Trang chủ » Sự hổ thẹn dưới vài góc nhìn

Sự hổ thẹn dưới vài góc nhìn

Tháng Sáu 2023
H B T N S B C
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930  

Tìm chuyên mục

Thư viện

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai

La honte sous l’angle de l’anthropologie, de la sociologie clinique et de la psychanalyse

Bốn thí dụ cụ thể để vào đề

  • Ma Congbo, Chủ tịch Công ty Yurong Commerce and Trade, sở hữu mỏ thạch cao bị sập ở huyện Pingyi, TP Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, đã tự sát sau sự cố (1).
  • Sung Wan-jong, cố chủ tịch Keangnam, đã treo cổ tự sát, năm rồi, hôm 9/4/2015 (2).
  • Steve Stevaert một chính trị gia Bỉ, Thị trưởng Hasselt, trầm mình tự tử, cũng vào đầu tháng tư năm 2015, để không phải đối mặt với một phiên tòa liên quan tới đời tư (3).
  • Cựu thị trưởng thành phố Tours, Pháp, Jean Germain, tự tìm đến cái chết bằng súng trong nhà xe tại tư gia để tránh phải hầu tòa trong vụ rắc rối tiền bạc với những đám cưới cho người Trung quốc mà thành phố ông đã tổ chức (4).

Sống và chết vì hổ thẹn? Từ Đông sang Tây ta đều có những thí dụ như thế.

Ai trong chúng ta đều đã phải, ít nhất là một lần, đối mặt với sự hổ thẹn.

Đó là một hiện tượng của người sống trong xã hội – hổ thẹn vì không đúng chuẩn, vì ngại ánh mắt phán xét của người khác.

Ta hổ thẹn vì thấp kém so với người chung quanh, vì nghèo, vì đang thất nghiệp, vì dáng dấp xấu xí, vì học hành dang dở, …

Một đứa trẻ có thể hổ thẹn vì áo quần của em không đẹp, không là hàng hiệu như trang phục cùa bạn bè cùng lớp học. Một em khác không dám cho bạn bè biết nơi trú ngụ của mình vì tự ti.

Tùy môi trường, ta hổ thẹn vì là “con vịt đẹt” trong tập thể.

Trong quyển tiểu thuyết tự sự La Place (Chỗ đứng, 1984), nhà văn Annie Ernaux kể rằng bà hổ thẹn vì vị trí xã hội của cha mẹ bà – hành nghề bán tạp hóa tầm thường và vô học – trong khi bè bạn của bà, và sau này chồng của bà nữa, có cha mẹ là những nhà trí thức giàu sang.

Ngược lại, có khi ta hổ thẹn vì nguồn gốc giàu sang của mình:

Nhân vật Văn trong Gánh hàng hoa của Nhất Linh và Khái Hưng đã có lúc mang tâm trạng đó trước tình cảnh thiếu thốn của vợ chồng Liên và Minh.

Tương tự như trường hợp trên, Boris Cyrulnik, trong quyển Mourir de dire. La Honte (Chết vì phải nói. Sự hổ thẹn, 2010), tả trường hợp của bạn ông, Samir, khi còn là sinh viên, hổ thẹn vì ở trong căn hộ quá sang trọng của cha bạn ấy.

*

Bài này bàn về sự hổ thẹn như một hiện tượng liên hệ đến nhiều ngành dù rằng khung phân tích chính vẫn là khung xã hội học.

Mà trước tiên, có thể cần nói đến định nghĩa của bà Ruth Benedict về xã hội của sự hổ thẹn.

Bà Ruth Benedict, một nhà nhân học Mỹ, năm 1934, trong sách Patterns of culture (Những mẫu văn hóa), bà xếp loại các xã hội theo xã hội của sự hổ thẹn hay xã hội của mặc cảm tội lỗi (5).

Theo ngữ vựng của bà, xã hội của mặc cảm tội lỗi dựa trên ý thức rất rõ ràng của các thành viên về những điều tốt hay điều xấu, cần phải làm hay phải tránh và từ đó mà tuân thủ những luật đạo đức và luân lý. Trong một xã hội như thế, nền tảng của quyền lực là các khái niệm như lỗi, hình phạt, điều cấm kỵ, sự tha thứ, điều lành, điều ác.

