Carnegie Council for Ethics in International Affairs
Người dịch: Lê Nguyễn
Để hiểu thêm về giai đoạn lịch sử khi Liên Xô bắt đầu sụp đổ và một tầng lớp đầu sỏ tài phiệt hình thành ở Nga (Oligarchs, ở Việt Nam thường gọi là tư bản đỏ), chúng tôi dịch lại đây một trích đoạn của Carnegie Council for Ethics in International Affairs dựa vào bài nói chuyện năm 2004 của David Hoffman về cuốn sách của ông, The Oligarchs: Wealth and Power in Russia, để chia sẻ cùng độc giả.
Thời kỳ rối loạn của xã hội trước khi Liên Xô sụp đổ và nước Nga hình thành là một thời kỳ đầy ắp cơ hội cho những kẻ mưu mô, những kẻ bẻ gãy được các khung thành của nền kinh tế kế hoạch xô viết đầy mệnh lệnh và chuyển đổi tài sản của nó về tay mình. Một chế độ cáo chung mang theo nó một hệ thống pháp luật không còn giá trị. Một nhà nước mới chưa hình thành, chưa có hệ thống pháp luật độc lập đủ hiệu quả, đủ khả năng điều tiết trong giai đoạn rối beng này.Giới đầu sỏ tài phiệt Nga nhờ đó đã nhanh chóng xuất hiện.
Trùng hợp với thời kỳ Liên Xô sụp đổ, đảng cộng sản tại Việt Nam cũng không kém phần bối rối. Lối thoát của họ là gượng gạo đưa ra ra chính sách kinh tế “Đổi mới”, là cách hướng tới kinh tế thị trường, đó là cách duy nhất để bảo vệ quyền lực, để chế độ không bị sụp đổ . Đất đai, được đảng cộng sản Việt Nam quy định thành sở hữu toàn dân, cũng như nhà máy, xí nghiệp, công ty nhà nước xã hội chủ nghĩa, các loại tài nguyên…đều là tài sản công. Đây là giai đoạn mở đầu cho các tư bản đỏ tương lai tham gia vào hệ thống quyền lực. Các đầu sỏ tài phiệt này cũng đầy mưu mô như các bậc đàn anh ở Nga, cũng chuyển đổi các tài sản công, bắt đầu bằng cách chiếm đoạt đât đai, dựa vào cái nhản mơ hồ mà đảng cộng sản đặt ra, thành tái sản riêng của mình. Trong lịch sử loài người, đây là thời kỳ có thể được xem là thời kỳ gian lận chiếm đoạt tài sản quốc gia vào hàng lớn nhất.
(Các tiểu đề do người dịch đặt ra)
***
Đầu sỏ tài phiệt kiểm soát một lượng lớn tài sản và ảnh hưởng ở Nga ngày nay. Làm thế nào mà những tay đại gian thương này vươn lên nắm quyền và mối quan hệ của họ với chính phủ là gì?
Chúng tôi đã lấy một đoạn trích lớn từ bài nói chuyện năm 2004 của David Hoffman về cuốn sách The Oligarchs: Wealth and Power in Russia của ông. Được nghiên cứu và viết ra trong một khoảng thời gian quan trọng – khi sự giàu có và quyền lực của các nhà tài phiệt trở nên rất mạnh và đang gia tăng, và Putin chỉ mới nắm giữ chức vụ hành pháp được vài năm – Hoffman đưa ra một cái nhìn rõ ràng về sự thăng trầm đột ngột của một người từng được xem là người giàu nhất nước Nga: Mikhail Khodorkovsky.
Các nhà tư bản là gì trong một quốc gia đã từng vô cùng thù địch với ý tưởng này trong bảy thập kỷ? Tội phạm là gì trong một quốc gia không có pháp quyền?
Khi chúng ta nói về những nhà tài phiệt này, những doanh nhân này, chúng ta không nói về những người chỉ đơn giản là ăn cắp, bởi vì hàng trăm, hàng ngàn người đã ăn cắp. Trong thời kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ, trộm cắp không phải là một thành tựu gì đáng nói. Nhưng xây dựng một đế chế, đặt toàn bộ tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia dưới sự kiểm soát của mình, và cùng với việc đó, đặt cả Tổng thống của đất nước dưới sự kiểm soát của mình – đó là những gì cần thiết để trở thành một nhà đầu sỏ tài phiệt.
