Tác giả: Bill Hayton
Người dịch: Nguyễn Hàn Giang
DĐKP Giới thiệu: Hậu quả kinh tế xã hội của chính sách COVID khắt khe năm 2020 đã hiện rõ. Thêm vào đó là cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng ảnh hưởng không ít. Tương lai chính trị Việt Nam sẽ thế nào? Bill Hayton, một chuyên gia về Việt Nam không những am hiểu tình hình chính trị ở bề nổi, mà còn biết những chuyện cung đình bên sau. DĐKP xin giới thiệu bài phân tích sau đây, rất có giá trị thời sự.
***
Việt Nam đang phục hồi tốt sau đại dịch COVID. Tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2022 đạt 5,03%, thuộc loại cao so với tiêu chuẩn toàn cầu. Nền sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái [1]. Trên khắp đất nước, các nhà máy đang hoạt động trở lại bình thường và ngành du lịch quốc tế đang bắt đầu phục hồi.
Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu của rắc rối phía trước. Một số có thể thấy được, chẳng hạn như ảnh hưởng kinh tế toàn cầu từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, trong khi những tác động khác lại ẩn sâu hơn. Chủ yếu trong số những tác động tiềm ẩn là tình trạng tham nhũng cấp cao ở Việt Nam và sự bất định về chính trị chung quanh vai trò lãnh đạo trong tương lai của Đảng Cộng sản. Hai vấn đề này gắn liền khắng khít với nhau trong mối liên hệ giữa chính trị, cá nhân và kinh doanh, một đặc trưng cho hệ thống chính trị đương đại ở Việt Nam.
Vài năm tới có thể sẽ xuất hiện sự bất ổn chính trị ở mức cao nhất khi các thành phần trong đảng tranh giành quyền lực tối cao. Hầu hết các cuộc tranh giành này sẽ diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, và còn quá sớm để dự đoán kết quả. Tuy nhiên, có vẻ như nỗ lực ‘chỉnh đốn’ đảng của lãnh đạo hiện nay thông qua các chiến dịch chống tham nhũng và thi hành kỷ luật theo phong thái Lenin sẽ đi đến hồi kết. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trở lại con đường trước đây là quan tâm nhiều hơn đến việc kiếm tiền và ít quan tâm đến kỷ luật đảng. Tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc, đồng thời rủi ro bùng nổ và phá sản cũng không thấp.
Khôi phục từ COVID
Phản ứng ban đầu của Việt Nam đối với đại dịch COVID trong năm 2020 rất mạnh mẽ và thành công. Một quyết định sớm đóng cửa các biên giới quốc tế đã làm giảm đáng kể số lượng người nhiễm bệnh. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có thể sử dụng các hệ thống giám sát và hệ thống y tế chân rết lâu đời của mình để truy vết và cô lập người nhiễm bệnh. Sự kết hợp của các biện pháp này đã cứu sống hàng nghìn người trong năm đầu tiên của đại dịch.
Tuy nhiên, mọi thứ trở nên sai lầm vào năm 2021. Một sự bùng phát COVID của biến thể Delta lan truyền nhanh hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời với một chiến dịch chống tham nhũng đã vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo chính trị của thành phố vào một thời điểm quan trọng. Căn bệnh này bắt đầu lây lan nhanh hơn mức có thể kiểm soát được, và các nhà chức trách buộc phải áp đặt một biện pháp nghiêm ngặt. Lần đầu tiên trong thời bình, binh lính vũ trang được triển khai tại các chốt kiểm soát để hạn chế việc đi lại của người dân. Hàng triệu người bị cách ly gặp khó khăn trong việc kiếm thức ăn và quân đội tỏ ra bất lực với nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho họ. Lần đầu tiên từ 1975, lực lượng vũ trang trở thành đối tượng bị chỉ trích phổ biến. Đại dịch cuối cùng cũng đã được kiểm soát vào cuối năm 2021 với sự kết hợp giữa tiêm chủng và hạn chế di chuyển.
Nền kinh tế, vốn đã hoạt động tương đối tốt vào năm 2020 với tăng trưởng kinh tế duy trì tích cực ở mức 2,9% [2], đã không phục hồi trở lại vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng đã giảm nhẹ – còn 2,58% – dưới tác động của các hạn chế mới [3 ]. Năm nay, Việt Nam đã trải qua sự phục hồi tốt xấu hỗn hợp, với một số lĩnh vực hoạt động tốt và một số lĩnh vực khác thì không. Sản xuất dầu khí, chiếm khoảng 10% GDP của Việt Nam, đang được hưởng sự gia tăng của giá năng lượng toàn cầu nhưng 90% nền kinh tế còn lại thì suy giảm. Nông nghiệp sử dụng hơn một phần ba dân số và dịch vụ ít hơn một phần ba. Trong khi một số bộ phận của khu vực sản xuất đang cố gắng duy trì xuất khẩu, những bộ phận khác vẫn đang phải chịu đựng hiệu ứng ‘COVID kéo dài’: tác động kéo dài của việc gián đoạn thị trường lao động và chuỗi cung ứng tiếp tục gây ra vấn đề cho các nhà tuyển dụng và nhà xuất khẩu hàng đầu.
Điều này đang có tác động trực tiếp đến số đông người dân. COVID cũng làm suy giảm thu nhập và gia tăng bất bình đẳng. Vào cuối năm 2021, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ghi nhận khoảng cách ngày càng tăng giữa lực lượng lao động thiểu số có tay nghề cao và nhóm dân số còn lại.
Tác động khác của đại dịch là quan điểm của công chúng bất lợi đối với giới lãnh đạo. Việc kiểm duyệt truyền thông làm cho những quan điểm bất lợi như vậy không được phát sóng trên các đài truyền thông quốc gia, nhưng mọi người vẫn thường đàm tiếu. Mức độ tham nhũng đáng kể đã được công chúng giám sát kỹ lưỡng. Các quan chức trong Bộ Ngoại giao được cho là đã kiếm được hàng chục triệu đô la bằng cách tính phí quá cao để ‘giải cứu’ người Việt Nam ở ngoại quốc về nước trên các chuyến bay thuê khoán. Một vụ bê bối đang gia tăng khác liên quan đến bộ dụng cụ xét nghiệm COVID đắt đỏ được cung cấp cho các bệnh viện công. Một lần nữa, các quan chức dường như đã kiếm được hàng chục triệu đô la. Đối với người dân đã phải chịu đựng một cách khắc nghiệt các biện pháp kiểm soát đại dịch, những hành vi lạm dụng này của giới tinh hoa chính trị là điều khó có thể chấp nhận được.
Tác động chiến tranh của Nga ở Ukraine
Nền kinh tế Việt Nam chịu sự chi phối của thương mại quốc tế: là một trong số ít các quốc gia có thương mại lớn hơn rất nhiều so với GDP (tổng thương mại năm 2020 là 208% GDP của Việt Nam) [4]. Do đó, nó chịu tác động mạnh mẽ của những biến động trong nền kinh tế toàn cầu. Với việc Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ sụt giảm – kỳ vọng tháng 6 chỉ là 2,9%, so với dự báo tháng giêng là 4,1%, với các con số thấp tương tự dự kiến trong năm tới và vào năm 2024 – triển vọng cho một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam là khó thành thực tế [5]. Giá dầu và khí đốt cao hơn, lạm phát giá lương thực tăng và những ảnh hưởng kéo dài của các đợt đóng cửa liên quan đến COVID ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong một hoặc hai năm tới. Vào tháng 5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói với Quốc hội, “Đó là một thách thức rất lớn để thực hiện các mục tiêu 2022” đối với tăng trưởng kinh tế. Mức hiện tại chỉ hơn 5% là thấp hơn nhiều so với mức 6-6,5% cần thiết để đáp ứng tham vọng của chính phủ là trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045 [6].
Mặt khác, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc. Từ kinh nghiệm trong cuộc khủng hoảng COVID, nhiều nhà sản xuất đa quốc gia đang đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa sản xuất sang các nước khác. Việc di dời một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng vốn đầu tư vào Trung Quốc cũng sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam. Một số công ty đã thành công rực rỡ, chẳng hạn như nhà sản xuất điện tử Samsung. Năm 2021, chỉ riêng xuất khẩu của Samsung đã chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (65,5 tỷ USD trong tổng số 336,3 tỷ USD) [7]. Câu hỏi đặt ra đối với các nhà đầu tư khác tại Việt Nam là liệu thành công này có thể lặp lại với các công ty khác hay không. Cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và quản trị của Việt Nam có thể đáp ứng được không?
Đảng Cộng sản điều hành như thế nào
Nền quản trị của Việt Nam có vẻ ổn định trên bề nổi. Lãnh đạo cộng sản của đất nước đã duy trì quyền lực trong vài thập kỷ qua bằng cách duy trì liên minh giữa các bộ phận khác nhau của giới tinh hoa. Những liên minh này bao gồm các mạng lưới bảo trợ, các nhóm lợi ích khu vực, lợi ích ngành và đôi khi bất chấp các thành phần có quan điểm chính trị đối địch hay không. Một điều mà tất cả các nhóm người đó đều đồng ý là sự cần thiết của việc duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản. Nhưng quan điểm về cách tốt nhất để làm điều này thì khác nhau, chủ yếu là hai xu hướng sau. Một số thì ưu tiên ‘tính hợp pháp về hiệu suất’: làm bất cứ điều gì cần thiết để mang lại mức sống ngày càng cao cho càng nhiều người càng tốt. Những người khác ưu tiên ‘lòng trung thành với hệ thống’: duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản, ngay cả khi điều này có nghĩa là hạn chế tăng trưởng kinh tế.
Tình hình chính trị Việt Nam hiện nay mang nhiều nét tương đồng với tình hình cuối thập niên 1990. Hồi đó, hệ thống công an lo ngại rằng cải cách kinh tế có thể làm suy yếu nghiêm trọng khả năng nắm quyền của Đảng Cộng sản, khiến đảng này chọn một ‘người trung thành với hệ thống’, ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư. Ông Phiêu từng là chính ủy trong quân đội và thiếu hiểu biết về kinh tế. Ông chỉ được bổ nhiệm vì các đồng chí ở vị trí ‘đỏ’ không thống nhất được ai khác. Ông Phiêu đã giám sát việc quay lưng lại với Trung Quốc như một biện pháp nhằm nâng cao vị thế chính trị của ĐCSVN và ngăn chặn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ.
Nhưng Phiêu đã lúng túng trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Đầu tư nước ngoài giảm hơn 60% trong năm 1998 và một lần nữa vào năm 1999. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới hai con số và lĩnh vực ngân hàng rơi vào khủng hoảng [8]. Quân ‘đỏ’ đã hết đường. Các vấn đề đã nảy sinh trong cuộc họp quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN vào năm 2000. Cách tiếp cận của ông Phiêu đã bị lật ngược và ĐCSVN đồng ý mở Thị trường Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng 4 năm 2001, ông Phiêu bị mất chức, và ban lãnh đạo đảng được tiếp quản bởi phe ‘hợp pháp hóa hiệu suất’.
Tiếp tục hay thay đổi?
Chúng ta dường như đang ở cùng một thời điểm tương tự. Tổng bí thư đương nhiệm của ĐCSVN là một người trung thành với hệ thống, Nguyễn Phú Trọng, một người cũng rất kém hiểu biết về kinh tế. Ông là một người đấu tranh quyết liệt cho quyền lực tối cao của đảng nhưng sẵn sàng giao chính sách kinh tế cho một nhóm ‘tay chân’ đang thống trị các đỉnh cao của hệ thống kinh doanh và tài chính. Họ phụ thuộc vào quyền lực của ĐCSVN nhưng lại biến nền kinh tế thành những vùng ảnh hưởng riêng như các gia đình mafia ở New York cũ. Bạn có muốn đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể? Tốt hơn là bạn nên làm một thỏa thuận với một người nào đó trong bộ chính trị.
Bản thân Trọng nhìn chung được coi là trong sạch: một người theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin chính thống nhưng dường như không thích thú vui. Nhưng điều tương tự không thể nhận thấy ở những người xung quanh ông ta. Ngay cả những người được mong đợi có thể giữ cho hệ thống liêm chính, tránh cho ĐCSVN khỏi có vấn đề. Cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã bị quay cảnh đang ăn món bít tết bọc lá vàng trong chuyến thăm tới London. Món bít tết có giá 2000 đô la, gấp nhiều lần tiền lương chính thức hàng tháng của ông ấy. Không một nhà quan sát Việt Nam nào ngạc nhiên trước sự giàu có khó hiểu của giới lãnh đạo cao nhất; Hối lộ và lợi ích được coi là hành vi chính trị bình thường của các thành viên Bộ Chính trị ĐCSVN, gia đình, bạn bè và đồng minh của họ.
Trọng đã cố gắng hết sức để kiềm chế sự tồi tệ thái quá của giai cấp chính trị. Trọng đã tiến hành một trận chiến thận trọng nhưng tàn bạo chống lại đối thủ chính của mình, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong những năm dẫn đến đại hội đảng của ĐCSVN năm 2016. Sau khi tiễn Dũng vào vùng hoang dã chính trị, ông tiếp tục theo đuổi chiến dịch ‘chống tham nhũng’ để tiếp tục loại bỏ những tay chân thân tín ông Dũng và những người có thể gây nguy hiểm cho thanh danh của Đảng Cộng sản. Nó đã rất thành công. Tuy nhiên, nó không đủ thành công mạnh mẽ để ông ta có thể cảm thấy yên lòng về hưu và giao đất nước vào một bàn tay an toàn. Vì không thể thuyết phục phần còn lại của ĐCSVN ủng hộ người kế nhiệm được ưu ái của mình tại đại hội ĐCSVN sau đó, vào năm 2021, ông đã khiến đảng bẻ cong các quy tắc của mình và cho phép ông ứng cử nhiệm kỳ thứ ba.
Trọng vẫn chưa thể có được con đường dự tính. Ông ta dường như không có người thừa kế rõ ràng và dường như không tin tưởng bất kỳ thành viên nào trong Bộ Chính trị. Sử dụng vị trí của mình với tư cách là người đứng đầu ĐCSVN, ông đã đặt các đồng minh vào các cơ quan chính phủ để giám sát các bộ trưởng và ngăn chặn những diễn biến mà ông không muốn. Các báo cáo từ Hà Nội mô tả một chính phủ gần như không hoạt động gì được. Mọi người luôn nhìn đằng sau lưng và cố gắng tránh bị cuốn vào chiến dịch chống tham nhũng, đồng thời cố gắng nhanh chóng vắt kiệt sức lực của hệ thống để có thể thu lợi càng nhiều càng tốt, như nhiều bộ trưởng, quan chức cao cấp đã làm trước đó rất lâu. Do đó, các quan chức không muốn đưa ra bất kỳ quyết định nào nếu họ sợ rằng họ có thể phạm phải sự thay đổi của bầu không khí chính trị trong tương lai.
Ba năm tới có thể điều này sẽ hiển lộ rõ hơn. Đại hội đảng tiếp theo có thể sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2026, nhưng các cuộc tranh giành quyền lãnh đạo trong đảng cộng sản đã và đang diễn ra. Người ta không thấy một người kế vị rõ ràng nào cho Trọng, hoặc từ phe ‘trung thành với hệ thống’ của đảng hoặc băng đảng ‘hợp pháp hóa hiệu suất’. Có khả năng hai bên sẽ cùng tìm giải pháp cho đến khi họ có thể thống nhất về một ứng cử viên thỏa hiệp. Những người ngoài cuộc tránh xa cuộc chiến trần trụi này, nhưng đôi khi cũng có thể nhìn ra manh mối; thí dụ khi một nhân vật lãnh đạo bị kỷ luật hoặc khai trừ khỏi đảng, một vụ kiện ra tòa chống lại một người được đồn đại là có quan hệ với ai đó rất quan trọng v.v. Vào tháng 6, bộ trưởng y tế và thị trưởng thành phố Hà Nội đã bị tước tư cách đảng viên Đảng Cộng sản, cho phép họ bị truy tố vì vụ bê bối tham nhũng bộ thử nghiệm COVID. Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều sự phát triển như vậy.
Dự đoán kết quả ở giai đoạn này là một trò chơi ngu ngốc nhưng dự đoán một giai đoạn chính phủ yếu kém ở Việt Nam trong vòng ba năm tới là một điều có thể làm được. Hiện tại, có vẻ như ‘thành phần đỏ’ đã cùng đường. Ông Trọng có vẻ ở vị trí tương tự như ông Phiêu cách đây 21 năm. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, hệ thống mà ông kiểm soát dường như không đáp ứng được kỳ vọng phổ biến về mức sống ngày càng cao và rất phổ biến sự hoài nghi về động lực của giới lãnh đạo cao nhất. Nhưng không có một ứng cử viên ‘sạch sẽ’ nào đang chờ sẵn ở cánh lề, sẵn sàng cho Việt Nam một khởi đầu mới. Mọi người đứng đầu đều bị cho là tham nhũng; điểm khác biệt duy nhất với nhóm hiện tại là họ sẽ đặt ưu tiên tương đối với tăng trưởng kinh tế.
Nhóm ‘tính hợp pháp về hiệu suất’ này sẽ ít chú ý đến kỷ luật đảng, hoặc các quy tắc và luật pháp nói chung. Việt Nam có khả năng sẽ quay trở lại thời kỳ bùng nổ của những năm 2010 khi các doanh nghiệp tư nhân có liên kết chính trị tha hồ kiếm tiền bằng bất cứ cách nào. Kết quả sau đó là một loạt bê bối, cuối cùng gây ra phản ứng dữ dội và khiến chiến dịch chống tham nhũng phải được áp đặt. Một số nạn nhân của chiến dịch đó đang chờ đợi cơ hội quay trở lại. Có vẻ như thời cơ của họ đang đến gần.
Nguồn: https://trendsresearch.org/insight/the-end-of-the-red-road-in-vietnam/
Tham khảo:
[1] Chính phủ Tổng cục Thống kê Việt Nam, “Thông cáo báo chí Tình hình Kinh tế – Xã hội Quý I năm 2022,” ngày 29 tháng 3 năm 2022, https://www.gso.gov.vn/vi/data-and-stosystem/ 2022/05 / báo-chí-kinh tế-xã hội-tình hình-trong-quý-I-2022 / ; Tổng cục Thống kê của Chính phủ Việt Nam, “Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2022,” ngày 29 tháng 5 năm 2022, https://www.gso.gov.vn/vi/data-and-statistics/2022/05/index-of -industrial-production-in-may-of-2022 / .
[2] Tổng cục thống kê của Chính phủ Việt Nam, “Kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng đầy bản lĩnh”, ngày 14 tháng 1 năm 2021, https://www.gso.gov.vn/vi/data-and- thống kê / 2021/01 / viet-nam-economy-in-2020-the-growth-of-a-year-with-full-of-dũng cảm / .
[3] Chính phủ Tổng cục Thống kê Việt Nam, “Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội I
vào Quý 4 và năm 2021, ”ngày 29 tháng 12 năm 2021, https://www.gso.gov.vn/vi/data-and-statistics/2022/01/press-conference-to-anosystem-socio-economic-st Statistics -in-the-IV-and-2021 / .
[4] Ngân hàng Thế giới, “Thương mại (% GDP) – Việt Nam,” https://data.worldbank.org/indicator/NE.TRD.GNFS.ZS?locations=VN .
[5] Ngân hàng Thế giới, “Rủi ro lạm phát gia tăng giữa mức tăng trưởng chậm lại rõ rệt”, ngày 7 tháng 6 năm 2022, https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2022/06/07/stagflation-risk- tăng-giữa-rõ-chậm-trong-tăng-trưởng-thị-trường-năng-lượng .
[6] “Việt Nam đang đối mặt với ‘thách thức to lớn’ để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022, Phó Thủ tướng nói,” Reuters , ngày 23 tháng 5 năm 2022, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-deputy-pm- cho biết-hiện thực hóa-2022-tăng trưởng-mục tiêu-khổng lồ-thách thức-2022-05-23 / .
[7] “Doanh thu năm 2021 của Samsung Việt Nam vượt 74,2 tỷ đô la Mỹ”, Tin tức Việt Nam , ngày 22 tháng 1 năm 2022, https://vietnamnews.vn/economy/1118144/samsung-viet-nams-2021-revenue-exceeds-us742- tỷ.html ; “Xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam tăng 19%, thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ,” Reuters , ngày 13 tháng 1 năm 2022, https://www.reuters.com/markets/asia/vietnams-2021-exports-climb-19-record-trade- thặng dư-với-chúng tôi-2022-01-13 / .
[8] Zachary Abuza, “Bài học của Lê Khả Phiêu: Thay đổi luật lệ trong chính trị Việt Nam,” Đông Nam Á đương đại 24, số 1 (tháng 4 năm 2002): 128.