Tác giả: Francesco Sisci, Settimana News, Bologna Ý, 19-03-2021
Người dịch: Lê Nguyễn
Trung Quốc từng nể phục Hoa Kỳ hơn một thế kỷ rưỡi, và trong thời kỳ cải cách, mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng năm 1980, nước Mỹ lúc đó là hình mẫu cho sự phát triển của đất nước này. Ngay cả sau cuộc đàn áp phong trào Thiên An Môn năm 1989, Hoa Kỳ vẫn được xem như là một sức mạnh vô biên.
Hoa kỳ đã đánh bại Đế chế Liên Xô và đẩy biên giới của NATO sang tới tận Đông Âu cũ. Năm 1991, người Mỹ chứng kiến sự sụp đổ thực sự của Liên bang Xô viết và sự tan rả của nó thành các quốc gia nhỏ, đồng thời vẽ lại bản đồ chính trị của Trung Đông bằng cách tập hợp một liên minh toàn diện chống lại Iraq của Sadam Husein. Trong cuộc chiến đó, họ đã mở đầu một cuộc cách mạng quân sự với những pha phóng tên lửa chính xác công nghệ cao. Sau đó, Mỹ đã ngăn chặn Serbia trên đường xông lên của nó ở Nam Tư và cho thấy sức mạnh của nền kinh tế nước này, khi tất cả các nền kinh tế châu Á sụp xuống trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997–1998, thì tại Phố Wall thị trường chứng khoáng vẫn tiếp tục trụ vững.
Sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, người Mỹ đã đánh đuổi Taliban khỏi Afghanistan chỉ trong vài tuần. Năm 2003, họ nắm giữ Iraq, và từ đó có thể kiểm soát giá dầu và nằm chắn ngay ngã tư mạch giao tiếp giữa Đông và Tây.
Đối với Trung Quốc, Mỹ là một cường quốc bề trên [über power]. Cho đến năm 2004, các ý kiến khác nhau ở Bắc Kinh vẫn còn phân chia giữa những người cho rằng Trung Quốc chỉ nên đi theo Hoa Kỳ và thay đổi chính mình, hoặc đối đầu với nó. Tuy nhiên, cả những người ủng hộ và người phản đối Hoa Kỳ đều không nghi ngờ gì về sức mạnh của nó.
Nhưng cũng bắt đầu từ năm 2004, có điều gì đó hơi lóe lên ra trong cảm xúc ở Trung Quốc về Hoa Kỳ. Mọi người bắt đầu mở mắt xem với nổi ngạc nhiên ngày càng tăng về cách Washington sa lầy vào một cuộc chiến vô tận và vô nghĩa ở Iraq. Và trong những năm tiếp theo, Hoa Kỳ đã không thể hiện được thành công gì và không mang lại một trật tự nào mới cho Trung Đông.
Hơn thế nữa,bởi cuộc Cách mạng Hoa nhài, Libya đã biến thành một bãi rác, và ở Syria, chế độ Assad mà người ta khinh thường đã có thể cố gắng kháng cự bất chấp cuộc giao tranh gay gắt. Đất nước hoàn toàn bị tan hoang và mở rộng thêm vùng đất không người của Iraq. Thêm vào đó, những kẻ thù khủng khiếp mới đang nổi lên và thay thế cho quân khủng bố Al Qaeda. ISIS, Nhà nước Hồi giáo, đã trở thành một mối đe dọa mới tương tự Al Qaeda, và lan rộng ra khắp thế giới Hồi giáo.
Francesco Sisci phỏng vấn Đức Giáo Hoàng năm 2016
Kinh tế Mỹ và Nga
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ không còn là mô hình thành công nữa. Nó bị cản trở bởi những khoản chi tiêu khổng lồ cho chiến tranh, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã cho người Trung Quốc thấy rằng hệ thống tài chính Mỹ không mạnh như Bắc Kinh tưởng vào một thập kỷ trước.
Cùng với tất cả những điều đó, bốn năm nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đã nhấn mạnh thêm điểm này.Từ Bắc Kinh, Trump cố gắng đàm phán cho một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc mà không có một chiến lược tổng thể rõ ràng nào. Khi Washington không thể dứt điểm thỏa thuận với Bắc Kinh, Mỹ đã không còn nhiều động thái để bước đi tiếp hiệu quả.
Trong khi đó, kể từ năm 2008, Mỹ đã không ngăn được sự quyết đoán của Nga. Năm 2008, Moscow xâm lược đồng minh của Mỹ là Gruzia và chia cắt lãnh thổ của họ. Trong những năm tiếp theo, nước này tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine, sáp nhập Crimea và xóa sổ vùng Donbas mà không có sự trợ giúp đắc lực nào của Mỹ. Người Nga đã làm điều tương tự ở Syria, nơi họ đã ủng hộ thành công Assad cùng với các “tình nguyện viên” Iran.
Tựu chung lại, trong 16 năm qua, Trung Quốc nhìn thấy sự rút lui sức mạnh của Mỹ và coi đó là dấu hiệu của sự suy tàn. Củng cố niềm tin sau cùng của Bắc Kinh là cơn bão tố ập xuống Capitol ngày 6 tháng Giêng, do những người ủng hộ Trump tiến hành. Nhất là sau vụ việc Trump không bị trừng phạt theo bất kỳ cách nào, có thể nhìn thấy được, càng khiến người Trung Quốc cảm thấy sự yếu kém của thể chế Mỹ trước bất kỳ thách thức nào từ bên trong.
Ngoài ra, vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Trump, Trung Quốc đã đạt được hai thỏa thuận thương mại quan trọng về mặt chính trị, một với ASEAN và một với Liên Âu. Hai hiệp định này, dù trên thực tế là các hiệp định yếu, nhưng cho thấy hệ thống thương mại của Mỹ có thể bị thách thức và Washington có thể bị đặt vào thế thủ trong việc thiết lập các quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu. Có nghĩa là, Hoa Kỳ có thể không còn là quốc gia duy nhất có thể thiết lập luật thương mại toàn cầu, như đã làm trong những thập kỷ trước.
Nền dân chủ có thể hoạt động ở Trung Quốc không?
Tất cả những điều trên xảy ra trong một xu hướng phân kỳ. Cơ sở hạ tầng, hệ thống phúc lợi và giáo dục đều đang được cải thiện ở Trung Quốc, trong khi lại giảm ở Hoa Kỳ.
Điều này đã chứng minh cho người Trung Quốc thấy rằng nền dân chủ đã không hoạt động ở Hoa Kỳ, quốc gia đã có nền dân chủ 250 năm, và vì vậy nó sẽ không bao giờ có thể hoạt động ở Trung Quốc, một quốc gia chưa bao giờ biết đến dân chủ là gì.
Internet, thứ mà 30 năm trước được cho là sẽ truyền bá dân chủ sau khi trở thành một công cụ tinh vi để kiểm soát, giám sát tất cả những gì mọi người muốn và thích. Bên cạnh đó, quyền truy cập không hạn chế vào tin tức được các nhà tiên tri của Internet hứa hẹn trước đó, hóa ra lại trở thành nền tảng chính để bán “fake news” và thông tin sai lệch.Vịn vào đó Trung Quốc có thể có lý do để tranh luận điều này theo nghĩa tốt hay xấu [1] .
Do đó, theo quan điểm của Bắc Kinh, có những yếu tố quan trọng cần xem xét cho tương lai khi nước này chuẩn bị cho đại hội đảng 2022 quan trọng. Đại hội đảng chắc chắn sẽ nói về tương lai của Trung Quốc, nhưng như Trung Quốc đã tuyên bố gần đây, họ có kế hoạch khởi động một đại chiến lược lần đầu tiên để đáp lại kế hoạch ngăn chặn của tổng thống Joe Biden chống lại Bắc Kinh [2]. ĐCSTQ cần giải quyết hai câu hỏi: Có phải nước Mỹ thật sự đang suy giảm? Nền dân chủ của Mỹ có khả thi trên toàn cầu và do đó có thể áp dụng cho Trung Quốc theo một cách nào đó không? Vô số dư luận về sự suy giảm của Mỹ có thể sẽ giúp củng cố hay trả lời cho những câu hỏi này.
Tuy nhiên, câu trả lời cho những câu hỏi này cũng phải đến từ Washington.
Đúng như người Mỹ nói, Hoa Kỳ đã từng ở trong tình trạng còn tồi tệ hơn như thế trước đây. Vào những năm 1960, trong cả một thập kỷ, Hoa Kỳ đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến bất khả thi ở Việt Nam, dường như đã khiến nước này chảy máu gần đến chết và cấu trúc chính trị của đất nước này đã bị xé toạt. Nó diễn ra ngay tiếp theo sau việc không lập ra được một nền hòa bình bền vững ở Triều Tiên năm 1953 và sau khi Pháp, được Mỹ hậu thuẫn, bị trục xuất khỏi Đông Dương vào năm 1954.
Tuy nhiên, trong những năm 1970, một cách chậm rãi, Hoa Kỳ đã giành lại được thế thượng phong ở cả châu Á và quan trọng hơn là ở châu Âu, lúc đó đang là đấu trường chính của cuộc đụng độ Chiến tranh Lạnh. Liệu giờ đây nước Mỹ có quay lại nhanh chóng như thời những năm 1970?
Tuy nhiên, người Trung Quốc có thể có cái nhìn khách quan hơn trong tình hình hiện tại, và vị thế của Hoa Kỳ hiện nay rất khác so với những năm 1960. Cho đến nay, Mỹ vẫn tỏ ra vô cùng bối rối về việc phải đặt nước này vào vị thế ra sao để đối phó với Trung Quốc.
Bắc Kinh cảm nhận có nhiều chia rẽ trong nội bộ Hoa Kỳ về việc nước này phải có hành vi cần có tốt nhất như thế nào để đối lại với Trung Quốc, và cũng cảm thấy có nhiều chia rẽ giữa các đồng minh của Hoa Kỳ về những gì cần làm đối với Trung Quốc cũng như đối với Hoa Kỳ. Nhiều đồng minh quân sự của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức có thể đi theo Washington trên con đường chính trị, nhưng họ vẫn muốn tiếp tục làm ăn với Trung Quốc. Trong sự mơ hồ này, cho đến nay, Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng có thể chuyển đổi qua lại giữa các vị trí khác nhau, bỏ qua một phần thách thức quân sự và tập trung nhiều hơn vào lợi ích kinh tế, của mục đích chung vì tiền.
Sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản hay vết sưng tạm thời?
Không có gì rõ ràng trong tình huống này. Stephen Kotkin, trong tập hai của cuốn tiểu sử viết về Stalin [3] , đã kể đến tình huống năm 1929, một năm chuyển động quan trọng như thế nào đối với các chính sách kinh tế của Liên bang Xô viết. Các chính sách tập thể hóa đã thất bại một cách nghiêm trọng, khiến Stalin có thể có lúc đã bị cám dỗ phải chuyển sang một số hình thức kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Phố Wall cũng trong năm 1929 đã chứng minh cho những người cộng sản thấy rằng chủ nghĩa tư bản thực sự đang trút hơi thở cuối cùng và những thất bại của Liên Xô chỉ là những bước lùi tạm thời. Nhưng những thập kỷ sau đó đã chứng minh rằng mọi thứ đã diễn ra theo chiều ngược lại.
Nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn còn, Liên Xô ngày nay là ai? Ở phương Tây, câu trả lời có vẻ hiển nhiên: tất nhiên là Trung Quốc. Tuy nhiên, từ Trung Quốc, có thể họ có cái nhìn theo hướng khác, hướng ngược lại với Liên Xô. Trung Quốc là nước đầu tiên bị rơi vào khủng hoảng và cũng là nước đầu tiên thoát ra khỏi nó.
Nhưng, đây có thể chưa phải là phần kết của câu chuyện. Mỹ và Liên Âu đang chuẩn bị ném nhiều nghìn tỷ USD vào nền kinh tế của họ, đòn kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Điều này có thể gây ra lạm phát lớn trên toàn thế giới, làm tăng chi phí của các mặt hàng thiết yếu đối với hàng xuất khẩu công nghiệp của Trung Quốc. Trung Quốc, với đồng Nhân dân tệ không thể chuyển đổi hoàn toàn, sẽ buộc phải nhập khẩu lạm phát, và do đó phải chấp nhận cái giá phải trả cho các chi phí chính trị và xã hội của mình, đồng thời phải phá giá đồng tiền của mình để giữ thương mại cạnh tranh so với các nước xuất khẩu công nghiệp khác. Điều này có thể khiến Trung Quốc phải cạnh tranh với các nước châu Á khác như đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008 – điều đó quả là một sự kiện thái quá.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang lo ngại về những hạn chế từ việc phân kỳ chính sách tiền tệ với Mỹ và khả năng biến động của thị trường Trung Quốc. “Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang đẩy mạnh hỗ trợ chuyển khoản cho các doanh nghiệp trong nước và tăng cường giám sát dòng vốn xuyên biên giới do những lo ngại kéo dài bởi các tác dụng phụ đến từ kế hoạch của Washington cho gói kích thích tài chính khổng lồ” mà tờ South China Morning Post đã đăng tải [4] .
Hơn nữa, các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt ở Mỹ và châu Âu bắt đầu có thể làm kích thích trở lại các hoạt động thương mại và lưu thông toàn cầu. Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh từ bên trong, nhưng nước này đã đóng cửa biên giới của mình. Trung Quốc sẽ không được tiêm phòng đầy đủ và mở cửa lại sau mùa hè, khi Mỹ, Liên Âu và các đồng minh của họ có thể đang phục hồi sau dịch bệnh và bắt đầu mở cửa lại.
Trong khi đó, cuộc chiến đấu vì hòa bình của Giáo hoàng ở Trung Đông và các hiệp định Abraham mới, do Israel dẫn đầu với các quốc gia Hồi giáo chọn lọc, đang tạo ra một không gian mới cho hòa bình và phát triển trong khu vực sau nhiều năm thất bại. Chuyến đi gần đây của Đức Giáo Hoàng đến Iraq là để bắt đầu sửa chữa cho 18 năm đau khổ [5] . Đức Giáo Hoàng tự nhận lỗi thay cho người khác, Mỹ và Liên Âu đều hoan nghênh điều này, nhưng Trung Quốc phần lớn phớt lờ tầm quan trọng địa chính trị toàn cầu về sự kiện này.
Trung Quốc có đúng trong việc này không? Sự việc đặt ra không phải chỉ vì muốn kéo Bắc Kinh vào; Trung Quốc vẫn vô tư trong nhiều năm chiến tranh và tàn phá ở Iraq. Sự ngây thơ đó có thật sự vô tội? Đặc biệt khi Trung Quốc đang bị lôi kéo sâu hơn vào tình trạng bất ổn xã hội ở Miến Điện, nơi mà người dân ủng hộ dân chủ cáo buộc là họ hậu thuẫn cho quân đội và dàn dựng cuộc đảo chính. Các nhà máy của Trung Quốc đang bị tấn công bởi những người biểu tình và lợi ích hậu cần quan trọng của họ ở khu vực này có thể đang bị đe dọa.
Sự gián đoạn
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, về mặt khách quan phá vỡ trật tự chính trị hiện tại. Có thể điều đó đúng, nhưng liệu Nhật Bản và Ấn Độ, chỉ cần nhắc đến tên hai nước láng giềng tiêu biểu này thôi, để thấy có thực sự có một sự chấp nhận cho một trật tự chính trị mới từ Trung Quốc, ngay cả khi không có sự hiện diện của Mỹ ủng hộ mối quan tâm của họ?
Truyền thông Trung Quốc không ngớt nêu lên việc Mỹ ghen tị với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này cũng có thể là như vậy, nhưng có lẽ nó không phải là kết thúc của câu chuyện. Mỹ cảnh giác với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc không dân chủ và Trung Quốc không muốn trở nên dân chủ vì họ lo ngại đây sẽ là con ngựa thành Troy dẫn đến sự sụp đổ của đất nước.
Nhưng câu hỏi trọng tâm vẫn còn là: Trung Quốc làm gì để đáp trả ngoài việc đào hào và phòng thủ?
Nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc có ba vấn đề: 1) nước này trở nên lớn mạnh và điều này thách thức quyền lực tối cao của Mỹ, 2) Trung Quốc không dân chủ và điều này thách thức cách các nước phát triển tổ chức giao lưu chính trị, kinh tế và văn hóa trên thế giới, và 3) Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ, tấn công các nước láng giềng làm cho họ lo sợ rằng các yêu cầu của Trung Quốc sẽ tăng lên nhiều hơn nữa và không có mục tiêu dừng lại.
Làm thế nào để Trung Quốc đối phó với ba vấn đề này? Trung Quốc không thể chỉ đơn giản nói rằng: họ đang ghen tị. Ngay cả khi các quốc gia khác ghen tị với họ, Trung Quốc làm gì để giải quyết vấn đề, cố gắng để tiêu diệt họ chăng? Phân phối những mảnh vụn của cải mà chủ yếu sẽ chỉ rơi vào tay các nhà lãnh đạo độc tài đương nhiệm, do đó làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội và chính trị địa phương rồi cuối cùng gây ra phản tác dụng cho Trung Quốc?
Trung Quốc cần có một cách giải quyết cho tất cả những điều này bằng cách tiếp cận tổng thể và triệt để. Cho đến nay, Trung Quốc đã may mắn vì chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong 4 năm qua đã chia cắt Mỹ khỏi các đồng minh. Nhưng Trump đã ra đi và sự chia cắt sẽ không kéo dài mãi mãi, đặc biệt là vì có quá nhiều quốc gia lo lắng và quan tâm đến Trung Quốc và điều này sẽ khiến họ xích lại gần nhau.
Điều này đẩy chúng ta trở lại câu hỏi ban đầu: Liệu nước Mỹ có đang thực sự suy giảm, hay chỉ vì nó mới bắt đầu thích nghi với một trật tự mới? Washington cũng cần phải trả lời điều này, và câu trả lời của họ sẽ ảnh hưởng đến đại hội đảng của Trung Quốc vào năm tới.
Tác giả: Francesco Sisci
Người dịch: Lê Nguyễn
NGUỒN:
http://www.settimananews.it/informazione-internazionale/china-party-congress-and-us-alleged-decline/
Xem thêm: Những bài viết / dịch của Lê Nguyễn
GHI CHÚ:
[1] https://www.globaltimes.cn/page/202103/1217885.shtml
[2] https://www.scmp.com/economy/global-economy/article/3124072/us-china-relations-biden-containment-plan-requires-beijing?utm_source=mandrill&utm_medium=email&utm_campaign=enlz-not– 1x-personas & utm_content = CROA_image_20210312 & d = 8a510122-3406-4f4f-a407-661eb9671daf
[3] https://www.amazon.it/Stalin-Waiting-1929-1941-Stephen-Kotkin/dp/1594203806/ref=sr_1_7?adgrpid=55147460600&dchild=1&gclid=CjwKCAiAhbeCBhBcEiwAkv2cY__82ElrZRCVjTUVvt3S4CubP7zeQA8ihX-WR-Rb1JONCm8ZGVNVahoCP78QAvD_BwE&hvadid=255178634289&hvdev=c&hvlocphy= 1008736 & hvnetw = g & hvqmt = e & hvrand = 5812517511311904877 & hvtargid = kwd-302141107838 & hydadcr = 18636_1822916 & keywords = sttin + biography & qid = 1615717658 & sr = 8-7
[4] https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3125533/american-rescue-plan-china-moves-counter-turmoil-financial?utm_medium=email&utm_source=mailchimp&utm_campaign=enlz-gme_trade_content=20 = enlz-us_china_trade_war & MCUID = dac7a78705 & MCCampaignID = 4c23bdabe2 & MCAccountID = 7b1e9e7f8075914aba9cff17f & tc = 13