Trang chủ » Vài nét về chính sách kinh tế TÂY ĐỨC 1945-1950

Vài nét về chính sách kinh tế TÂY ĐỨC 1945-1950

Tháng Sáu 2023
H B T N S B C
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930  

Tìm chuyên mục

Thư viện

Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức

Tóm tắt:

Từ những phê phán các mô hình kinh tế trong lịch sử thế giới, các kinh tế gia Tây Đức đi tìm một đường lối kinh tế mới, sử dụng ưu điểm của kinh tế thị trường, đồng thời ngăn chận từ đầu bạo lực của chủ nghĩa tư bản sơ khai do tình trạng thả lỏng (laissez-faire) tạo ra, mặt khác là ngăn ngừa những hậu quả tai hại của chính sách kinh tế kế hoạch nhà nước, đặc biệt là mô hình xã hội chủ nghĩa. Có thể xem đó là con đường trung dung giữa một bên là chủ nghĩa kinh tế tự do cổ điển với chính sách thả lỏng, bên kia là kinh tế kế hoạch nhà nước với sự can thiệp nặng nề của nhà nước lên quá trình hoạt động kinh tế. Họ đặt tên cho chính sách đó là Kinh tế Thị trường Xã hội. Cuộc thử nghiệm mới này xảy ra khi Tây Đức còn chìm đắm trong nghèo khó, hoang mang và tuyệt vọng. Đấy là một thử nghiệm đầy dũng cảm và cực kỳ khó khăn trong thời hậu chiến. Bài viết sau đây trình bày quá trình hình thành chính sách kinh tế của Tây Đức trong giai đoạn ngắn ngủi 1945-1950, nhưng những nét cơ bản của nó còn ghi đậm lên lịch sử kinh tế nước Đức cả nửa thế kỷ sau.

***

Sự phát triễn thần kỳ của kinh tế Tây Đức sau 1945 gắn liền mật thiết với thuật ngữ Kinh tế Thị trường Xã hội. Vì ngôn từ gần giống nhau, có lẽ cần làm rõ từ đầu là giữa Kinh tế Thị trường Xã hội và Kinh tế Thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” có rất ít điểm chung. Đấy là hai hệ thống kinh tế đối lập nhau như nước và lửa, dựa trên những nguyên lý căn bản khác nhau như ngày và đêm.

Trước hết, Kinh tế Thị trường Xã hội phát sinh từ đâu? Cùng với sự chấm dứt của thế chiến thứ nhất, cộng hoà Weimar được thành lập năm 1919. Khi cuộc thử nghiệm kinh tế của nền cộng hoà này thất bại trong bối cảnh đại khủng hoảng đầu thập niên 1930 và sự phá hoại của chủ nghĩa Quốc xã, các kinh tế gia Đức ra công tìm kiếm con đường phát triển kinh tế hòng đưa đất nước của họ ra khỏi bế tắc. Các kinh tế gia này đa số hoạt động trong các trung tâm nghiên cứu của các đại học Freiburg, Frankfurt và Cologne. Hăng hái và nổi bật nhất trong đó là vòng chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường phái Freiburg (Freiburger Schule – Freiburg School), với nhóm nồng cốt bao gồm kinh tế gia và luật gia tiếng tăm đương thời, đứng đầu là giáo sư kinh tế Walter Eucken. Lý thuyết kinh tế do họ xây dựng có ảnh hưởng rộng trong giới chuyên gia Đức và cả châu Âu trong thập niên 1930. Tiếc thay, Walter Eucken và nhiều thành viên của trường phái Freiburg bị ức chế đàn áp suốt 12 năm Quốc xã, nhiều người thuộc trường phái này phải bỏ nước di dân sang Anh và Mỹ, chỉ vì họ có liên hệ ít nhiều với Do Thái giáo. Mãi sau khi chiến tranh chấm dứt, công trình nghiên cứu của trường phái Freiburg mới được tiếp tục triển khai một cách có hệ thống, nhưng như thế cũng đủ để ghi lại dấu ấn sâu đậm lên chính sách kinh tế hậu chiến Tây Đức. Đến năm 1950 chuyên gia kinh tế thế giới đặt cho hệ thống lý thuyết này tên gọi chính thức là Tự do trong Trật tự (Ordoliberalismus – Ordoliberalism). Cũng có người gọi đấy là phiên bản Đức của chủ nghĩa tân tự do (Neoliberalism). Eucken chết đột ngột tháng 3.1950 trong một chuyến du thuyết tại London. May mắn cho người đời sau là ông đã đúc kết hệ thống lý thuyết này trong một tác phẩm cuối đời có giá trị, xứng đáng làm sách gối đầu giường của mọi kinh tế gia hậu chiến Tây Đức (xem [9], W. Eucken, Những luận đề cơ bản của chính sách kinh tế).

Lý thuyết Tự do trong Trật tự

Tại sao phải Tự do trong Trật tự? Câu trả lời đầy đủ nhất nằm trong 400 trang của tác phẩm nói trên. Trước hết, Eucken và các thành viên của trường phái Freiburg là hậu bối trung thành của Adam Smith, xem kinh tế thị trường là động lực thúc đẩy sự tiến hoá, tạo ra phồn vinh cho quốc gia, bảo đảm tự do con người trong xã hội (xem [22], A. Smith). Dựa trên nền tảng lý thuyết tự do ấy nhưng với nhiều phê phán, mô hình kinh tế Đức sau thế chiến II là một phát hiện khá độc đáo so với những nước láng giềng chung quanh.

Trên địa bàn châu Âu, mọi hình thái kinh tế thời cận đại đều được thử nghiệm với nhiều thành công ban đầu cũng như những thất bại chua cay mà kẻ hứng chịu thường là giới tiêu thụ và thành phần lao động yếu thế. Chính trên vũng lầy của chủ nghĩa tư bản sơ khai tàn bạo mà Karl Marx đã triển khai học thuyết của mình. Những phê phán của ông đã mở đường cho một thời kỳ hưng thịnh của trào lưu nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, vượt ra ngoài tư duy kinh điển đã có từ trước, góp phần khơi dậy ý thức đấu tranh của những thành phần yếu thế trong xã hội. Karl Marx có một câu nổi tiếng được khắc trên bia mộ của ông ở London: “Các triết gia thường cắt nghĩa thế giới một cách khác nhau, nhưng cái chính là làm sao để cải tạo thế giới”. Marx đã làm tốt công việc cắt nghĩa thế giới, hay nói một cách chính xác hơn, Marx nắm bắt đúng hệ lụy xã hội của chủ nghĩa tư bản sơ khai cho đến giữa thế kỷ 19. Tiếc thay, khi đi tìm con đường để cải tạo thế giới, những luận đề mang tính ảo tưởng của Marx đã mê hoặc hàng triệu thanh niên trí thức trong thế kỷ 19 và 20. Thêm vào đó, những hậu duệ trung thành của ông khi sử dụng những luận đề chưa hề được thử nghiệm trong thực tế về chuyên chính vô sản, về đấu tranh giai cấp, về chủ nghĩa xã hội, về công hữu tư liệu sản xuất v.v… đã đưa hàng chục quốc gia vào con đường tụt hậu, đã phát sinh hàng loạt nhà nước độc tài toàn trị, đã gắn liền số phận hàng trăm triệu con người vào nghèo khó và mất tự do. Hậu quả lên các nước thuộc địa càng nghiêm trọng hơn: nơi đó với trình độ văn hóa và khả năng lý luận thấp, từ trí thức đến giới lao động và nông dân, người ta dễ dàng bị mê hoặc bởi một ảo tưởng sáng chói trong tương lai mà ít người dùng lý tính để cân nhắc chọn lựa cho phù hợp với nhu cầu thực tế của dân tộc họ.

