Trang chủ » Nhà máy điện hạt nhân gây ung thư trẻ em?

Nhà máy điện hạt nhân gây ung thư trẻ em?

Tháng Ba 2023
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thư viện

Tác giả: Phạm Hải Hồ

Sau thảm họa động đất – sóng thần – điện hạt nhân xảy ra vào tháng ba 2011 tại Fukushima, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiêm túc xem xét lại chính sách năng lượng của mình, khẩn trương kiểm tra độ an toàn của các lò phản ứng đang hoạt động hay ít nhất cũng cho “tạm nghỉ” một số nhà máy “cao tuổi”.a) Việc chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng tái tạo bền vững được nghiên cứu kỹ lưỡng và thảo luận rộng rãi hơn bao giờ hết. Quá trình ấy vừa là một thử thách to lớn, vừa là cơ hội ngàn vàng để thoát khỏi các hiểm họa do năng lượng hóa thạch và hạt nhân gây ra, đồng thời xây dựng những hệ thống năng lượng an toàn, kinh tế và thân thiện với môi trường: một cuộc cách mạng năng lượng thật sự.

Những tưởng đây cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo nước ta cân nhắc lại chính sách năng lượng của mình, nhưng không, sau một năm tạm dừng, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đang được chuẩn bị ráo riết. Dự án này sẽ do Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) thực hiện,

Đến nay, nhiều hoạt động tuyên truyền đã diễn ra với tín điều “nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ tuyệt đối an toàn”. Đáng chú ý nhất có lẽ là lớp học dành cho học sinh tiểu học với chủ đề “Chúng em với năng lượng nguyên tử” do UBND tỉnh Ninh Thuận và tập đoàn Rosatom tổ chức với mục tiêu hiển nhiên là lợi dụng lòng ngây thơ và nhiệt tình của các em để ảnh hưởng đến người lớn. Sau hai tiếng rưỡi, một số em cho biết mình không còn sợ nữa và hiểu lợi ích của năng lượng hạt nhân!b) Nếu như được tiếp cận thông tin đa chiều,  ̶  ngoài gánh nợ khổng lồ do chính quyền vay của nước ngoài để trả chi phí xây dựng nhà máy nguyên tử  ̶  các em, những người chủ tương lai của đất nước sẽ hiểu rằng…

… không thể nào không sợ điện hạt nhân!

Trong những năm 50 của thế kỷ trước, các chuyên gia hạt nhân đã từng tuyên bố kỹ thuật nguyên tử vô cùng an toàn, cả trăm ngàn năm mới có thể xảy ra một tai nạn. Nhưng rồi từ đó tới nay mới hơn sáu mươi năm thôi, loài người đã chứng kiến một loạt sự cố hạt nhân lớn: Osjorsk/Kyschtym (Liên Xô cũ, 1957), Sellafield (Anh, 1957), Harrisburg (Hoa Kỳ, 1979), Chernobyl (Liên Xô cũ, 1986), Fukushima (Nhật, 2011). Nhân dân Nga, Nhật Bản và cả cộng đồng thế giới còn phải chịu hậu quả hai thảm họa Chernobyl và Fukushima chưa biết đến bao giờ. Ngoài các sự cố lớn ấy ra còn có hàng ngàn sự cố khác, trong số đó nhiều trường hợp có thể gây tai nạn nặng nề nhất nếu không được xử lý kịp thời. Chỉ riêng ở Đức, từ 1967 tới giữa tháng chín 2015 các cơ quan giám sát của nước này đã ghi nhận khoảng 6.000 vụ phát xạ cao hơn bình thường mà các nhà máy điện hạt nhân phải khai báo, trong đó có 11 trường hợp vượt quá ngưỡng cho phépc). Chúng ta đừng quên rằng Đức là nước có nền công nghiệp hạt nhân phát triển, văn hóa an toàn cao và đội ngũ khoa học kỹ thuật có năng lực và kỹ luật vào bậc nhất thế giới. Vậy mà tai nạn hạt nhân nặng nề nhất vẫn có thể xảy ra nơi đó, nên ngay sau thảm họa Fukushima, Thủ tướng Angela Merkel quyết định hoãn ba tháng việc thi hành đạo luật cho phép gia hạn sử dụng bảy nhà máy cũ nhất (xây dựng trước 1980; không kể nhà máy Krümmel nối lưới năm 1983 đã phải ngừng hoạt động vì hư hỏng trong khi vận hành). Bà Merkel cho biết cách hành xử sau đó sẽ tùy thuộc vào kết quả kiểm tra độ an toàn của các nhà máy và bà sẽ trao đổi, thảo luận với các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ, các đảng phái v.v. để tìm sự đồng thuận về việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng sớm như có thể.d) Thế nhưng mới ngày 30/05/2011, chính phủ Đức đã quyết định cấm 8 nhà máy nguyên tử trên hoạt động trở lại và đóng cửa nhà máy cuối cùng vào năm 2022.