Trong thời kỳ đầy bóng tối và thiếu thốn của Liên Xô, tinh thần kinh doanh bị coi là tội phạm. Hãy ghi nhớ điều đó khi chúng ta nghe câu chuyện thần kỳ về [Mikhail] Khodorkovsky và câu hỏi được đặt ra là nên gọi anh ta là nhà tư bản hay là tên tội phạm.
Hệ thống kinh tế kế hoạch của Liên Xô đã chững lại vào đầu những năm 1980; nó hoàn toàn bất lực không thể cung cấp đủ cho đòi hỏi của người tiêu dùng, đặc biệt là vì nền kinh tế đó đã dành quá nhiều cho liên hợp công nghiệp-quân sự. Và trong một nỗ lực cuối cùng để tái tạo lại giấc mơ, một số thành viên của Bộ Chính trị đã thông qua được một nghị quyết để dẫn đầu cuộc chiến chống lại cái mà họ gọi là “thu nhập phi lao động”. Điều này quả là một điều tồi tệ, vì nếu ai cũng đi tìm kiếm lợi tức bằng thu nhập phi lao động từ bên trong hệ thống, nơi mà tinh thần kinh doanh bị xem là một tội phạm.
Nhưng chẳng ai thật sự biết thu nhập phi lao động là gì. Đó có phải là lái một chiếc taxi [không có giấy phép] của người gypsy không? Hay có phải đó là trồng cà chua và dưa chuột của riêng bạn? Thật là khó hiểu khi mệnh lệnh này được đưa ra, nhưng ra sao thì ra, người ta vẫn cử một lực lượng dân quân xuống đường để cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của nó. Họ nhất định quả quyết rằng trồng cà chua của riêng bạn chắc chắn là một tội ác.
Họ bố trí ở phía nam Moscow để theo dõi những người lái xe từ phía nam đến Moscow mang rau để bán không chính thức, một phần của nền kinh tế ngầm. Nezavisimaia Gazeta , khi đó là một tờ báo thử nghiệm, đã đăng tiêu đề như vầy “The Criminal Tomato” (quả cà chua hình sự). Người cảm thấy rất xấu hổ về chuyện này chính là Mikhail Gorbachev, ông ta bắt đầu có thay đổi. Đảng Cộng sản đã tiến hành một cuộc thử nghiệm cho phép các doanh nghiệp tư nhân nhỏ đầu tiên hoạt động, được gọi là hợp tác xã.
Bắt đầu bằng sự hoảng loạn của nhà nước sắp tiêu vong
Hệ thống vẫn cố gắng tự cứu mình. Chắc chắn là họ không cho phép các hợp tác xã điều hành các nhà máy thép hoặc tiếp quản các nhà máy lọc dầu, nhưng họ cho phép những người làm bánh nướng và sửa giày bắt đầu kinh doanh nhỏ, và họ đã tạo kẽ hở cho Đoàn Thanh niên Cộng sản được làm điều này. Chính trong môi trường không ổn định, đầy sợ hãi, thử nghiệm và chủ nghĩa thực nghiệm này, Mikhail Khodorkovsky đã có bước khởi đầu đầu tiên. Nên nhớ thời đó tất cả những người tham gia vào các hợp tác xã đều được coi là những người sống bên lề xã hội, những người hối hả và những người khá khó ưa.
Hợp tác xã đầu tiên của Khodorkovsky là một thảm họa. Anh mở một quán cà phê nhỏ trong sảnh của Viện Hóa học Mendeleev ở Moscow, dự tính rằng khi các bạn học của anh kết thúc giờ học, họ sẽ dừng lại để uống cà phê. Nhưng chẳng có ai đã làm vậy. Không nản lòng, anh vẫn tiếp tục con đường dự tính.