Trường phái Freiburg cũng đã thừa hưởng kinh nghiệm này. Họ không phê phán những lý giải của Karl Marx về phương thức sản xuất và những hệ quả xã hội của nó, nhưng họ đi xa hơn Karl Marx và những người xã hội cũng như người cộng sản đương thời về khả năng đưa ra chính sách và phương pháp để cải tạo thế giới. Khi quan sát các hình thái kinh tế trong suốt thời gian dài từ cuối thế kỷ 18, Eucken phê phán những nhược điểm mà các nền kinh tế thế giới đã vấp phải trong suốt thời gian dài hơn một thế kỷ (xem [9] trang 26-149, W. Eucken):

(a) Walter Eucken phê phán chính sách kinh tế tự do thả lỏng (laissez-faire) kéo dài hơn một thế kỷ. Chính sách này đã mở đường cho những tập đoàn kinh tế mạnh tự do cấu kết với nhau để khống chế thị trường. Ngay cả Adam Smith cũng đã tiên đoán từ năm 1776 về những biểu hiện tiêu cực có thể phát sinh: “Những doanh nhân hoạt động cùng ngành ít khi gặp nhau, kể cả lúc gặp nhau chỉ để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, mà lại không đề cập đến những thỏa thuận ngấm ngầm nhằm mục đích chi phối dư luận công cộng, để cuối cùng đưa ra những dự thảo về việc tăng giá hàng” (xem [22] trang 129, A. Smith). Theo thuật ngữ ngày nay, đấy chính là vấn đề liên minh độc quyền mà hậu quả sẽ là tập trung quyền lực kinh tế, dẫn tới việc khống chế giá cả, mang lại thiệt thòi cho giới tiêu thụ, tập đoàn lớn triệt hạ các hãng nhỏ, từ đó thất nghiệp dâng cao, bần cùng hoá thành phần lao động, khủng hoảng theo chu kỳ kinh tế v.v…. Eucken tìm thấy mối liên hệ hữu cơ giữa quyền lực – mất tự do – nghèo đói. Đấy cũng là quá trình hình thành tất yếu của chính sách tự do thả lỏng.

(b) Walter Eucken phê phán chính sách nửa vời không tưởng của cộng hoà Weimar. Khi thế chiến I chấm dứt, nền cộng hòa được thành lập năm 1919 với đảng Dân chủ Xã hội đứng đầu. Về chính trị, họ chủ trương thiết lập nền dân chủ tự do, nhưng mặt khác về kinh tế thì họ chịu ảnh hưởng nặng của lý thuyết Karl Marx trong việc thiết lập chính sách kinh tế. Họ quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp nặng, xã hội hoá các mỏ than địa phương, tăng cường vai trò nhà nước trong kinh tế quốc dân. Eucken cho rằng, những hình thái sở hữu tư liệu sản xuất ấy không sớm thì muộn cũng dẫn đến tập trung quyền lực trong tay một thiểu số, độc quyền tư nhân sẽ trở thành độc quyền nhà nước, người tiêu thụ bị thiệt thòi, giá cả thị trường giả tạo, nền kinh tế một lúc nào đó sẽ mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng. Eucken bắt đầu thành danh trong cộng hòa Weimar và với nguồn tư liệu phong phú do Alexander Rüstow cung cấp (xem [4] trang 16, U. Dathe), Eucken còn phát hiện những hoạt động cấu kết nguy hiểm của các liên minh kinh tế. Điều này càng làm cho Eucken mất hết niềm tin vào tương lai nền kinh tế của cộng hòa Weimar.

(c) Walter Eucken phê phán chính sách kinh tế kế hoạch theo mô hình Liên Xô. Đấy là một mô hình tổng hợp của mọi hình thái quyền lực: quyền lực kinh tế tập trung trong tay nhà nước, quyền lực chính trị tập trung trong tay đảng cầm quyền, hậu quả là mọi quyền lực khác trong xã hội dần dần tập trung trong tay một thiểu số thậm chí một cá nhân. Chế độ toàn trị là hậu quả tất yếu sau đó. Quyền lực, như Walter Eucken và nhất là Franz Böhm quan niệm, là nguồn gốc của bất công và nghèo đói. Trường phái Freiburg đã tiên đoán từ thập niên 1930 rằng, chủ nghĩa xã hội Liên Xô sẽ thất bại về kinh tế, xã hội bất công và có nguy cơ gây chiến tranh với các nước lân cận.

(d) Walter Eucken phê phán chính sách kinh tế tài chánh liều lĩnh của chế độ Quốc xã. Khi Hitler nắm quyền năm 1933, để giải quyết tình trạng thất nghiệp cao đến 20%, Quốc xã đã sử dụng chính sách tín dụng liều lĩnh, đưa ra các biện pháp táo bạo để tạo công ăn việc làm bằng những dự án khổng lồ. Chính sách này một mặt xóa sạch nạn thất nghiệp sau bốn năm và nâng cao uy tín của Quốc xã, nhưng mặt khác nền kinh tế quốc dân không đủ tiềm lực để trang trải các phí tổn khổng lồ cho nên chế độ Quốc xã đứng trước tình trạng kiệt quệ tài chánh. Eucken phán đoán: “Nền kinh tế Đức sau 1933 dựa vào sự bùng nổ tín dụng trên cơ sở giữ vững hối suất ngoại tệ. Hậu quả tất yếu là sự can thiệp của bộ máy quản lý trung ương, tiếp đến là chế độ định giá [giả tạo] và cuối cùng dẫn đến những phương pháp kinh tế điều khiển trung ương” (xem [9] trang 56, W. Eucken). Thực vậy, Quốc xã đã giải quyết sự phá sản bằng biện pháp quyền lực: trong nước thì phát hành công trái cưỡng chế, ép buộc ngân hàng và các tập đoàn bảo hiểm cho nhà nước vay tiền, tịch thu tài sản doanh nhân Do Thái giáo. Bên ngoài thì đi xâm chiếm và cướp đoạt các nước lân cận: sát nhập Áo năm 1938 đã mang về 1,4 tỉ Mác đế chế, chiếm Balan năm 1939 và thiết lập nền bảo hộ tại Tiệp đã giải quyết toàn bộ nhu cầu thực phẩm và nguyên vật liệu. Chiến tranh là phương tiện tất yếu để cứu Quốc xã thoát nạn phá sản.

(e) Không thể không nói đến chủ nghĩa Keynes. Eucken tìm thấy trong lý thuyết này những tư tưởng lỗi lạc. Giống như Keynes, Eucken hoàn toàn tán thành sự can thiệp của nhà nước lên nền kinh tế quốc dân. Nhưng giữa hai người có sự khác nhau rõ rệt về “can thiệp cái gì” và “can thiệp như thế nào”. Chính sách tín dụng, đầu tư và tạo công ăn việc làm của Keynes không làm Eucken hài lòng mà ông xem đó như là những thử nghiệm có tính cách tạm thời, không tạo ra một trật tự kinh tế ổn định lâu dài. Ông viết: “Khi hàng triệu người thất nghiệp không phải vì họ lười biếng thì đó là dấu hiệu rõ ràng rằng quá trình hoạt động kinh tế đã được hướng dẫn sai đường. Mặt khác, sự hiện hữu của tình trạng toàn dụng lao động (Vollbeshäftigung – Full employment) không có nghĩa là lời giải hợp lý cho vấn đề trật tự kinh tế đã được tìm thấy” (xem [9] trang 141, W. Eucken). Các nhà kinh tế gia Quốc xã đã áp dụng lý thuyết Keynes trong các kế hoạch đầu tư và tín dụng. Họ đã xóa bỏ nạn thất nghiệp sau 4 năm, thoát khỏi đại khủng hoảng sớm nhất ở châu Âu và được các nước khác xem như là thần kỳ kinh tế Quốc xã. Nhưng sự bế tắc tài chính kể từ 1938 và chiến tranh cướp đoạt từ 1939 cho phép Eucken nghi ngờ tính hiệu quả của các chính sách kinh tế tài chính nói trên.

Điểm chung của bốn hình thái kinh tế ở trên – trừ Keynes – là sự phát sinh quyền lực (kinh tế hoặc chính trị hoặc cả hai) vào trong tay một thiểu số có quyền lực khống chế số đông còn lại. Tự do con người sẽ mất, công bằng xã hội không thể thiết lập được và nghèo đói là hậu quả tất yếu. Từ những phê phán đó, trường phái Freiburg đi tìm một đường lối kinh tế mới, sử dụng ưu điểm của kinh tế thị trường, đồng thời ngăn chận từ đầu bạo lực của chủ nghĩa tư bản sơ khai do tình trạng thả lỏng tạo ra, mặt khác là ngăn ngừa những hậu quả nguy hiểm của chính sách kinh tế kế hoạch nhà nước, đặc biệt là mô hình xã hội chủ nghĩa. Mục đích tối hậu của trường phái Freiburg không khác lý thuyết của Adam Smith đề ra: bảo đảm tự do cho từng con người trong xã hội. Nhân tố mới trong đường lối kinh tế theo trường phái Freiburg nằm ở chỗ nó tạo ra một trật tự xã hội mang tính đạo đức như nhận xét của giáo sư Viktor J. Vanberg (xem [25] trang 2), trong đó những thành viên yếu thế nhất của nền kinh tế, kể cả những con người tiêu thụ riêng lẻ cũng được bảo đảm sự tự do chọn lựa hành động cho mình mà không sợ bị ai chèn ép. Lý thuyết Tự do trong Trật tự xuất phát từ đó mà ra.

Vậy thì đâu là tư tưởng chủ đạo của Tự do trong Trật tự? Nếu đã chống lại nền tự do thả lỏng, thì có phải trường phái Freiburg chấp nhận một hình thức áp đặt nào đó lên cơ chế thị trường? Đúng vậy! Nhưng không phải là sự áp đặt do quyền lực nhà nước, cũng không phải sự áp đặt từ những kế hoạch kinh tế của cấp trên, mà là sự áp đặt do vòng cương tỏa của hệ thống luật pháp trong một thể chế dân chủ pháp quyền, trong đó nhà nước chỉ là kẻ thừa hành biết sử dụng quyền lực để bảo đảm cho hệ thống luật pháp hoạt động một cách hữu hiệu. Eucken tổng kết một câu ngắn: “Hoạt động của nhà nước khi đưa ra chính sách kinh tế phải hướng tới việc phác thảo những khung trật tự kinh tế, chứ không phải ảnh hưởng lên quá trình hoạt động kinh tế” (xem [9], W. Eucken). Những người theo chủ thuyết Tự do trong Trật tự có hoạt động chủ yếu là xây dựng một khung trật tự để thúc đẩy phát triển và xử lý những tiêu cực do quá trình hoạt động kinh tế phát sinh, mà không cần sử dụng quyền lực nhà nước.

Khung hoạt động kinh tế mà trường phái Freiburg đề nghị là hệ thống luật pháp làm nền tảng cho mọi hoạt động của các thành viên kinh tế, kể cả quyền lực nhà nước cũng phải nằm trong vòng kiểm soát của luật pháp. Cũng không phải vô tình mà nhân vật thứ hai của trường phái Freiburg, Franz Böhm, là luật gia tiếng tăm đương thời. Sau 1945 ông đã đấu tranh không mệt mỏi suốt hơn thập niên để đưa ra những đạo luật khắt khe có khả năng ngăn chận liên minh độc quyền, một hình thái tiêu biểu của nền kinh tế tư bản sơ khai, bổ sung bằng những đạo luật về cấu trúc kinh tế, tạo được thỏa hiệp tự nguyện giữa tư bản và lao động, giữa nhà sản xuất và giới tiêu thụ mà không cần đến những biện pháp quyền lực của nhà nước. Bộ luật cũng được bổ sung thêm bằng những đạo luật xã hội, thuế khoá và phân phối lợi tức để tạo ra phồn vinh cho mọi người (Wohlstand für alle – Wealth for all), kể cả những người không kiếm được công ăn việc làm và người hưu trí (có thể gọi đây là nhà nước phúc lợi hay không? Có lẽ là không, nhưng những nhân tố xã hội từ chính sách này đã được các nước Bắc Âu đặc biệt lưu ý áp dụng). Khi khung trật tự kinh tế được thiết lập một cách hợp lý và vững chắc, thì quá trình hoạt động kinh tế là khu vực hoàn toàn tự do của các thành viên kinh tế, mà không sợ xã hội rơi vào hình thái tư bản sơ khai và tàn bạo trong quá khứ.

Để tìm hiểu một cách đầy đủ kinh tế hậu chiến Tây Đức, ngoài việc nghiên cứu lý thuyết và các chính sách kinh tế, việc theo dõi bộ luật kinh tế xã hội Đức ban hành sau 1949 là điều rất cần thiết. Trang mạng [27] của Bộ Công lý CHLB Đức sưu tập khá đầy đủ và cập nhật thường xuyên các văn kiện gốc của những bộ luật này.

Những luận đề cơ bản

Đâu là trung tâm điểm của lý thuyết Tư do trong Trật tự? Walter Eucken đã tổng kết lại hệ thống tư tưởng trường phái Freiburg trong tác phẩm cuối đời của ông (xem [9] trang 241-324). Thật khó để trình bày ngắn gọn trong khuôn khổ này, cho nên chúng tôi tạm khái quát hóa các luận đề của trường phái Freiburg bằng đồ hoạ sau đây:

Trung tâm điểm của hệ thống lý thuyết này nằm trong 11 nguyên tắc cơ bản được chia làm hai nhóm: nhóm nguyên tắc có tính chất kiến tạo (Konstituierende Prinzipien – Constitutive principles) ở tầng 1 + 2, và nhóm nguyên tắc có tính chất điều phối (Regulierende Prinzipien – Regulatory principles) ở tầng 3.

  1. Nền tảng để kinh tế thị trường hoạt động là hệ thống giá cả lành mạnh ở tầng (1). Đấy là loại giá cả phát sinh hoàn toàn tự nhiên từ sự cân bằng giữa cung và cầu, không bị ảnh hưởng bởi một biện pháp thao túng nào. Không có độc quyền giá cả của nhà sản xuất, không có thao túng giá cả do độc quyền tiêu thụ, cũng không có chế độ định giá của nhà nước.
  1. Sáu nguyên tắc kiến tạo ở tầng (2) là những bộ phận quan trọng nhất có khả năng tác động vào nguyên lý về giá cả lành mạnh. Ở đây quyền tư hữu tư liệu sản xuất đóng vai trò then chốt. Trường phái Freiburg không tán thành việc chuyển giao quyền sở hữu TLSX vào trong tay nhà nước. Họ cũng bác bỏ quyền sở hữu TLSX toàn dân hoặc tập thể. Tất cả các hình thức sở hữu đó đều dễ dàng dẫn đến tập trung quyền lực. Suốt cuộc đời của luật gia Franz Böhm, ông tự đặt cho mình nhiệm vụ hàng đầu là dùng luật pháp để hạn chế quyền lực kinh tế cũng như quyền lực chính trị trong tay một người, hoặc một nhóm người để phân phối cho càng nhiều người càng tốt. Franz Böhm cho rằng, chỉ khi nào quyền lực được chia đều cho mọi người dân, ngày đó tự do con người mới được bảo đảm và công bằng xã hội mới hy vọng được thiết lập. Vậy thì, quyền sở hữu TLSX ở đây cần được hiểu là quyền sở hữu TLSX của tư nhân. (Trở lại câu hỏi ở trên về định hướng xã hội chủ nghĩa: Đến đây thì chúng ta cũng đã thấy sự mâu thuẩn về mặt nguyên lý của các vấn đề cốt lõi liên quan đến tư hữu TLSX trong Kinh tế Thị trường Xã hội và chế độ công hữu về TLSX theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”).
  1. Bốn nguyên tắc ở tầng (3) có tính chất điều phối, có vai trò ngăn ngừa và xử lý các “sự cố” có thể xảy ra khi các thành viên kinh tế không hoạt động theo luật chơi của thị trường. Các nguyên tắc này có vai trò bảo đảm an ninh xã hội hơn là vai trò trực tiếp thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng nếu không có nó, nền kinh tế cũng dễ dàng rơi vào tình trạng mất cân bằng, từ đó có thể phát sinh khủng hoảng kinh tế. Nguyên tắc hạn chế độc quyền liên minh là nguyên tắc chủ đạo trong tầng (3).

Hình thành chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội

Khi chiến tranh chấm dứt, nước Đức rơi vào tình trạng mất chủ quyền toàn diện. Không chính phủ, không quân đội, không cảnh sát, toà án do các nước đồng minh thiết lập. Về mặt kinh tế, các nước chiếm đóng thi hành chính sách cưỡng chế rất khe khắt, tháo gỡ cơ sở công nghiệp mang về nước theo quyết định tại Potsdam về bồi thường chiến tranh, công nghiệp thì sản xuất theo ý muốn của các chính quyền chiếm đóng để giao nộp sản phẩm theo chương trình bồi thường. Điều tai hại nhất là chính sách cưỡng chế đó đã phá hủy mọi cơ chế hoạt động của nền kinh tế thị trường. Hậu quả là kinh tế kiệt quệ, nạn đói kéo dài ba năm. Mãi đến lúc chiến tranh lạnh bắt đầu và sau bài diễn văn của Georges C. Marshall tháng 6.1947, chính sách chiếm đóng của Hoa Kỳ và Anh mới bắt đầu nới lỏng. Sau cuộc cải tổ tiền tệ tháng 6.1948 và khi chương trình Marshall bắt đầu khởi động cuối năm 1948, chuyên gia kinh tế Đức mới được trao trả một ít quyền hành, dù chỉ với vai trò cố vấn và quản lý hành chánh. Trong thực tế, mọi cuộc cải tổ kinh tế và xã hội đều bị kìm hãm bởi các chính quyền chiếm đóng. Cải tổ chỉ thực sự bắt đầu từ lúc Cộng hoà Liên bang Đức thành lập năm 1949, cho dù nền cộng hòa mới khai sinh chỉ có một chủ quyền hạn chế.

Mặc dù bị kiềm chế mọi mặt, chuyên gia Đức vẫn hăng say nghiên cứu tìm đường lối phát triển. Họ tin rằng, họ có thể dùng tri thức để thuyết phục các chính quyền chiếm đóng làm theo đường lối họ đưa ra, và tình trạng mất chủ quyền một lúc nào đó sẽ chấm dứt. Thật là thú vị để theo dõi cuộc đấu tranh quyết liệt giữa người Đức với nhau chung quanh phương hướng phát triển kinh tế, từ chính sách kinh tế kế hoạch, đến chính sách kế hoạch từng phần, đến chính sách kinh tế tự do (lúc ấy còn là thiểu số). Trong khuôn khổ hạn chế này, chúng tôi chỉ xin trình bày những gì liên quan đến chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội, một chính sách được phát triển và còn tồn tại đến ngày hôm nay, đã đưa nước Đức vượt qua các nước khác ở châu Âu.

Có thể nói rằng, cơ sở lý thuyết và những bước đi cụ thể của chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội đã được chuẩn bị chu đáo trong vòng 5 năm hậu chiến, chỉ cần đợi đến lúc giành lại chủ quyền là họ bắt tay thực hiện. Nơi đây qui tụ những tài năng ngoại hạng của giới nghiên cứu kinh tế thuộc xu hướng tự do: Walter Eucken, Franz Böhm, Hans Grossmann-Dörth, Wilhelm Röpke, Alexander Rüstow, Alfred Müller-Armack và tất nhiên không thể thiếu nhân vật huyền thoại của kinh tế hậu chiến Tây Đức: đó là tiến sĩ kinh tế Ludwig Erhard, bộ trưởng kinh tế suốt 15 năm và sau đó được bầu làm Thủ tướng. Người có công triển khai lý thuyết Tự do trong Trật tự để áp dụng vào tình hình thực tế, biến lý thuyết thành chính sách kinh tế hậu chiến là giáo sư Alfred Müller-Armack. Là kinh tế gia, cũng là nhà xã hội học đồng thời có kinh nghiệm thực tiễn về quản lý nhà nước, ông phác họa một hệ thống kinh tế nhằm đạt được ba mục đích lớn:

  1. Phục vụ tự do con người, một nền tự do toàn diện nhưng không bừa bãi, bao trùm trên mọi lãnh vực chính trị, văn hoá và kinh tế.
  1. Bảo đảm công bằng và an ninh xã hội, trong đó mọi người có quyền hưởng một cách tương xứng những gì họ đã tạo ra qua lao động và có quyền thụ hưởng một mức sống đầy đủ cho gia đình. Dù trong hoàn cảnh nào, nhà nước phải bảo đảm cho tất cả mọi người một cuộc sống đầy đủ nhân phẩm. Ý tưởng này Müller-Armach đã có từ đầu thập niên 1940, nhưng trong bối cảnh điêu tàn và tuyệt vọng của những năm hậu chiến ông đưa nhân tố này thành đậm nét hơn trong chính sách.
  1. Hoà hợp bốn trào lưu xã hội đương thời: giáo dục xã hội của Thiên Chúa giáo, đạo đức dấn thân xã hội của Tin lành, tinh thần xã hội của phong trào xã hội chủ nghĩa và cuối cùng là tư tưởng xã hội tự do của phong trào chính trị cấp tiến. Đứng trước những mâu thuẩn nội bộ của thời hậu chiến, Müller-Armack cho rằng hòa hợp các xu hướng xã hội là giải pháp duy nhất để đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng. Mọi chính sách phải nhắm tới sự thỏa hiệp đó.

Trên tinh thần tán thành lý thuyết Tự do trong Trật tự, Müller-Armack vẫn chưa tìm thấy trong đó một công cụ hữu hiệu để bảo đảm công bằng xã hội, cho nên ông bổ sung thêm nhiều nhân tố xã hội để phác thảo một loạt các chính sách mà ông tổng kết trong tác phẩm nổi tiếng năm 1947 Điều khiển kinh tế và Kinh tế Thị trường (xem [16], A. Müller-Armack). Đây là lần đầu tiên thuật ngữ Kinh tế Thị trường Xã hội xuất hiện chính thức và thuật ngữ đó đã trở thành khẩu hiệu chính trị của đảng cầm quyền CHLB Đức trong suốt hai thập niên sau. Nhân tố xã hội rất mạnh đã làm cho chính sách kinh tế thị trường do Müller-Armack phác thảo trở thành “công cụ kỹ thuật mà xã hội có thể dùng để tạo ra phồn vinh, chứ không làm cho bản thân nó thành một xã hội ‘hàng hóa’. Cần sử dụng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách ‘xã hội’ để làm cho nó mang tính đạo đức” (xem [25] trang 2, V. J. Vanberg).

Trong tác phẩm nói trên, Müller-Armack đã phát thảo một chính sách kinh tế toàn diện khả dĩ áp dụng được trong thời hậu chiến. Bên cạnh những biện pháp thực hiện, những chính sách lớn được đưa ra là: chính sách khuyến khích cạnh tranh, hạn chế độc quyền, chính sách giá cả, chính sách về cấu trúc kinh tế, chính sách xã hội, chính sách lao động, chính sách xây dựng chung cư, chính sách cấu trúc xí nghiệp, chính sách ngoại thương, chính sách tiền tệ, tín dụng và chu kỳ kinh tế v.v… Với những chính sách kinh tế mang tính thuyết phục đó, Konrad Adenauer và Ludwig Erhard đã dùng Kinh tế Thị trường Xã hội làm cương lĩnh hành động và khẩu hiệu chính trị trong các cuộc bầu cử tự do kể từ năm 1949. Cũng không phải là quá đáng khi nói rằng khẩu hiệu chính trị đó đã góp phần giúp cho đảng Dân chủ Cơ Đốc thắng cử liên tục suốt 5 nhiệm kỳ.

Trên nền tảng do Müller-Armack phác thảo, các nhà làm luật mà hăng hái nhất là Franz Böhm đã dự thảo cho quốc hội ban hành một loạt đạo luật quan trọng để làm khung trật tự, tạo điều kiện cho nền kinh tế tự nó vận hành, một mặt thúc đẩy sản xuất phát triển, mặt khác tạo được một thỏa hiệp tự nguyện giữa các thành viên kinh tế (tư bản và lao động, nhà sản xuất và giới tiêu thụ) và lợi tức quốc gia được phân phối tương đối hợp lý, bảo đảm cho mỗi người dân một cuộc sống có đầy đủ nhân phẩm. Một số đạo luật quan trọng trong thập niên 1950 và vẫn còn có giá trị cho đến hôm nay có thể kể như: Luật chống hạn chế cạnh tranh, liên minh độc quyền, luật hiến pháp xí nghiệp, luật thoả ước qua thương lượng tập thể, luật bảo hộ lao động, luật cải tổ hưu bổng. Nếu quan sát tình hình kinh tế CHLB Đức suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua, chúng ta cũng nhận thấy là trong những lần khủng hoảng tài chánh thế giới, Đức không tránh khỏi ảnh hưởng trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhưng chưa bao giờ họ rơi vào tình trạng khủng hoảng điêu đứng. Điều này họ đạt được cũng nhờ khung luật pháp kinh tế và tài chánh đã được thiết kế từ thập niên 1950, và cũng chưa bao giờ Đức bị đổ vỡ bất động sản (Immobilienblase – Real estate bubble), điều đó cũng nhờ những đạo luật xây dựng chung cư xã hội thời hậu chiến còn để lại hiệu ứng cho đến bây giờ.

Xin ghi chú thêm: Đi kèm với phồn vinh quốc gia được nâng cao, chính sách chung cư xã hội tiếc thay đã bị chấm dứt vào cuối thế kỷ 20, tỉ lệ chung cư xã hội trong thị trường bất động sản ngày càng giảm và giá nhà cũng tăng lên rõ rệt kể từ thập niên 2010.

Những tính chất chủ yếu

Thật khó để trình bày một cách đầy đủ một chính sách kinh tế lớn trong vài trang ngắn ngủi ở trên, cho nên chúng tôi xin tạm ngưng ở đây và ghi nhận lại vài tính chất quan trọng của nền Kinh tế Thị trường Xã hội. Có bốn tính chất quan trọng:

  1. Đó là nền kinh tế tự do, trong đó quá trình hoạt động kinh tế tuân theo những qui luật tự nhiên của thị trường. Cơ chế hoạt động thế nào chắc ai trong chúng ta cũng đã rõ, có lẽ khỏi cần thuyết minh thêm.
  1. Nhưng tự do đó không phải là tự do bừa bãi như chủ nghĩa tư bản sơ khai, mà nền tự do này bị ràng buộc và kiểm soát một cách có ý thức. Nó không bị khống chế do nhà nước hay một quyền lực kinh tế nào khác, mà bị ràng buộc bởi một khung trật tự kinh tế, do luật pháp qui định trong một thể chế dân chủ pháp quyền có bầu cử tự do.
  1. Tinh thần quán xuyến trong các bộ luật lâu dài cũng như trong các chính sách ngắn hạn nhằm giải quyết các vấn đề cấp thời là tinh thần tạo ra thỏa hiệp tự nguyện giữa các thành viên: giữa tư bản và lao động, giữa nhà sản xuất và giới tiêu thụ, giữa ba thế hệ hưu trí – lao động – trẻ con, giữa các giai cấp giàu nghèo, giữa may mắn và thiệt thòi v.v… Khi có mâu thuẩn, thì chủ yếu là cơ quan trọng tài trung lập (Schlichter – Arbitrator) đứng ra hòa giải thay vì nhà nước xử lý.
  1. Thành quả kinh tế và phồn vinh quốc gia phải được phân phối một cách hợp lý, qua đó mỗi người trong xã hội có quyền hưởng sự phồn vinh chung, kể cả những người không có công ăn việc làm cũng thụ hưởng một cuộc sống đầy đủ như mọi người trung bình trong xã hội (chính sách giáo dục miễn phí từ cấp một cho đến khi xong đại học và trợ cấp bắt buộc cho sinh viên nghèo đã có từ đầu cũng nằm trong tư tưởng đó, tạo cơ hội vươn lên cho mọi người không phân biệt giai cấp).

Như vậy, đâu có nhất thiết phải là quốc gia đã phát triển mới áp dụng được chính sách độc đáo này? Nước nào cũng có thể tham khảo và đem áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh riêng. Việt Nam năm 1975 với những điều kiện xã hội giống Đức năm 1945 lại càng có thể áp dụng thành công chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội. Vấn đề là Việt Nam cần nhận thức được những khác biệt về nguyên lý giữa hai hệ thống kinh tế: một bên là kinh tế thị trường xã hội bên kia là định hướng xã hội chủ nghĩa, một bên luôn tăng cường tư hữu TLSX, bên kia tìm cách tiến đến công hữu TLSX, một bên là kinh tế tư nhân chiếm tuyệt đại đa số, bên kia là kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo, một bên là dân chủ pháp quyền, bên kia là quyền lực tập trung. Giải quyết những khác biệt có tính nguyên lý đó, Việt Nam có nhiều khả năng tìm thấy từ chính sách Kinh tế Thị trường Xã hội của Đức những bài học hay để xác lập một nền kinh tế đặc biệt Việt Nam. Không giải quyết được nó, Việt Nam có nguy cơ rơi vào mâu thuẩn nội tại giữa một bên là ý muốn chủ quan, bên kia là đòi hỏi tự nhiên của thị trường. Hậu quả là kinh tế bị kìm hãm, đất nước có thể tụt hậu trong lúc thế giới vẫn không ngừng canh tân.

Nếu Karl Marx đã phê phán để triệt hạ chủ nghĩa tư bản, thì Walter Eucken và Alfred Müller-Armack phê phán chủ nghĩa tư bản (với chính sách thả lỏng) để cứu vãn nó và xây dựng nên một mô hình kinh tế thị trường mang tính đạo đức xã hội được thử nghiệm lần đầu rất thành công. Nếu John M. Keynes phê phán Adam Smith khi đưa ra học thuyết về tín dụng, tiền tệ và ông đã có ảnh hưởng rộng khắp trên thế giới, thì Walter Eucken đã có công xây dựng một học thuyết riêng mang tính đặc thù phù hợp với dân tộc Đức trong thời hậu chiến, dựa vào nền tảng đó Alfred Müller-Armack triển khai chính sách rất sáng tạo: dùng tiết kiệm, đầu tư, thỏa hiệp tự nguyện và khung luật pháp để điều tiết kinh tế.

Ở đây chúng ta có thể đặt câu hỏi: chính sách dùng tiết kiệm, đầu tư và thỏa hiệp tự nguyện để phát triển là một xác tín bất di dịch của kinh tế gia Đức, hay là trong hoàn cảnh lịch sử hậu chiến họ không có chọn lựa nào khác? Cả hai phán đoán đó đều đúng. Tiết kiệm, thỏa hiệp và phục tùng luật pháp vốn là những bản năng đặc biệt của dân tộc Đức đã có từ những thế kỷ trước. Mặt khác, khi mọi quyết định về ngoại thương, tìền tệ và tín dụng đếu nằm trong tay các chính quyền chiếm đóng, kinh tế gia Đức cũng không thể chọn con đường “tín dụng và tiền tệ” mà Keynes đã vạch ra, mặc dù người Đức vốn có một cảm tình đặc biệt đối với Keynes: Ông là thành viên đại biểu của Anh trong phái đoàn hoà đàm Versailles năm 1919, và cũng chính ông đã kịch liệt phê phán những đòi hỏi khe khắt về bồi thường chiến tranh mà đồng minh áp đặt lên nước Đức sau thế chiến thứ I. Kinh tế gia Đức cũng rất thán phục những tư tưởng lỗi lạc của Keynes, nhưng trong bối cảnh hoang tàn của xã hội hậu chiến, họ tự phác thảo những chính sách theo xác tín riêng phù hợp với dân tộc họ. Đó cũng là những chính sách khả thi trong hoàn cảnh chủ quyền bị hạn chế thời hậu chiến.

Thật là bất ngờ khi chính sách “không giống ai” đó đã mang lại phồn vinh cho nước Đức trong một thời gian kéo dài nhiều thập niên. Tiếc thay, nhiều quốc gia có hoàn cảnh tương tự không nghiêm túc nghiên cứu chính sách của Đức để giải quyết khó khăn kinh tế trong những thập niên qua. Biết đâu tình trạng khủng hoảng nợ công tại một số nước Nam Âu đầu thế kỷ 21 có thể tránh được từ đầu? Một phần lý do có thể là trong những cuộc bầu cử tự do, chính sách dùng nợ công để chi tiêu hòng kích thích tiêu thụ dễ dàng nhận được phiếu bầu hơn là chính sách thắt lưng buộc bụng? Cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu cho thấy là tiết kiệm và đầu tư có thể mang lại kết quả tốt (trường hợp Portugal và Ireland), nhưng nếu chính sách thắt lưng buộc bụng không nhanh chóng đưa đến thành công (thí dụ Hy Lạp) thì chính phủ sẽ bị cử tri trừng phạt đích đáng.

Vài sự kiện kinh tế hậu chiến

Đến đây chúng ta tạm dừng những vấn đề lý thuyết để phân tích sơ bộ tinh hình kinh tế 5 năm hậu chiến ở Tây Đức. Trong thời gian đó có bốn sự kiện lớn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế:

