Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức 17.3.2017
Merkel gặp Trump, chắc hẳn đấy là một sự kiện đang được nhiều người quan tâm. Tác giả bài này cũng không phải là ngoại lệ. Theo dõi diễn biến cuộc họp và buổi họp báo hôm nay, tôi rất ngạc nhiên về một đề tài tưởng chừng chẳng có trọng lượng gì cho buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai vị nguyên thủ này: đấy là đề tài mô hình huấn nghiệp song hành của Đức[1].
Ai cũng biết Merkel đã có ý định đó, không chỉ để quãng cáo và “xuất khẩu” mô hình huấn nghiệp đặc biệt của Đức, mà muốn nói với Trump rằng, Đức sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong mọi lĩnh vực. Dường như Merkel cũng muốn nói rằng, việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nhiều lúc có thể mang lại lợi ích cho nước nhập khẩu. Angela Merkel phát biểu tại Washington: “Kiểu đào tạo này cũng có thể rất phù hợp với Hoa Kỳ”. Sáng kiến của Merkel muốn đưa đề tài hết sức nhàm chán này – đào tạo và huấn nghiệp trong hợp tác kinh tế – vào lịch thảo luận, tỏ ra là sáng kiến khôn ngoan[2]. Ý định của Merkel là gởi một thông điệp thật rõ ràng đến Trump: công nghiệp Đức có thể sản xuất trên đất Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ và đào tạo người Mỹ theo phương pháp của Đức bằng một mô hình độc đáo đã thành công hơn 40 năm qua.
Vài phút sau phát biểu của Merkel, Phó Tổng thống Mike Pence “cám ơn về chuyến công du tìm hiểu hệ thống huấn nghiệp song hành tại Đức trước đây vài tuần, chuyến đi đó rõ ràng là có ích. Đấy cũng một lĩnh vực hai nước có thể hợp tác với nhau”. Sau đó, khi mở đầu cuộc họp báo, Trump cho rằng hai nước “có thể hợp tác kinh tế trong lĩnh vực huấn nghiệp”.
Dù sao, phái đoàn Đức có thể thở dài nhẹ nhõm và đánh giá chuyến công du của Angela Merkel là đạt yêu cầu. Dù Trump không hứa hẹn rút lại ý định áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Đức, nhưng sự việc ngày càng rõ hơn: đấy không còn là đề tài ưu tiên như Trump nhấn mạnh trong thời kỳ tranh cử. Chủ tịch của ba tập đoàn Siemens, BMW và Schaeffler đã giúp Merkel để lại ấn tượng tốt. Trump không giấu giếm lời khen nồng nhiệt về hệ thống đào tạo song hành của Đức, trong đó vai trò hợp tác của công nghiệp vô cùng quan trọng. “Hoa Kỳ có thể học hỏi từ đó”[3]. Hơn thế, Trump còn hứng thú: “Siemens, đấy là một công ty ngoại hạng” (Super Firma).
Ngạc nhiên vì một đề tài tầm thường như thế mà có thể làm cho Trump chú ý và bỗng nhiên có thái độ thân thiện với phái đoàn Đức, tôi xin đăng vài trang thông tin cho những ai quan tâm đến hệ thống đào tạo song hành tại Đức. Theo sơ đồ hệ thống giáo dục dưới đây, độc giả có thể thấy hệ thống đào tạo song hành được tổ chức trên hai cấp độ: huấn nghiệp song hành ở trung cấp kỹ thuật (xem khối 5 của sơ đồ) và đào tạo đại học song hành (xem khối 2).
Sơ đồ hệ thống giáo dục Đức
Vì hiến pháp Đức quy định thẩm quyền giáo dục thuộc về các bang, cho nên dù liên bang đã quy định một khung tổng quát, việc tổ chức giáo dục trong các bang có ít nhiều khác biệt. Vài trang trình bày rất sơ lược sau đây vì thế có tính cách tương đối, mục đích để giúp độc giả thêm một ít chi tiết về hai nhánh phổ thông và thực nghiệm ở trung học hiện nay, nhờ đó dễ theo dõi phần diễn giải „Bình đẳng cơ hội trong giáo dục“ ở chương trước đây.
Hệ thống giáo dục hiện nay được chia làm bốn cấp: Hệ thống tiểu học (Primary), hệ thống trung học cấp I (Secondary Level I), hệ thống trung học cấp cao (Secondary Level II), hệ thống đại học và cao đẳng (Tertiary Level), sau đó là nghiên cứu và đào tạo chuyên nghiệp cấp cao sau đại học.
Ở trung học cấp I, ngoại trừ các loại trường đặc biệt phục vụ cho học sinh thuộc diện cần được hỗ trợ về nội dung và phương pháp sư phạm (Sonderschule, Förderschule …), các trường trung học cấp I có ba nhánh chính: trung học cơ sở (Hauptschule) dành cho học sinh có xu hướng sau này sẽ học nghề; trung học thực nghiệm (Realschule) thiên về thực nghiệm và khoa học kỹ thuật; thứ ba là trung học phổ thông (Gymnasium) giảng dạy kiến thức tổng quát. Bên cạnh đó có hai nhánh khác: trung học tổng hợp ba học trình (Gesamtschule) là trung dung giữa ba nhánh chính và cuối cùng là trung học hổn hợp hai học trình, trung dung giữa TH cơ sở và TH thực nghiệm. Trong thời gian theo trung học cấp I, học sinh một lần nữa có điều kiện tự đánh giá năng lực và dự kiến tương lai. Học sinh có thể xin đổi từ loại trường này sang loại trường khác nếu khả năng được thẩm định là phù hợp. Để khỏi phí phạm thời gian sau này, học sinh nên định hướng việc học trong tương lai trễ nhất là hai năm cuối cùng của trung học cấp I, tức là lúc học sinh ở lứa tuổi 14-16.
Sơ đồ hệ thống giáo dục và đào tạo tại Đức
Ở trung học cấp II, học sinh có thể chọn một trong ba hệ thống sau đây:
1) Hệ thống dạy nghề theo mô hình cổ điển (Berufsfachschule hoặc tương đương, xem khối 4 trong đồ họa) hoặc huấn nghiệp song hành (Duale Ausbildung, xem khối 5). Cấp bằng tốt nghiệp là kỹ thuật viên, trợ lý văn phòng hoặc tương tự. Hệ thống này thích hợp cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sau một năm học thêm lớp chuẩn bị. Học sinh tốt nghiệp bốn nhánh còn lại cũng có quyền vào thẳng hệ thống học nghề, và trong thực tế, số này có lẽ còn nhiều hơn học sinh TH cơ sở[4]. Sau 2-3 năm học nghề, học viên tốt nghiệp có thể quyết định: (a) ra đời kiếm tiền lúc 18-19 tuổi, hoặc (b) học bổ sung để lấy cấp bằng vào cao đẳng (Fachabitur, Hochschulreife v.v…), hoặc (c) học tiếp huấn nghiệp cấp cao (xem khối 3 trong đồ họa) kéo dài 2-3 năm, và dù không có học vị cao đẳng nhưng khả năng thăng tiến cũng được cải thiện nhiều.
2) Hệ thống trung học chuyên nghiệp cấp cao (Fachoberschule hoặc tương đương): Hệ thống này thu hút học sinh tốt nghiệp TH phổ thông, TH tổng hợp và TH thực nghiệm. Học sinh nhánh TH cơ sở sau khi học thêm một năm chuẩn bị cũng có thể xin thẩm định khả năng để vào hệ thống chuyên nghiệp cấp cao. Với cấp bằng tốt nghiệp (Fachabitur, Hochschulreife hoặc tương đương), học sinh có thể xin vào các trường cao đẳng chuyên nghiệp (Fachhochschule), học viện nghề nghiệp (Berufsakademie), cao đẳng song hành (Duale Hochschule) hoặc các trường cao đẳng tương đương – xem khối 2 trong đồ họa. Sau cuộc cải tổ đại học theo hiệp ước Bologna năm 1999, học vị cao nhất có thể đạt được trong các trường cao đẳng thuộc khối này là Master. Muốn học tiếp, sinh viên tốt nghiệp Master có quyền đổi sang trường đại học và tìm một giáo sư đỡ đầu (Doktorvater) để nghiên cứu bảo vệ tiến sĩ và hậu tiến sĩ sau đó.