Trái lại, trong xã hội của sự hổ thẹn, cơ sở không là lương tâm mà là danh thơm. Yếu tố quan trọng nhất trong sự xã hội hóa là sự bắt chước theo mẫu chứ không là sự phục tùng vì sợ chế tài. Trong xã hội này không có khái niệm siêu hình về điều lành, điều ác mà là vấn đề danh dự và mất danh dự, vấn đề vinh quang và hổ nhục, được tôn trọng hay bị chế riểu. Bị dèm pha hay bị lăng mạ là một nhục hình ở đây.

Hổ thẹn, cá nhân sẽ có phản ứng trốn tránh, tránh bị khám phá vì sợ bị ruồng bỏ. Một cách tự chế tài.

Còn mặc cảm tội lỗi là phản ứng so với một luật xã hội. Chỉ có những cá nhân mất nhân tính mới giết người vì giết người là một điều cấm kỵ.

Ở Trung quốc và ở Nhật chẳng hạn, những điển hình của xã hội của sự hổ thẹn (shame society), giữ thể diện là điều tối quan trọng. Đối với người Nhật, ít nhất là hồi xưa, hổ thẹn có thể đưa tới tự tử. Hai thí dụ ở đầu bài, ở Trung Quốc và ở Hàn Quốc, minh họa điều này.

Nhưng nhiều khi biên giới giữa hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi không ró ràng.

Nói chung thì tội lỗi cần bồi thường cụ thể. Còn hổ thẹn là một chế tài vô hình.

Hiện các nhà xã hội học, trong đó có tác giả bài này, không còn nhất trí với sự xếp loại các xã hội của bà Benedict.

Bà Hannah Arendt cũng đã nói về sự hổ thẹn khi bàn đến số phận của người Do Thái dưới chế độ Đức quốc xã – hổ thẹn về nguồn gốc tôn giáo của mình trong một chế độ độc tài – Chế độ này có khả năng áp đảo dân tình, chính thống hóa luật lệ.

Giá trị của tôi so sánh với bậc thang đạo đức của xã hội. Một bậc thang mà tôi xem như chính thống (chế độ độc tài bắt tôi xem các quyết định của chế độ như chính thống – dù các quyết định ấy đưa cái chết đến cho tôi) và tôi hổ thẹn khi tự thấy không xứng đáng. Hổ thẹn vì tôi không thi hành được những gì mà xã hội, chờ đợi nơi tôi. Hổ thẹn ở đây đi đôi với lòng danh dự. Tôi hổ thẹn và tôi mất cả danh dự” (6).

Sự hổ thẹn đi từ luật lệ xã hội – normes – và những cấm kỵ – tabou hay interdits – mà mỗi thành viên của xã hội đã nằm lòng (7).

Thông thường luật lệ xã hội là những gì cộng đồng thỏa thuận với nhau như lề lối tổ chức và sinh hoạt cốt bảo đảm sự sinh tồn và sự điều hòa cho mọi guồng máy.

Vi phạm luật lệ xã hội thì sẽ bị chế tài. Chế tài có thể là chế tài chạm đến thân thể, chế tài vật chất hay chế tài tinh thần. Nhiều khi chưa bị xã hội chế tài, người “phạm luật”, nhất là khi cá nhân đó có ý thức xã hội, đã tự hổ thẹn rồi. Bị chế tài, nhất là khi chế tài trước thanh thiên bạch nhật, người bị xữ còn hổ thẹn hơn và sự hổ thẹn thành như một hình phạt thứ nhì.

Xã hội nào cũng đầy luật lệ, normes, từ chuyện kính trên nhường dưới, tôn trọng người khác, trung thành với vợ với chồng, … đến chuyện trong sạch ở đời hay đóng thuế, đi bầu, … Vi phạm các luật đó thì thế nào xã hội cũng kết án và cá nhân của người vi phạm cũng “áy náy” trong lòng. Đúng ra, sự hổ thẹn cần cho sự điều tiết sinh hoạt và sống còn của xã hội.

Các “normes” của xã hội cũng còn là những điều bình thường trong cộng đồng, những “mẫu”, “khuôn” hay “chuẩn mực” để mọi thành viên dựa theo đó mà cư xử, mà tuân thủ.