Nhiều người gặp Khodorkovsky lần đầu sẽ rất đỗi ngạc nhiên, vì sao một con người có ý chí sắt thép như anh ấy lại có một giọng nói nhẹ và cao, khiến tôi nghĩ, ngay cả khi tôi nói chuyện trực tiếp với anh ấy, anh ấy chỉ như khoảng 15 tuổi. Anh ấy cũng tỏ ra hết sức nhút nhát . Nhưng cũng chính nhờ những đặc điểm bề ngoài ấy đã giúp anh che giấu những tham vọng lớn của mình. Anh bắt đầu một công việc kinh doanh khác, đó là tìm cách thu cho được một lượng lớn trợ cấp phi tiền mặt của Nhà nước dành cho các viện và nhà máy khác nhau, và nhiều khi không được sử dụng. Các viện và nhà máy này rất cần tiền thật, đồng rúp thật, tồn tại song hành với nhau như một loại tiền khác. Đồng rúp thật rất khan hiếm và chúng chỉ được phép sử dụng để trả lương mà thôi. Bạn không thể thuê một chiếc xe tải hoặc xây dựng một nhà kho bằng đồng rúp thật.
Khodorkovsky là một kẻ rất mưu mô, và anh ta đã tìm ra cách, với sự cho phép của Đảng, lấy các khoản trợ cấp kế toán không dùng tiền mặt đó, vô giá trị mà các viện và ngành nhận được từ Gosplan [cơ quan lập kế hoạch tập trung] và từ Trung ương , rồi biến đổi chúng thành tiền thật, sau đó anh ta chuyển lại cho giám đốc nhà máy một phần, phần khác đưa vào tài khoản ngân hàng của chính mình và sử dụng cho các mục đích khác. Làm sao anh ta làm được điều này? Anh ấy mới 25 tuổi, Liên Xô vẫn còn tồn tại, nhưng anh đã khám phá ra cách biến các khoản trợ cấp của chính hệ thống Xô Viết thành tiền thật.
Hắn lợi dụng một kẽ hở rất nhỏ, là móc ngoặc lấy danh sách công nhân ở bất kỳ cơ quan nào, tạm gọi họ là tập thể những người lao động của bạn và trả cho họ bằng loại tiền đặc biệt này. Anh ta lấy danh sách của mọi người từ chính nhà máy của họ, gán cho họ một tên gọi tượng trưng, và sử dụng sơ hở đó để nói với ngân hàng: “Tôi phải trả tất cả bằng tiền mặt”. Nhận trợ cấp, biến nó thành tiền mặt trong ngân hàng nhà nước, với sự cho phép, và đã có rất nhiều tiền mặt còn lại cho bản thân, cho giám đốc và cho các mục đích khác. Chẳng mấy chốc, ngân hàng nhỏ của anh, Ngân hàng Menatep , bắt đầu phình to bằng tiền thật, và ngay sau đó, anh đã tìm ra cách biến đồng rúp thành đô la.
Thời kỳ kiếm tiền dễ dàng
Đây là bước khởi đầu của thời đại kiếm tiền dễ dàng, trong lúc này không phải chỉ có anh ấy làm việc đó. Lấy thủ thuật nhỏ đó và nhân nó với 100, 200, 1.000 . Nhiều người đã thử làm điều này, và khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và nước Nga mới bắt đầu vào năm 1992 và 1993, thời đại kiếm tiền dễ dàng bùng nổ, Khodorkovsky và những người bạn của anh ta có mặt ở khắp mọi nơi.
Trước hết, chúng ta thấy lợi ích cá nhân đã trở thành hợp pháp trong thời đại kiếm tiền dễ dàng. Chúng ta đã đi, trong một thời gian rất ngắn, từ việc kinh doanh là tội phạm đến tư lợi là hợp pháp. Thứ hai, bạn không thể có chủ nghĩa tư bản – như Boris Yeltsin đã nói như ông ấy muốn – nếu không có các nhà tư bản. Lữ đoàn thanh niên này đã đĩnh đạc và sẵn sàng bước vào vai trò của những nhà tư bản đầu tiên.
Liên Xô đã sụp đổ. Luật lệ và quy tắc của nó, được viết ra cho một xã hội trong đó tinh thần kinh doanh bị coi là tội phạm, vẫn còn trên sách vỡ, nhưng không ai tuân theo chúng nữa. Nhà nước đã sụp đổ với tư cách là một thể chế quản lý, một phần vì luật pháp được kế thừa từ một quốc gia không còn tồn tại.
Nhiều người như Khodorkorsky rất hối hả, và anh ta bắt đầu tích lũy được hàng chục triệu, thậm chí có thể là 100 triệu đô la trong những năm đầu tiên đó, chỉ bằng cách lợi dụng điểm yếu của Nhà nước. Bạn có thể đặt cược ngày hôm nay cho tỷ giá đồng rúp/ đô la của ngày mai và kiếm được hàng chục triệu đô la. Bạn có thể trở thành một chủ ngân hàng được ủy quyền bởi nhà nước. Khodorkovsky có thể hét, “Bạn phải trả tiền cho các giáo viên ở Kolymskaja . Bạn không có cách nào để trả tiền cho các giáo viên thì tôi sẽ trả tiền cho các giáo viên.” Không có công phố phiếu trong những ngày đầu của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, vì vậy họ đã sử dụng các chủ ngân hàng, những người này bảo nhà nước: “Hãy đưa cho tôi 600 triệu đô la. Tôi sẽ trả lương cho tất cả các giáo viên trong nước.” Nhà nước liền đưa tiền cho họ.
Anh ấy đã làm gì với nó? Anh ta không trả lương cho giáo viên ngay lúc đó. Một số người trong số họ đã đến gõ cửa ngân hàng ở Moscow để yêu cầu trả tiền. Khodorkovsky đã cử những người cầm súng đến và quát: “Xin vui lòng lùi lại qua bên kia đường.” Anh ta hiểu giá trị thời gian của tiền bạc. Sáu trăm triệu đô la trong vòng ba tháng có thể mang lại cho anh ta một khoản lợi nhuận kha khá. Mãi sau này các giáo viên mới nhận được tiền, và đôi khi họ được anh ta trả cho họ bằng… IOU (I owe you, giấy chứng nợ) số tiền mà lẽ ra anh ấy phải đưa cho họ sớm hơn thế.
Cuối cùng, điểm quan trọng nhất là sự xuất hiện của tư nhân hóa chứng từ . Khodorkovsky đã tìm cách tích lũy càng nhiều chứng từ (một loại công phiếu để mua cổ phần) đó càng tốt với số tiền hàng chục triệu của mình. Đến lượt mình, anh ta sử dụng chúng để mua cổ phần trong 29 công ty khác nhau: dầu mỏ, luyện kim, hóa chất, chế biến thực phẩm.
Anatoly Chubais , người chịu trách nhiệm về quá trình này, đã đưa ra một giả định sâu sắc đằng sau chương trình này: Nếu chúng ta cho đi tất cả tài sản, thì cuối cùng những người nhận được nó sẽ thành công hay thất bại tùy theo trí thông minh và sự khôn ngoan của chính họ. Nếu chúng tôi giao nó cho họ, những người không thành công sẽ phải bán đi; những người thành công sẽ truyền lại cho thế hệ sau. Và Chubais nói, “Tôi không quan tâm ai có được nó. Hãy để thị trường vận hành. Hãy để quá trình tiến hóa diễn ra, và chúng ta sẽ thấy sau hai hoặc ba thế hệ, những người chủ tốt sẽ chiếm ưu thế và những người chủ xấu sẽ thất bại.” Còn một câu hỏi sau cùng, sau khi Khodorkovsky đã nhanh chóng mua lại nhiều doanh nghiệp trong số này, và các chứng từ không còn nữa, 20% còn lại mà nhà nước vẫn nắm giữ trong các công ty sẽ được xử lý thế nào.
Chubais và một số trợ lý của ông hỏi, “Làm thế nào để chúng ta có thể loại nốt 20 phần trăm còn lại này?” bởi vì họ muốn tất cả tài sản phải qua tay tư nhân. Họ nghĩ ra một kế hoạch tài tình – đấu thầu đầu tư. Đây là một cuộc đấu giá mà người hứa sẽ trả nhiều tiền nhất trong tương lai cho khoản đầu tư của một công ty sẽ giành được 20%. Tài sản đã được bán đấu giá để đổi lấy lời hứa đầu tư trong tương lai. Khodorkovsky cũng đã sử dụng đấu thầu đầu tư, giống như mọi người tham gia tư nhân hóa lớn khác vào thời điểm đó, để mua nốt 20 phần trăm cuối cùng này – rất có giá trị vì nó thường mang lại cho họ quyền sở hữu đa số. Ví dụ, Khodorkovsky đã mua một công ty phân bón nhỏ tên là Apatit . Anh hứa sẽ đầu tư 238 triệu USD vào nó trong tương lai.