3) Hệ thống phổ thông cấp cao (Gymnasiale Oberstufe): Hệ thống này tiếp nhận học sinh tốt nghiệp TH phổ thông và TH tổng hợp. Các nhánh khác phải được thẩm định lại năng lực trước khi được chấp nhận. Với cấp bằng tốt nghiệp (Abitur), học sinh có tất cả mọi chọn lựa ở đại học, cao đẳng hoặc tương đương để đạt được những học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục.
Thống kê năm 2015 cho thấy, trong niên khóa 2013/2014 có tổng cộng 5,3 triệu học sinh trung học cấp I, trong đó TH cơ sở chiếm 12,3%, TH hỗn hợp hai học trình chiếm 8,6%, TH thực nghiệm 19,2%, TH tổng hợp ba học trình 15,8% và TH phổ thông 44%[5]. Nói cách khác, khoảng chừng 13% tổng số học sinh phải theo các trường dạy nghề để ra đời sớm lúc 18-19 tuổi với trình độ kỹ thuật viên hoặc tương đương, còn lại 87% đều có cơ hội học tiếp trung học cấp II để sau đó thụ hưởng giáo dục cao cho đến hết đại học và hậu đại học. Cũng theo thống kê 2015[6], có 477 ngàn học sinh tốt nghiệp TH phổ thông cấp cao và TH chuyên nghiệp cấp cao. Trong số đó, 428 ngàn (tức 90% học sinh tốt nghiệp) đăng ký vào học kỳ thứ nhất tại đại học và cao đẳng. Đấy là một thành quả rất lớn của các đợt cải cách giáo dục kéo dài bốn thập niên, bắt đầu bằng cải cách năm 1969. Đa số phụ huynh học sinh đều hài lòng với những cơ hội giáo dục mà con cái họ có thể thụ hưởng.
Tuy nhiên cũng có nhiều phê phán, từ ôn hòa đến công kích dữ dội. Họ đòi hỏi phải cải cách triệt để hơn hòng thiết lập hệ thống giáo dục có trình độ cao và mang tính xã hội bền vững. Thí dụ như các vấn đề: Tại sao có quá nhiều con em gia đình lao động và dân nhập cư bị chia vào trung học cơ sở với tương lai thua kém học sinh các nhánh khác? Hệ thống cần cải thiện thế nào để giúp cho họ thoát ra khỏi bất bình đẳng xã hội đó? Việc phân loại nhiều nhánh trung học cấp I lúc trẻ em mới 10 tuổi có hợp lý về mặt sư phạm không? Có nên bãi bỏ nhánh trung học cơ sở? Cần cải tổ nội dung và phương pháp giảng dạy tại trung học như thế nào để phù hợp với thời đại digital? v.v…
Phải chăng đã đến lúc Đức cần tiến hành một cuộc cải cách mới? Trong khuôn khổ tập sách này, chúng ta khó lòng đi vào thảo luận các vấn đề đó.
Mô hình đặc biệt: đào tạo song hành
Thuật ngữ này được dùng để chỉ một hình thức đào tạo đặc biệt được áp dụng trên hai cấp độ khác nhau: huấn nghiệp song hành (Duale Ausbildung – Dual Training) ở trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo cao đẳng song hành (Duales Studium – Dual Study) ở cấp cao đẳng chuyên nghiệp và đại học. Cả hai cấp đều có nguyên tắc giống nhau là người học viên phải có trong tay hai hợp đồng, một là hợp đồng với nơi đào tạo lý thuyết (trường dạy nghề, học viện nghề nghiệp, đại học…) và hợp đồng thứ hai với nơi học thực hành (xí nghiệp, công ty, văn phòng luật sư…). Hợp đồng thứ hai rất quan trọng cho học viên, nó quy định nội dung công việc phải phù hợp với chương trình đào tạo tại nhà trường, nó quy định rõ quy chế lao động, lương tiền, bảo hiểm v.v… như một nhân viên chính thức của công ty xí nghiệp đó. Như vậy, học viên hệ thống này có thể độc lập tài chánh không còn phụ thuộc vào gia đình. Đối với học viên ở cấp cao đẳng song hành thì lương tiền còn tương đối thong thả hơn.
Hình thức huấn nghiệp song hành ở cấp độ thợ và trung cấp tại Đức đã có từ thế kỷ 19, nhưng rất rời rạc và tùy tiện. Việc đào tạo thực hành ở xí nghiệp dạy nghề nhiều lúc không phù hợp với chương trình lý thuyết. Sau chiến tranh trong khuôn khổ cải cách giáo dục, bộ luật huấn nghiệp[7] năm 1969 quy định lại một cách có hệ thống hơn, có khả năng bảo vệ học viên được thụ hưởng chương trình dạy nghề theo luật định. Tuy thế, đạo luật này chỉ có giá trị cho hệ thống dạy nghề trung cấp. Sự phát triển công nghiệp trong hai thập niên 1950 và 1960 đòi hỏi phải có chế độ đào tạo thực hành với trình độ cao. Vì thế, ba tập đoàn Daimler-Benz, Bosch và SEL ở Stuttgart đề nghị một mô hình đào tạo mới gọi là Stuttgarter Modell, được chính quyền bang Baden-Württemberg ủng hộ và đứng ra thành lập hai học viện nghề nghiệp[8] ở Stuttgart và Mannheim năm 1974. Đấy là hai học viện nghề nghiệp đầu tiên của CHLB Đức. Dù thế, cấp bằng tốt nghiệp chỉ được công nhận hạn chế, mãi đến 1995 mới được thừa nhận giá trị tương đương với đại học. Hiện nay, hầu hết cao đẳng chuyên nghiệp và một vài đại học đều có chế độ song hành này.
Hệ thống đào tạo song hành, nhất là cấp cao đẳng có một tầm quan trọng đặc biệt về mặt xã hội. Nếu đại học trước đây là vùng đất độc chiếm của những học sinh giàu và học giỏi, thì hệ thống song hành mở đường cho con em nhà nghèo và ngay cả những học sinh có tư chất kém hơn, vẫn có cơ hội thụ hưởng đào tạo cấp cao tương đương với đại học. Tưởng cũng cần nhắc tới hai tính chất đặc biệt của hệ thống song hành: thứ nhất, học viên có lương ngay từ ngày đầu tiên đến trường, như thế giảm bớt gánh nặng tài chánh cho gia đình và thứ hai, tính chất thực hành phù hợp với nhiều học viên khác nhau, nhất là những học viên kém về lý thuyết, nhưng dù sao, văn bằng tốt nghiệp của hai nhánh truyền thống và song hành đều được công nhận ngang nhau.
Thay lời kết
Phần trình bày trên đây không phải là tài liệu nghiên cứu chi tiết, mà chỉ là vài trang phụ lục trong tác phẩm “Thần kỳ Kinh tế Tây Đức – Giai đoạn 1949-1969” được Nhà xuất bản Tri Thức liên kết với Phương Nam xuất bản (ISBN 978-604-943-812-7). Phụ lục sơ sài này chỉ có mục đích giúp độc giả theo dõi những lý giải về đề tài Bình đẳng cơ hội trong giáo dục được trình bày kỹ hơn trong tác phẩm nói trên. Độc giả nào quan tâm đến đề tài này xin xem thêm sách đó.
Tác giả: Tôn Thất Thông
Ghi chú
[1] Xem FOCUS Online – USA Besuch im Live Ticker ngày 17.3.2017
[2] Xem Spiegel ONLINE ngày 18.3.2017 – Treffen von Trump und Merkel. Muss halt.
[3] Xem Spiegel ONLINE ngày 18.3.2017 – Treffen von Trump und Merkel. Muss halt.
[4] Niên giám thống kê năm 2015, trang 84 và 88 cho thấy, có 2 triệu học viên các trường học nghề trong lúc chỉ có 651 ngàn học sinh thuộc nhánh trung học cơ sở.
[5] Niên giám thống kê năm 2015, trang 84
[6] Niên giám thống kê năm 2015, trang 85 và 91
[7] Berufsausbildungsgesetz (BAG) ban hành ngày 26.3.1969
[8] Berufsakademie, có trình độ không kém cao đẳng chuyên nghiệp và đại học.