Chuẩn mực xã hội và hồ thẹn ?

Đi riết thì thành đường. Chuẩn mực xã hội cũng vậy. Những cái bình thường, được nhiều người áp dụng – như ăn cơm ngày ba bữa, như lưu thông bên phải, dừng lại ở đèn đỏ, như thờ cha kính mẹ hay tương trợ người túng khó, … Đó là những thói quen, những tập tính…

Cái nào không đúng chuẩn mực thì được xem như lệch chuẩn và xã hội cố gắng kéo hành vi lệch chuẩn về ngăn nắp bằng cả một hệ thống chế tài. Xã hội định nghĩa chuẩn và lệch chuẩn.

Trên bình diện cá nhân, những dị tật trên thân thể – không nói đến tàn tật – được xem như không đúng chuẩn và là nguyên nhân đầu tiên của hổ thẹn. Nhưng cần nói thêm là “dị tật” được định nghĩa tùy xã hội và tùy thời. Có những điểm như lưng gù, mắt lé (lác mắt hay tật khúc xạ), … các xã hội nhất trí trong khi đó chiều cao hay mũi tẹt, da nâu, … là những đặc thù chứ không là điểm kém và ở đây, quan điểm xã hội thay đổi tùy thời.

Người có dị tật hổ thẹn, rồi cố gắng giấu cơ thể, từ đó … giấu cả bản thể và lẩn trốn mọi liên hệ xã hội.

Những thất bại trên đường đời cũng có thể là nguyên nhân của hổ thẹn, thất bại ở trường học, thất bại trên tình trường, thất bại trong ánh mắt của ai đó. Nghèo cũng có thể là một lý do khác của hổ thẹn và ngăn cá nhân tiếp tục liên hệ xã hội.

Hổ thẹn vì những lần nói hớ trước công chúng. Hổ thẹn vì hoàn cảnh gia đình hay của người thân.

Trong số các chế tài hay “hình phạt” của lệch chuẩn, “để mắt nhìn vào” cho ta hổ thẹn là một. Xã hội dạy và bắt buộc ta phải biết hổ thẹn. Vì thế, hồ thẹn không còn thuần tâm lý, không phải chỉ là một phản ứng của cá nhân mà là phản ứng của cá nhân sống trong xã hội.

Hổ thẹn là một khái niệm đa ngành

Jean-Paul Sartre viết (8) “Tôi sẽ không hổ thẹn dù tôi có một hành động thô tục ở chốn hoang vắng. Nhưng nếu ngẫng đầu lên mà gặp ánh mắt của ai đó thì lập tức tôi sẽ thấy hổ thẹn vì sự thô tục của mình, vì hình ảnh của tôi dưới mắt người khác. Hổ thẹn không thuộc lảnh vực của suy nghĩ. Cái tôi chỉ là một vật thể. Sự hổ thẹn của tôi là cách tôi nhìn nhận rằng hình ảnh của tôi dưới ánh mắt của tha nhân không hoàn hảo như tôi muốn”.

Như thế, sự hổ thẹn có ít nhất là ba cấu thành: hành động của tôi, ánh mắt tha nhân và ý của tôi muốn hình ảnh mình đẹp dưới mắt người khác …

Theo xã hội học (9), như đã đề cập đến ở trên, sự hổ thẹn thuộc “chương” phản ứng có xã hội tính. Hổ thẹn vì có những hành động không chấp nhận được, những hành động thiếu giáo dục làm cho thiên hạ có thể nghĩ rằng “tôi xuống ngang hàng với phường mất dạy”. “Tôi” và “xã hội” đan xen với nhau trong sự hổ thẹn cùa một cá nhân. Tôi tự thấy không xứng đáng vì tôi không như mẫu mà tôi muốn đạt, không làm được những gì tôi nghĩ là cần làm và tôi sẽ mất giá trị hay mất thương yêu của người chung quanh.

Các nhà xã hội học sẽ nói là mỗi một trong chúng ta đều có khuynh hướng làm đúng những gì xã hội đã “dạy” (conformisme socio-culturel). Có những giá trị xã hội mà ta tận tường, ta đã chấp nhận và hơn thế nữa, nằm lòng (intérioriser) – khi không trung thành thì ta hổ thẹn vì ta sợ xã hội “phạt”.