Nhóm nhỏ các nhà tài phiệt ngày càng có quyền lực này đã giúp Boris Yeltsin tái đắc cử, và đổi lại, họ có được một đợt tư nhân hóa mới, một số lượng rất nhỏ nhưng là một lượng lớn tài sản. Những viên ngọc quý đã được trao vào năm 1995 và 1996—dầu mỏ, khoáng sản—và đây là lúc Khodorkovsky có được Công ty Dầu khí Yukos của mình, công ty mà anh đã để mắt đến trong nhiều năm.
Các cuộc đấu giá dùng nợ vay để lấy cổ phần (Loan- for- Shares auctions), vốn là một cách để ôm được sự giàu có và quyền lực này, đã bị gian lận theo cách mà ngay cả Khodorkovsky cũng không thể che giấu được, bởi vì người tổ chức đấu giá cũng là người thắng thầu. Vì vậy, ngân hàng của anh ta, Menatep , là người bán đấu giá, và ngân hàng của anh ta, Menatep , sử dụng một công ty bình phong, một công ty vỏ bọc, để thành người chiến thắng.
Họ có một phương pháp rất tài tình để ngăn chặn tất cả người nước ngoài, bởi vì mọi người đều biết rằng nếu British Petroleum hay Exxon lọt vào, tất cả họ sẽ trở thành lịch sử. Họ đã mua với giá rất thấp. Khodorkovsky có 78% cổ phần cho một công ty dầu mỏ rất lớn với giá 300 triệu USD. Cho vay mua cổ phiếu, đấu thầu đầu tư, toàn bộ thời kỳ tư nhân hóa phiếu mua hàng này không phải là việc như những người lẻn vào cửa hàng kẹo và ăn cắp một thanh kẹo. Đây là những cuộc đấu thầu lớn của Nhà nước, để cho đi tài sản. Nhà nước không đặt ra quy tắc nào , nhưng giao hẹn: “Bạn có thể có các nhà máy với một lời hứa”. Sau khi Khodorkovsky mua được công ty dầu Yuko và Yeltsin được bầu lại là một thời kỳ bùng nổ tại Nga trong những năm 1996, 1997 và mãi đến những tháng đầu của năm 1998…
[Nhưng] Tất cả sự bùng nổ rồi cũng phải có lúc kết thúc. Đồng rúp sụp đổ vào năm 1998, và Nhà nước một lần nữa vẫn ở bên cạnh những người như anh ấy, nói rằng “Các bạn không cần phải trả lại bất kỳ khoản vay nào của mình. Chúng tôi sẽ có lệnh cấm. Tất cả các bạn đều đang bị thiệt hại. Chúng tôi đã bán cho các bạn những trái phiếu này. Bây giờ trái phiếu sụp đổ, vì vậy đừng trả lại tiền”, và Khodorkovsky nằm trong số những người không trả lại tiền. Và vào năm 1999, anh ta trở thành người tiêu biểu cho kiểu lạm dụng quản trị doanh nghiệp tồi tệ nhất mà chúng ta từng thấy trong lịch sử nước Nga thời hậu Xô Viết. Anh ta vỡ nợ ba khoản vay ngân hàng. Anh ta nói với các ngân hàng, “Tôi quá nghèo, tôi không thể trả lại được cho bạn. Làm ơn đi nhé?” Các ngân hàng phải cân đối sổ sách hàng năm, và sau một thời gian họ cảm thấy mệt mỏi vì phải chờ đợi quá lâu. Họ cử một đội đòi nợ đến để xem liệu anh ta có bất kỳ tài sản nào mà họ có thể tịch thu được không, nhưng đội đòi nợ quay về chỉ với cái lắc đầu.
Đầu năm 1999, ngân hàng suy nghĩ, “Chúng ta đã phạm sai lầm, hãy xóa bỏ nó đi.” Họ lấy tờ chứng có 30 phần trăm của Yukos mà họ đang nắm giữ, đem đi bán. Đoán xem ai đã mua nó? Họ đã không hề nhận ra điều đó, trên thị trường thứ cấp, anh ta đã mua lại tất cả với giá 100 triệu đô la. Lợi nhuận ròng: 136 triệu đô la tiền mặt một cách khỏe re, đơn giản chỉ do vỡ nợ. Anh ta cũng có hàng loạt mâu thuẫn với các chủ nợ, với các cổ đông thiểu số. Anh ta đe dọa sẽ đưa toàn bộ công ty dầu mỏ ra nước ngoài để thoát khỏi một số khoản nợ nhất định.
Chúng ta đã biết đến đâu trong những năm chín mươi? Yeltsin, trong một quyết định có những hậu quả sâu sắc, đã quyết định cùng với các nhà cải cách tự do là tạo ra sự tự do tối đa trước rồi mới lập ra các quy tắc sau. Thế là các lực lượng hỗn loạn, các thế lực xấu xa lao vào khoảng chân không này—những kẻ lừa đảo, lang băm, côn đồ, băng đảng tội phạm, chính trị gia tham nhũng và đầu sỏ tài phiệt.
Trong tình trạng suy yếu của nhà nước Nga vào thời điểm này, tiền đã mua được quyền lực. Đã có một trình tự không thể nào nhầm lẫn được đối với việc các nhà tài phiệt và những người khác tích lũy tất cả tài sản này. Họ đã kiếm được tiền từ thời kỳ kiếm tiền dễ dàng. Họ đã mua tài sản họ muốn. Sau đó, họ xung đột với nhau về tài sản đó và không có nơi nào để giải quyết những mâu thuẫn đó vì Nhà nước không tồn tại với tư cách là một thiết chế quản lý, vì vậy họ giải quyết chúng trên đường phố bằng súng. Đã có một làn sóng bạo lực khủng khiếp vào những năm 1990. Nhưng chu kỳ đã hoàn tất. Tiền cai trị.
Tư bản hay là tội phạm
Vậy điều gì xảy ra tiếp theo ở Nga? Các tướng cướp có tự muốn tuân theo luật pháp không? Và tại sao? Sau khi trở thành kẻ bất hảo của chủ nghĩa tư bản Nga vào năm 1999, Mikhail Khodorkovsky quyết định sẽ noi gương các trùm cướp Mỹ và tẩy rửa hành vi của mình.
Đầu tiên, anh ta phải lấy lại toàn bộ Yukos. Anh ta đã nhận lại được 68% số tiền đó sau khi hoàn tất việc mua lại các khoản nợ. Các cổ phiếu trên thực tế là vô giá trị. Họ đã ngừng giao dịch nó trên thị trường chứng khoán Nga vì hành vi bất hảo của anh ta. Vì vậy, anh ta cũng đã tẩy chay Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nga. Khodorkovsky tự nghĩ, “Tôi phải làm gì tiếp? Tôi có 68% cổ phần của công ty, cổ phiếu vô giá trị, nó không được giao dịch nhưng nó có rất nhiều dầu.” Nếu như anh ta vẫn giữ cho công ty dưới dạng tư nhân như anh ta nói : “Tôi và sáu người bạn của tôi, đó là công ty của chúng tôi và chúng tôi sẽ bơm dầu,” anh ta cũng đã rất thành công.
Khodorkovsky nói, “Nếu chúng ta trở thành những tên cướp tin vào pháp luật, chúng ta đã phải làm khác đi.” Sau đó, anh ta bắt đầu từ từ làm cho mọi người bớt hoài nghi, áp dụng các phương thức kinh doanh minh bạch của phương Tây. Anh ta giữ cho công ty vẫn là công ty công cộng. Anh ta được thừa hưởng một món tiền hời khổng lồ do may mắn khi dầu mỏ tăng giá vào năm 2000. Nhờ đó, anh ta có được vài tỷ đồng tiền mặt. Anh ta cũng phát hành tài khoản theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Anh ta đã trả cổ tức. Và bây giờ tôi xin nhắc bạn rằng anh ấy sở hữu 68% công ty này, anh ấy tự trả cổ tức cho chính mình, nhưng cũng còn 30% còn lại. Lần đầu tiên, một công ty Nga có động thái lớn là bắt đầu trả cổ tức.
Sản lượng của Yukos tăng vọt. Rất nhiều dầu bắt đầu chảy qua đường ống dẫn. Anh ta đầu tư vào thiết bị để tăng sản lượng. Anh ta hứa sẽ quản trị công ty tốt, và hãy đoán xem chuyện gì đã xảy ra? Tên trùm tướng cướp người Nga này đã được khen thưởng vì hành vi tốt của mình. Cổ phiếu bắt đầu giao dịch và tăng giá, và sau một hoặc hai năm, cổ phiếu đạt 11 đô la một cổ phiếu. Anh ấy vẫn chưa xong việc.
Tôi đã rất hoài nghi. Tôi có mối quan hệ không mấy tốt với Khodorkovsky, tôi đã phải thực hiện nhiều bài viết hết sức khó khăn, với rất nhiều bí mật. Khi người ta nói, “Anh ấy đã thay đổi, và bây giờ anh ấy sẽ giống như JP Morgan,” tôi mỉa mai lại, “Đúng rồi!.” Nhưng theo thời gian, chúng tôi bắt đầu thấy rằng sự biến tính và tiến hóa là có thật, và nó tương đồng chính xác với những gì chúng tôi nghĩ rất tự hào về các ông trùm tài phiệt của mình.
Khodorkovsky sau đó đã tiến thêm một bước mà không một doanh nhân Nga hàng đầu nào khác đã thực hiện. Anh công khai quyền sở hữu thực sự của công ty mình. Khodorkovsky tiết lộ rằng anh có 38% hoặc vào thời điểm đó trị giá khoảng 9 tỷ USD trong Công ty Yukos này. Anh ấy đã mua nó với giá 300 triệu đô la. Không tệ cho một vài năm làm việc. Anh ta bắt đầu hoạt động từ thiện trong và ngoài nước. Và nhiều thứ bắt đầu xảy ra ở Nga. British Oil công bố khoản đầu tư 7 tỷ USD vào một công ty dầu khí khác của Nga, và Khodorkovsky bắt đầu công khai nói về việc bán một phần Yukos cho Exxon hoặc Chevron.
Sự hóa thân vẫn tiếp tục. Tại sao nó xảy ra? Vì có một số lực thay đổi cơ bản rất quen thuộc với chúng ta từ lịch sử của chính chúng ta, thậm chí từ các hoạt động hàng ngày của chúng ta. Một trong số đó là lòng tham và tư lợi. Một điều nữa là khi tất cả tài sản và tiền dễ dàng đã cạn kiệt, khi hoạt động đầu cơ bằng đồng rúp/đô la không còn sinh lãi nữa, mọi người cần chuyển sang các kênh hợp pháp hơn để kiếm tiền. Ngoài ra, đã có một thời điểm quan trọng khi chủ sở hữu của các công ty này bắt đầu thực hiện chính xác những gì Chubais đã nói. Họ bắt đầu cảm thấy như là những người cai quản thật. Họ phải thuê những người quản lý giỏi. Họ phải tăng sản lượng, trả cổ tức và phát hành báo cáo hàng năm.
Điều đó đã gợi cho chúng ta suy nghĩ gì về hôm nay [2004]? Anh chàng này là nhà tư bản hay là tên tội phạm? Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã bỏ lỡ toàn bộ thời kỳ mà chúng tôi thảo luận. Một phần của thời kỳ đó ông ta ở Đức, và sau đó ở St Petersburg, nhưng theo quan điểm của tôi, ông ấy chưa bao giờ hiểu đầy đủ về thời kỳ hỗn loạn của những năm 1990 hoặc sự tiến hóa sắp xảy ra và đang diễn ra với Khodorkovsky.
Putin gần đây có nói: “Mọi người liên tục phàn nàn rằng luật pháp quá phức tạp và không dễ tuân theo chúng. Đúng, luật pháp rất phức tạp và lộn xộn, nhưng chắc chắn là có thể tuân theo chúng. Tất cả những ai muốn tuân theo chúng đều đã làm được như vậy. Không phải chỉ vì năm, bảy hay mười người không tuân theo luật pháp, mà sẽ có nghĩa là tất cả mọi người đều không tuân theo chúng.” Sự thật là không ai tuân theo chúng. Sự thật là Nga đã không trở thành một nhà nước pháp quyền vào những năm 1990, và ông đã bỏ lỡ điều đó.
Vận may của Khodorkovsky đột ngột thay đổi vào năm này (2004). Công ty đã bị tấn công. Anh ta bị bắt, anh ta bị buộc tội lừa đảo. Một số đối tác của anh ta đã bị bắt, những người khác đã bỏ trốn và giá trị thị trường của công ty đã giảm xuống. Anh ấy không còn đáng giá 9 tỷ đô la nữa. Anh ấy hiện đang ở trong tù.
Một nhà tư bản hay một tên tội phạm? Tôi có đề cập việc công ty phân bón Apatit đã được tư nhân hóa vào thời điểm 1994. Có một cuộc đấu thầu đầu tư cho 20% còn lại và Khodorkovsky hứa sẽ đầu tư 283 triệu đô la, nhưng đã không thực hiện. Không phải chỉ anh ấy làm như vậy đâu.
Bóng dáng nhà nước đã thiết lập cơ chế điều hành đó bây giờ ở đâu? Sau một thời gian kiện tụng về Công ty phân bón Apatit , Khodorkovsky cuối cùng đã đạt được thỏa thuận. Anh ấy đã trả cho chính quyền 15 triệu đô la vào năm ngoái để dàn xếp cho lời hứa đầu tư mà anh ấy đã không giữ. Đó là một vụ dàn xếp dân sự mà ngay cả công tố viên hình sự cũng gửi một lá thư nói rằng, “Tôi không có yêu cầu gì thêm.”
Bây giờ, đột nhiên, nó lại là cơ sở của một khiếu nại hình sự. Bây giờ, đột nhiên, Khodorkovsky bị đưa ra xử. Đây là cốt lõi của vụ kiện chống lại anh ta. Đây không phải là một câu hỏi về hoạt động tội phạm, bởi vì những gì đang xảy ra là một cái gì đó lớn hơn. Tất cả quá trình tư nhân hóa đang được thử nghiệm. Nếu vụ Apatit là một tội phạm, thì cứ chọn bất kỳ ai hiện đang kinh doanh ở Nga sẽ thấy họ cũng là tội phạm. Nếu bạn truy tố tùy tiện, bạn không có nhà nước pháp quyền. Nếu bạn tuyên bố rằng tất cả quá trình tư nhân hóa của những năm chín mươi đều gây thiệt hại, thì hãy coi chừng, bởi vì bất kỳ ai cũng có thể là người bị buộc tội tiếp theo. Đó có phải là điều nước Nga muốn tiến đến?
Điều gì thực sự đằng sau vụ này? Người ta nói, “Ồ, đó chỉ là chính trị. Putin đang tranh cử.” Đó là một cách tốt nhất để tranh cử với một chiến dịch dân túy. Người ta đang rất oán giận. Hàng triệu người Nga đã phải chịu thiệt hại trong giai đoạn này.
Người ta cũng nói: “Nhà nước cần nguồn thu, mấy ông này có cả tỷ đồng, sao không lấy của họ?”. Có một cách để làm điều đó -đánh thuế.
Mọi người nói, “Ồ, Putin đang dọn dẹp. Ông ấy sẽ biến nó thành một nhà nước pháp quyền.” Nhưng bạn không thể xây dựng một nhà nước pháp quyền trừ khi bạn sử dụng các phương pháp pháp quyền, và đây không phải là các phương pháp pháp quyền. Điện Kremlin đã quyết định củng cố quyền lực trong cả chính trị lẩn kinh tế, nơi mà cạnh tranh giống như là dưỡng khí thực sự của nền dân chủ, của chủ nghĩa tư bản. Putin đã bắt đầu bóp nghẹt sự cạnh tranh và chủ nghĩa tư bản, giống như ông ta đã bóp nghẹt nó trong chính trị với các thống đốc, Nghị viện và giới truyền thông.
Có nhiều ví dụ trên khắp thế giới về những nơi chủ nghĩa tư bản nhà nước hoạt động. Hãy nhìn vào Mexico. Nga có nên giống Mexico? Chúng ta có muốn một nơi mà nhà nước kiểm soát mọi quyết định về kẻ thắng người thua không? Đó có phải là chủ nghĩa tư bản thị trường thực sự?
* Ghi chú của biên tập viên: Bài viết này có từ năm 2004. Năm 2005, Khodorkovsky – một nhà phê bình gay gắt của Vladimir Putin và có lúc là người giàu nhất nước Nga – bị bỏ tù 8 năm vì tội trốn thuế, gian lận và tham ô. Ông lại bị xét xử vào năm 2011 với tội danh rửa tiền và tham ô. Ông đã được Putin ân xá vào năm 2013 dựa vào “các nguyên tắc của con người”. Nhiều người coi các cáo buộc là có động cơ chính trị. Để biết thêm thông tin về Khodorkovsky, vui lòng xem hồ sơ của BBC .
Nguồn: