Tác giả: Gabor Steingart, FOCUS 19.1.2023
Người dịch: Trương Như Tùng
Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Nhưng sự giúp đỡ này không hoàn toàn vô vị lợi, vì ngay cả Joe Biden cũng không có gì để tặng không. Tổng thống Mỹ dựa vào “trang bị vũ khí bằng tín dụng”. Mặt khác, Đức chỉ có thể hy vọng rằng cuộc chiến tranh ngay cạnh đất nước mình sẽ sớm kết thúc.
Mọi thất bại luôn là thất bại về tổ chức. Vì vậy, khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đảm nhận chức vụ của mình, ông ấy nên nhanh chóng sửa chữa một quyết định sai lầm của Thomas de Maizière, người tiền nhiệm CDU nhiều đời trước khi bãi bỏ ban tham mưu kế hoạch.
Ban tham mưu kế hoạch này là cơ quan tư vấn nội bộ của Bộ. Nhóm, bao gồm khoảng 30 người vào thời điểm cuối, báo cáo trực tiếp với bộ trưởng và là bộ não địa chiến lược trong chính sách quốc phòng của Đức. Việc bãi bỏ bộ phận này vào năm 2012 – vì những lý do mà ngày nay vẫn chưa được biết – tương đương với việc cắt bỏ bộ não.
Ban tham mưu kế hoạch mới được thành lập cần ngay lập tức đối phó với sự thay đổi quyền lực trong các quốc gia NATO xuất phát từ cuộc chiến Ukraine và phản ứng của phương Tây. Về mặt chính trị, nó rất thiếu chính xác nhưng càng có lợi hơn khi đặc biệt nhìn vào Hoa Kỳ. Bởi vì dưới bóng của chiến tranh, sự thay đổi quyền lực và thịnh vượng đã diễn ra ở đây, điều gây đau đớn hơn cả cho nước Đức:
Kẻ hưởng lợi số 1: Công nghiệp quốc phòng Mỹ
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hơn 50 tỷ đô la hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo. Hơn hẳn tất cả các nước khác cộng lại.
Nhưng: Câu nói của cựu Tổng thống Calvin Coolidge được áp dụng qua nhiều thế kỷ: “Xét cho cùng, công việc kinh doanh chính của người Mỹ là kinh doanh.”
Vào tháng 5 năm 2022, Thượng viện đã thông qua luật cho phép chính phủ Mỹ cho Ukraine mượn thiết bị quân sự một cách nhanh chóng và không quan liêu – “Đạo luật cho thuê-cho mượn để bảo vệ dân chủ Ukraine năm 2022” (Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act of 2022). Như vậy, khoảng 23 tỷ đô la Mỹ hỗ trợ quân sự không phải là tặng không.
Trong đạo luật đó tuyên bố rằng “bất kỳ khoản vay nợ hoặc cho thuê quốc phòng nào đối với Chính phủ Ukraine […] sẽ phải được trả lại, bồi hoàn và thanh toán”.
“Trang bị vũ khí bằng tín dụng” cho Ukraine
Khái niệm ‘Trang bị vũ khí bằng tín dụng’ được phát minh ra trong Thế chiến thứ hai khi Winston Churchill nhận thấy mình không thể một mình bảo vệ nước Anh. Chính phủ Mỹ hiện nay đã nhớ lại cách thức lúc đó là bán vũ khí dựa trên giấy nợ.
Dù trùng hợp hay không, Mỹ cũng có lợi ích vật chất khi chính phủ ở Kyiv còn tồn tại. Vào cuối tháng 9 năm 2022, Financial Times đưa tin rằng Hoa Kỳ đang thúc giục các nước EU đẩy nhanh cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine và thiết lập một “cơ chế thường xuyên” để hỗ trợ tài chính. Vẫn chưa rõ liệu các quỹ của EU có được phép sử dụng để trả nợ quân sự cho Hoa Kỳ hay không.
Thực tế là, Hoa Kỳ rất nghiêm ngặt về những vấn đề này. Vương quốc Anh đã trả chậm các khoản nợ Lend-Lease cho đến năm 2006, khi Thế chiến đã kết thúc 61 năm.
Các nhà đầu tư đang kiếm các công ty quốc phòng Hoa Kỳ
Các chương trình như vậy, lúc đó cũng như bây giờ, chủ yếu được sử dụng để phục vụ cho các công ty vũ khí của Mỹ mà người nộp thuế trong nước không phải chịu trách nhiệm. Việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Lockheed Martin và Northrop Grumman phản ánh sự phấn khích của các nhà đầu tư, đặc biệt là khi trong tương lai, việc mua hàng thay thế sẽ phải thông qua các nhà sản xuất Mỹ.
Việc tăng ngân sách quân sự của tất cả các nước phương Tây cũng có lợi cho người Mỹ. Olaf Scholz cũng đã ra giá 100 tỷ.
Một phân tích của tạp chí Foreign Policy cho thấy Hoa Kỳ đã tăng gần gấp đôi số lượng bán vũ khí được phê duyệt cho các đồng minh NATO vào năm 2022 so với năm 2021 – từ 15,5 tỷ USD lên 28 tỷ USD. Như thế, cuộc chiến tranh đã trở thành sự kinh doanh.
Kẻ hưởng lợi số 2: Các công ty năng lượng của Mỹ
Các biện pháp trừng phạt kinh tế – hạn chế thương mại, đóng băng tài sản, cấm việc sử dụng hệ thống thanh toán hoặc cấm xuất khẩu dầu mỏ – đã cô lập Nga. Điều này chắc chắn sẽ làm gián đoạn thương mại Đức-Nga trước đây trong một thời gian rất dài. Các công ty năng lượng của Mỹ tự đề nghị mình là người trợ giúp khẩn cấp trong trường hợp này.
Họ gần như không ngủ được và cười sảng khoái: Nhập khẩu LNG từ Mỹ năm 2022 tăng 260% so với năm trước. Khí lỏng của Mỹ thay thế khí đốt đường ống của Nga từ Nord Stream 1 và Co.
Dầu của Mỹ cũng đột ngột được ưa chuộng: Theo nhà cung cấp dữ liệu OilX, khoảng 500 tàu chở dầu của Mỹ đã đến châu Âu kể từ tháng 2 năm 2022 và góp phần đưa nền xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 12 năm 2022, số lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ đã tăng 52%.
Kẻ hưởng lợi số 3: Chính phủ Hoa Kỳ
Chính quyền Mỹ quan tâm đến việc làm suy yếu vĩnh viễn Nga và về cơ bản là loại bỏ nước này khỏi trò chơi của các cường quốc. Họ có thể làm điều đó một cách an toàn cho đất nước và những người lính của mình. Đây là một trong những lý do tại sao Washington không quan tâm đến một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng ở Ukraine, như Henry Kissinger, 99 tuổi, đã vạch ra ở Davos ngày hôm qua.
Joe Biden muốn thay đổi chế độ ở Moscow. Ông đã nói rõ điều đó trong một bài phát biểu trước Cung điện Thành phố Warsaw. Ngoại trưởng của ông cũng đã nói rõ rằng họ muốn tước bỏ năng lực chiến tranh của Nga.
Trong trung hạn, tâm điểm bất ổn của châu Âu cũng sẽ có lợi cho thị trường vốn của Mỹ, vốn được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn. Dòng vốn chảy ra khỏi châu Âu trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến là rất lớn. Hôm qua, sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa, BASF đã báo cáo khoản lỗ hàng tỷ đô la, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh doanh ở Nga đã dừng từ khi có xung đột.
Đức có lợi ích chiến lược khi cuộc xung đột được kết thúc nhanh chóng
Người châu Âu, và đặc biệt là Đức, có lợi ích chiến lược quan trọng nhất khi cuộc xung đột được kết thúc càng nhanh càng tốt, hoặc ít nhất là bị đóng băng, và dù thế nào cũng không lan rộng sang các đô thị Tây Âu. Chiến tranh càng khốc liệt ở châu Âu thì các điều kiện đầu tư càng trở nên bi quan, cả trong nền kinh tế thực và trên các thị trường vốn ở London, Paris và Frankfurt.
Tóm lại, trên thực tế, đối tác thương mại Nga được thay bằng đối tác thương mại Mỹ. Do đó, người Mỹ cũng đang củng cố vị thế đàm phán của họ cho các cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại tự do trong tương lai và chiến lược Trung Quốc.
Nếu Ban tham mưu kế hoạch vẫn tồn tại trong Bộ Quốc phòng, nó sẽ viết ra nghịch lý sau đây cho bộ trưởng trong bản tóm tắt điều hành: Nga đang gây chiến tranh với Ukraine – và Mỹ đang chiến thắng.
./.
Nguồn tiếng Đức: Die USA gewinnen den Ukraine-Krieg (FOCUS 19.01.2023)
Về tác giả: Gabor Steinngart là một trong những nhà báo nổi tiếng nhất nước Đức. Ông xuất bản bản tin The Pioneer Briefing. Podcast cùng tên là podcast hàng ngày hàng đầu của Đức về chính trị và kinh doanh. Steinart đã làm việc với đội ngũ biên tập của mình trên nền tảng “The Pioneer One” kể từ tháng 5 năm 2020. Trước khi thành lập Media Pioneer, Steinart là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Truyền thông Handelsblatt.