Tác giả: Zheng Wang – The National Interest
Người dịch: Daniel Trần
Thay vì dùng trí óc để làm các bài tập địa chính trị về một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ phục vụ những lợi ích nào, việc quan trọng là nên học những bài học đúng đắn từ Chiến tranh Nga-Ukraine và nhận ra rằng không có kẻ thắng trong chiến tranh và không có kẻ thua trong hòa bình.
Ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan, một số giới tinh hoa chính trị, chính trị gia và nhiều người khác đã có một ước mơ từng được ấp ủ trong một thời gian dài. Giấc mơ của Trung Quốc là thống nhất Đài Loan. Đài Loan mơ được độc lập. Hoa Kỳ mơ rằng họ có thể làm suy yếu hoặc đánh bại Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chính của họ. Tất cả các bên đều nhận ra rằng biến những giấc mơ này trở thành hiện thực là việc khó khăn, nhưng một lựa chọn để thực hiện được có thể là một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan. Cuộc chiến ở Ukraine đã được cả ba bên theo dõi sát sao và nó đã đưa ra một mô phỏng đầy đủ và nhiều bài học chính yếu cho một cuộc xung đột tiềm tàng đối với Đài Loan. Tuy nhiên, mỗi bên trong ba phe này đều có xu hướng tiếp thu những bài học sai lầm từ Chiến tranh Nga-Ukraine.
Thật vậy, như nhiều tác giả đã lập luận , nhiều điểm tương đồng có thể được rút ra giữa Đài Loan và Ukraine , đặc biệt là về các động lực xung đột và nguồn gốc của xung đột. Do những điểm tương đồng về cả địa chính trị và bản sắc chính trị giữa cuộc xâm lược Ukraine và cuộc chiến tiềm tàng đối với Đài Loan, nhiều người đã bắt đầu rút ra bài học từ cuộc xung đột Ukraine. Một, cuộc chiến từ Trung Quốc đối với Đài Loan là không thể tránh khỏi, và hai, một cuộc chiến như vậy sẽ có thể thắng hoặc trong tầm kiểm soát để giảm thiểu hậu quả. Thành tích kém của Nga ở Ukraine đã khiến nhiều người ở Washington DC coi Ukraine là mô hình rõ rệt cho cách phòng thủ của Đài Loan trong một cuộc chiến, tạo nên những kết quả tương tự là gây suy yếu hoặc thậm chí đánh bại Trung Quốc. Khả năng thất bại của Nga cũng khiến một số người Đài Loan mạnh dạn tin rằng họ có thể chống lại Trung Quốc hoặc thậm chí đánh bại Trung Quốc khi có chiến tranh. Ở bên kia eo biển Đài Loan, những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc công khai ca ngợi lòng dũng cảm và quyết tâm khai chiến của Vladimir Putin. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc tin rằng họ đã chờ đợi quá lâu để hành động và họ tin rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) mạnh hơn nhiều so với quân đội Nga. Đài Loan cũng nhỏ hơn và yếu hơn nhiều so với Ukraine, do đó có thể tin rằng Đài Loan có thể được “giải phóng” chỉ trong vài ngày và giấc mơ sẽ thành hiện thực về sự thống nhất và canh tân đất nước của Trung Quốc.
Mặc dù đây là những giấc mơ đầy sức hấp dẫn đối với những người hay mơ mộng, nhưng những bài học này hoàn toàn không đầy đủ và đặc biệt nguy hiểm khi xem xét những hậu quả tiềm tàng mà một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ gây ra.
Một cuộc chiến tốn kém không thể đền bù được
So với cuộc chiến ở Ukraine, một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ gây ra những hậu quả tồi tệ hơn nhiều so với những gì hiện nay cảm nhận được. Thứ nhất, bất kỳ cuộc chiến tranh nào giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ có nhiều khả năng liên quan đến sự can thiệp của Hoa Kỳ, không giống như trong Chiến tranh Nga-Ukraine, nơi họ chỉ cung cấp thiết bị và khí tài quân sự. Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa PLA và quân đội Mỹ, hai cường quốc hạt nhân và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ là điều không tưởng tượng và không thể lường trước được.
Như chúng ta đã thấy từ Chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc chiến đã có tác động lớn đến nền kinh tế và thị trường thế giới, đặc biệt là liên quan đến dầu mỏ và lương thực. Tuy nhiên, một cuộc xung đột giữa Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ, sẽ gây ra sự gián đoạn lớn hơn nhiều. Nền kinh tế Trung Quốc có quy mô tương đương với toàn bộ Liên minh châu Âu, và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất với hơn 120 quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, vì Trung Quốc là công xưởng thế giới, lượng sản xuất lớn hơn Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức cộng lại, nên bất kỳ xung đột nào cũng sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hóa mà nhiều đối tác thương mại cần phải có để ổn định xã hội và nuôi sống người dân. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ một quốc gia đóng vai trò là nhà máy sản xuất nhiều hàng hóa trên thế giới sẽ tạo hủy hoại nghiêm trọng. Ví dụ, Trung Quốc sản xuất một phần lớn dược phẩm và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) mà người dân Mỹ phụ thuộc vào đó. Bất kỳ xung đột nào với Trung Quốc chắc chắn sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp thuốc men và vật tư y tế cần thiết. Ngoài ra, Đài Loan là nhà sản xuất chip tiên tiến hàng đầu trên thế giới ; chỉ có một công ty Đài Loan – Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) – chiếm hơn 50% thị phần chip toàn cầu. Tất cả những điều này làm cho những người có lý trí thấy rõ rằng một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan nên được tránh và tích cực ngăn chặn nếu được.
Hơn nữa, Đài Loan về cơ bản là không thể tự vệ – nhiều người sẽ khó đồng ý về điều này – nhưng đó là một thực tế đáng buồn, đặc biệt nếu người ta nghĩ đến thường dân Đài Loan và phúc lợi của họ. Địa lý là định mệnh của Đài Loan. So với Ukraine, quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu, Đài Loan chỉ lớn hơn Maryland một chút và nhỏ hơn Ukraine mười bảy lần. Nếu Nga gặp khó khăn trong việc cung cấp cho tiền tuyến ở Ukraine, thì Trung Quốc sẽ không gặp khó khăn gì ở Đài Loan. Ngoài ra, Đài Loan sẽ rất dễ bị cô lập vì nó là một hòn đảo. Vì lợi ích của người dân Đài Loan, không có con đường nào sẵn có để thoát ra ngoài như Ukraine, vì chung quanh Đài Loan là nước. Đài Loan cũng ở quá gần Trung Quốc Đại lục và eo biển hẹp, chỉ rộng 100 dặm khiến việc phòng thủ tên lửa hiệu quả đối với Đài Loan trở nên vô cùng khó khăn.
So với Nga, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với nhiều nguồn nhân lực và vật lực, mọi thứ sẽ tập trung vào một viễn cảnh mạnh mẽ về thống nhất đất nước được tập thể chấp nhận. Đó sẽ là một cuộc chiến mà Trung Quốc đã chuẩn bị kể từ năm 1949. Chẳng hạn, PLA đã xây dựng một số bản sao chép tỉ lệ 1-1 của các mục tiêu quân sự chính của họ ở Đài Loan, chẳng hạn như một sân bay quân sự lớn và thậm chí cả Dinh Tổng thống của Đài Loan, để tiến hành nhiều cuộc tập trận trong suốt bảy thập kỷ qua. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cũng chỉ ra rằng Trung Quốc có sự đồng thuận mạnh mẽ về việc thống nhất đất nước đối với Đài Loan. Sau nhiều thập kỷ giáo dục và tuyên truyền, thống nhất đã trở thành niềm tin cộng đồng và là một phần của bản sắc dân tộc được coi như là một mục tiêu chung của toàn dân. Xét về quyết tâm, động lực và sự ủng hộ của công chúng trong nước khi có chiến tranh, Bắc Kinh có thể sẽ khiến Đài Bắc và Washington thất vọng.
Nếu chiến tranh xảy ra Đài loan sẽ phải gánh chịu hậu quả và thiệt hại tồi tệ nhất, và chính người Đài Loan sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất từ cuộc chiến. Vì vậy, việc Đài Loan đấu tranh cho hòa bình là điều cần thiết. Cộng đồng Đài Loan cần công khai tranh luận về việc Đài Loan có nên duy trì cách tiếp cận cân bằng hơn đối với Trung Quốc, bao gồm cả cân nhắc về lợi ích dài hạn của Đài Loan để giảm bớt tinh thần bài Trung và tăng cường tính trung lập trong quan hệ đối ngoại. Đài Loan có thể học hỏi từ Thụy Sĩ và một số quốc gia khác đặt trung lập làm nguyên tắc chính trong chính sách đối ngoại của mình. Sự trung lập sẽ tăng cường an ninh và cơ hội cho hòa bình lâu dài của Đài Loan hơn là làm suy giảm nó.
Đối với Trung Quốc, một bài học quan trọng từ Ukraine là việc tiến hành một cuộc xâm lược một nền dân chủ khác là điều không thể chấp nhận được đối với toàn thể cộng đồng quốc tế tự do. Một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ có những hậu quả tiêu cực lớn và lâu dài hơn là mang lại cho Trung Quốc những gì họ thực sự muốn. Trung Quốc cần nghiêm túc xem xét những hậu quả lâu dài của ý định cai trị Đài Loan như những cuộc nổi dậy và phản kháng không thể tránh khỏi của người dân Đài Loan. Hơn nữa, giấc mơ trở thành một cường quốc ths giới được tôn trọng của Bắc Kinh đòi hỏi phải có các mối quan hệ thực dụng với phương Tây.Đó là lợi ích chính của Trung Quốc nhằm tránh quan hệ hoàn toàn đối đầu và thù địch với toàn bộ phương Tây về quan hệ Đài Loan. Tự cung tự cấp và mối quan hệ chặt chẽ với thế giới phát triển là quan trọng, nhưng không thay thế được.
Đối với Hoa Kỳ, các nhà hoạch định chính sách với tầm nhìn chiến lược dài hạn nên nhận ra rằng việc sử dụng Đài Loan như một công cụ để kiềm chế hoặc đánh bại Trung Quốc là mong muốn, nhưng có thể là một trò chơi cực kỳ nguy hiểm vì hậu quả của một hành động như vậy sẽ không thể lường trước được. Thay vì nhìn thấy được kết quả mong muốn của mình, Hoa Kỳ có thể sẽ phải trải qua những hậu quả đa phần là tiêu cực, gây ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài. Ngay cả khi đặt những hậu quả kinh tế sang một bên, một trong những kịch bản tồi tệ nhất đối với các chiến lược gia Mỹ là Trung Quốc sẽ kiểm soát Đài Loan và điều này sẽ phá vỡ kiểm soát chuỗi đảo đầu tiên và cho phép Trung Quốc kiểm soát nhiều hơn ở châu Á-Thái Bình Dương. Hơn nữa, ngay cả kịch bản bản tốt nhất cho Hoa kỳ là Trung Quốc thất bại và thay đổi lãnh đạo do hậu quả cuộc chiến thì nhà lãnh đạo tiếp theo có thể thậm chí còn diều hâu và theo chủ nghĩa dân tộc hơn thế nữa. Lịch sử đã cho thấy thất bại và sự sỉ nhục mà phương Tây mang lại đã thúc đẩy phản ứng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc và Nga như thế nào trong những thập kỷ qua. Tại sao một cuộc chiến khác lại có thể tạo nên những điều gì khác? Một số chiến lược gia ở Hoa Kỳ tin rằng việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan có thể ngăn cản sự xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, bất kỳ sự trang bị vũ khí nào cho Đài Loan đều có thể tạo ra tình thế khó xử về an ninh, và có thể kích động và đẩy nhanh xung đột giữa Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ. Trung Quốc đã nêu rõ rằng ranh giới đỏ của họ bao gồm việc trang bị cho Đài Loan các loại vũ khí tấn công tiên tiến và việc Hoa Kỳ gửi quân đến đồn trú tại Đài Loan.
Các biện pháp cụ thể để mang lại hòa bình
Trong khi thế giới đã chứng kiến hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, cả ba bên nên nhận ra rằng cuộc chiến ở Đài Loan sẽ không thể lường đoán trước và cuối cùng với cái giá không thể trả nổi. Chỉ sau khi điều này được chấp nhận, cả ba bên mới có thể hành động để ngăn chặn chiến tranh nổ ra. Thúc đẩy các con đường vì hòa bình là cách duy nhất mà mọi người chúng ta có thể giành chiến thắng. Có một số biện pháp cụ thể mà các nước có thể thực hiện để tạo điều kiện cho hòa bình hơn là chiến tranh.
Thứ nhất, hai đảng cầm quyền ở Trung Quốc và Đài Loan lần lượt là Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Dân chủ Tiến bộ, nên thiết lập các kênh liên lạc càng sớm càng tốt. Không có thông tin liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo chỉ làm tăng nguy cơ thông tin sai và đánh giá sai. Tương tự, Hoa Kỳ và Trung Quốc nên thành lập một ủy ban cấp cao chung để họp thường xuyên liên quan đến Đài Loan. Đây là một biện pháp cần thiết để quản lý xung đột.
Một biện pháp khả thi khác liên quan đến việc thăm dò trước đây về một thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Đài Loan. Nội dung quan trọng nhất của hiệp định tạm thời là Đài Loan không đòi độc lập và Trung Quốc không sử dụng vũ lực đối với Đài Loan. Tình hình hiện tại sẽ làm cho một thỏa thuận như vậy có ý nghĩa hơn vì thỏa thuận này sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc giảm thiểu tình thế khó xử về an ninh.
Bản sắc cũng rất quan trọng đối với cả hai bên bờ eo biển. Do đó, bất kỳ nỗ lực xây dựng hòa bình nào cũng nên giải quyết các vấn đề dựa trên bản sắc. Điều quan trọng hơn nữa là phải hiểu quan điểm của mỗi cộng đồng để đưa ra các chính sách đối với căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Nếu cả hai bên đều nhận ra rằng một cuộc chiến tiềm tàng nhằm vào Đài Loan gây tốn kém không thể đền bù nổi và Đài Loan không đủ khả năng tự bảo vệ, việc điều chỉnh chủ nghĩa dân tộc quá khích ra khỏi bờ vực chiến tranh có thể dễ dàng hơn rất nhiều.
Xét về bản sắc, Đài Loan cảm thấy bị đe dọa và bị gạt ra ngoài lề. Bất kỳ vai trò lớn hơn nào của Bắc Kinh sẽ bị coi là chống lại quyền tự do và ý thức về bản sắc dân tộc của người Đài Loan. Trong khi các chính trị gia Đài Loan đang cố gắng giải quyết vấn đề này vì một nền dân chủ non trẻ đang cố gắng thoát khỏi những kẻ bắt nạt độc tài, động cơ thực sự đằng sau các hành động và hành vi của Đài Loan trong quá khứ gần đây là phong trào đòi độc lập. Phong trào này là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy ở Đài Loan. Sự phát triển về bản sắc dân tộc của Đài Loan sẽ tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc hành động quyết đoán hơn, vì Trung Quốc coi việc thống nhất với Đài Loan là một phần thiết yếu của quá trình „canh tân đất nước”, một mục tiêu tầm quốc gia không thể tranh cãi. Những người chỉ tập trung vào phân tích địa chính trị có thể tin rằng, nhờ được Hoa Kỳ bảo vệ mạnh mẽ hơn và trang bị thêm vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc có thể chọn đường lối nhượng bộ và từ bỏ kế hoạch xâm lược của mình. Nhưng nếu xem xét các lý do liên quan đến bản sắc, người ta sẽ hiểu rằng việc làm nản chí sẽ không có tác dụng khi nói đến bản sắc. Điều này cũng đúng với người Đài Loan vì sự ép buộc của Trung Quốc trong những thập kỷ qua đã không thể khiến người Đài Loan thay đổi bản sắc của họ.
Nếu có một sai lầm lặp đi lặp lại mà Hoa Kỳ mắc phải khi giao tiếp với thế giới còn lại, đó là coi nhẹ vai trò mạnh mẽ của bản sắc dân tộc, văn hóa và thế giới quan. Quan chức ngoại giao Hoa Kỳ dường như đang lầm lẫn nguồn gốc của cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan. Thay vì chuyện đơn giản rằng đó là một cuộc đấu tranh giữa một nền dân chủ và một chế độ độc tài, vấn đề Đài Loan là một cuộc xung đột dựa trên bản sắc. Điều mà hầu hết các phân tích hiện tại đều không hiểu là lý do chính xác tại sao Đài Loan lại quan trọng đối với Trung Quốc, tại sao Trung Quốc lại muốn Đài Loan một cách cuồng nhiệt, và người dân Đài Loan thực sự muốn gì. Yếu tố trung tâm của việc hoạch định chính sách đối ngoại hiệu quả là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác. Do đó, người Mỹ phải cố gắng đặt mình vào vị trí của người Trung Quốc hoặc Đài Loan.
Cũng sai khi cho rằng xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan là không thể tránh khỏi. Vẫn còn một không gian rộng lớn cho việc xây dựng hòa bình giữa hai bên vì không có sự thù hận hay bạo lực giữa hai cộng đồng. Ngoài ra, Đài Loan và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế sâu sắc. Năm 2020, thặng dư thương mại của Đài Loan với Trung Quốc đại lục và Hồng Kông lên tới 86,7 tỷ USD. Hơn 400.000 người Đài Loan hiện cũng đang làm việc tại Trung Quốc đại lục, điều hành nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ thành công. Hơn nữa, hai bên cũng có chung ngôn ngữ và văn hóa vì hơn 95% trong số 24 triệu dân Đài Loan là người Hán, trong khi khoảng 92% dân số của Trung Quốc đại lục cũng là người Hán. Quan trọng hơn, Trung Quốc hiện vẫn hoạt động theo chính sách ưu tiên một sự thống nhất hòa bình với Đài Loan và có đủ kiên nhẫn chiến lược để chờ đợi điều này xảy ra. Đối với người dân Đài Loan, nhiều cuộc thăm dò trong nước cho thấy đa số dân chúng thích sự ổn định hiện trạng hơn là vội vã giành độc lập. Do đó, nếu chúng ta bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh, chúng ta sẽ mất cơ hội để tạo hòa bình và tránh bạo lực vốn không mong muốn của cả hai bên.
Chiến tranh Nga-Ukraine đã hạ màn về thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Đối với Hoa Kỳ, Đài Loan vẫn là một thách thức trọng tâm trong thời kỳ hậu Afghanistan và hậu Ukraine. Thay vì vận dụng trí óc làm các bài tập địa chính trị về một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ như thế nào, điều quan trọng là phải học những bài học đúng đắn từ Chiến tranh Nga-Ukraine và nhận ra rằng không có kẻ thắng trong chiến tranh và không có kẻ thua cuộc trong hòa bình. Do đó, thúc đẩy các con đường vì hòa bình là sự lựa chọn hợp lý duy nhất cho cả ba bên.
Tiến sĩ Zheng Wang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (CPCS) và là Giáo sư Trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Seton Hall.
Nguồn: https://nationalinterest.org/feature/ukraine%E2%80%99s-wrong-lessons-taiwan-202113