Trang chủ » NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN về thách thức Trung Quốc

NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN về thách thức Trung Quốc

Tháng Ba 2023
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thư viện

Tác giả: David Dollar và Ryan Hass, Viện Nghiên Cứu Brookings, Washington D.C., ngày 251-2021.
Người dịch: Lê Nguyễn

Ghi chú của ban biên tập: Bản tóm tắt này là một phần của dự án Brookings Blueprint for American Renewal & Prosperity . Các khía cạnh của bài báo này được rút ra từ những đóng góp của các tác giả cho chuyên khảo, “Tương lai của chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc: Các khuyến nghị cho chính quyền Biden”

TÓM LƯỢC: Chính quyền Trump đã có một chính sách không mạch lạc, không nhất quán đối với Trung Quốc và không thực hiện được những lời hứa của mình. Phản ứng thay thế đối với thách thức Trung Quốc đòi hỏi thực hiện qua bốn bước cần được xem xét đánh giá cẩn thận. Đầu tiên, Hoa Kỳ phải củng cố nền kinh tế của chính mình thông qua các cải cách và đầu tư, việc đó nằm ngoài phạm vi của bài báo này, nhưng được trình bày chi tiết ở những nơi khác trong bản thiết kế cho sự đổi mới và thịnh vượng của Hoa Kỳ bởi viện Brookings [1]. Thứ hai, Mỹ nên làm việc với các đồng minh ở châu Á và châu Âu để thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục mở cửa nền kinh tế và phát triển các quy tắc cho các khía cạnh mới của thương mại trong thế kỷ 21. Thương mại của Trung Quốc quan trọng cho các đồng minh của chúng ta hơn là cho nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, trong khi việc cố gắng tách khỏi Trung Quốc xem ra có vẻ hấp dẫn, việc tách rời này lại là một tiến trình chiến lược thất bại vì các đối tác của Mỹ sẽ không làm theo và cuối cùng Mỹ sẽ bị cô lập. Thứ ba, Mỹ cần chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc với các nước láng giềng của nó thông qua sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc chống phá và vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Thứ tư, Mỹ cần làm việc với Trung Quốc về các vấn đề có lợi ích chung, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng toàn cầu, hỗ trợ các nước nghèo và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều khiển mối quan hệ này đang trở nên đặc biệt phức tạp, đòi hỏi sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong một số vấn đề, trong khi phải đối phó với nó trong các lĩnh vực khác. Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc đồng thời vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh và vừa là một thách thức.

***

THỬ THÁCH

Mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc có khía cạnh phức tạp, quan trọng nhất là chính sách đối ngoại cho thế hệ tiếp theo. Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất, nền kinh tế lớn thứ hai và với dân số lớn gấp bốn lần Hoa Kỳ, nước này chỉ cần tăng trưởng vừa phải là có thể vượt qua GDP của Hoa Kỳ vào năm 2035 hoặc 2040. Phần lớn nền kinh tế Trung Quốc là cởi mở và cạnh tranh , mang lại cơ hội kinh doanh và đầu tư cho các công ty Mỹ cũng như cho các đối tác ở châu Á và châu Âu. Trong số các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, nó cũng là nền kinh tế đứng đầu, với khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn và sự can thiệp sâu rộng của chính phủ dưới hình thức bảo hộ và trợ cấp. Cùng với sức mạnh kinh tế, Trung Quốc đã phát triển một quân đội, mặc dù vẫn chưa tiến bộ như quân đội Hoa Kỳ, nhưng rõ ràng là đứng thứ hai trên thế giới, và ngày càng có khả năng tập trung lực lượng theo những cách có thể làm gây căng thẳng khả năng của Mỹ trong phản ứng trực tiếp với các tình huống xảy ra dọc theo vùng ngoại vi của mình. Với sức mạnh quân sự đang lên đó, sự quyết đoán của Trung Quốc cũng ngày một tăng lên trong các tranh chấp với các nước láng giềng (Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ).

Trong khi cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc đã đạt được những kết quả ấn tượng, thì sự cởi mở về chính trị của nước này không tiến triển song song, và trên thực tế, đã đi ngược lại quỹ đạo dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Bên cạnh việc kiềm chế các phe đối lập trong nước nói chung, Trung Quốc đã cắt giảm các quyền tự do ở Hồng Kông và theo đuổi một chiến dịch đàn áp tàn bạo ở Tân Cương, khiến ước tính khoảng một triệu (và có thể nhiều hơn) người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trái với nguyện vọng của họ.

Cuối cùng, với quy mô dân số và GDP, Trung Quốc nhất thiết phải là trung tâm của các nỗ lực đa phương xoay quanh các vấn đề công cộng toàn cầu như biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch và phát triển kinh tế. Trung Quốc gần như là nguồn phát thải khí carbon lớn nhất và đang cung cấp tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than trên khắp thế giới đang phát triển. Virus gây ra COVID-19 đã xuất hiện từ Trung Quốc, cũng như SARS vào những năm trước đó. Một chế độ toàn cầu hiệu quả hơn để giải quyết các đại dịch trong tương lai sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Nước này cũng là chủ nợ chính thức lớn nhất của các nước đang phát triển. Sau cuộc suy thoái COVID-19, nhiều nước nghèo phải đối mặt với thách thức về tài chính cho các dịch vụ công và trả nợ. Các nỗ lực đa phương nhằm hỗ trợ các nước nghèo sẽ đòi hỏi phải có sự đóng góp đáng kể của Trung Quốc.

Trung Quốc không đơn thuần chỉ là đối tác, đối thủ cạnh tranh hay chỉ là thách thức: mà tất cả tác động cùng một lúc. Quản lý hiệu quả mối quan hệ phức tạp này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải vượt ra khỏi suy nghĩ đơn giản coi Trung Quốc chỉ là đối thủ hay kẻ thù.

Đây mới là thách thức của Trung Quốc. Trung Quốc không đơn thuần chỉ là đối tác, đối thủ cạnh tranh hay chỉ là kẻ thách thức: mà cả ba tác động cùng một lúc. Quản lý hiệu quả mối quan hệ phức tạp này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải vượt ra khỏi suy nghĩ đơn giản coi Trung Quốc chỉ là đối thủ hay kẻ thù. Họ cần phải từ bỏ các quan niệm về việc sụp đổ cấu trúc quản trị của Trung Quốc hoặc cản trở sự trỗi dậy của nó với chỉ bằng sức ép đơn phương của Mỹ. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải đưa ra các phương pháp tiếp cận phù hợp với Trung Quốc hiện tại và những thách thức mà nước này đặt ra đối với lợi ích và giá trị của Mỹ trong tương lai.

GIỚI HẠN CỦA CÁC CHÍNH SÁCH HIỆN CÓ

Thiếu quy trình chính sách chặt chẽ. Chính quyền Trump đã phá bỏ phần lớn kiến ​​trúc thể chế mà nó được thừa hưởng để thiết lập các ưu tiên của chính phủ và thực hiện một chiến lược quốc gia nhất quán về Trung Quốc. Thay vào đó, họ đã áp dụng cách tiếp cận rất ngẫu hứng. Trong khi những tiếng nói quan trọng trong chính quyền Trump như Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều đưa ra quan điểm cứng rắn nhất quán về Trung Quốc, thì nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump thường bị bỏ trống giữa giận dữ và hòa giải tùy thuộc vào hành động của Trung Quốc liên quan đến ưu tiên hàng đầu của ông như thế nào – cho dù là vấn đề Bắc Triều Tiên, hay đàm phán thương mại, hoặc biến động thị trường chứng khoán, hoặc vai trò của Trung Quốc trong sự lây lan toàn cầu của đại dịch COVID-19, hay triển vọng tái đắc cử của ông.

Những người ủng hộ cách tiếp cận của chính quyền Trump đã ca ngợi nỗ lực này là hữu ích trong việc giữ cho Trung Quốc mất cân bằng. Họ cũng lập luận rằng Trump đã khôn khéo duy trì một kênh trực tiếp với Tập trong khi các thành viên trong chính quyền của ông có tư thế đối đầu công khai hơn với Trung Quốc, thực chất là chơi trò cảnh sát tốt / cảnh sát xấu. Nói như vậy có nghĩa là Trump sẽ không bị tố cho việc được xem là đã bỏ qua các tội của ông Tập về các vụ lạm dụng ở Tân Cương hoặc việc chà đạp hệ thống chính trị riêng biệt của Hồng Kông, bởi vì các thành viên trong chính quyền của ông đồng thời đã thể hiện rõ hơn qua các tuyên bố công khai rằng Hoa Kỳ phản đối những hành động đó.

Trên thực tế, Hoa Kỳ không thể nào có được sự xa xỉ duy trì hai chính sách riêng biệt đối với Trung Quốc, một chính sách bởi tổng thống và một chính sách khác đối với phần còn lại của chính phủ. Mỹ chỉ phải nên có một chính sách duy nhất đối với Trung Quốc.Trong hệ thống chính trị theo chủ nghĩa Lenin từ trên xuống của Trung Quốc, các thông điệp được truyền tải bởi các nhà lãnh đạo cao nhất mang ý nghĩa tối quan trọng. Chính sách của Hoa Kỳ do Trump đã cho thấy tính hòa giải đáng kể từ năm 2017 đến năm 2019, và sau đó chuyển sang thái cực khác vào năm 2020 sau khi Trump nhận ra quy mô của những thách thức mà COVID-19 đặt ra khi ông tái ứng cử. Vào tháng 2 năm 2020, sau khi hoàn thành thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một”, với sự bùng nổ của đại dịch và những hậu quả kinh tế kéo theo đó, Trump đã cắt đứt liên lạc với Tập và trao quyền cho chính quyền của ông trừng phạt Trung Quốc.

Trong giai đoạn can thiệp, chính quyền Mỹ đã tiến hành một loạt các hành động nhằm cắt đứt các liên kết tài chính, xã hội, học thuật, khoa học và công nghệ được xây dựng trên khắp Thái Bình Dương trong hơn 40 năm hội nhập sâu rộng. Trump đã nêu lên một loạt bất bình về hành vi của Trung Quốc và đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan toàn cầu của virus corona.Các thành viên trong chính quyền của ông còn nói hơn thế. Họ coi Trung Quốc [2][3], hay cụ thể hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ. Các thành viên của chính quyền Trump đã cảnh báo về sự kiện đen tối rằng, trừ khi Trung Quốc tự ngưng tham vọng của mình, Bắc Kinh sẽ áp đặt tầm nhìn và giá trị của mình lên hệ thống quốc tế. Việc đóng khung bản chất thách thức của Trung Quốc như vậy sẽ không có chỗ cho sự thỏa hiệp hoặc quản lý ngoại giao đối với những khác biệt. Nó gợi lên hình ảnh sẽ có kẻ thắng và người thua, và vì vậy Hoa Kỳ phải làm bất cứ điều gì cần thiết để vươn lên dẫn đầu.

