Tác giả: Maximilian Popp, Spiegel số 45.
Người dịch: Tôn Thất Thông
Chủ nghĩa thực dân: Người Đức đã thực hiện cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20 ở Namibia. 100 năm sau, Cộng hòa Liên bang Đức chính thức xin lỗi, trong 30 năm tới, nước này muốn trả một tỷ euro thông qua các dự án phát triển. Như vậy đã đủ cho những tội ác với hệ lụy kéo dài cho đến ngày nay hay không? Con cháu của những người bị sát hại trả lời: không.
Kambanda Nokokure Veii nói rằng cơn đau đến rất đột ngột. Nó đến khi bà đi ô tô qua thảo nguyên ở trung tâm Namibia, lái xe qua những tàng cây nơi lính Đức đã treo cổ tổ tiên của Veii. Nó đến khi bà nhìn thấy những người đồng hương có làn da màu nâu nhạt ở thủ đô Windhoek, nhiều người trong số họ là hậu duệ của những nạn nhân bị hãm hiếp. Hoặc như trong buổi chiều hôm nay, bên rìa của sa mạc Omaheke, đến khi bà thăm một trong số ít các khu tưởng niệm dành cho tội ác diệt chủng của Đế chế Đức đối với bộ tộc Herero và Nama từ năm 1904 đến năm 1908.
Veii, 60 tuổi, một giáo viên tiếng Anh đã nghỉ hưu và là thành viên của Tổ chức về Diệt chủng Ovaherero từ Windhoek, đứng trước một ngôi mộ được bao phủ bởi những bụi gai. Một số nhà hoạt động đồng nghiệp của họ cũng đã đến. Họ quỳ xuống. Một người đàn ông đọc những câu kệ Otjiherero. Những người khác lặp lại theo anh ta. Veii nghẹn giọng. Bà ấy lấy tay lau nước mắt. Bà nói: “Nỗi đau khổ của chúng tôi cho đến nay vẫn chưa được công nhận“.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi người Herero và Nama nổi lên chống lại chế độ thực dân Đức ở Namibia, lúc đó là Tây Nam Phi thuộc Đức. Người Đức đã phản ứng một cách tàn nhẫn.
Trên một ngọn đồi không xa đài tưởng niệm này, thuở ấy, viên tổng tư lệnh của cái gọi là lực lượng bảo vệ, Trung tướng Lothar von Trotha ra lệnh tiêu diệt họ vào ngày 2 tháng 10 năm 1904: “Trong biên giới nước Đức, mọi người Herero có hoặc không có súng, có hoặc không có gia súc, sẽ bị bắn, tôi không cần bắt phụ nữ và trẻ em nữa.” Theo ước tính, khoảng 50.000 đến 70.000 người đã trở thành nạn nhân của Trotha và quân đội của ông ta.
Dù tội ác của đế chế Đức đối với Herero và Nama tàn bạo như thế, cho đến ngày nay vẫn còn rất ít người nói về nó. Khi người Đức nhớ đến những hành động tàn bạo của chính dân tộc họ, trước tiên họ nhớ đến những hành động tàn bạo của Đức Quốc xã. Sự cai trị tàn bạo của thực dân Đức ở châu Phi và châu Á, cuộc diệt chủng chống lại người Herero và Nama không hề được nhắc đến trong sử sách.
Cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20 trở thành một vấn đề để quốc tế quan tâm, chủ yếu là do hoạt động của những người như Kambanda Nokokure Veii.
Veii mới phát hiện ra tội ác chống lại người dân của bà rất muộn và cũng chỉ qua những mảnh vụn lịch sử được kể lại. Bà lớn lên với bà cố của mình, người từng trải qua chế độ thuộc địa của Đức, nhưng lại xấu hổ và giữ im lặng. Cha của bà là một chính trị gia đã nổi dậy chống lại chế độ Nam Phi vốn cai trị Namibia tiếp theo sau quân Đức cho đến năm 1990. Ông bị bắt và bị bỏ tù trên đảo Robben nơi mà, theo lời con gái kể lại, ông kết thân với Nelson Mandela. Mẹ của bà đã trốn sang Anh lưu vong.
Giống như rất nhiều người Namibia khác, Veii ban đầu trở nên có ý thức chính trị chủ yếu bởi cuộc đấu tranh cho tự do. Mãi sau khi độc lập, bà mới quan tâm đến lịch sử của dân tộc mình, người Herero. Càng đọc nhiều về nạn diệt chủng và càng nghe nhiều những câu chuyện của con cháu những người sống sót, bà ấy càng thấy rõ rằng tội ác này đã khắc sâu vào đất nước của bà cho đến ngày nay như thế nào.
Các cuộc điều tra chung của cơ quan Nghiên cứu Kiến trúc Pháp y và Tổ chức về Diệt chủng Ovaherero cho thấy những người định cư Đức được hưởng lợi trực tiếp như thế nào từ cuộc diệt chủng của người Nama và Herero. Từ trước cho đến năm 1902, người Đức sở hữu 6 phần trăm đất ở Namibia ngày nay. Ba năm sau cuộc diệt chủng, con số này là 20%. Ngày nay, những người định cư châu Âu, bao gồm cả hậu duệ của người Đức, kiểm soát gần một nửa đất nước. Ngày nay, chỉ có 4.500 người định cư gốc Âu, bao gồm cả hậu duệ của người Đức, nhưng họ kiểm soát gần một nửa diện tích đất nước.
Với những người cùng chí hướng, Veii thành lập một ủy ban để chuẩn bị các sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày diệt chủng năm 2004. Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đức, khi đó là Heidemarie Wieczorek-Zeul, đã đến Namibia và là chính trị gia đầu tiên của chính phủ Đức xin lỗi về những hành động tàn bạo của Đức. Ngay sau đó, Veii và các nhà vận động đồng nghiệp của bà đã đệ trình một kiến nghị lên Quốc hội ở Windhoek, trong đó họ yêu cầu nạn diệt chủng phải được xử lý.
Phải mất mười năm nữa, cuộc đối thoại giữa Đức và Namibia về lịch sử chung của họ mới thực sự bắt đầu. Năm 2015, Đức và Namibia bắt đầu các cuộc đàm phán, cuối cùng dẫn đến một thỏa thuận hòa giải vào mùa hè năm 2021.
Theo thỏa thuận, Cộng hòa Liên bang Đức lần đầu tiên chính thức công nhận tội ác diệt chủng đối với người Nama và Herero, mặc dù điều đó chỉ có ý nghĩa lịch sử, chứ không bị ràng buộc bởi luật công pháp quốc tế. Berlin cũng đã cam kết trả tổng cộng 1,1 tỷ euro viện trợ phát triển cho Namibia trong vòng 30 năm tới.
Các chính trị gia Đức xem đó là một động thái lịch sử có ý nghĩa. Nhưng mặt khác, ở chính Namibia, thỏa thuận đã gây ra sự phẫn nộ. Herero và Nama nói riêng cảm thấy bị bỏ rơi. Tại Nghị viện ở Windhoek, sự bất mãn với kết quả đàm phán lớn đến mức các nghị sĩ vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận. Các chính trị gia của chính phủ Namibia hiện muốn đàm phán lại. Nỗ lực của Đức để đối mặt với tội ác thuộc địa của mình dường như chỉ mở ra những vết thương mới, thay vì tìm cách khép lại những vết thương cũ.
Ngọn đồi Waterberg nhô ra khỏi thảo nguyên ở trung tâm Namibia giống như một đài tưởng niệm. Bóng dáng của nó đỏ rực trong ánh ban mai. Gerson Kaapehi đón chúng tôi để chuyện trò trong một nhà nghỉ dưới chân núi.
Kaapehi, 65 tuổi, là một nhà sử học đã dành phần lớn cuộc đời của mình để biên soạn những câu chuyện về Herero. Ông ấy có thể nhớ lại tên của từng trận chiến trong cuộc chiến giữa Đế quốc Đức với Herero và Nama, ông có thể vẽ lại nơi những người lính đã đối mặt với nhau.
Một trận chiến quan trọng đã nổ ra trên Waterberg vào tháng 8 năm 1904 và cuối cùng, “quân bảo vệ” của Đức đã đuổi người dân Herero vào sa mạc Omaheke. Tổng tư lệnh Trotha đã phong tỏa một số lối vào sa mạc và chặn các nguồn nước chảy vào đó. Kết quả là, hàng ngàn người chết đói và chết khát.
Theo gương của người Anh ở Nam Phi, người Đức đã thiết lập các trại tập trung trong đó Herero và Nama phải lao động cưỡng bức. Phụ nữ buộc phải lột da đầu của người chồng đã chết của họ để được gửi đến nước Đức cho “mục đích nghiên cứu chủng tộc.”
Nhà nghỉ trên Waterberg từng là nhà tù của hệ thống cai trị thuộc địa Đức, và Trotha đã dựng trại ở đây trong thời gian chiến tranh. Nhưng mặc dù tòa nhà hiện thuộc về bang Namibia, không có một dấu vết gì nhắc nhở về lịch sử của nó. Không một biển báo nào thông báo cho khách du lịch về những tội ác đã gây ra ở đây, không một đài tưởng niệm nào tưởng nhớ các nạn nhân. Thay vào đó, bức chân dung của Hoàng Đế Wilhelm II vẫn được treo trên tường trong phòng ăn. Nhà sử học Kaapehi nói: “Cứ như thể chúng tôi Herero chưa từng tồn tại“.
Trước nạn diệt chủng, người Herero và Nama chiếm đa số ở Namibia. Ngày nay, họ chỉ chiếm chưa đến một phần mười trong số 2,5 triệu công dân. Họ hầu như không có đại diện trong chính phủ. Đối với Tổng thống Hage Geingop, ký ức về cuộc diệt chủng trong nhận thức của những người bị ảnh hưởng không đóng một vai trò quan trọng. Đối với ông và đảng của ông, lịch sử của Namibia thực sự bắt đầu với cuộc đấu tranh giành độc lập chống lại những kẻ chiếm đóng Nam Phi [sau khi quân Đức rút đi].
Do đó, điều đáng ngạc nhiên hơn là chính phủ liên bang Đức đã ký kết »Thỏa thuận hòa giải« được thương lượng với chính phủ ở Windhoek mà không có sự tham gia của các đại diện quan trọng nhất của Herero và Nama.
Theo Wolfgang Kaleck, Tổng thư ký của tổ chức nhân quyền Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền Châu Âu, Đức đã nói về sự đền bù sau Chiến tranh thế giới thứ hai với cả Nhà nước Israel và với các cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới. Nhưng „Mặt khác, ở Namibia, trái với luật pháp quốc tế, các quyết định được đưa ra bởi những người đứng đầu các nhóm liên quan. Các chủ đề quan trọng như bạo lực tình dục của người Đức và việc cướp đoạt các vùng đất màu mỡ đã bị bỏ qua“. “Ngay cả Liên Hợp Quốc cũng đã khiển trách Đức về quá trình này. Khi được hỏi, chính phủ liên bang Đức chỉ ra rằng đối tác đàm phán chỉ có thể là chính phủ Namibia “hợp pháp về mặt dân chủ”, nhưng đại diện của các cộng đồng nạn nhân cũng đã “tham gia vào cuộc đối thoại”.
Các nhà quan sát ở Namibia nghi ngờ rằng Berlin cố tình để Herero và Nama ra khỏi cuộc đàm phán vì họ không thực sự muốn đối mặt với những câu hỏi khó chịu, chẳng hạn như việc phân chia đất đai. Nhà sử học Kaapehi nói: “Người Đức không muốn chịu trách nhiệm về tội ác thuộc địa của họ. Họ chỉ muốn vạch một đường ngang chấm dứt mọi chuyện”.
Di sản thuộc địa ở Namibia còn tiếp tục có ảnh hưởng đến ngày nay. Augustinus Muesee cảm thấy sự bất bình đẳng về kinh tế mỗi khi anh ta tìm kiếm đồng cỏ cho đàn gia súc của mình. Thảo nguyên ở rìa sa mạc Omaheke không còn nữa. Hạn hán có nghĩa là hầu như không có thức ăn cho gia súc trong vùng. Muesee nói: “Tôi không biết chúng tôi có thể sống được bao lâu nữa từ nông nghiệp ở đây“.
Tổ tiên của Muesee từng sở hữu vùng đất màu mỡ gần Windhoek. Tuy nhiên, trong cuộc diệt chủng, họ đã bị trục xuất và người Đức chiếm đoạt tài sản của họ. Hôm nay, chắc hẳn Muesee phải hài lòng khi có thể chia sẻ một vài hecta đất mà nhà nước đã dành cho anh và những Herero khác trong một khu bảo tồn ở trung tâm Namibia.
Giống như rất nhiều Herero, Muesee cũng yêu cầu đất đai ở Namibia phải được phân phối công bằng hơn. Anh ấy không muốn nông dân da trắng bị tước đoạt, như trường hợp ở Zimbabwe. Nhưng ông ấy muốn nhà nước mua đất để trả lại cho con cháu của các nạn nhân của chế độ diệt chủng, chẳng hạn với quỹ bồi thường từ Đức. Ông nói: “Phải có sự đền bù cho những đau khổ mà chúng tôi đã phải chịu đựng“.
Thỏa thuận liên minh của ba đảng cầm quyền [Đức] ghi rõ rằng hòa giải với Namibia vẫn là “một nhiệm vụ tất yếu phát sinh từ trách nhiệm lịch sử và đạo đức của chúng ta”. Tuy nhiên, ở Berlin, dường như không ai sẵn sàng sửa đổi “thỏa thuận hòa giải” vốn đã gây gây tranh cãi – cho dù chính những người đảng Xanh (Grünen) đã chỉ trích thỏa thuận này trước cuộc bầu cử.
Người đại diện của hội đồng tối cao Herero, Mutjinde Katjiua, khó giấu được sự tức giận khi được hỏi về thỏa thuận với người Đức. Những nước Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha – tất cả các nước châu Âu đế quốc trước đây đã theo dõi rất chặt chẽ các cuộc đàm phán giữa Berlin và Windhoek. »Thỏa thuận mang lại cơ hội tạo ra công lý lịch sử. Thật không may, cơ hội đó đã bị bỏ lỡ. «
Katjiua, 55 tuổi, một giảng viên chuyên môn về các vấn đề đất đai, đã giữ chức vụ điều hành Cơ quan Truyền thống Ovaherero (OTA), tổ chức tự trị truyền thống của Herero kể từ năm nay. Anh ấy là một người đàn ông khiêm tốn với chiếc mũ da, áo khoác nhung và kính không gọng. Không giống như người tiền nhiệm của mình, anh ta không tiếp mọi người trong tư dinh của mình, mà đợi trong một quán cà phê trên Đại lộ Độc lập ở Windhoek. Nhưng cũng giống như các đại diện OTA khác, anh ta cũng cảm thấy bị giễu cợt bởi người Đức. Ông nói: “Berlin không nghĩ rằng cần phải nói chuyện với chúng tôi dù chỉ một lần“.
Nếu người Đức nghiêm túc và mong muốn hòa giải, thì theo Katjiua, họ không thể tránh được việc đàm phán lại thỏa thuận một lần nữa. 1,1 tỷ euro mà chính phủ liên bang đã cung cấp cho Windhoek như một khoản bồi thường trong 30 năm tới là quá ít, còn ít hơn cả số tiền mà Đức đã trả cho Namibia trong viện trợ phát triển kể từ năm 1990.
Tuy nhiên, đối với Katjiua, điều quan trọng hơn cả tiền bạc là sự công nhận mang tính biểu tượng về sự bất công mà họ đã trải qua. “Tại sao Berlin không đầu tư vào một trung tâm tài liệu ở Namibia tương tự như ở Yad Vashem?” “Tại sao Đức không cấp thêm thị thực cho sinh viên và chuyên gia Namibia để thúc đẩy trao đổi?” Katjiua tóm tắt yêu cầu của mình đối với người Đức trong một câu: “Hãy lắng nghe chúng tôi”.
./
Maximilian Popp
Nguồn: DER SPIEGEL (báo giấy), số 45 ngày 5.11.2022, trang 102-104 với tựa đề gốc: Es ist, als hätten wir nie existiert (Chuyện giống như thể chúng tôi chưa hề tồn tại).
Hậu quả của nạn diệt chủng
Cơ quan nghiên cứu Kiến trúc Pháp y từ Đại học Goldsmith ở London đã đến Namibia để điều tra tội ác diệt chủng của người Nama và Herero cùng với tổ chức nhân quyền Châu Âu, Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền. DER SPIEGEL đã đồng hành cùng các nhà nghiên cứu trong công việc của họ và nói chuyện với con cháu của các nạn nhân. Bạn có thể tìm thấy bản trình bày đa phương tiện của nghiên cứu trên SPIEGEL.de.
Xem thêm: Các bài viết / dịch của Tôn Thất Thông