An toàn năng lượng hạt nhân cũng như nhiều vấn đề liên quan đã được các chuyên gia như GS.TS Phạm Duy Hiểne), GS.TS Nguyễn Khắc Nhẫnf), TS Phùng Liên Đoàng) v.v. trình bày khá cặn kẻ. Câu hỏi đặt ra ở đây là lượng phóng xạ từ nhà máy nguyên tử hoạt động bình thường có tác động gì đáng kể hay không.

Phóng xạ từ nhà máy hạt nhân gây bệnh ung thư ở trẻ em?

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện ở Canada[1] CHLB Đức[2], Anh[3], Pháp[4] và Hoa Kỳ[5] để trả lời câu hỏi trên. Các công trình này so sánh số trẻ em mắc bệnh ung thư sống trong phạm vi 15, 20, 25 hay 50 kilômét quanh các nhà máy điện hạt nhân với số trung bình các trẻ mắc bệnh trong cả nước, hoặc chính xác hơn, so sánh số trẻ mắc bệnh ung thư sống trong những vùng có nhà máy nguyên tử với số trẻ cùng lứa tuổi mắc bệnh ở những vùng tương tự nhưng không có nhà máy nguyên tử. Ngoại trừ nghiên cứu ở Anh, các nghiên cứu khác đều dẫn đến kết quả: Ở những vùng có nhà máy nguyên tử, số trẻ em mắc bệnh ung thư đều cao hơn nhiều so với số trẻ mắc bệnh ở những vùng khác. Khuyết điểm của phương pháp đối chiếu thứ hai là: tuy hai loại vùng được lựa chọn theo cùng một số đặc tính, nhưng có thể bỏ sót một hay nhiều đặc tính khác có ảnh hưởng đến quá trình gây bệnh ung thư, khiến kết quả nghiên cứu bị sai lệch. Vì vậy, “Nghiên cứu dịch tễ học về ung thư trẻ em chung quanh nhà máy điện hạt nhân” của Cơ quan Đăng ký ung thư trẻ em Đức[6] [7] (gọi tắt là nghiên cứu KiKK) áp dụng một phương pháp khác: Nhóm các nhà khoa học gia thực hiện nghiên cứu đã đo khoảng cách từ nhà ở của trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh ung thư máu tới nhà máy nguyên tử gần đó (16 nhà máy). Họ lại so sánh mỗi đứa trẻ mắc bệnh với ba trẻ không mắc bệnh được chọn ngẫu nhiên nhưng có cùng tuổi, giới tính và cùng sống trong vùng của trẻ mắc bệnh. Tổng cộng có 1952 trường hợp mắc bệnh đăng ký trong khoảng thời gian từ 1980 – 2003 và 4735 trường hợp khỏe mạnh được khảo sát. Nghiên cứu theo phương pháp bệnh – đối chứng (case-control study) này được nhiều bên độc lập đánh giá là rất chính xác.[8] [9] [10] Nó cho thấy trong phạm vi 5 kilômét, trẻ em dưới 5 tuổi càng ở gần nhà máy hạt nhân chừng nào, rủi ro mắc bệnh ung thư máu càng tăng nhiều chừng nấy. Hơn nữa, số trẻ mắc bệnh trong phạm vi 5 kilômét cao hơn hơn số trung bình trong toàn liên bang 40 %.

Năm 2009, theo yêu cầu của nhóm nghị viên Liên minh 90 & đảng Xanh, GS.BS Eberhard Greiser đã thực hiện một phân tích tổng hợp (meta-analysis) bao gồm những nghiên cứu quan trọng nhất ở 80 nhà máy nguyên tử thuộc năm quốc gia nêu trên[9]. GS Greiser xác nhận kết quả của nghiên cứu KiKK và tính ra nguy cơ mắc bệnh ung thư máu ở trẻ em từ 0 – 14 tuổi tăng 13 % và ở trẻ em từ 0 – 4 tuổi tăng 19 %. Điều này cho thấy nhóm trẻ em nhỏ tuổi có nguy cơ cao hơn. Ian Fairly giải thích nguyên nhân chủ yếu là do tế bào tạo huyết của thai nhi và trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương hơn và phải chịu phóng xạ từ bên trong bụng mẹ hàng năm trời do người mẹ hấp thu đồ ăn thức uống nhiễm chất phóng xạ phát ra từ nhà máy điện hạt nhân. Một khảo sát khoa học ở Canada cũng cho thấy độ nhiễm H-3 và C-14 của đất, nước, thực phẩm cũng tỉ lệ thuận với khoảng cách từ nơi cư trú đến nhà máy nguyên tử .[10] Một năm sau đó, phân tích tổng hợp của P. J. Baker và D. Hoel đánh giá 17 nghiên cứu từ 7 nước đưa đến kết quả: tỉ lệ trẻ em đến 9 tuổi chết vì ung thư máu tăng từ 5 đến 24 %, tỉ lệ mắc bệnh tăng từ 14 đến 21 %. Những con số nói trên rất đáng kể, bởi vì rủi ro mắc bệnh ung thư phổi tăng thêm từ 13 – 19 % ở người lao động không hút thuốc nhưng thụ động hít khói thuốc của đồng nghiệph) đã dẫn đến luật cấm hút thuốc nơi công cộng ở nhiều nước.

Xem link: Hình minh họa nguyên nhân gây bệnh ung thư trẻ em: phóng xạ từ bên ngoài và phát xạ bên trong bởi những chất phóng xạ hấp thu qua đường tiêu hóa (gây hại gấp 10 đến 100 lần phóng xạ từ bên ngoài).
(Hình trực tuyến: http://optimalprediction.com/wp/adventures-with-radiation-in-food/)

Ung thư là bệnh có nhiều nguyên nhân khác nhau và chưa có bằng chứng trực tiếp cho tác động của nhà máy điện hạt nhân trên quá trình gây ung thư ở trẻ em. Đến nay, khoảng 70 % trong số hơn 60 nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện trên khắp thế giới đã xác nhận kết quả của nghiên cứu KiKK là đúng. Số nghiên cứu còn lại, trong đó có nghiên cứu bệnh – đối chứng ở Anh[12], Thụy Sĩ[13] và Pháp[14] kết luận là không có mối quan hệ giữa ung thư trẻ em và nhà máy điện hạt nhân hoặc số trẻ em mắc bệnh tăng không đáng kể về mặt thống kê. Nhưng Fairly cho rằng nếu kiểm định thống kê không quá nghiêm ngặc (sử dụng mức độ tin cậy 90 % như nhiều kiểm định hiện nay trong lĩnh vực này thay vì 95 %) và nhập số liệu các nghiên cứu vào một phân tích tổng hợp thì kết quả sẽ đáng kể về mặt thống kê.[10] [15] Nhìn chung, đến nay không có một phân tích tổng hợp nào khác có kết quả ngược lại phân tích của GS Greiser cũng như khoa học chưa tìm thấy một nhân tố nào khác (bức xạ tự nhiên, chất độc hóa học, virus, di truyền, công việc của cha hay mẹ làm ở nhà máy hạt nhân v.v.) lại có tác động trên diện rộng và phụ thuộc vào khoảng cách chỗ ở – nhà máy điện hạt nhân. Từ đó, ta có thể rút ra kết luận: Mặc dù có nồng độ rất thấp, các chất phóng xạ từ nhà máy nguyên tử hoạt động bình thường chắc hẳn là nguyên nhân chủ yếu của rất nhiều trường hợp ung thư máu trẻ em.

Chú thích

a) Nguyễn Trần – Nguyễn Vượng (theo Science 331), “Fukushima và những hệ lụy. Bài 1: Thế giới điện hạt nhân hậu Fukushima?”, SGTT Media 23/04/2011. An Bình (theo BBC), “Trung Quốc, Venezuela đồng loạt ngừng các kế hoạch hạt nhân”, Dân trí 17/03/2011. Duy Phúc: Nhật Bản xem xét lại chính sách năng lượng. Tuổi Trẻ Online 12/05/2011.

b) Công Tâm, “Học 2 tiếng rưỡi, HS tiểu học “hết sợ” điện hạt nhân?”

c) Bundesamtes für Strahlenschutz, “Meldepflichtige Ereignisse mit erhöhten Radioaktivitätsabgaben in deutschen Kernkraftwerken”, Stand vom 16.09.2015.

d) Nguyễn Phạm Phương Anh, “Ứng xử của nước Đức với điện hạt nhân sau sự kiện Fukushima”, Tia Sáng 05/05/2011.

e) Phạm Duy Hiển, “Điện hạt nhân sát biên giới ảnh hưởng gì đến Việt Nam?”, TuanVietnam.net 23/07/2010. Phạm Duy Hiển (Thanh Phương phỏng vấn), “Việt Nam cần xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân”, RFI 21/03/2011. Phạm Duy Hiển, “Việt Nam trước cuộc tổng rà soát về điện hạt nhân trên toàn thế giới”, boxitvn 10/04/2011 (theo SGTT). Phạm Duy Hiển, “An toàn điện hạt nhân”, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2015.

f) Nguyễn Khắc Nhẫn, “Thảm hoạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima”, diễn đàn 19/03/2011. Nguyễn Khắc Nhẫn (Đức Tâm phỏng vấn), “Việt Nam nên dừng chương trình điện hạt nhân”, RFI 28/03/2011. Nguyễn Khắc Nhẫn (phỏng vấn do Gia Minh thực hiện), “An toàn hạt nhân”, Tạp chí Khoa học Môi trường 25/04/2011.

g) Phùng Liên Đoàn, “Điện hạt nhân sẽ đắt gấp ba”, TuanVietnam.net 12/11/2009. Phùng Liên Đoàn “Khủng hoảng hạt nhân tại Nhật dưới mắt một chuyên viên người Việt”, Vietsciences 19/03/2011. Phùng Liên Đoàn, “Động đất, sóng thần, và tai nạn lò hạt nhân Fukushima Daiichi tại Nhật”, lexuanquang. orr 04/04/2011.

h) World Health Organization. International Agency for the Research on Cancer, “Tobacco Smoke and Involuntary Smoking”, IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans, Volume 83, Lyon, 2004.

Tài liệu

[1] Clarke EA, McLaughlin J, Anderson TW, “Childhood leukaemia around Canadian nuclear facilities. Phase I. Final report”, Atomic Energy Control Board, Ottawa, 1989. Clarke E. A., McLaughlin J., Anderson T.W., “Childhood leukaemia around Canadian nuclear facilities. Phase II. Final report”, Atomic Energy Control Board, Ottawa, 1991.

[2] Möhner M, Stabenow R, “Childhood malignancies around nuclear installations in the former GDR”, Med Forsch 6 (1993), 59-67. Kaletsch U, Meinert R, Miesner A, Hoisl M, Kaatsch P, Michaelis J, “Epidemiologische Studien zum Auftreten von Leukämieerkrankungen bei Kindern in Deutschland”, Schriftenreihe Reaktorsicherheit und Strahlenschutz, Bundesministerium für Umwelt, Naturschutz und Reaktorsicherheit, 1997.

[3] Gardner MJ, “Father’s occupational exposure to radiation and the raised level of childhood leukaemia near the Sellafield nuclear plant”, Environ Health Perspect 94 (1991), 5-7. Black RJ, Sharp L, Harkness EF, McKinney PA, “Leukemia and non-Hodgkin’s lymphoma: Incidence in children and young adults resident in the Dounreay area of Caithness, Scotland in 1968-1991”, J. Epidemiol Community Health 48 (1994), 232-236. Committee on Medical Aspects of Radiation in the Environment (COMARE), “Tenth report. The incidence of childhood cancer around nuclear installations in Great Britain”, 2005.

[4] Evrard AS, Hémon D, Morin A, Laurier D, Tirmarche M, Backe JC, Chartier M, Clavel J, “Childhood leukaemia around French nuclear installations using geographic zoning based on gaseous discharge dose estimates”, Br J Cancer 94 (2006), 1342-1347.

[5] “Surveillance, Epidemiology, and End Results (SEER) Program (www.seer.cancer.gov) Limited-Use Data (1973-2006)”, National Cancer Institute, DCCPS, Surveillance Research Program, Cancer Statistics Branch, released April 2009, based on the November 2007 submission.

Illinois State Cancer Registry, Melinda Lehnherr, RN, Assitant Division Chief, Illinois Department of Pulic Health, Illinois State Cancer Registry, public data set v16, data as of November 2008.

Florida State Cancer Registry (http://fcds.med.miami.edu/oscripts/pub_textrates_age.asp).

Pennsylvania State Cancer Registry (http://app2.health.state.pa.us/epiqms/default.asp).

[6] Spix C, Schmiedel S, Kaatsch P et al, “Case-control study on childhood cancer in the vicinity of nuclear power plants in Germany 1980–2003” [KiKK studie], European Journal of Cancer 44, issue 2 (2007), 275-284.

[7] Kaatsch P, Spix C, Schulze-Rath R et al, “Leukaemia in young children living in the vicinity of german nuclear power plants”, Deutsches Ärzteblatt International 2008, 105(42):725-732.

[8] Umweltinstitut Muenchen e.V., “Krebserkrankungen bei Kindern um Atomkraftwerke. KiKK-Studie bestätigt die Analysen des Umweltinstituts”.

[9] Greiser E, “Leukämie-Erkrankungen bei Kindern und Jugendlichen in der Umgebung von Kernkraftwerken in fünf Ländern ̶ Meta-Analyse und Analyse im Auftrage der Bundestagsfraktion B’90/Die Grünen”, Musweiler, 2009.

[10] Fairlie I, “Hypothesis to explain childhood cancer near nuclear power plants”, International Journal of Occupational and Environmental Health, vol 16/No 2, Apr/Jun 2010, 341-350.

[11] Baker PJ, Hoel D, “Meta-analysis of standardized incidence and mortality rates of childhood leukemias in proximity to nuclear facilities”, Eur J Cancer Care 2007,16:355-363.

[12] Bithell JF, Murphy MFG, Stiller CA, Toumpakari E, Vincent T and Wakeford R, “Leukaemia in young children in the vicinity of British nuclear power plants: a case–control study”, British Journal of Cancer, Sep 2013, 109:2880-2885.

[13] Spycher BD, Feller M, Zwahlen M et. al., “Childhood cancer and nuclear power plants in Switzerland  ̶  A census-based cohort study”, International Journal of Epidemiology 2011, 40(5):1247-1260.

[14] Sermage-Faure C, Laurier D, Goujon-Bellec S, Chartier M, Guyot-Goubin A, Rudant J, Hémon D, Clavel J “Childhood leukemia around French nuclear power plants-The geocap study, 2002-2007”, International Journal of Cancer 2012 Jan 5.

[15] Fairlie I, “Childhood leukemias near nuclear power station: new article”, Dr. Ian Fairlie, July 27, 2014.


1 bình luận

  1. Rat cam on nhung thong tin, so lieu rat co gia tri cua anh PH H HO nhe ! Chung ta hay rung nhieu
    tieng chuong canh bao cho nhung vi lanh dao, nguoi trach nhiem tai VN hien nay.
    Weiter so !!!
    Dr. TVBinh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s