Chủ nghĩa đơn phương dân túy. Cú sốc kép của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc nảy mầm ở Mỹ. Càng ngày càng có nhiều người Mỹ rơi vào cảnh nợ nần và không sao trả được nợ, họ đối diện với một đất nước đổi thay không còn giống những gì mà họ đã cảm nhận về nước Mỹ. Họ phản ứng bằng cách bám vào những gợi nhớ về sức mạnh và sự đồng nhất văn hóa Mỹ đã từng có. Trong thời kỳ này, nhiều người Mỹ thận trọng hơn với Trung Quốc, thăm dò dư luận cho xếp hạng không đồng thuận về quốc gia này liên tục tăng trong những năm gần đây và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2020.

Trump đã nói ra những nỗi sợ hãi và thất vọng này khi ông tranh cử tổng thống vào năm 2016. Ông hứa sẽ hành động thật mạnh mẽ đối với Trung Quốc, trong khi những người khác trước ông đã hành động không mấy mạnh mẽ. Ông rao bán một câu chuyện về việc buộc Trung Quốc phải tuân theo, thông qua quyết tâm và thực thi sức mạnh quốc gia thô sơ. Tổng thống và các cố vấn chủ chốt của ông có quan niệm lỗi thời về Trung Quốc, là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dựa vào thương mại với Mỹ để duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giúp duy trì tính hợp pháp và thành tích của ĐCSTQ. Họ phân tích rằng, Mỹ không cần phải phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trên vấn đề Trung Quốc, vì điều đó không cần thiết, và vì làm như vậy sẽ khiến Mỹ bị chậm lại và có nguy cơ làm giảm độ sắc nét của áp lực mà họ muốn gây ra đối với Trung Quốc, bắt từ bỏ mô hình kinh tế nhà nước của nó.

Dùng cách tiếp cận đơn phương theo chủ nghĩa dân túy để đối phó với Trung Quốc nằm trong thế giới quan của Trump khá thoải mái. Trong nhiều thập niên, Trump đã cáo buộc các nhà lãnh đạo Mỹ là “dại chợ “, là bảo vệ các quốc gia không đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Mỹ, những quốc gia này đã không  cấp phần thưởng kinh tế cho Mỹ để bù lại tương xứng. Trump chỉ coi các liên minh là lĩnh vực tiềm năng lợi nhuận chưa thực hiện được.

Nhận thức được rủi ro của việc xa lánh các đối tác trong khi đối đầu với Trung Quốc, một số thành viên của chính quyền Trump đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với các đồng minh để phục vụ các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn. Họ đã thúc đẩy các thành viên NATO đạt được các mục tiêu chi tiêu trước đó và đạt được các thỏa thuận với Nhật Bản và EU về sự cần thiết cho các kỷ luật mới trong trợ cấp công nghiệp. Pompeo và những người khác cũng chính thức hóa các tương tác giữa các thành viên “Bộ tứ” (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ). Tuy nhiên, nói chung, sự thúc đẩy của Trump bằng chủ nghĩa đơn phương dân túy đã định hướng cách tiếp cận tổng thể của Mỹ đối với Trung Quốc.

Cho đến nay, chiến lược này đã không mang lại tiến bộ đáng kể đối với các cải cách kinh tế Trung Quốc mà Mỹ đặt ưu tiên và tìm kiếm, đã không buộc được Bắc Kinh tiết chế các hành động của mình ở trong nước hay nước ngoài, cũng như không gây được sự hợp tác nhiều hơn hoặc tốt hơn với Trung Quốc về bất kỳ hoạt động nào của Washington trong các chính sách ưu tiên đối ngoại. Ngược lại, các lĩnh vực đối đầu Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, các lĩnh vực hợp tác biến mất, và năng lực của cả hai bên trong việc quản lý các lĩnh vực cạnh tranh đã giảm sút.

Giao dịch thương mại Giai đoạn Một. Vấn đề chính của Hoa Kỳ với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế là một loạt các hoạt động thương mại và đầu tư nằm ngoài tiêu chuẩn của các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm: các hàng rào phi thuế quan rộng lớn cũng như các tiêu chuẩn tùy ý và dễ dàng thay đổi; hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ kém; buộc chuyển giao công nghệ thông qua nhiều biện pháp cưỡng chế; vai trò vượt trội của các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp này được hưởng nhiều ưu đãi trong hoạt động kinh tế, được tiếp cận thuận lợi về đất đai và tín dụng; được trợ cấp để phát triển các công nghệ đặc trưng. Các chính sách này làm hạn chế một cách hiệu quả việc xuất khẩu của các công ty Mỹ sang cả Trung Quốc lẫn các nước thứ ba.Tìm cách đưa Trung Quốc lên đạt tiêu chuẩn sẽ mở ra cơ hội thương mại mới và nâng cao thu nhập của người Mỹ.

Vào giữa những năm 2000, Trung Quốc  có nhiều cái không đồng bộ – nước này có tỷ giá hối đoái được định giá thấp và thặng dư thương mại tổng thể lớn. Nhưng đồng tiền  của Trung Quốc đã tăng 35% [4] tính theo tỷ trọng thương mại kể từ năm 2007 và thặng dư tài khoản vãng lai ( xuất nhập khẩu) đã giảm từ trên 10% GDP xuống dưới 1%. Thành công về kinh tế vĩ mô này làm cho tỷ giá hối đoái và cán cân thương mại không còn là vấn đề so với trước đây.

Trong phạm vi bảo vệ quyền Sở Hữu Trí Tuệ và chuyển giao công nghệ cưỡng bức, mối quan tâm đặc biệt là hành vi trộm cắp công nghệ có ứng dụng quân sự. Những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm bảo vệ an ninh Hoa Kỳ bằng cách trừng phạt các công ty công nghệ cao của Trung Quốc đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, cách tiếp cận nhìn chung không nhất quán, với các chi tiết về hạn chế và trừng phạt liên tục thay đổi, khiến các doanh nghiệp Mỹ không nắm bắt chắc chắn về luật pháp.

Được ký kết vào tháng 1 năm 2020, thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một [5] yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ tăng 40% trong năm đó và thêm 40% vào năm 2021. Các giao dịch mua theo kế hoạch này được áp dụng cho nông nghiệp, hàng hóa sản xuất, năng lượng và dịch vụ. Tính đến giữa năm 2020, Trung Quốc chỉ mới mua khoảng một nửa số lượng cần thiết để đáp ứng các mục tiêu [6], một phần vì đại dịch COVID-19, nhưng cũng vì thất bại trong thương mại có quản lý với Trung Quốc.

Chính sách thương mại của chính quyền Trump tập trung vào mức thuế 25% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, món thuế mà người tiêu dùng và các công ty Mỹ phải trả. Cách tiếp cận này đã thành công trong việc đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán, nhưng chính quyền đã đánh giá quá cao sự quan trọng của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong tư cách là một đối tác thương mại – thực sự là Trung Quốc giao dịch với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhiều hơn với Mỹ[7]. Do đó, trong khi Trung Quốc đồng ý mua nhiều hơn từ Mỹ, họ vẫn không sẵn sàng thực hiện các cải cách cơ cấu sâu rộng và các mục tiêu cụ thể trong thỏa thuận Giai đoạn Một được chứng minh là không thực tế.

Hơn nữa, thuế quan đã làm bộc lộ sự thiếu hiểu biết của chính quyền Hoa Kỳ về cách thức vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu. Đối mặt với thuế quan của Mỹ, Trung Quốc đã chuyển hoạt động lắp ráp cuối cùng sang các nước như Indonesia và Việt Nam. Nhưng do xuất khẩu máy móc và linh kiện của Trung Quốc sang các nước này tăng lên nên tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc không giảm. Đến lượt mình, Mỹ nhập khẩu nhiều hơn từ Đông Nam Á và xuất khẩu nói chung ít hơn. Chi phí đầu vào cho nhập khẩu cao hơn khiến các công ty Mỹ kém cạnh tranh hơn và trả đũa thuế quan đã đóng lại các cơ hội ở nước ngoài. Vì vậy, người tiêu dùng Mỹ đã trả nhiều hơn nhưng mô hình thương mại không thay đổi theo bất kỳ cách cơ bản nào. Nông dân Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề do mất thị trường Trung Quốc vì trả đũa thuế quan của Trung Quốc; ngành nông nghiệp Hoa Kỳ đã tiếp tục duy trì 28 tỷ đô la trợ cấp [8] của chính phủ Hoa Kỳ để bù đắp cho những thiệt hại. Quan trọng nhất, các mục tiêu chính trong chính sách của Hoa Kỳ đều không đạt được: thâm hụt thương mại tổng thể của Hoa Kỳ vẫn tăng lên; Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản đáng tin cậy; và Mỹ bị mất việc làm [9] trong lĩnh vực sản xuất vì chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump.

KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Khôi phục một quy trình chính sách nhất quán. Các chính quyền tương lai của Hoa Kỳ  cần phải khôi phục cách tiếp cận tổng thể của chính phủ đối với Trung Quốc.Tổng thống phải nhất quán với phần còn lại của chính quyền. Nhà Trắng nên trở lại đóng vai trò là nút trung tâm trong chính phủ để thiết lập các ưu tiên, điều phối chính sách và duy trì quản lý thông điệp về Trung Quốc giữa các ban ngành và cơ quan.

Chính sách về Trung Quốc của Mỹ càng phản ánh quan điểm của công chúng Mỹ và phù hợp với cách tiếp cận của các đồng minh, thì càng khó khăn hơn cho Bắc Kinh,  khiến họ phải trì hoãn gây áp lực và tránh việc điều chỉnh chính hành vi  của họ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đo lường mức độ nghiêm túc trong chính sách của Mỹ một phần dựa trên việc nó có vẻ lâu dài hay nhất thời. Chính sách về Trung Quốc của Mỹ càng phản ánh quan điểm của công chúng Mỹ và phù hợp với cách tiếp cận của các đồng minh, thì càng khó khăn hơn cho Bắc Kinh, khiến họ phải trì hoãn gây áp lực và tránh việc điều chỉnh cho chính hành vi của họ.

Thay vì nhắm vào các mục tiêu không thực tế như ngăn chặn, tách rời hoặc thay đổi chế độ, những cái không có khả năng củng cố sự hỗ trợ trong nước hoặc thu hút sự tán thành của quốc tế, Hoa Kỳ cần phải xây dựng một chiến lược có cơ sở được sự hỗ trợ rộng rãi và lâu dài. Cuộc thăm dò [10] gần đây gợi ý rằng các yếu tố của cách tiếp cận như vậy sẽ bao gồm tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ, bảo vệ độ tin cậy của các cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác, và bảo vệ các giá trị của Mỹ.

Việc thiết lập các ưu tiên dọc theo những điều này sẽ có tác dụng tạo hiệu quả đối với quá trình lập chính sách. Một quy trình chính sách nhất quán sẽ xác định các mục tiêu thực tế và hình thành các kế hoạch để đạt được chúng. Quá trình này có thể bao gồm cả nỗ lực phòng thủ và tấn công, chẳng hạn như làm việc với các đồng minh để hạn chế việc áp dụng công nghệ Huawei vào các hệ thống 5G trên toàn thế giới, cũng như phối hợp áp lực quốc tế đối với Trung Quốc trong việc áp dụng các kỷ luật về trợ cấp các công ty nhà nước. Nó cũng có thể liên quan đến các nỗ lực chung với các đồng minh châu Âu nhằm thúc đẩy Trung Quốc thắt chặt áp lực buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân; phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc để thúc đẩy Trung Quốc tăng chi phí vào các việc hạn chế không cho Bắc Triều tiên tiếp tục theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Tuy nhiên, về cốt lõi , một quy trình chính sách nhất quán sẽ được xây dựng dựa trên việc tập trung vào những thách thức và cơ hội chính của Mỹ trên thế giới, đồng thời nhận thức về mối quan hệ của Trung Quốc với những điều đó. Cạnh tranh quyền lực lớn cần được xem như là một phương tiện để đi đến một kết thúc chứ không phải tự nó là cái cuối cùng. Sẽ có những lĩnh vực mà ở đó mục tiêu của Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, chẳng hạn như Đài Loan và việc duy trì mạng lưới liên minh của Mỹ ở châu Á. Cũng sẽ có những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chồng chéo, chẳng hạn như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững và hạn chế phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Một quy trình chính sách tỉnh táo sẽ có thể phân biệt được hai lĩnh vực để quản lý xung đột trong khi tận dụng các cơ hội để tranh thủ sự đóng góp của Trung Quốc giúp giải quyết những thách thức mà Mỹ không thể tự làm một mình.

Vấn đề an ninh. Hoa Kỳ sẽ không thể áp đặt ý chí của mình lên Trung Quốc với rủi ro hoặc chi phí mà họ nghĩ là có thể chấp nhận được. Không quốc gia nào có khả năng đạt được an ninh tuyệt đối hơn quốc gia kia. Không ai có thể khẳng định được vị thế thống trị quân sự tuyệt đối mà không hề bị thách thức ở châu Á. Cả hai bị buộc sẽ phải cùng tồn tại trong một môi trường không mấy hài lòng cho việc cạnh tranh chiến lược.

Điều này không có nghĩa là Mỹ có thể hoặc nên chấp nhận các ưu tiên của Trung Quốc trong việc tạo lập một trật tự về môi trường chiến lược ở châu Á hoặc các nơi khác. Washington không thể coi thường những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vào việc phá hoại các liên minh an ninh của Mỹ, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ. Mỹ cũng không nên đánh giá cao điều gọi là văn minh trật tự an ninh châu Á, nơi có “các giải pháp châu Á cho các vấn đề châu Á” mà không có sự tham gia của Mỹ hoặc những người khác. Các lực lượng Hoa Kỳ phải duy trì hoạt động, làm cho nó có thể được thấy rõ và thường xuyên tương tác với các đối tác an ninh khắp châu Á để gây được sự tin cậy trong các cam kết đồng minh của Hoa Kỳ, ngăn chặn Trung Quốc áp đặt phạm vi ảnh hưởng độc quyền ở châu Á, và duy trì khả năng tiếp cận của Mỹ với khu vực năng động nhất thế giới này.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này không đòi hỏi phải đánh bại quân đội Trung Quốc. Trọng tâm chiến lược an ninh của Mỹ ở châu Á phải chuyển từ thống trị sang phủ nhận. Không có sự kết hợp khả thi nào giữa các khoản đầu tư và các khả năng phòng thủ mà Mỹ có thể thực hiện để dẫn đến khôi phục sự thống trị quân sự ròng ở tây Thái Bình Dương. Viễn cảnh về một khoản gia tăng ngân sách quốc phòng lớn của Hoa Kỳ là khó có thể xảy ra, càng khó xảy ra sau lỗ hổng mà COVID-19 và các chi phí liên quan của nó đã phồng to lên với ngân sách vốn đã vượt quá mức của chính phủ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tin tốt lành là Mỹ không cần phải đánh bại Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình. Nó chỉ cần có khả năng duy trì quyền tiếp cận và bảo vệ độ tin cậy trong các cam kết an ninh của mình, bao gồm việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực để đạt được các mục tiêu chính trị của nó.

Đây là mục tiêu mà Hoa Kỳ chia sẻ với mọi quốc gia khác trong khu vực. Không một quốc gia nào ở châu Á  muốn có một vai trò phụ thuộc, dưới trướng Trung Quốc trong một kiến ​​trúc phân cấp thứ bậc. Mọi quốc gia đều tìm cách theo đuổi lợi ích của riêng mình như họ tự xác định. Thách thức đối với chiến lược an ninh của Mỹ là bảo vệ các cơ hội cho họ làm như vậy.

Trọng tâm trong chiến lược của Mỹ là phát triển một mạng lưới quan hệ đối tác an ninh tích hợp với Mỹ và giữa các đối tác của Mỹ trên khắp châu Á. Hải quân khu vực và lực lượng tuần dương càng trở nên tương tác với nhau, thì Trung Quốc càng có ít không gian để kiểm soát các vùng biển hoặc không phận tranh chấp. Một phần của nỗ lực này sẽ liên quan đến việc Mỹ phải thực hiện được quyền triệu tập và tạo cơ hội cho các lực lượng an ninh khu vực xây dựng khả năng tập luyện thường xuyên với nhau. Phần thứ hai  liên quan đến việc cung cấp các khả năng được nâng cao như máy bay không người lái, tàu tên lửa tấn công nhanh và hệ thống phòng không di động cho các đối tác an ninh. Các hệ thống vũ khí như vậy vốn có tính chất phòng thủ; không có cái nào bị cản trở về chi phí. Cùng với nỗ lực này,các nhà lãnh đạo Mỹ phải thảo luận thẳng thắn với người đồng cấp Trung Quốc về các hành động có thể kích hoạt xung đột Mỹ-Trung.

Ví dụ, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đóng cửa các vùng biển hoặc không phận quốc tế để ngăn cấm việc thông thương hợp pháp và / hoặc ép buộc các đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ, bao gồm cả Đài Loan, đều có thể dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự mạnh mẽ. Do sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nguồn đầu vào từ phần còn lại của thế giới và vào các dòng năng lượng từ Trung Đông, bất kỳ hành động nào nhằm đóng cửa các vùng biển hoặc không phận quốc tế sẽ chỉ là một hành động tự làm thiệt hại. Trung Quốc khó có thể thực hiện một bước đi như vậy nếu không có tình trạng thù địch vẫn đang diễn ra. Mặc dù vị trí địa lý đóng vai trò quan trọng tạo lợi thế cho Trung Quốc đối với Đài Loan và các tình huống trên biển, Trung Quốc vẫn bị hạn chế về khả năng phòng thủ trước các hoạt động bất đối xứng về mặt địa lý.

Mỹ cần phải duy trì khả năng nhắc nhở Trung Quốc về những lỗ hổng yếu kém của họ. Việc ngăn cản Trung Quốc thực hiện các hành động có thể gây ra xung đột đòi hỏi Hoa Kỳ phải duy trì sự hiện diện của các lực lượng đã được triển khai ở phía tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, với khả năng hủy diệt to lớn mà cả hai quốc gia đều sở hữu, sự thử nghiệm thực sự về năng lực quốc gia của mỗi quốc gia có thể sẽ không được đo lường trên chiến trường.

Hoa Kỳ bị khóa chặt trong một cuộc cạnh tranh hệ thống lâu dài với Trung Quốc. Quân đội sẽ đóng một vai trò quan trọng, nhưng có khả năng không phải là vai trò trung tâm trong việc đo lường sự tiến bộ trong cuộc cạnh tranh này. Thay vào đó, cuộc đua tranh sẽ đặt ra câu hỏi về hệ thống quản trị nào có khả năng cải thiện cuộc sống của người dân và giải quyết những thách thức chính mà thế giới đang đối mặt.

Vấn đề kinh tế. Các vấn đề mà Mỹ và các đối tác quan tâm là các chính sách cơ cấu xung quanh việc tiếp cận thị trường, hạn chế đầu tư, bảo hộ quyền Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT), doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp. Mỹ nên sẵn sàng đàm phán để loại bỏ các mức thuế nhập khẩu đã nói ở phần trên để đổi lấy một thỏa thuận Giai đoạn Hai, giải quyết những lo ngại về cơ cấu đã nói. Mỹ sẽ phải thực tế; Trung Quốc sẽ không thay đổi hoàn toàn trong một sớm một chiều và Mỹ đã đánh giá quá cao đòn bẩy của mình. Những nhà cải cách ở Trung Quốc sẽ tìm kiếm những thay đổi đáng kể đối với hàng rào phi thuế quan, hạn chế đầu tư, bảo hộ quyền SHTT, doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp, vì họ tin rằng những cải cách này là cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững của Trung Quốc. Trong bầu không khí như thế, có thể sẽ có tiến bộ đáng kể.

Phương cách về thương mại có quản lý đã thất bại trong giao dịch Giai đoạn Một, do các mục tiêu mua hàng thiếu thực tế đã không được đáp ứng. Tuy nhiên, Mỹ nên gửi một thông điệp mạnh mẽ ở cấp tổng thống rằng các dòng xuất khẩu thực tế sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, nền kinh tế ngày càng mở của Trung Quốc và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ mà Hoa Kỳ có thể cung cấp, xuất khẩu của Mỹ hiện nay sẽ tăng nhanh trái ngược với sự sụt giảm trong vài năm qua. Hoa Kỳ nên xem xét thiết lập một phạm vi chỉ số dự báo về khả năng tăng trưởng ​​của xuất khẩu Hoa Kỳ nhưng loại bỏ các mục tiêu cho từng sản phẩm.

Mỹ cũng nên duy trì tập trung vào sự cải cách cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc và hạ thấp các cuộc thảo luận về cán cân thương mại song phương và tỷ giá hối đoái, vốn không phải là vấn đề ở thời điểm hiện tại. Việc phối hợp các chính sách kinh tế của chúng ta đối với Trung Quốc với các đồng minh cũng rất có ý nghĩa. Điều này sẽ liên quan đến đối thoại với EU, cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc, trong nỗ lực xác định các ưu tiên chung cho các cải cách cụ thể của Trung Quốc. Lý tưởng nhất là Mỹ sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có thể đàm phán một số thay đổi trong thỏa thuận đó để tăng cường các điều khoản về bảo vệ lao động và môi trường. Tham gia CPTTP là rất quan trọng để duy trì một hệ thống thương mại toàn cầu mở, tập trung vào Mỹ. Ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ sẽ rất khiêm tốn, nhưng nó rất quan trọng đối với các đồng minh của Mỹ. Mỹ cũng nên thúc đẩy mạnh mẽ các thành viên mới: Hàn Quốc, các nước ASEAN lớn, và thậm chí cả Vương quốc Anh. Trung Quốc sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định này nếu không sẽ có nguy cơ bị loại. Hiện tại, chính Mỹ có nguy cơ bị loại khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi các hiệp định thương mại mới được tiến hành mà không có sự tham gia của Mỹ.

Cuối cùng, trong lĩnh vực an ninh quốc gia, Mỹ phải đưa ra chính sách hợp lý và nhất quán hơn. Làm chậm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc hoặc giết chết Huawei không phải là những mục tiêu an ninh quốc gia thực tế. Huawei đã bị cản trở bởi các chính sách nhằm vào nó, nhưng công ty này sẽ nỗ lực gấp đôi và tồn tại với ít đầu vào hơn bằng công nghệ từ Mỹ. Rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách cần phải bảo vệ các công nghệ có ý nghĩa an ninh quốc gia thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và đầu tư. Nhưng nếu các bộ phận của nền kinh tế bị ảnh hưởng được xác định quá rộng rãi, thì tính năng động mang ý nghĩa quan trọng sẽ bị cắt đứt. Quan điểm cho rằng hoạt động sản xuất ở nước ngoài sẽ quay trở lại Hoa Kỳ do kết quả của chủ nghĩa bảo hộ là ngây thơ. Thuế quan của Trump không có tác động theo hướng này; tác động ròng của thuế quan đã làm giảm việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Để trẻ hóa nền kinh tế Hoa Kỳ, trong đó có sản xuất, đòi hỏi các chính sách nằm bên ngoài lĩnh vực thương mại, bao gồm đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, cải cách chính sách nhập cư, tăng cường giáo dục từ mầm non đến đại học và cải cách thuế để loại bỏ các động cơ thúc đẩy sản xuất di chuyển ra nước ngoài.

Phần lớn nền kinh tế nên mở cửa cho thương mại, đầu tư, nghiên cứu chung và trao đổi sinh viên. Mỹ có thế mạnh to lớn về lực lượng lao động, các trường đại học, bảo hộ quyền SHTT, thị trường tài chính sâu rộng và dòng người nhập cư. Nếu có một sân chơi bình đẳng [kể cả tại Trung Quốc], các công ty và công nhân Mỹ có thể sẽ làm ăn rất tốt và được hưởng lợi từ thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Phối hợp về hàng hóa công cộng toàn cầu. Một trong những điểm khác biệt rõ ràng giữa tầm nhìn chính sách đối ngoại tương ứng của Joe Biden và Donald Trump là sự ủng hộ của Biden đối với việc làm việc đa phương, thay vì đơn phương, về một loạt các vấn đề toàn cầu. Chính quyền Biden có khả năng sẽ tham gia lại (1) Hiệp định Paris và đấu tranh để giảm lượng khí thải carbon toàn cầu nhanh hơn; (2) Tổ chức Y tế Thế giới cuối cùng sẽ phải kiểm soát cho được sự lây lan của vi rút gây ra đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai; và (3) một thỏa thuận được cập nhật của LHQ-Iran nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc giải quyết những vấn đề này và các vấn đề toàn cầu khác như mức nợ của các nước đang phát triển hoặc giới hạn đối với các hoạt động không gian mạng do chính phủ chỉ đạo, chẳng hạn như các lệnh cấm chống lại các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc Mỹ được yêu cầu phải hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Có thể có hợp tác trong những lĩnh vực này vì lợi ích chung.

Khi sự hợp tác như vậy được thúc đẩy bởi các lợi ích chung, không nên xem đó như là một sự tiêu hao đòn bẩy của Mỹ trong mối quan hệ tổng thể. Không nên từ chối hợp tác như vậy theo phản xạ. Hợp tác hạn chế được thúc đẩy bởi lợi ích chung sẽ không làm thay đổi bản chất cạnh tranh của mối quan hệ tổng thể hoặc cản trở khả năng của Mỹ trong việc đẩy lùi các hành động gây lo ngại của Trung Quốc.

Một trong những vấn đề toàn cầu trước mắt là giải quyết cuộc khủng hoảng ở các nước nghèo do đại dịch và suy thoái. Các nước đang phát triển đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu sức khỏe cộng đồng, cung cấp các dịch vụ công cộng khác và trả nợ. Trung Quốc có liên quan ở đây vì nước này là chủ nợ chính thức lớn nhất đối với thế giới đang phát triển. Trung Quốc đã hợp tác với các quốc gia thành viên G-20 khác để cung cấp dịch vụ đình chỉ nợ vào năm 2020, rất tốt cho bước đầu, dù nhỏ. Nhiều quốc gia sẽ cần các chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tái cơ cấu lại nợ. Mỹ và Trung Quốc sẽ phải làm việc cùng nhau vì Mỹ là cổ đông kiểm soát trong IMF,còn Trung Quốc là chìa khóa để giải tỏa nợ cho nhiều quốc gia. Bên cạnh cuộc khủng hoảng trước mắt, một vấn đề quan trọng cho dài hạn là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã cho các nước đang phát triển vay một khoản tiền lớn với lãi suất bán thương mại, thiếu minh bạch và không tuân thủ các tiêu chuẩn. Ngay cả các đồng minh thân cận của Mỹ cũng vay từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng, bởi vì các nhà tài trợ phương Tây truyền thống gần như đã hoàn toàn rút ra khỏi cơ sở hạ tầng và vay tiền thuộc khu vực tư nhân đắt cắt cổ. Thay vì khuyến khích các nước không vay từ Trung Quốc, sẽ hiệu quả hơn nếu xây dựng năng lực cho họ để các nước đang phát triển có thể thu được nhiều lợi ích hơn từ các dự án này, đồng thời thúc đẩy Trung Quốc hoạt động đa phương hơn.

Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải đàm phán với Trung Quốc về vai trò của họ trong các thể chế kinh tế quốc tế. Ví dụ, Mỹ nên hoan nghênh việc để Trung Quốc có trọng lượng lớn hơn trong IMF, phản ánh vai trò ngày càng tăng của nước này trong kinh tế và tài chính toàn cầu, nhưng cũng thúc giục nước này tham gia Câu lạc bộ Paris, tổ chức đi đầu trong việc tái cơ cấu nợ giữa các chủ nợ chính thức. Tương tự, Trung Quốc xứng đáng có trọng lượng lớn hơn trong Ngân hàng Thế giới, nhưng cũng nên tham gia Ủy ban Hỗ trợ Phát triển và làm cho BRI của họ minh bạch và nhượng bộ hơn. Trung Quốc đã là nhà tài trợ thứ sáu cho cơ chế ưu đãi tại Ngân hàng Thế giới, và thực tế, kỳ vọng nước này sẽ nhanh chóng tiến lên vị trí thứ hai. Việc Mỹ tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) có thể là một động lực khác để Trung Quốc làm nhiều hơn thông qua các diễn đàn đa phương hơn là song phương. Nếu Hoa Kỳ muốn hành vi của Trung Quốc đối với các khoản cho vay và nợ quốc tế thay đổi, họ phải sẵn sàng giữ Trung Quốc trong các vai trò tương xứng trong các tổ chức quốc tế.

Quyền con người và dân chủ. Một trong những lĩnh vực khó khăn nhất để có được sự đúng đắn là phản ứng của Hoa Kỳ đối với các vấn đề nhân quyền và dân chủ, cả ở Trung Quốc và các hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài. Có vẻ hấp dẫn để thành lập một câu lạc bộ các nền dân chủ như một nền tảng mới để thúc đẩy quản trị toàn cầu, nhưng vấn đề của cách tiếp cận này là những thách thức như biến đổi khí hậu, nợ của các nước đang phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân, đòi hỏi các nền dân chủ và các chính phủ độc tài phải làm việc cùng nhau. (Ngoài ra, trong khi  dễ dàng  khoa trương  phân chia thế giới thành các nước có dân chủ và các nước có chính quyền chuyên chế, thì trên thực tế hiện có rất nhiều quốc gia nằm ở giữa với các nền dân chủ yếu kém.) Do đó, Mỹ nên thực hiện  cách tiếp cận đa hướng: Đầu tiên và quan trọng nhất là giành chiến thắng trong cuộc chiến quyền lực mềm bằng cách chứng minh rằng nền dân chủ Hoa Kỳ một lần nữa đang vận hành tốt, liên tục cải thiện công bằng xã hội, và nâng cao mức sống người dân. Thứ hai, các nhà lãnh đạo nên lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và các nơi khác từ cấp tổng thống trở xuống. Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách chỉ nên sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế khi phối hợp với các đồng minh,và thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương không hiệu quả. Việc gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và ngưng coi thường các chuẩn mực quốc tế cũng sẽ củng cố vị thế của Hoa Kỳ trên nền tảng đạo đức cao. Thứ tư, các cơ quan tài trợ nên tăng viện trợ nước ngoài để giúp củng cố các nền dân chủ ở các nước đang phát triển, bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp cho các thể chế dân chủ cũng như hỗ trợ kinh tế để cho phép các nền dân chủ kém phát triển có thể tiến lên.

Chúng tôi không thấy Trung Quốc đang cố tình xuất khẩu mô hình chuyên chế của mình, hoặc bất kỳ triển vọng nào mà những nỗ lực  như vậy trong tương lai sẽ được đón nhận tích cực ở các nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các xã hội đa số là người gốc Hoa như Đài Loan và Singapore, những nơi có nhận thức sâu sắc nhất về “ mô hình Trung Quốc ” là gì. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều quốc gia đang phát triển mà Trung Quốc là đối tác thương mại và đầu tư chính trong khi Mỹ  không có mặt. Điều này góp phần tạo ra cảm giác rằng Mỹ đang suy tàn và rút lui khỏi thế giới, trong khi Trung Quốc đang trên đà trỗi dậy. Tất cả các khuyến nghị của chúng tôi hợp chung lại với nhau sẽ làm đảo ngược nhận thức tiêu cực này về Mỹ.

./.

Về hai tác giả: David Dollar – Nghiên cứu viên cao cấp – Chính sách đối ngoại , Kinh tế toàn cầu và Phát triển , Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton.

Ryan Hass – Nghiên cứu viên cao cấp – Chính sách đối ngoại , Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á , Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton, Chủ tịch phân viện Michael H. Armacost, Chủ tịch tạm thời Chen-Fu và Cecilia Yen Koo trong viện Nghiên cứu Đài Loan, Thành viên không thường trú, Trung tâm Paul Tsai Trung Quốc, Trường Luật Đại Học Yale, Hoa Kỳ

NGUỒN:

https://www.brookings.edu/research/getting-the-china-challenge-right/

Xem thêm: Những bài viết / dịch của Lê Nguyễn

Tham khảo:

[1] https://www.brookings.edu/blueprints-for-american-renewal-and-prosperity/

[2] https://www.state.gov/communist-china-and-the-free-worlds-future/

[3] https://www.state.gov/wp-content/uploads/2020/11/20-02832-Elements-of-China-Challenge-508.pdf

[4] https://www.bis.org/statistics/eer.htm

[5] https://www.piie.com/blogs/trade-and-investment-policy-watch/trumps-phase-one-trade-deal-china-and-us-election#_ftn2

[6] https://www.piie.com/research/piie-charts/us-china-phase-one-tracker-chinas-purchases-us-goods

[7] https://news.cgtn.com/news/2020-11-12/Premier-Li-ASEAN-becomes-China-s-largest-trading-partner–VmpM9aYZgc/index.html

[8] https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-09-19/farmers-say-trump-s-28-billion-bailout-isn-t-a-solution

[9] https://www.federalreserve.gov/econres/feds/files/2019086pap.pdf

[10] https://chinasurvey.csis.org/