Hổ thẹn thành, như thế, là một hình phạt mà chính ta phán cho mình, trước khi ta bị xã hội phạt.

Nhà đạo đức học xem sự hổ thẹn như một phản ứng tích cực, giúp cá nhân thường xuyên kiểm soát hành động mình để làm người, phù hợp với đạo đức xã hội, tránh đi đến những hành vi quá độ, ngược với luân thường hay thậm chí bạo lực.

Tôn giáo cũng vào cuộc – đúng ra là một số luật lệ xã hội dựa trên triết lý tôn giáo –

Phật giáo chẳng hạn, dạy rằng:

Biết hổ thẹn là một nhân tố quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của con người. Làm người là biết hổ thẹn với chính mình và sợ hãi với người khác. Nhờ biết hổ thẹn nên chúng ta có thể vượt thắng, làm chủ được bản thân trước những thôi thúc của tham lam, sân hận và si mê” (10).

Theo các nhà sinh học, chỉ có con người mới biết hổ thẹn. Thú vật hoàn toàn không có khả năng này. Có suy nghĩ mới biết hổ thẹn. Đi xa hơn nữa, thần kinh học thì cố gắng trả lời câu hỏi: phần nào trong não quyết định sự hổ thẹn. Trong hiện trạng của khoa chụp hình y học, với máy quét cộng từ sinh hoạt (IRMf), khả năng này không còn là một chuyện không tưởng (utopie). Nếu trả lời được câu hỏi này thì khi cần, bác sĩ có thể định vị, hiểu về sinh lý tại sao một số người không biết hay hết biết hổ thẹn hầu đi đến việc chữa trị được sự chai lỳ thiếu hổ thẹn. Hay ngược lại, để chữa trị khi cá nhân khổ sở vì bị dằn vật bởi trăm thứ hổ thẹn.

Hiện giải pháp này chưa thực hành vì các cơ quan Đạo đức Y khoa bảo vệ sự riêng tư của bệnh nhân nên không cho phép nghiên cứu về sinh hoạt não bộ trong lúc hổ thẹn.

Vincent de Gaulejac và sự hổ thẹn

Vincent de Gaulejac, sinh năm 1946, người Pháp, giáo sư Xã hội học ở Đại học Paris 7. Giám đốc Phòng Nghiên cứu về những Thay đổi của Xã hội Paris từ hơn ba mươi năm nay. Là người sáng lập Viện Quốc tế chuyên về xã hội học lâm sàng, ông đã giúp các nhóm nghiên cứu ở hơn mười lăm nước thuộc châu Âu và châu Mỹ La tinh đào sâu thêm về phương pháp này,

Ông chú ý và đặt trọng tâm các khảo sát của mình trên cấu trúc và điều hành của xã hội và số phận của các thành viên trong xã hội. Cụ thể, qua hơn hai mươi quyển sách, ông báo cáo các thành quả thu nhặt được cho các chủ đề như sự ám ảnh của giai tầng xã hội, sự hổ thẹn, các đấu tranh địa vị xã hội, cái giá của sự tuyệt hảo, xã hội nạn nhân của quản lý hay là sự khó ở của người lao động.

Động cơ khiến ông nghiên cứu về sự hổ thẹn đi từ quan sát “sự hổ thẹn là một đau khổ lớn vì hổ thẹn là một hiện tượng sâu ẩn trong lòng, ta không dám bộc lộ hay bày tỏ nó cùng người khác”. Cái vòng lẫn quẫn nằm ở đó. Xã hội học lâm sàng trao tiếng nói cho người hổ thẹn để họ phát biểu hầu có thể hiểu họ (11).

Trong quyển Les Sources de la honte – Những nguồn gốc của sự hổ thẹn, 1996 – (12), Vincent de Gaulejac bắt đầu bằng bốn chuyện đời, bốn trường hợp cụ thể, bốn bộ mặt khác nhau về hổ thẹn mà các đối tượng nghiên cứu của ông kể.

Phương pháp chính của xã hội học lâm sàng là thu thập và phân tích chuyện đời (récit de vie hay life story).

Từ đó, ông bắt đầu phân tích những nguyên nhân-hậu quả của sự hổ thẹn – khởi thủy là hoàn cảnh sống đến cảm giác hổ thẹn, rồi đến quá trình cấu trúc bản thể của người mang hổ thẹn để tiếp tục sống, …

Nghèo khó là một nguyên nhân của hổ thẹn. Được giúp đở cũng là một hổ thẹn, hổ thẹn vì không một mình đứng lên. Nghèo không là một cái tội nhưng trong một xã hội có giai cấp nghèo là khác biệt là thua kém người xung quanh (sđd, tr. 111).

Vincent de Gaulejac dựa trên truyện đời để đánh dấu thời điểm từ lúc nào các cá nhân hổ thẹn, rồi sự ăn sâu cắm rể của sự hổ thẹn và từ đó, đi vào cấu trúc cá thể của người mang hổ thẹn.

Tiếp theo, de Gaulejac giải thích hiện tượng dựa trên các lý thuyết về xã hội học lâm sàng, chuyên môn của ông – sau khi trình bày sơ về hổ thẹn theo những lý thuyết của Sartre, của Freud và của Camus..

Đúng vậy, de Gaulejac tóm lược quá trình cấu trúc bản thể, từ lúc còn rất trẻ qua những giai đoạn mà Freud gọi là kiến trúc của cái tôi, sự yêu tôi quá độ, mặc cảm Oedipe hay nghịch lý giữa điều cấm kỵ và cái Tôi, đến giai đoạn so sánh giữa Tôi và Tha nhân khi đối diện với hiện trạng xã hội, giai đoạn tiếp theo là sự chống đối để tìm bản thể lúc dậy thì và sau cùng là giai đoạn khẳng định cái tôi.

Những giai đoạn này không mới. Cái mới là de Gaulejac dựa trên các truyện đời của các nhân vật ông nghiên cứu để minh chứng rằng lúc nào, bất cứ ở giai đoạn nào, họ cũng bị giằng co bởi một bên là hình ảnh lý tưởng mà mình phải đạt còn bên kia là những ràng buộc của hoàn cảnh trong đó có những giới hạn của khả năng mình.

Theo de Gaulejac, nguồn gốc của hổ thẹn bắt nguồn từ sự giằng co đó. Sự hổ thẹn không hẳn là một hiện tượng thuần tâm lý cũng không hẳn thuần xã hội. Mà đi từ cả hai – vừa tâm lý vừa xã hội (sđd, tr. 213).

Sự hổ thẹn này nhiều khi mạnh đến nổi từ nội tại nó thành lực cản cho cá nhân trong các liên hệ xã hội và cho công ăn việc làm.

Người nghiên cứu lâm sàng, trong quá trình tìm hiểu những lô gich nội tại của sự hổ thẹn, cố gắng làm cho “nạn nhân” của sự hổ thẹn giải thích trường hợp của mình qua các giai đoạn với ý nghĩa của từng hiện tượng – hổ thẹn được phát biểu thành lời, chính nhân vật kể chuyện sẽ hiểu mình hơn. Sự việc được mang ra trước thanh thiên bạch nhật, không còn bị giấu trong lòng – từ chủ quan và bí mật, hổ thẹn của riêng cá nhân, hiện tượng thành “chủ quan có nhân chứng” (sđd, tr. 297). Phương pháp xã hội học lâm sàng đưa ra ánh sáng những đau khổ của người mang hổ thẹn.

Ở đây, cách làm việc của xã hội học lâm sàng tiến đến gần phương pháp phân tâm học. Chỉ khác là phân tâm học chữa bệnh. Xã hội học lâm sàng dừng lại ở chỗ trình bày và mô tả để hiểu sự kiện chứ không can thiệp.

Serge Tisseron hay làm sao chữa “bệnh” hổ thẹn (13)

Serge Tisseron, người Pháp, sinh năm 1948, là một tâm lý gia, một bác sĩ tâm thần và bác sĩ phân tâm học. Trong đời, ông còn là một người viết sách bằng tranh dù nghề chính của ông là giám đốc nghiên cứu ở Đại học Paris 7. Từ gần hai mươi năm nay, ông chuyên về ảnh hưởng của hình ảnh, của các phương tiện thông tin mới, đủ loại từ TV, máy tính, internet, … Nhưng trước đó, với tư cách là nhà phân tâm học, ông đã viết ba quyển sách về sự hổ thẹn mà hiện nhiều học trò của ông còn dùng hàng ngày để điều trị bệnh nhân của họ.

Đối với Serge Tisseron, sự hổ thẹn là một đau khổ tâm lý xã hội.

Trong phòng khám bệnh của một bác sĩ phân tâm học, người hổ thẹn có thể diễn tả trường hợp của mình bằng những chữ như “tôi đang ở dưới đáy giếng” “tôi chỉ muốn tàng hình” “ tôi sợ ánh mắt của … quan tòa” “tôi không dám ra đường”

Vài câu ngắn nhưng đủ để hiểu rằng sự hổ thẹn là một thương tổn của cái tôi, một khổ sở, … Người hổ thẹn cảm thấy thua kém, bị ghét bỏ, mất tự tin…

Serge Tisseron phân tích sự hổ thẹn với ba cái mất căn bản. Vì những cái mất này ta không còn chỗ dựa để cấu trúc bản thể của ta hầu giúp ta thiết lập liên hệ với người khác.

1) mất lòng tự ái, cứ như ta cảm thấy không còn giá trị gì hết

2) mất tình cảm gắn kết ta với người xung quanh: ta có cảm tưởng là ta hết được thương yêu

3) mất cả cái cảm tưởng ta còn là thành viên của các nhóm thân cận nhất như gia đình bạn bè. Trái lại ta có cảm tưởng bị bỏ rơi,

Mà con người là một con vật sống trong và sống với xã hội. Cái cảm tưởng mất liên hệ xã hội làm người hổ thẹn thấy bơ vơ và khổ sở, thậm chí hết muốn sống.

Nhà phân tâm học Serge Tisseron đề cập tiếp theo đó nguồn gốc của hổ thẹn, đặc biệt là những yếu tố nội tại như thời thơ ấu.

Xin nhắc lại ở đây một cách ngắn gọn: Phương pháp xã hội học đặt nặng trên hoàn cảnh, liên hệ giữa người với người, còn phương pháp phân tâm học đặt nặng trên cá nhân, nội tại của cá nhân.

Về phương thức trị liệu, Serge Tisseron đề nghị nhiều cách – dùng khôi hài, dùng tự truyện để tái cấu trúc bản thể,… Xin tóm lược dưới đây hai hình thức đặc biệt.

Chữa sự hổ thẹn bằng hình ảnh

Serge Tisseron vốn là chuyên viên về vấn đề này, ảnh hưởng của hình ảnh, dù đó là tranh vẽ, màn hình TV hay màn hình máy tính…

Ông trị cái khổ đau của người hổ thẹn bằng hình ảnh (chơi với ảnh, ghép hình, kể chuyện dựa trên các ảnh, …) trong đó có hình ảnh của chính “người bệnh” để cá nhân ấy “nhìn” thấy bản thể mình, để tìm lại sự tự tin, để hình dung được cấu trúc xã hội, … trong đó người hổ thẹn là thành viên.

Trong một số xã hội cổ truyền với những tin tưởng thần thánh, ta cũng có những cách “thế mạng người bệnh” bằng cách làm một hình nộm rồi đốt hình nộm ấy để … thổi bay bệnh tật. Cách nhà phân tâm dùng hình ảnh không thuộc mê tín dị đoan mà cốt để cho bệnh nhân có cơ sở để tự nhìn mình, qua hình ảnh cụ thể và đồng thời hình dung cấu trúc xã hội.

Chữa trị bằng cách cho sự hổ thẹn một giá trị – tức là đảo ngược vấn đề – thay vì giấu diếm không dám bày tỏ hay thay vì hổ thẹn đến muốn … độn thổ để biến mất, ở đây, Serge Tisseron giúp người bệnh nhìn nhận sự hổ thẹn, xem đó như một điều tích cực, cho hổ thẹn một chỗ đứng bình thường như bất cứ cảm xúc hay trạng thái tâm lý khác và cứ như thế mà sống với người xung quanh.

Đúng ra ở đây, người bệnh sẽ hết “chạy trốn vì hổ thẹn” mà “ngẩng cao đầu sống với hổ thẹn” sau khi được chữa trị xong.

Lời kết

Sự hổ thẹn là một trạng thái nội tâm. Mới nhìn thì ta sẽ cho đó là một hiên tượng thuộc tâm lý học. Thế nhưng hổ thẹn là hổ thẹn về một cái gì so với một mẫu mực nào đó. Mẫu mực đó có thể là do cá nhân tự đặt ra, khái niệm “cái tôi với những bổn phận” – le sur moi -, mà cũng có thể là do xã hội ràng buộc.

Thế là trong sự hổ thẹn có cái “tôi”, có luật lệ xã hội, có sự kiểm soát của tha nhân và không quên cái ý của tôi muốn hình ảnh mình lúc nào cũng đẹp dưới mắt người khác.

Lý luận theo xã hội học thì sự hổ thẹn là một trong những phương thức điều hoà sinh hoạt xã hội, tránh lệch chuẫn.

Cuối cùng, dù sự hổ thẹn là một chấn thương cho cá nhân, chấn thương này khi cần có thể được điều trị, nhưng luân lý cần sự hổ thẹn của tất cả các thành viên để bảo vệ đạo đức của cộng đồng. Cần có hổ thẹn để cho xã hội an bình (14).

Nguyễn Huỳnh Mai
Bài này đã được đăng trên https://huynhmai.org ngày 28.1.2016 và trên ấn phẫm xuân Bính Thân, Tạp chí Văn Hóa Nghệ An (số 309-310)

°°°°°°°°°°°°°°

Tài liệu tham khảo

(1) http://www.sggp.org.vn/thegioi/2015/12/407344/

(2) http://vnmoney.nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/cuu-chu-tich-tap-doan-keangnam-tu-tu-20150409215132377.htm

(3) http://www.lesoir.be/841100/article/debats/11h02/2015-04-02/11h02-suicide-steve-stevaert-une-decision-complexe

(4) http://www.liberation.fr/france/2015/04/07/mariages-chinois-le-senateur-ps-jean-germain-devant-la-justice-a-tours_1236119

(5) Benedict R., Patterns of culture (1934). NXB Houghton Mifflin, 1989.

(6) Arendt trích dẫn bởi : Dagenais D., Hannah Arendt Le totalitarisme et le monde contemporain. Presses Université Laval, 2003, tr. 63.

(7) Vimont J.-Cl., La honte sociale et l’historien. in Revue Histoire et Politique. 1/2009, (n° 7) , pp. 14-35.

URL:www.cairn.info/revue-histoire-politique-2009-1-page-14.htm.
DOI : 10.3917/hp.007.0014.

(8) J-P. Sartre, Tồn tại và hư vô – L’être et le néant (1943), NXB Gallimard, coll. «Tel», 1976, p-260.

(9) http://le-cercle-psy.scienceshumaines.com/boris-cyrulnik-la-honte-fait-partie-de-la-condition-humaine_sh_26103.

(10) http://ansoncotu.com/phat-day-ve-su-ky-dieu-cua-biet-ho-then-24646.html

(11) Về xã hội học lâm sàng có thể xem thêm ở đây:

http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/su-dau-kho-va-xa-hoi-hoc-lam-sang-%E2%80%93-tu-tay-sang-ta

hay trên trang :

Tạp chí Văn Hóa Nghệ An, số 242, xuất bản ngày 10.04.2013, trang 20 – 23.

(12) de Gaulejac V., Les Sources de la honte. NXB Desclée de Brouwer, 1996.

(13) Tisseron S., Voyage à travers la honte. Tạp chí Temps d’arrêt-Lectures, số 13, 2005.

Tisseron S., La honte, psychanalyse d’un lien social, NXB Dunod, 1992.

Tisseron S., Du bon usage de la honte, NXB Ramsay, 1998.

(14) Lelièvre F., «Pour conclure. La honte, traumatisme ou sens moral? Dialogue4/2010 (n°190) p.131-133
URL : www.cairn.info/revue-dialogue-2010-4-page-131.htm.
DOI : 10.3917/dia.190.0131.

 


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: