Một lập luận pháp lý được Hitler sử dụng gần một thế kỷ trước đây đã tìm được sự ủng hộ ở Bắc Kinh.
Tác giả: Chang Che, The Atlantic, December 1, 2020.
Người dịch: Lê Nguyễn
DĐKP giới thiệu: Trong 20 năm qua, lý thuyết chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thay đổi hẳn nội dung. Nhà nước mạnh, nhà nước chuyên chế, lãnh tụ quyền lực tuyệt đối trở thành những khái niệm chủ đạo và công khai trong các học thuyết ra đời thời gian qua. Để biện minh cho tư tưởng Tập Cận Bình, nhà lý luận Vương Hổ Ninh không thèm đếm xỉa đến Marx-Lenin, nhưng không ngần ngại đem học thuyết „nhà chuyên chế quyền lực“ của Niccolò Machiavelli ra làm chuẩn (xem ở đây), một học thuyết đã bị châu Âu cho về hưu cách đây 500 năm. Bây giờ, DĐKP xin giới thiệu bài viết mới để độc giả thấy rằng, ĐCSTQ không ngần ngại áp dụng cả học thuyết của Đức Quốc xã để biện minh cho „nhà nước chuyên chế tuyệt đối“, „nhà nước toàn trị“ khi đưa ra các chính sách bóp nghẹt tự do của công dân.
Khi cuộc biểu tình nổ ra ở Hồng Kông vào mùa hè năm nay (2020) chống lại luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, thì việc các học giả Trung Quốc nhảy vào bảo vệ Đảng Cộng sản có lẽ là điều có thể đoán trước được. Tuy nhiên, những lập luận của họ dùng để ủng hộ nó như thế nào thì không ai đoán trước được.
“Kể từ khi Hồng Kông được bàn giao,” Wang Zhenmin, giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa, một trong những học viện uy tín nhất của Trung Quốc, viết trên tờ Nhân dân Nhật báo [1] , “nhiều sự cố đã đe dọa nghiêm trọng đến sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông”. Wang đã lập luận một cách cứng rắn –thành phố không có tư cách gì để thảo luận về quyền tự do dân sự khi sự sống còn cơ bản của nó đang ở bên bờ vực. Qi Pengfei, một chuyên gia về Hồng Kông tại Đại học Renmin, tô đậm những quan điểm đó [2], nhấn mạnh rằng luật an ninh nhằm bảo vệ hòn đảo khỏi “sự xâm nhập của các thế lực nước ngoài”. Trong các bài báo, các cuộc phỏng vấn và các cuộc họp báo trong suốt mùa hè, quan điểm của các học giả đều có những lập luận tương tự.
Mặc dù các học giả Trung Quốc thường tự giới hạn trong những điều họ có thể và không thể nói, tuy nhiên họ ít khi tỏ ra bất đồng trước công chúng [3] . Đôi khi, họ đưa ra những lời phê bình hạn chế và cẩn trọng về sự lãnh đạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, lần này, toàn bộ khối lượng mà các học giả Trung Quốc đưa ra, cũng như bản chất của những lập luận đó — nhất quán, có phối hợp và thường được đúc kết bằng những thuật ngữ pháp lý phức tạp [4] — đã tạo ra một mức độ gắn kết mới ở Bắc Kinh trong cái nhìn chấp nhận về quyền lực nhà nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm thay đổi rõ rệt trọng tâm tư tưởng trong Đảng Cộng sản. Sự khoan dung hạn chế mà Trung Quốc dành cho bất đồng chính kiến đã tan biến, đồng thời các khu vực tự trị bề ngoài (về mặt địa lý cũng như văn hóa), bao gồm Tân Cương, Nội Mông và Hồng Kông, đã bị hạn chế các quyền tự do. Trùng với thời điểm đó, một nhóm học giả mới đã xuất hiện[5] . Được biết đến với cái tên “người bảo vệ quyền lực nhà nước”[6] , những học giả này tuân theo một quan điểm mở rộng về cơ quan quyền lực nhà nước, thậm chí còn bao quát hơn những cơ quan quản lý chính quyền. Họ tin rằng chỉ bằng một bàn tay sắt, một quốc gia mới có thể đảm bảo được sự ổn định cần thiết để bảo vệ tự do cho quốc gia và sự thịnh vượng của nó. Như một bài báo năm 2012[7] trên Utopia, một diễn đàn trực tuyến của Trung Quốc dành cho những người có chung ý tưởng về “người bảo vệ quyền lực nhà nước”, đã từng nói rằng, “Sự ổn định vượt trên tất cả những thứ khác”.
Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên ở mức độ như vậy rất khó được chấp nhận đối với hầu hết người sống ở phương Tây, tuy nhiên những quan điểm như thế này không phải là chưa từng có trong lịch sử phương Tây. Trên thực tế, các nhà bảo vệ quyền lực mới của Trung Quốc có nhiều điểm chung với một phe đã từng tràn qua nước Đức vào đầu thế kỷ 20.
Cơ duyên đó không phải ngẫu nhiên mà có.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến một sự quan tâm gia tăng mạnh mẽ [8] đối với công trình của nhà lý thuyết pháp lý người Đức Carl Schmitt. Được biết đến với biệt danh “Luật gia Vương miện”[9] của Hitler , Schmitt gia nhập Đảng Xã hội Quốc gia vào năm 1933, và mặc dù ông chỉ chính thức là thành viên Đảng Quốc xã trong ba năm, luật pháp chống tự do của ông đã có tác động lâu dài – vào thời điểm đó, bằng cách giúp biện minh Hitler giết người Do Thái và các đối thủ chính trị một cách phi pháp, và còn tiếp tục rất lâu sau đó. Trong khi các học giả theo chủ nghĩa tự do coi pháp quyền là cơ quan có thẩm quyền cuối cùng đối với các xung đột giá trị, Schmitt lại tin rằng chủ quyền phải luôn có tiếng nói cuối cùng. Các cam kết đối với quy định của pháp luật sẽ chỉ làm suy yếu quyền ra quyết định của cộng đồng và “tước bỏ ý nghĩa cụ thể của nhà nước và chính trị.” Một chính quyền ở trong trạng thái tê liệt như bị cắt gân chân, theo Schmitt [10], không thể bảo vệ công dân của mình khỏi những kẻ thù bên ngoài.
Sự say mê của Trung Quốc với Schmitt bắt đầu vào đầu những năm 2000 khi nhà triết học Liu Xiaofeng dịch các tác phẩm lớn của nhà tư tưởng người Đức sang tiếng Trung. Được mệnh danh là “cơn sốt Schmitt”[11], ý tưởng của ông đã tiếp thêm sức mạnh cho các nhà khoa học chính trị, triết học và luật sư của các trường đại học Trung Quốc. Chen Duanhong, một giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, đã gọi Schmitt là “nhà lý thuyết thành công nhất” đã đưa các khái niệm chính trị vào chuyên ngành của mình. “Học thuyết hiến pháp của ông ấy là điều mà chúng tôi tôn kính,” Chen viết [12] vào năm 2012, trước khi nói thêm, về tư cách thành viên Đảng Quốc xã của anh ta, “Đó là lựa chọn cá nhân của anh ta.” Một cựu sinh viên của chương trình triết học của Đại học Bắc Kinh, người yêu cầu giấu tên nói về các vấn đề nhạy cảm, nói với tôi rằng công trình của Schmitt là một trong các “ngôn ngữ chung, một phần của cơ sở học thuật” tại trường đại học.
Ảnh hưởng của Schmitt được thể hiện rõ ràng nhất khi Bắc Kinh ban bố chính sách đối với Hồng Kông. Kể từ khi được Anh chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997, thành phố có vẻ như được cai trị theo khuôn khổ “một quốc gia, hai hệ thống”, theo đó nó sẽ là một phần của Trung Quốc, nhưng các quyền tự do, tư pháp độc lập và các hình thức tự trị khác sẽ được giữ nguyên trong 50 năm. Theo thời gian, những quyền tự do này đã bị xói mòn khi ĐCSTQ tìm cách kiểm soát nhiều hơn, và gần đây đã bị phá hoại hoàn toàn bởi luật an ninh quốc gia.
Chen, người đã viết nhiều [13] về chính sách Hồng Kông từ năm 2014 và, theo The New York Times , là cựu cố vấn cho Bắc Kinh về vấn đề này, đã trích dẫn Schmitt trực tiếp để bảo vệ khái niệm về luật an ninh quốc gia vào năm 2018. “Luật gia người Đức Carl Schmitt”, ông lập luận trong một bài báo [14], phân biệt giữa quy phạm nhà nước và quy phạm hiến pháp. “Khi nhà nước lâm vào tình trạng nguy cấp,” Chen viết, trích lời Schmitt, các nhà lãnh đạo nhà nước có quyền đình chỉ các quy phạm hiến pháp, “đặc biệt là các quy định về quyền công dân”. Jiang Shigong, cũng là một giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, cũng đã đưa ra một trường hợp tương tự. Jiang, người từng là nhà nghiên cứu tại Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh ở Hồng Kông từ năm 2004 đến năm 2008, sử dụng các ý tưởng của Schmitt [15] trong cuốn sách năm 2010 [16] của ông , Hong Kong của Trung Quốc , để giải quyết căng thẳng giữa chủ quyền và pháp quyền có lợi cho Đảng Cộng sản.(*)
Jiang cũng được nhiều người ghi nhận [17] là tác giả của sách trắng năm 2014 của chính phủ Trung Quốc [18], sách trắng này trao cho Bắc Kinh “quyền tài phán toàn diện” đối với Hồng Kông. Trong sự đồng ý hoàn toàn với Schmitt, bài báo tuyên bố rằng việc bảo toàn chủ quyền – của “một quốc gia” – phải được ưu tiên hơn các quyền tự do dân sự – của “hai hệ thống”. Sử dụng cơ sở lý luận của Schmitt, ông ta nâng cao mức rủi ro của việc không hành động ở Hồng Kông lên độ cao đến mức không còn gì có thể vượt qua: Không còn là sự vi phạm tự do nữa, luật an ninh trở thành một điều cần thiết cho sự tồn tại.
Chen và Jiang là “biểu hiện cụ thể nhất cho đến nay của Trung Quốc sau những năm 1990 chuyển sang các ý tưởng của Schmitt,” Ryan Mitchell, giáo sư luật tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông [19], đã viết trong một bài báo vào tháng Bảy. Họ là đội tiên phong của phong trào bảo vệ quyền lực nhà nước, cung cấp cơ sở lý luận cho các hành động độc đoán của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Và mặc dù không rõ chính xác quyền lực của họ cỡ nào trong thượng tầng của bộ máy quyền lực đảng, những người bảo vệ quyền lực nhà nước này có cùng quan điểm [20] với nhà lãnh đạo tối cao của họ. “Dự án lớn của Tập Cận Bình là tái tạo và phục hồi quyền lực nhà nước,” Jude Blanchette, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Trung Quốc, nói với tôi. “Ông ấy là một người theo môn phái bảo vệ quyền lực nhà nước.”
Tại sao một nhà tư tưởng của Đức Quốc xã lại tạo được sự đón nhận nhiệt tình như vậy ở Trung Quốc? Ở một mức độ nào đó, nó là một vấn đề thuận tiện. Haig Patapan, một giáo sư chính trị tại Đại học Griffith ở Úc, người đã viết về sự tiếp đón của Schmitt [21] ở Trung Quốc, nói với tôi : “Schmitt phục vụ những mục đích nhất định mà chủ nghĩa Marx đáng lẽ phải làm, nhưng không còn có thể làm được nữa. Schmitt mang đến cho các học giả thân Bắc Kinh cơ hội để củng cố tính hợp pháp của đảng vào các thế lực nguyên thủy hơn – chủ nghĩa dân tộc và kẻ thù bên ngoài – thay cho khái niệm đấu tranh giai cấp đã bị rã rời theo thời gian.
Tuy nhiên, ý thức hệ chỉ là một phần của câu chuyện. Một lời giải thích khác được tìm thấy trong lịch sử của Trung Quốc. Vào những năm 1930, nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Tưởng Giới Thạch đã phát triển lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với Đức Quốc xã. William Kirby, một giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Harvard và là tác giả cuốn sách“Đức và Cộng hòa Trung Hoa”[22] , nói với tôi : “Đức là một quốc gia giống như Trung Quốc, đã tự thống nhất muộn . Đối với Trung Quốc, một quốc gia bị vây quanh bởi các đối thủ nước ngoài, tấm gương hiện đại hóa nhanh chóng của Đức dường như rất mẫu mực. Năm 1927, Tưởng thuê [23] chuyên gia pháo binh người Đức Max Bauer làm cố vấn quân sự cho mình; con trai riêng của ông, Chiang Wei-Kuo, vào phục vụ trong Wehrmacht [24] , cánh tay quân sự của Đức Quốc xã, trong cuộc xâm lược Áo năm 1938.
Một bài học từ sự cai trị của Tưởng là các mối đe dọa từ nước ngoài có thể gây ra chủ nghĩa độc tài trong nước. Và trong gần một thế kỷ, ngay cả khi quyền lực được chuyển giao từ những người theo Chủ nghĩa dân tộc của Tưởng sang những người Cộng sản của Mao Trạch Đông, nỗi sợ hãi về sự xâm nhập của “kẻ thù” – mầm mống cho chủ nghĩa phát xít – vẫn tồn tại trong tâm hồn dân tộc của Trung Quốc. “Kẻ thù của chúng ta là ai? Bạn bè của chúng ta là ai? ” Mao đặt câu hỏi ngay ở dòng đầu tiên [25] của Tuyển tập của mình. Sau đó, từ năm 1989 đến năm 1991, 500 bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo do nhà nước kiểm soát luôn có cụm từ “các thế lực thù địch” [26]. Mối đe dọa xâm lược luôn được nhận thức, hoặc ít nhất là nghi ngờ về người nước ngoài, tiếp tục phản ánh lên nền chính trị đương đại. Sự lo lắng như vậy làm cho các lý thuyết chống tự do của Carl Schmitt được tin cậy, người từng tuyên bố rằng “tất cả các hành động và động cơ chính trị có thể cuối cùng chỉ còn lại là [dẫn đến sự phân biệt] bạn và thù.”
Đại dịch đã làm cho quan điểm của những người bảo vệ quyền lực nhà nước trở nên vững tin hơn. Rằng Trung Quốc đã loại bỏ được loại virus mà Tổng thống Donald Trump gọi là “ kẻ thù vô hình ”[27], trong khi Hoa Kỳ vẫn còn lúng túng trước nó, được miêu tả giữa các nhà bảo vệ quyền lực nhà nước ở Trung Quốc như một chiến thắng cho thế giới quan của Schmitt.
“Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc,” Flora Sapio, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc học tại Đại học Naples, đã viết[28] , “Triết lý của Carl Schmitt đã được ứng dụng rộng rãi hơn ở Trung Quốc, trong cả ‘lý thuyết Đảng’ và đời sống học thuật.” Sự thay đổi này rất quan trọng: Nó đánh dấu một bước chuyển từ một chính phủ phi tự do ở Bắc Kinh — một chính phủ coi thường các quy tắc tự do như một vấn đề thuận tiện — sang một chính phủ chống tự do — một chính phủ phủ nhận các quy tắc tự do như một vấn đề nguyên tắc.
./.
(*) Một phiên bản trước đó của bài báo này đã xác định không chính xác thời điểm xuất bản cuốn sách Hong Kong của Trung Quốc . Ấn bản đầu tiên, tiếng Trung, được xuất bản vào năm 2010. Ấn bản tiếng Anh được xuất bản vào năm 2017.
Chang Che là một nhà văn. Các bài viết của ông đã được xuất bản trên The Washington Post và The Los Angeles Review of Books .
Xem thêm: Những bài viết / dịch của Lê Nguyễn
Nguồn:
https://www.theatlantic.com/international/archive/2020/12/nazi-china-communists-carl-schmitt/617237/
[1] http://paper.people.com.cn/rmrb/html/2020-07/05/nw.D110000renmrb_20200705_3-06.htm
[2] https://opinion.huanqiu.com/article/9CaKrnJGSZs
[3] https://chinachannel.org/2020/10/02/nationalisms/
[4] http://paper.people.com.cn/rmrb/html/2020-07/05/nw.D110000renmrb_20200705_3-06.htm
[5] https://www.nytimes.com/2020/08/02/world/asia/china-hong-kong-national-security-law.html
[6] https://tocqueville21.com/le-club/the-restructuring-of-hong-kong-and-the-rise-of-neostatism/
[9] https://plato.stanford.edu/entries/schmitt/
[10] https://www.amazon.com/Concept-Political-Expanded-Carl-Schmitt/dp/0226738922
[11] https://academic.oup.com/icon/article-abstract/18/1/130/5841486?redirectedFrom=fulltext
[12] http://www.aisixiang.com/data/59861.html
[13] http://www.publiclaw.cn/?c=rabbi&m=view&id=2
[14] http://hk.zijing.org/2018/0122/750657.shtml
[16] https://www.amazon.com/Chinas-Hong-Kong-Political-Perspective-ebook/dp/B0722WTYB8
[17] https://tocqueville21.com/le-club/the-restructuring-of-hong-kong-and-the-rise-of-neostatism/
[18] http://english.www.gov.cn/archive/white_paper/2014/08/23/content_281474982986578.htm
[19] https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3400946
[20] http://aoc.ouc.edu.cn/28/67/c9821a206951/pagem.psp
[21] https://academic.oup.com/icon/article-abstract/18/1/130/5841486?redirectedFrom=fulltext
[22] https://www.amazon.com/Germany-Republican-China-William-Kirby/dp/0804712093
[23] https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/002200947000500402
[24] http://www.shanghai1937.com/a-chinese-in-the-german-wehrmacht/
[25] https://www.marxists.org/reference/archive/mao/selected-works/volume-1/mswv1_1.htm
[26] http://reader.epubee.com/books/mobile/ce/ceec367a79040bc703b79e7d134853b1/text00057.htm
[27] https://www.nytimes.com/video/us/politics/100000007040978/coronavirus-presser.html