  1. Cuộc cải tổ tiền tệ tháng 6.1948 đã kịp thời cứu vãn tình hình tài chánh và nhờ thế thúc đẩy sản xuất đi lên. Hoa Kỳ là nước đầu tiên đề xuất và từng bước thuyết phục Anh và Pháp cùng hợp tác thực hiện. Người tố chức chiến dịch đổi tiền đến mức hoàn hảo này là Thống đốc Lucius D. Clay và cố vấn Edward A. Tenenbaum. Nhưng cải tổ tiền tệ không chỉ là đổi tiền cũ thành tiến mới. Chính quyền chiếm đóng không đưa ra biện pháp đi kèm để kích thích sản xuất cho nên Ludwig Erhard đã khẩn trương thuyết phục Hội đồng Kinh tế Liên vùng Bizone thông qua đạo luật về “chế độ phân phối và chính sách giá cả sau cuộc cải tổ tiền tệ” sau một buổi họp kéo dài 20 giờ. Thêm hai ngày dằn co quyết liệt với chính quyền chiếm đóng, đạo luật này được chuẩn y và ban hành đã làm cho nền kinh tế đạt được bước nhảy vọt chỉ sau 6 tháng. Có thể nói đây là mốc đầu tiên khởi động cuộc cải cách kinh tế có một không hai trong lịch sử Đức. Ludwig Erhard đã sử dụng đạo luật nói trên để đưa ra các biện pháp đi ngược lại ý muốn của chính quyền chiếm đóng, nhưng nhờ thế ông đã thiết lập một cách vững chắc tình trạng giá cả lành mạnh trên cơ sở tự do cạnh tranh, làm nền tảng cho mọi hoạt động kinh tế có thể vận hành theo nguyên lý Tự do trong Trật tự.
  1. Chương trình Marshall đã đi vào lịch sử châu Âu như một huyền thoại. Bộ trưởng Anh Ernest Bevin nhận xét: “Chương trình Marshalllà một trong những chương trình hậu chiến lớn nhất trong lịch sử thế giới” (xem [24] trang 903, W. Treue). Riêng đối với Tây Đức thì chương trình này có tác dụng trên nhiều phương diện. Về vật chất, chương trình có trị giá tổng cộng cho châu Âu là 14 tỉ đô la trong 5 năm, tức bình quân 3 tỉ mỗi năm tương đương 1% GDP Hoa Kỳ. Tây Đức hưởng 10% tổng giá trị, tức 1,4 tỉ đô la (tương đương với 13-14 tỉ theo thời giá hiện nay – xem ghi chú ở cuối bài). Đấy là một con số rất lớn, nhưng nếu so sánh với các phí tổn mà Đức phải trả, bao gồm phí tổn chiếm đóng trả cho các nước đồng minh (4,5 tỉ DM mỗi năm – xem [8] trang 32, W. Eschenhagen), thêm trị giá bồi thường chiến tranh (5 tỉ DM cho đến 1950), cơ sở công nghiệp bị tháo gỡ, tài sản ngoại quốc bị tịch thu (5-8 tỉ DM – xem Spiegel 6.6.1951 trang 16-17), trị giá bằng sáng chế bị tịch thu (rất lớn, không định được giá trị) v.v… thì số lượng hổ trợ vật chất của chương trình Marshall cho Tây Đức là không đáng kể để phát triển công nghiệp mà chủ yếu để góp phần xoa dịu tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu.Tuy nhiên hiệu ứng chính trị thì rất lớn và không đo lường được. Sử gia Pötzsch, chủ tịch trung tâm giáo dục chính trị liên bang nhận xét: „Đối với dân tộc Đức đã bị tẩy chay, chương trình Marshall là một giấy mời trở lại tham gia vào cộng đồng các quốc gia. Nó đưa Tây Đức trở về hệ thống hợp tác quốc tế và thâm nhập vào thị trường thế giới. Chương trình Marshall đã tạo nên bước khởi đầu cho CHLB Đức trên đường hòa nhập vào phương Tây. Lịch sử thành công của CHLB Đức cũng bắt đầu bằng chương trình này” (xem [19] trang 54-55, H. Pötzsch).Nói một cách tóm tắt, chương trình này không có giá trị cao về vật chất đối với Tây Đức nhưng đã gián tiếp thúc đẩy sự thay đổi chính sách chiếm đóng từ phía Anh và Pháp, tăng tốc quá trình trao trả độc lập, sớm chấm dứt việc tháo gỡ cơ sở công nghiệp và bồi thường chiến tranh, nó giúp cho dân tộc Đức lấy lại tự trọng và niềm tin đã mất, nó thừa nhận Tây Đức là thành viên của các nước văn minh, nó còn tạo nên sự tin cậy của thế giới vào sản phẩm Đức. Trong bối cảnh chính trị thuận lợi đó, chính phủ CHLB Đức đã nhanh chóng nắm lấy thời cơ mới, thúc đẩy xuất khẩu đạt tăng trưởng nhanh chóng sau 1950, làm động cơ cho nền kinh tế phát triển mạnh.Ở đây có thể mở một dấu ngoặc: Thống kê bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy là trong 5 năm chiến tranh ác liệt 1940-1944, tổng sản lượng (GDP) của Hoa Kỳ tăng lên 2,2 lần, tức bình quân 20% mỗi năm. Khi chiến tranh chấm dứt 1945, tăng trưởng chỉ còn 2% và năm 1946 là 0% (xem bảng thống kê bên dưới). Các chiến lược gia kinh tế nhận thức rằng viện trợ sang châu Âu bằng hàng hóa mua từ Hoa Kỳ cũng là phương pháp kích thích tăng trưởng sản xuất nội địa, và khi châu Âu phát triển thì đó sẽ là một thị trường tiêu thụ rất lớn cho công nghiệp Hoa Kỳ. Chương trình Marshall ra đời trong bối cảnh đó. Thực vậy, Hoa Kỳ đạt tăng trưởng 50% sau 5 năm thực hiện chương trình từ 1947-1952. Với một lượng tư bản đầu tư cho chương trình viện trợ tương đương 5% GDP để đạt mức tăng trưởng 50%, Hoa Kỳ đã thành công trong chính sách thúc đẩy kinh tế nội địa đồng thời viện trợ rất hiệu quả cho các nền kinh tế Tây Âu. Nước nào nhìn đúng vấn đề như thế thì sử dụng một cách có hiệu quả nguồn viện trợ Marshall cho kế hoạch phát triển riêng của họ mà không bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ, một quan hệ song phương hai bên cùng có lợi.

Tổng sản lượng quốc dân Hoa Kỳ 1940-1953
(Đơn vỉ: Tỉ US$)

Năm GDP Tăng  
1940 101,2
1941 126,7 25,5 25%
1942 161,6 34,9 27%
1943 198,3 36,7 23%
1944 219,7 21,4 11%
1945 223,2 3,5 2%
1946 222,6 -0,6 0%
1947 244,6 22,0 10%
1948 269,7 25,1 10%
1949 267,8 -1,9 0%
1950 294,6 26,8 10%
1951 339,7 45,1 15%
1952 358,6 18,9 5%
1953 397,7 21,0 6%

Nguồn: Số liệu từ Survey of Current Business August 1997, trang 148,
(Mức tăng trưởng và tỉ lệ tăng trưởng do tác giả thêm vào)

Từ góc nhìn kinh tế, có thể xem chương trình Marshall là một trong những dự án quan trọng của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân. Cơ sở lý thuyết của nó là học thuyết lấy nợ công và chấp nhận thâm hụt tài chính để trang trải các chi tiêu nhà nước hòng kích thích tiêu thụ và nâng cao sản xuất, một học thuyết đã được Keynes quãng bá từ thập niên 1930. Kết quả đạt được không ngờ lại mang tầm vóc thế kỷ, vượt xa mọi dự tính ban đầu. Không những Hoa Kỳ mà cả lục địa Tây Âu, trong đó có Tây Đức, đã hưởng lợi rất nhiều từ chương trình Marshall.

  1. Cuộc cải cách kinh tế: Trong nhiệm kỳ đầu tiên (1949-1953), chính phủ CHLB Đức giành hết tiềm lực để giải quyết những vấn đề cấp thời sau chiến tranh: tái định cư 8 triệu người bị trục xuất từ các nước Đông Âu hoặc di tản từ Đông Đức, giải quyết nhu cầu gia cư cho một nửa dân số, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người thất nghiệp và hàng loạt các vấn đề về nhu yếu phẩm. Măc dù thế họ vẫn quyết tâm tiến hành cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng, một mặt hổ trợ các xí nghiệp nâng cao sản xuất và tăng cường đầu tư, mặt khác tạo ra khung trật tự vững chắc cho nền Kinh tế Thị trường Xã hội vừa mới bắt đầu thử nghiệm. Quốc vụ khanh Otto Schlecht nhận xét sau này rằng khung trật tự đó “thay thế tình trạng phân cực đã có giữa tư bản và lao động bằng sự hợp tác đầy hiểu biết và tinh thần sẵn sàng thỏa hiệp giữa các thành viên cũng như thiết lập khả năng tham gia của người làm công vào quá trình quyết định cho nền kinh tế” (xem [20] trang 27-28, O. Schlecht).Nói tóm tại, cuộc cải tổ kinh tế hậu chiến được định hướng bằng tư tưởng chủ đạo: Không nên ảnh hưởng quá trình hoạt động kinh tế bằng biện pháp quyền lực của nhà nước, mà phải tạo lập một khung trật tự, qua đó hình thành những thỏa hiệp tự nguyện giữa các thành viên kinh tế.Nhờ tư tưởng chủ đạo đó mà họ đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách thời hậu chiến. Một vài thí dụ điển hình: (a) Nạn vật giá leo thang năm 1949 được giải quyết trong vòng 6 tháng bằng chương trình cho mọi người (Jedermann-Program, Program for everyone): đấy là thỏa hiệp tự nguyện giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng mà chính phủ thay mặt thương lượng để thị trường có đầy đủ hàng hóa với mức giá hợp lý. (b) Giá thuê nhà tăng vọt sau chiến tranh được giải quyết nhanh chóng bằng đạo luật xây dựng chung cư xã hội sau 1949: đấy là thỏa hiệp tự nguyện giữa nhà đầu tư và người đi thuê mà chính phủ thay mặt làm đối tác. Cũng nhờ đạo luật này mà giá thuê nhà ổn định, qua đó giá nhà mua bán cũng gián tiếp được điều phối một cách tự nhiên và hợp lý, nhờ thế ngăn chận việc đẩy giá nhà lên cao, thường là nguyên do chủ yếu của đổ vỡ thị trường bất động sản sau một thời gian. (c) Tranh chấp chủ thợ được giải quyết ôn hoà nhờ đạo luật thỏa thuận qua thương lượng tập thể (Tarifvertragsgesetz – Collective Bargaining Agreement Act): đấy là thỏa hiệp tự nguyện giữa tư bản và lao động của những người cùng ngành. Tranh chấp đình công thường chấm dứt bằng một thỏa hiệp hai bên đều hài lòng, thay vì triệt hạ nhau như chúng ta đã thấy ở Anh thời Margaret Thatcher hoặc ở Pháp và Ý trong vòng 30 năm trở lại.Tinh thần thỏa hiệp tự nguyện ấy cũng xuyên suốt các đạo luật kinh tế và xã hội quan trọng, không những giải quyết các yêu cầu trước mắt mà còn đặt nền tảng vững chắc cho nền kinh tế vài chục năm sau, thí dụ đạo luật hiến pháp xí nghiệp, đạo luật chống hạn chế cạnh tranh, đạo luật cải tổ hưu trí v.v… Cuộc cải tổ lần này hết sức sâu rộng và khẩn trương, chi phối mọi lãnh vực trong xã hội. Đến cuối thập niên 1950, khung trật tự luật pháp xem như đã hoàn tất, làm nền tảng cho Tây Đức vươn lên trở thành cường quốc châu Âu, chỉ 10 năm sau ngày thành lập cộng hòa.
  1. Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953: Khi cuộc chiến Nam Bắc Triều Tiên nổ ra, ai cũng lo sợ cuộc thế chiến 3 có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Không ai muốn thêm một thế chiến, nhưng để chuẩn bị phòng ngự, nhu cầu trang bị vũ khí và quân dụng tăng vọt khắp nơi từ Âu sang Á. Tây Đức còn bị cấm sản xuất vũ khí, nhưng nhu yếu phẩm quân dụng sản xuất từ Đức bỗng nhiên được ưa chuộng và xuất khẩu đến mọi vùng trên thế giới. Nếu giá trị xuất khẩu của Tây Đức năm 1949 là 4 tỉ DM thì sang năm 1950 là 8 tỉ, năm 1951 là 14 tỉ và năm 1952 là 17 tỉ DM (xem bảng thống kê bên dưới). Trong vòng 3 năm chiến tranh Triều Tiên, trị giá xuất khẩu Tây Đức tăng gấp bốn lần. Kể từ đó, nền ngoại thương Tây Đức đã vĩnh viễn thặng dư kéo dài đến ngày hôm nay, làm bàn đạp để toàn bộ nền kinh tế quốc dân phát triển mạnh. Sử gia kinh tế Abelshauser nhận xét: “Cả hai yếu tố bùng nổ thị trường thế giới và tăng trưởng nhu cầu quân sự, đều được trực tiếp hoặc gián tiếp phát sinh từ chiến tranh Triều Tiên. Kinh tế Tây Đức với tiềm năng sản xuất cao và có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu gia tăng trên thế giới, đã sử dụng đúng lúc sức mạnh của chính mình. Cuộc chiến tranh ở Đông Á đã tác động mạnh lên công cuộc tái thiết Tây Đức hơn bất cứ một kế hoạch kinh tế chính trị nào khác” (xem [1] trang 159, W. Abelshauser).

Xuất nhập khẩu trong thời gian 1949-1955
Trị giá tính bằng Triệu DM, tỉ lệ % tính theo trị số cân đối
(thặng dư hoặc thâm hụt) so với xuất khẩu.

Năm Nhập Xuất Cân đối Tỉ lệ
1936 2.836 RM 3.381 RM +543 RM
1949 7.846 4.136 -3.710 -90%
1950 11.374 8.362 -3.012 -36%
1951 14.726 14.577 -149 -1%
1952 16.203 16.909 +706 +4%
1953 16.010 18.526 +2.516 +13%
1954 19.337 23.035 +2.698 +12%
1955 24.472 25.717 +1.245 +5%

Nguồn: Số liệu từ Niên giám Thống kê CHLB Đức năm 1961 trang 295.
Tác giả thêm vào các tỉ lệ (%) của cân đối so với xuất khẩu.

 Kết luận

Trong một dịp khác chúng ta có thể phân tích nguyên nhân nào mà Tây Đức đã thành công trong chính sách kinh tế hậu chiến, qua đó có thể trả lời được một câu hỏi lý thú: Từ đâu mà Tây Đức có thể thành công bằng một mô hình kinh tế chưa có tiền lệ trên thế giới? Từ đó sẽ phát sinh câu hỏi tiếp theo cũng không kém phần lý thú: Với sự thành công đến mức thần kỳ, ai cũng ngưỡng mộ, nhưng tại sao không có nước nào bắt chước làm theo? Họ không muốn đi theo con đường của Tây Đức? Hay là họ thiếu những điều kiện tiên quyết đặc thù để thực hiện thành công một chính sách tương tự? Nếu thế thì đâu là những điều kiện đặc thù đó?

Để chấm dứt bài viết này, chúng ta thử nhìn lại lịch sử Tây Đức 1945-1950 và tạm dùng vài từ khóa ngắn gọn để thay cho kết luận. Có hai động lực thúc đẩy quá trình đấu tranh cho độc lập chủ quyền và phát triển kinh tế xã hội Đức: tác động trợ giúp từ bên ngoài và tác động nội tại do sự cố gắng của dân tộc họ.

Những tác động bên ngoài chính yếu: Trước hết, chiến tranh lạnh đã buộc đồng minh thay đổi chính sách chiếm đóng, sớm trao trả độc lập cho Tây Đức, nhờ thế họ rảnh tay thực hiện đường lối kinh tế do họ tự phác thảo. Thứ hai, chương trình Marshall có tác dụng hoà đồng Tây Đức vào phương Tây, tạo ra niềm tin của châu Âu và thế giới vào sản phẩm Đức, đồng thời mang lại tự trọng và niềm tin cho dân tộc Đức, hoà nhập bình đẳng với các quốc gia khác ở châu Âu. Thứ ba, chiến tranh Triều Tiên đã thúc đẩy sự bùng nổ ngoại thương Tây Đức, tạo ra một sức bật mạnh mẽ hiếm có để Tây Đức ổn định và phát triển kinh tế, từng bước khẳng định vị trí của họ trên thị trường thế giới. Nhờ biến cố bất ngờ không ai tính trước này mà Tây Đức đã kịp thời tái định hướng nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi từ kinh tế hướng nội để phục vụ nhu cầu nội địa, chuyển hẳn sang kinh tế hướng ngoại, lấy nhu cầu thị trường quốc tế để định hướng sản xuất, nhất là với những sản phẩm đòi hỏi kỹ năng cao.

Những tác động nội tại từ phía dân tộc Đức: Tác động bên ngoài dù rất quan trọng cũng chỉ có tính cách hổ trợ và tăng tốc quá trình phát triển. Nguyên do thành công xuất phát chủ yếu từ tác động bên trong, thúc đẩy bởi chính bản thân dân tộc Đức. Trước hết, họ chọn lựa một chính sách kinh tế mới mẻ có khả năng chịu đựng được biến động chu kỳ, lấy tự do con người và công bằng xã hội làm trung tâm điểm cho mọi hoạt động kinh tế. Ở đây họ coi trọng các lý thuyết lỗi lạc ở các nước khác, nhưng không rập khuôn mà họ tìm con đường riêng phù hợp với đặc thù dân tộc. Thứ hai, họ chọn một thế đứng chính trị khôn ngoan, lấy phương Tây làm bàn đạp, dùng ngoại giao để thương lượng đòi đồng minh trả lại độc lập và từ chối mọi hình thức bạo động trong cuộc đấu tranh với ba nước chiếm đóng. Thứ ba, họ có một trí tuệ tập thể vững chãi có khả năng kiếm được lời giải cho những khó khăn hậu chiến, đồng thời dùng trí tuệ tập thể để thuyết phục các nước chiếm đóng làm theo đường lối do họ phác thảo. Ngoài ra, họ vốn có sẵn một nền học thuật tiên tiến, một bản sắc văn hoá mạnh, kết hợp nhau để tạo nên tinh thần vừa học hỏi nước khác vừa sáng tạo cho phù hợp với bản sắc dân tộc. Trong quá trình phát triển kinh tế chính trị, một mặt họ cương quyết loại trừ ý thức hệ Quốc xã nhưng mặt khác họ có chính sách phù hợp để sử dụng chất xám chuyên viên, với một tinh thần hòa giải dân tộc cao độ.

Đấy là những từ khóa lý thú cần được triển khai nghiêm túc hơn, mong rằng chúng ta sẽ có cơ hội thảo luận thêm.

Tôn Thất Thông
Cuối năm 2015

Ghi chú:

  1. Phần lớn bài này tóm tắt vài đoạn trong sách “Vươn lên từ vực thẳm” của tác giả, được liên kết xuất bản bởi Phương Nam & Hồng Đức tháng 11.2015, ISBN 978-604-86-6980-5. Độc giả có thể tham khảo thêm thuyết minh đầy đủ hơn trong sách đó.
  1. [x] con số trong ngoặc là số thứ tự trong danh sách tài liệu tham khảo bên dưới.
  1. Các con số thống kê bằng đô la được ghi nhận theo thời giá 1945-1950. Theo US Department of Commerce, Bureau of Economic Analysis thì 1 đô la lúc đó tương đương với 8-9 đô la theo thời giá 2009 (Ý riêng tác giả: để dễ hình dung, có thể tính 10 đô la theo thời giá hiện nay)
  1. Một số thuật ngữ chuyên môn có ghi chú tiếng Đức, đôi lúc có tiếng Anh. Tiếng Đức là gốc và chính xác. Nếu dịch sang tiếng Việt hoặc Anh không đúng, xin quí vị lượng thứ và cho biết để hiệu đính lại.

Tài liệu tham khảo:

         Sách và tạp chí

  1. Werner Abelshauser
    Lịch sử kinh tế Đức từ 1945 đến ngày hôm nay.
    Deutsche Wirtschaftsgeschichte von 1945 bis zur Gegenwart.
    ISBN 978-38-3890-204-3
  2. Werner Abelshauser
    Về chức năng của chương trình Marshall trong việc tái thiết Tây Đức.
    Tam nguyệt san về Lịch sử cận đại, tháng 1.1989, trang 85-113.
    Zur Funktion des Marshallplans beim westdeutschen Wiederaufbau. Vierteljahrshefte für Zeitgeschichte.
    ISSN 0041-5702
  3. Wolfgang Benz
    Từ nước bị chiếm đóng đến Cộng hòa Liên bang. Những chặng đường lập quốc 1946-1949
    Von der Besatzungsherrschaft zur Bundesrepublik. Stationen einer Staatsgründung 1946-1949
    ISBN 35-9624-311-4
  4. Uwe Dathe
    Walter Eucken trên đường đến chủ nghĩa tự do
    Walter Euckens Weg zum Liberalismus
    ISSN 1437-1510, số 09/10
  5. Ludwig Erhardvà Alfred Müller-Armack
    Kinh tế thị trường xã hội. Tuyên ngôn 1972
    Soziale Marktwirtschaft. Manifest’72
    ISBN 35-4803-647-3
  6. Ludwig Erhard
    Suy nghĩ, diễn văn và bài viết. Chọn lựa và phát hành bởi Karl Hohmann.
    Gedanken, Reden und Schriften. Ausgewählt und herausgegeben von Karl Hohmann.
    ISBN 34-3012-539-1
  7. Ludwig Erhard
    Phồn vinh cho mọi người
    Wohlstand für Alle
    ISBN 34-3012-537-5
  8. Wieland Eschenhagen & Dr. Matthias Judt
    Niên sử Đức 1949-2009
    Chronik Deutschland 1949-2009
    ISBN 978-38-9331-924-4
  9. Walter Eucken
    Những luận đề cơ bản về chính sách kinh tế
    Grundsätze der Wirtschaftspolitik
    ISBN 31-6345-548-4
  10. Nils Goldschmidt & Hermann Rauchenschwandtner
    Triết lý của Kinh tế Thị trường Xã hội: Phân tích của Michel Focault về Tự do trong trật tự
    The Philosophy of Social Market Economy: Michel Focault’s Analysis of Ordoliberalism
    Xuất bản bởi Walter EuckenInstitute, Đại học Freiburg
    ISSN 1437-1510, số 07/04
  11. Dieter Grosser
    và Thomas Lange, Andreas Müller-Armack, Beate Neuss
    Kinh tế thị trường xã hội: Lịch sử – Khái niệm – Hiệu suất
    Soziale Marktwirtschaft. Geschichte – Konzept – Leistung
    ISBN 31-7010-004-1
  12. Guido Knopp
    Thế kỷ của chúng ta. Những ngày số phận nước Đức
    Unser Jahrhundert. Deutsche Schicksalstage
    ISBN 34-4215-044-2
  13. Christian Grafvon Krockow
    Dân tộc Đức trong thế kỷ 1890-1990
    Die Deutschen in ihrem Jahrhundert 1980-1990
    ISBN 34-9919-195-4
  14. Hubertus Prinz zu Löwenstein
    Lịch sử Đức
    Deutsche Geschichte
    ISBN 37-7660-920-6
  15. Alfred Müller-Armack
    Điều khiển kinh tế và kinh tế thị trường
    Wirtschaftslenkung und Marktwirtschaft
    ISBN 39-2459-228-4
  16. Alfred Müller-Armack
    Gia hệ của Kinh tế Thị trường Xã hội
    Genealogie der Sozialen Marktwirtschaft
    ISBN 32-5803-025-1
  17. Horst Pötzsch
    Lịch sử Đức từ 1945 đến thời hiện tại
    Deutsche Geschichte von 1945 bis zur Gegenwart
    ISBN 37-8928-157-3 hoặc 978-37-8928-157-0
  18. Otto Schlecht
    Thiết lập trật tự cho một nền kinh tế thị trường có tương lai.
    Kinh nghiệm, phương hướng và khuyến nghị hành động
    Ordnungspolitik für eine zukünfsfähige Marktwirtschaft.
    Erfahrung, Orientierung und Handlungsempfehlungen
    ISBN 38-9843-042-1
  19. Silvio Schmidt
    Alfred Müller-Armack– Kinh tế gia và nhà xã hội học
    Hội nghị: Lý thuyết kinh tế và xã hội trong thế kỷ 20
    Alfred Müller-Armack – Nationalökonom und Soziologe
    Symposium: Theorie von Wirtschaft und Gesellschaft im 20. Jahrhundert
    Universität Frankfurt
  20. Adam Smith
    Phồn vinh các quốc gia (Khảo sát bản chất và nguồn gốc)
    Wealth of Nations (An Inquiry into the nature and cause of the wealth of nations)
    ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7
  21. Wilhelm Treue
    Lịch sử Đức tập II – Từ Metternich cho đến bây giờ
    Deutsche Geschichte Band II – Von Metternich bis zur Gegenwart
    ISBN 38-9350-062-6
  22. Viktor J. Vanberg
    Trường phái Freiburg: Walter Euckenvà Tự do trong trật tự
    The Freiburg School: Walter Eucken and Ordoliberalism
    Xuất bản bởi Walter Eucken Institute, Freiburg
    ISSN 1437-1510, số 04/11

    Các trang mạng

    (Một vài trang mạng sau đây có thể không còn hoạt động sau khi tài liệu được phát hành. Chúng tôi xin chân thành cáo lỗi nếu chuyện đó xảy ra và mong độc giả thông báo cho chúng tôi biết)

  23. http://avalon.law.yale.edu
    Đại học Yale, Hoa Kỳ. Đồ án Avalon
    University of Yale, USA. Project Avalon
    (Bộ sưu tập có giá trị về tài liệu lịch sử từ thời tiền sử)
  24. http://www.bpb.de
    Trung tâm giáo dục chính trị liên bang
    Bundeszentrale für politische Bildung
    (Xuất bản sách và tài liệu nghiên cứu lịch sử có giá trị cao)
  25. http://www.bundestag.de
    Quốc hội Liên bang Đức
    Der Bundestag
    (Tường trình của hầu hết các buổi họp quốc hội từ năm 1949)
  26. http://www.destatis.de
    Cơ quan thống kê trung ương của CHLB Đức
    Statistisches Bundesamt der BRD
    (Tất cả tư liệu thống kê kể từ 1949 cho đến nay)
  27. http://www.gesetze-im-internet.de
    Văn bản các bộ luật của CHLB Đức
    Gesetze der Bundesrepublik Deutschland
    (Bộ sưu tập hầu hết văn bản các bộ luật của Đức)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: