Nhưng không phải ai cũng được dự phần trong phồn vinh mới đạt được. Tăng trưởng lợi tức đầu người vẫn không vượt quá vài phần ngàn mỗi năm[4]. Chỉ có một bộ phận nhỏ trong các quốc gia – đấy là vua chúa, tầng lớp quí tộc, quan lại cao cấp, giới tinh hoa được ưu đãi – hưởng được phồn vinh thu lượm được, ngoài ra cuộc sống của đại bộ phận dân chúng vẫn không được cải thiện gì. Họ vẫn tiếp tục sống trong nghèo đói với một đời sống nhàm chán, ảm đạm và u buồn. Chỉ những lúc giặc bên ngoài đến đánh hoặc vua chúa huy động binh lực đi xâm chiếm nước khác, họ mới có những phút giây hưng phấn, dũng cảm và tàn bạo để quên đi cuộc đời u tối thường nhật. Họ tự nguyện làm nô lệ cho chính người cùng nòi giống đang nắm giữ vai trò thống trị. Sự đần độn về tư tưởng kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác đã làm cho tinh thần họ bị tê liệt, mất ý thức kháng cự để giải thoát cho chính mình.

Tác phẩm kinh điển ra đời

Phải đợi đến lúc giới tinh hoa thời đại tự nhận lãnh trách nhiệm cất cao tiếng nói đòi cải tạo xã hội, tình hình mới bắt đầu thay đổi. Xuất phát từ nhận thức về lẽ phải, những người tiền phong trong trào lưu khai sáng[5] thế kỷ 17 và 18 cho rằng những vấn nạn của thời đại có thể giải quyết được trong một xã hội biết hướng về lẽ phải. Tư tưởng khai sáng của họ bao trùm lên mọi mặt, từ khoa học, triết học đến lý thuyết nhà nước. Những gương mặt đại biểu cho trào lưu này có thể kể: ở Pháp có Baron de Montesquieu (1689-1755), François-Marie Voltaire (1694-1778), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), Denis Diderot (1713-1784); ở Anh có John Locke (1632-1704), Isaac Newton (1642-1726), David Hume (1711-1776); ở Đức có Immanuel Kant (1724-1804) v.v…

Trào lưu khai sáng đã thay đổi sâu sắc bộ mặt châu Âu thế kỷ 18. Khoa học kỹ thuật cũng như văn chương nghệ thuật nở rộ như chưa bao giờ có trong quá khứ. Và cũng chính văn chương nghệ thuật đã là phương tiện để chuyển tải những tư tưởng cao siêu trừu tượng đến từng người bình thường trong xã hội. Lẽ phải, công bằng, dân chủ dần dần trở thành những khái niệm phổ biến và được nhiều người tiếp thu, tạo ra nguồn lực mới để thay đổi tận gốc rễ xã hội châu Âu. Không những quyền lực tôn giáo bị đẩy lùi khỏi cấu trúc chính trị, mà chính trong bản thân giới quí tộc cầm quyền cũng hình thành tư tưởng tự giải phóng và đòi hỏi cải cách. Bức xúc về tự do bình đẳng trong dân chúng ngày càng mạnh đã tất yếu dẫn đến hai cuộc cách mạng lớn: cách mạng ở Mỹ năm 1776 và ở Pháp 1789, chấm dứt chế độ phong kiến và thực dân để mở đường cho nền cộng hòa, tự do dân chủ kéo dài tới tận hôm nay. Hiến pháp của hai nước này đều lấy cảm hứng từ tư tưởng của trào lưu khai sáng, đặc biệt là tư tưởng tự do của John Locke và lý thuyết nhà nước của Montesquieu.

Khi tư tưởng con người được giải phóng thì đó là mảnh đất mầu mỡ cho mọi sáng tạo được đâm chồi, đơm hoa kết trái. Hoạt động kinh tế cũng không thoát ra ngoài qui luật này. Với tự do ngày càng phổ biến và triển vọng công bằng dân chủ ngày càng trở thành hiện thực, hàng loạt người lao vào kinh doanh sản xuất một cách say mê. Hoạt động kinh tế không còn là sản xuất nhỏ gia đình hay tiểu thủ công nghiệp, mà có nhiều người bỏ hết vốn liếng dành dụm để thành lập xí nghiệp, đầu tư mua máy móc, mướn nhân công, thử nghiệm sáng kiến kỹ thuật với hy vọng biến nó thành sản phẩm được giới tiêu thụ ưa chuộng. Thế kỷ 18 của châu Âu là một thế kỷ đầy rẫy sáng kiến và phát minh, khoa học kỹ thuật thăng hoa, kinh tế phát triển, lợi tức đầu người tăng lên gấp đôi sau một thế kỷ, trong lúc lợi tức đó không hề thay đổi cả bảy trăm năm trước[6].

Công cuộc phát triển công nghiệp và kinh tế dù ồ ạt nhưng vẫn mang tính chất tự phát, mỗi người làm theo cách của riêng mình, thành công hay thất bại không theo một qui luật nào. Trong lúc tự do chính trị được định hướng bởi lý thuyết sâu sắc, được dẫn dắt về tinh thần bởi những học giả tiếng tăm, thì hoạt động kinh tế vẫn là hoạt động hỗn tạp, dù mang tính cách mạng nhưng chưa được soi đường bởi một lý thuyết nào khả dĩ giúp cho các thành viên hoạt động theo qui luật, nhất là giúp cho chính quyền đương thời một cơ sở lý thuyết vững vàng để ban hành chính sách. May mắn thay, lý thuyết đó ra đời kịp thời năm 1776, được tổng kết trong một tuyệt tác của nhà học giả uyên bác xứ Scotland, bạn thâm giao của David Hume và cũng là một thành viên sáng giá của trào lưu khai sáng đương thời.

Adam Smith đã bỏ ra 12 năm để thu thập dữ liệu, quan sát hoạt động sản xuất trong các nhà máy đang phát triển, tranh luận với những người bạn trong giới cai trị đương thời, du lịch và trao đổi với bạn bè trong giới học giả tại Scotland, Anh và Pháp. Từ đó Smith tổng kết lại trong một tác phẩm đồ sộ hơn 1000 trang hàm chứa nhiều vấn đề của nền kinh tế thời đại ấy. Đó là tác phẩm “Khảo sát bản chất và nguồn gốc của phồn vinh các quốc gia[7]”, viết gọn lại là “Phồn vinh các quốc gia”. Công lao thì nhiều, nhưng phần thưởng cũng vô cùng lớn lao. Ngày hôm nay người ta không nhất thiết phải đọc tác phẩm của Adam Smith để có thể trở thành kinh tế gia giỏi. Những vấn đề cốt lõi của tác phẩm “Phồn vinh các quốc gia” đã được đại chúng hóa trong các bài giảng kinh tế và vô vàn sách báo tài liệu. So sánh Thánh kinh với tác phẩm của Adam Smith, rõ ràng Thánh kinh có số lượng gấp bội nhưng không ai giám quả quyết rằng tác phẩm nào được trích dẫn nhiều hơn trong sách vở của nhân loại. Gần 300 năm sau khi xuất bản lần đầu, những luận đề cơ bản của Adam Smith vẫn còn giá trị cao và mang tính thời sự như mới ngày hôm qua.

Adam Smith không có ý định bỏ ra 12 năm nghiên cứu với nhiều công sức như thế chỉ để cho độc giả nâng cao kiến thức. Ông tự giao cho mình một trọng trách lớn hơn. Trước hết, Smith muốn đả phá những tư tưởng kinh tế lỗi thời phát sinh từ nhiều thế kỷ trước và vẫn còn ảnh hưởng lên xã hội ông đang sống. Thứ hai, Smith muốn thuyết phục giới tinh hoa chấp nhận triết lý xã hội và phương pháp hoạt động kinh tế mà ông đã dày công nghiên cứu và qua giới tinh hoa ông muốn ảnh hưởng rộng rãi đến từng người trong xã hội. Thứ ba, Smith muốn thuyết phục giới vua chúa quí tộc cải cách guồng máy nhà nước và đi theo con đường mới phù hợp với nhận thức của thời đại.

Phê phán chủ nghĩa trọng thương

Adam Smith dùng nguyên Sách IV với chín chương[8] để phê phán tư tưởng trọng thương và những hệ lụy kinh tế và đạo đức của nó. Smith nhận xét rằng, phái trọng thương đặt phồn vinh ngang hàng với số lượng vàng bạc quốc gia đang có. Từ đó nảy sinh tư tưởng trọng tiền, hay là trọng vàng bạc với chức năng kép của nó: vừa là công cụ của thương mại, vừa là thước đo giá trị. Hậu quả tất yếu của tư tưởng đó là[9]: thứ nhất với chức năng công cụ của thương mại, tiền có thể giúp người chủ mua được bất cứ món gì một cách dễ dàng hơn mọi phương tiện khác. Mọi nỗ lực đều hướng đến việc làm sao để kiếm tiền, tức là thu nhặt vàng bạc. Những nỗ lực nâng cao số lượng sản phẩm cho người tiêu thụ không quan trọng bằng thu nhặt thật nhiều vàng bạc. Thứ hai, với chức năng  thước đo giá trị, mọi sản phẩm làm ra đều được qui chiếu về số lượng vàng bạc tương ứng. Con người chỉ thích giao tiếp trao đổi với người giàu có nhiều vàng bạc. Kẻ nghèo thì ít ai quan tâm đến để đổi chác.

Vì xem vàng bạc là biểu tượng cho phồn vinh quốc gia, trong lúc kỹ thuật khai thác vàng bạc chưa thông dụng, phái trọng thương chủ trương đi xâm chiếm đất đai để cướp đoạt vàng bạc châu báu, gia vị hiếm và những tài nguyên khác mà họ không có trong nước. Phái trọng thương, cũng là lực lượng con buôn chính trị đương thời, cho rằng kinh tế thế giới đã đứng yên và của cải là một tổng thể cố định, cho nên phồn vinh của quốc gia chỉ có thể được nâng lên nhờ dựa vào phí tổn mà nước khác phải trả[10]. Thám hiểm xuyên lục địa, xâm chiếm đất đai, chủ nghĩa thực dân cũng xuất phát từ đây. Chúng ta không phủ nhận giá trị khám phá đất mới của những nhân vật huyền thoại như Christoph Kolumbus[11] hoặc James Cook, nhưng những người này đi khám phá không chỉ vì ham muốn cuộc đời phiêu lưu lãng mạn, mà họ giong buồm ra khơi cả năm trường với một khế ước rõ ràng với nhà vua: mang về nước thật nhiều vàng bạc và sản phẩm quí hiếm. Các vùng đất mới họ vừa khám phá phải trả một giá rất cao: Không chỉ là của cải bị cướp đoạt, mà nhiều nền văn hóa vĩnh viễn bị hủy diệt, nhiều dân tộc địa phương biến mất trên quả đất, hoặc bị đồng hóa và diệt chủng.

Về ngoại thương, Adam Smith dùng nguyên chương VIII của Sách IV để trình bày về chính sách co cụm của phái trọng thương[12]. Vì quan niệm phồn vinh quốc gia ngang hàng với số lượng vàng bạc của cải, cho nên nhà nước không muốn của cải đó giảm xuống. Họ đưa ra nhiều qui định để lập rào cản thương mại, khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Nhưng nếu chỉ như thế thì cũng không đến nỗi nào. Ở đây rào cản thương mại không chỉ là qui định thuế suất mà cả nhiều biện pháp trừng phạt bằng tiền và tù tội: Cấm xuất khẩu nguyên vật liệu, cấm bán ra ngoài máy móc phục vụ sản xuất, cấm cả việc xuất khẩu bông, sợi, len, tơ lụa, cấm huấn luyện nghề nghiệp cho một nước khác v.v… Về nhập khẩu thì chỉ có nhập nguyên vật liệu là được khuyến khích. Nhập phương tiện sản xuất thì bị hạn chế và ràng buộc bởi nhiều qui định. Cấm nhập hàng phục vụ cho việc tiêu dùng. Adam Smith đặt câu hỏi cho tình trạng thực tế Scotland: Nếu rượu vang chúng ta với chất lượng thấp còn đắt hơn rượu Pháp với chất lượng cao, thì tại sao lại cấm nhập?

Quan sát nhiều hiện tượng kinh tế và những qui định phi lý về xuất nhập khẩu, Adam Smith kết luận[13]: “Cũng không khó gì để phát hiện ai là tác giả của hệ thống trọng thương này; chắc chắn không phải giới tiêu thụ với quyền lợi hoàn toàn bị bỏ bê, mà là những nhà sản xuất với quyền lợi được chú ý một cách thận trọng. Và cũng chính tầng lớp thương nhân và kỹ nghệ gia này là những kiến trúc sư chủ yếu [của chính sách kinh tế]”. Kẻ được phục vụ không phải là người tiêu thụ riêng lẻ, mà là nhà sản xuất.

Khoa học về chính sách kinh tế

Nhiều vấn đề được trình bày trong tác phẩm „Phồn vinh các quốc gia“ thí dụ như tiền tệ, ngân sách, giá cả thị trường, tiền lương, tăng trưởng, phân công lao động, tích lũy tư bản và cả những vấn đề về nhà nước như quân đội, cảnh sát, tư pháp, giáo dục, thuế khóa, chiến tranh, thuộc địa v.v… Trong khuôn khổ này chúng ta khó đề cập hết nhưng bàng bạc dưới những vấn đề ấy, chúng ta thấy nổi bật ba câu hỏi quan trọng có thể làm sườn cho việc cải thiện chính sách kinh tế của nhà nước đương thời: 1) Đâu là nguồn gốc của phồn vinh? 2) Làm thế nào để nâng cao sản lượng quốc gia? 3) Đâu là bí quyết để mang thịnh vượng đến mọi người bình thường trong xã hội?

Đâu là nguồn gốc của phồn vinh?

Khác với tư tưởng trọng thương xem vàng bạc là phồn vinh thì Adam Smith cho rằng “phồn vinh của một quốc gia không chỉ bao gồm vàng bạc, mà cả đất đai, nhà cửa và hàng hóa tiêu thụ đủ các loại[14]”. Và nếu phái trọng thương cho rằng tích lũy nhiều vàng bạc là nâng cao phồn vinh, thì Adam Smith cho rằng phải không ngừng nâng cao trữ lượng hàng hóa tiêu thụ được trong quốc gia. Đây là xuất phát điểm của khái niệm hàng hóa trong học thuyết kinh tế của Adam Smith.

Gắn liền với việc tăng trữ lượng hàng hóa là việc tăng thu nhập cho giới lao động, vì chỉ khi nào thu nhập tăng lên, con người mới có đủ điều kiện để tiêu thụ hàng hóa. Ở đây Adam Smith phát hiện thêm: “Tiền đề để nâng cao thu nhập giới lao động không phải là mức độ phồn vinh hiện tại của quốc gia mà là sự tăng trưởng không ngừng của nó[15]”. Như vậy giữa tăng thu nhập từng người và tăng trưởng phồn vinh quốc gia có một quan hệ hữu cơ khắng khít, mỗi nhân tố đóng vai trò vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân. Đấy là triết lý mới trong hoạt động kinh tế: Adam Smith đặt từng người tiêu thụ riêng lẻ vào vị trí trung tâm của mọi chính sách.

Làm thế nào để nâng cao sản lượng quốc gia?

Trong xã hội, khi tổng lượng lao động không thay đổi[16] thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao sản lượng quốc gia? Smith trả lời rằng “đó là một phép nhân tuyệt vời của việc cải thiện sản xuất tất cả các mặt hàng, kết quả của nghệ thuật quản lý và phân công lao động [trong các xí nghiệp riêng lẻ], vốn dĩ sẽ phát sinh phồn vinh tổng quát đưa đến từng người ở tầng lớp thấp nhất khi mà xã hội được quản lý tốt[17]”.

Để đưa đến kết luận đó, Adam Smith quan sát hai xí nghiệp sản xuất kim, một bên do một người thợ lành nghề sản xuất, và bên kia do 10 người thợ không chuyên nghiệp[18]. Qui trình sản xuất cả hai bên giống nhau: kéo dây, làm thẳng, cắt, dập đầu kim, khoan lỗ, mài kim v.v…Trong lúc xí nghiệp của người thợ lành nghề chỉ sản xuất được vài trăm kim mỗi ngày thì xí nghiệp có 10 người thợ được phân công hợp lý đạt được 12 pounds dây thép, ước chừng 48.000 cây kim mỗi ngày, tức bình quân mỗi người sản xuất 4.800 kim trong ngày. Từ quan sát thực tế sản xuất trong hai nhà máy tiêu biểu đó, Adam Smith tổng kết và hệ thống hoá một phương pháp mới về quản lý sản xuất và phân công lao động trong xí nghiệp để đạt kết quả tối ưu, tức là đạt số lượng sản phẩm nhiều nhất trong một đơn vị thời gian. Adam Smith cho rằng phân công lao động là cốt lõi của việc tăng năng suất. Và nếu mỗi xí nghiệp riêng lẻ sản xuất nhiều hơn với một đơn vị lao động trong một đơn vị thời gian, thì sản lượng quốc gia tất yếu sẽ tăng lên. Lý thuyết về phân công lao động của Adam Smith cũng là xuất phát điểm của phương pháp sản xuất dây chuyền mà người nổi danh nhất sau này là Henry Ford đã thực hiện thành công trong sản xuất xe hơi.

Làm thế nào để mang thịnh vượng đến cho mọi người?

Trở lại hai câu hỏi ở trên: Nếu câu hỏi thứ nhất dẫn đến lý giải về nguồn gốc của phồn vinh, câu hỏi thứ hai dẫn đến kỹ thuật nâng cao phồn vinh quốc gia và tự nó là tiền đề để nâng cao thu nhập giới lao động, thì câu hỏi thứ ba này mới làm sáng tỏ tư tưởng chủ đạo của Adam Smith: phục vụ cho tự do bẩm sinh[19] của con người. Là hậu bối trung thành của John Locke, là bạn thâm giao của David Hume, là thành viên sáng giá của trào lưu khai sáng Scotland, Adam Smith luôn luôn cổ xúy cho một nền tự do toàn diện bao gồm tự do chính trị và tự do kinh tế[20].

Làm thế nào để tối đa hóa nền sản xuất và trao đổi hàng hóa, nhờ thế nâng cao thịnh vượng cho mọi người và cải thiện năng suất lao động? Adam Smith trả lời minh bạch: hãy cho họ quyền tự do kinh tế[21]. Khi bàn về tự do từng con người riêng lẻ trong quan hệ với lợi ích chung của xã hội, Adam Smith đòi hỏi: “Mỗi người, khi họ không vi phạm qui ước luật pháp, đều có quyền tự do tuyệt đối để thực hiện quan tâm và bằng cách riêng của họ, có quyền tuyệt đối sử dụng phương tiện sản xuất và vốn liếng của họ để cạnh tranh với người khác hoặc nhóm người khác[22]”.

Trong suốt tác phẩm Phồn vinh các quốc gia, người đọc tìm thấy hai khái niệm tự do bẩm sinh[23]tự do kinh doanh[24] nhiều hơn 100 lần và hầu như trong mỗi chương đều có lý giải về chúng. Ở đây chúng ta quan tâm trước hết đến quyền tự do kinh doanh cho mọi người. Về phía cung cấp, quyền này bao gồm quyền sản xuất những gì luật pháp không cấm, quyền đem bán sản phẩm đến bất kỳ thị trường nào trong hoặc ngoài nước với giá nào họ muốn, quyền sử dụng tiền bạc tài sản cho bất kỳ mục đích nào và tại đâu v.v… Về phía người tiêu thụ riêng lẻ, đấy là quyền mua bán trao đổi với bất kỳ ai khi sản phẩm làm họ hài lòng, quyền hợp tác qua hợp đồng nào họ mong muốn, quyền đòi hỏi thù lao tương xứng v.v… Vì thế thịnh vượng không chỉ là nâng cao của cải vật chất mà từng người phải được đối xử một cách công bằng và nhân bản[25].

Dù với tư tưởng tốt đẹp như thế, chủ nghĩa tư bản cũng đã trở thành tồi tệ đến độ tàn bạo trong thế kỷ 19. Đời sông xã hội là một bức tranh vô cùng tương phản, một bên là những tập đoàn lớn với mức độ tập trung cao và quyền lực kinh tế mênh mông, bên kia là đông đảo quần chúng nghèo đói, thất nghiệp hàng loạt, lương không đủ sống, điều kiện lao động mất nhân phẩm. Nhưng có phải vì lý thuyết của Adam Smith đã dẫn đến tính trạng đó, hay đấy là sản phẩm của chính sách kinh tế của nhà nước đương thời? Chúng ta sẽ phân tích thêm về vai trò nhà nước trong những chương sau. “Adam Smith ít coi trọng những người được ưu đãi và các thế lực kinh tế. Ông dành nhiều cảm tình cho những công dân bình thường vốn dĩ đã bị lạm dụng và thua thiệt suốt nhiều thế kỷ. Bây giờ họ phải được giải phóng ra khỏi lao động 16-giờ-trong-ngày với đồng lương không đủ sống và một cuộc đời ngắn ngủi[26]”.

Điều thiếu sót của Adam Smith trong tác phẩm Phồn vinh các quốc gia là, mặc dù thấy trước và cảnh báo về hoạt động bất chính của doanh nhân trong hoạt động khống chế thị trường, nhưng ông đã không đưa ra một giải pháp nào để giúp cho nhà nước định hướng chính sách. Và cũng chính thiếu sót này mà chủ nghĩa tư bản tưởng chừng đã sụp đổ trong thập niên 1930. May mắn thay, chính những hậu bối trung thành của Adam Smith đã cứu vãn chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 20 bằng những biện pháp phù hợp về vai trò của nhà nước. Tư tưởng tự do của Adam Smith vẫn còn được ưa chuộng, chủ nghĩa tư bản không rãy chết như nhiều người dự đoán mà vẫn còn sống sót và ngày càng tươi tốt. Tuy nhiên, với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, chưa biết diễn tiến trong thế kỷ 21 sẽ thế nào?

Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức

(Ý chính bài này rút từ tác phẩm “Thần kỳ kinh tế Tây Đức / Giai đoạn 1950-1969 / Lịch sử – Lý thuyết – Chính sách”, nhà xuất bản Tri Thức, tổng phát hành Phương Nam Books, ISBN 978-604-943-812-7).

Tài liệu tham khảo 

  1. Anikin, Andrej
    Vị học giả xứ Scotland
    Der Weise aus Schottland
    ISBN 3-349-00647-7
  2. Skousen, Mark
    Ba nhân vật vĩ đại của kinh tế
    The Big Three in Economics
    ISBN 0-7656-1694-7 hoặc 978-0-7656-1694-4
  3. Smith, Adam
    Phồn vinh các quốc gia – Khảo sát bản chất và nguồn gốc
    An Inquiry into the nature and cause of the wealth of nations
    ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7

Ghi chú

[1] Xem [1] trang 12, A. Anikin. Câu trên trích từ tác phẩm „Lịch sử nền văn minh Anh Quốc“ của sử gia Henry Thomas Buckle (1822-1862).

[2] Xem tài liệu [2] trang 4, M. Skousen

[3] Mercantilism – Merkantilismus

[4] Xem tài liệu [2],  biểu đồ trang 5, M. Skousen

[5] Thuật ngữ tại Anh, Đức và Pháp là Enlightenment Figures – Vordenker der Aufklärung – Les Philosophes des Lumières

[6] Xem tài liệu [2], đồ họa trang 5, M. Skousen

[7] Xem tài liệu [3], Adam Smith

[8] Xem tài liệu [3] trang 275-392, A. Smith

[9] Xem tài liệu [3] trang 276, A. Smith, Sách IV chương I

[10] Xem tài liệu [2] trang 7, M. Skousen

[11] Người gốc Ý nhưng thời đó làm việc cho triều đình Tây Ban Nha

[12] Xem tài liệu [3] trang 374-378, A. Smith, Sách IV chương VIII

[13] Xem tài liệu [3] trang 378, A. Smith, Sách IV chương VIII

[14] Xem tài liệu [3] trang 285, A. Smith, Sách IV chương II

[15] Xem tài liệu [3] trang 68, A. Smith, Sách I chương VIII

[16] Smith quên, hay chưa chú ý vai trò của máy móc vì trong thời đại đó, kỹ thuật sản xuất cực kỳ giản dị. Tự động hóa thì chưa ai biết là gì.

[17] Xem tài liệu [3] trang 18, A. Smith, Sách I chương II

[18] Xem tài liệu[3] trang 12, A. Smith, Sách I chương I

[19] Adam Smith dùng thuật ngữ “natural liberty”

[20] Thực ra thuật ngữ kinh tế chưa xuất hiện ở thời đại đó. Độc giả nên xem thuật ngữ đó trên mặt nội dung để dễ theo dõi.

[21] Xem tài liệu [2] trang 10, M. Skousen

[22] Xem tài liệu [3] trang 391, A. Smith, Sách IV chương IX

[23] “Natural liberty”, có lúc chỉ viết liberty

[24]Freedom of trade”, có lúc chỉ viết freedom

[25] „Common humanity“, có lúc chỉ viết là humanity, chúng ta gặp rất nhiều lần trong sách.

[26] Xem tài liệu [2] trang 7, M. Skousen

 

 

 

 


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s