Bước đường dẫn đến chủ nghĩa tự do
Tác giả: Tôn Thất Thông
Giới thiệu: Trong phần 1 (xem ở đây), chúng ta đã lướt qua lịch sử kinh tế châu Âu, từ tình trạng hoạt động kinh tế hỗn loạn thiếu đường lối, bước qua học thuyết trọng thương suốt một thời gian dài và sau cùng được thay thế bởi tư tưởng trọng nông. Mặc dù học thuyết trọng nông không tồn tại lâu, nhưng những nguyên lý căn bản của nó đã tạo ra những xung lực đầu tiên thôi thúc việc thiết lập chính sách kinh tế mà sau này chúng ta gọi là kinh tế thị trường tự do. Bước chuyển tiếp đó được vị học giả người Tô Cách Lan thiết kế và hoàn tất, mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới khi loài người bước vào kỷ nguyên công nghiệp.
***
Lịch sử kinh tế hiện đại có thể xem như bắt đầu vào hậu bán thế kỷ 18, khi lý thuyết kinh tế tự do được Adam Smith hệ thống hóa trong tác phẩm lớn nhất đời ông. Trước đó cả ngàn năm, trong suốt chiều dài lịch sử đến tận thế kỷ 15, nhân loại sống trong tối tăm nghèo đói, năm này qua năm kia, thế kỷ này kế tiếp thế kỷ khác. Trừ tầng lớp quý tộc thống trị và hàng giáo phẩm giàu sang có thể hưởng thụ cuộc sống an nhàn xa hoa, còn lại toàn xã hội đều phải sống trong cảnh nghèo nàn lạc hậu.
Ngày hôm nay, khi đến các tụ điểm du lịch và thưởng thức vẻ đẹp huy hoàng của các lâu đài, thánh đường, cung điện tráng lệ để lại từ thời trung cổ, du khách tưởng rằng lục địa châu Âu đã giàu có từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng có ai nghĩ rằng, để có điều kiện phô trương sự giàu có và quyền lực của mình, các vương triều và hàng giáo phẩm đã không hề chùn tay vơ vét sưu cao thuế nặng của người dân vốn dĩ đã nghèo đến mức làm lụng chưa đủ ăn. Đằng sau vẻ hoành tráng của cung vàng điện ngọc là số phận của hàng vạn thợ xây cất phục vụ cho quan chức để đổi lại đồng lương không đủ nuôi gia đình.
Thuở đó, con người làm lụng vất vả chỉ để mưu cầu sự sống còn, thường xuyên bị đe dọa bởi bệnh tật và chiến tranh. Mỗi hộ gia đình phải tự sản xuất hầu hết những gì phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, còn thừa chút đỉnh thì dùng để đổi lấy vật dụng do người khác làm ra. Không có hoạt động “làm kinh tế” như chúng ta biết hiện nay và mặc dù kỹ thuật in ấn đã phát triển từ lâu, cũng chưa hề có một cuốn sách chỉ dạy cho mọi người phương pháp cải thiện thu nhập, chứ nói gì đến lý thuyết kinh tế. Trong thời đại đó, khi tuổi thọ trung vị của con người không vượt quá 40, triết gia người Anh Thomas Hobbes diễn tả cuộc sống con người là “cô đơn, nghèo đói, bẩn thỉu, thô bạo và ngắn ngủi[1]”.
Kể từ bước ngoặt lịch sử đâu đó ở thế kỷ 16, con người bắt đầu tạo ra những thay đổi trong đời sống xã hội và có những sáng kiến mới mẻ hơn trong hoạt động tích lũy của cải. Đấy là thời kỳ kéo dài hơn hai thế kỷ mà ngày nay chúng ta gọi là thời đại của học thuyết trọng thương[2], trong đó, giai đoạn cuối được gọi bằng thuật ngữ quen thuộc là thời kỳ tiền tư bản. Khắp nơi rộ lên những hoạt động nhằm cải thiện đời sống và tích lũy của cải, những cuộc thám hiểm xuyên lục địa ngày càng nhiều hơn, vàng bạc châu báu cướp được từ những vùng đất mới, nhất là ở châu Mỹ, khiến vài quốc gia châu Âu ngày càng giàu có.
Nhưng không phải ai cũng được dự phần vào sự phồn vinh mới đạt được. Tăng trưởng thu nhập đầu người vẫn không vượt quá vài phần ngàn mỗi năm[3]. Chỉ có một bộ phận nhỏ trong các quốc gia là hưởng lợi, thí dụ như vua chúa, tầng lớp quý tộc, quan lại cao cấp, hàng giáo phẩm, giới tinh hoa được ưu đãi. Bộ phận này chỉ là thiểu số trong toàn bộ dân số, nhưng lại chiếm hết tất cả phồn vinh thu lượm được. Ngoài ra, cuộc sống của đại bộ phận dân chúng vẫn không được cải thiện gì. Họ vẫn tiếp tục sống trong nghèo đói, trong sự nhàm chán, ảm đạm và u buồn. Chỉ những lúc có giặc ngoại xâm hoặc khi vua chúa huy động binh lính đi xâm chiếm nước khác, họ mới có những phút giây hưng phấn, có cơ hội chiến đấu dũng cảm và tàn bạo để quên đi cuộc đời u tối thường nhật. Họ tự nguyện làm nô lệ cho người cùng chủng tộc đang nắm quyền thống trị. Sự nghèo đói về vật chất và sự đần độn về tư tưởng kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác khiến cho họ bị tê liệt về tinh thần, mất ý thức kháng cự để tự giải thoát mình.
Phải đợi đến lúc giới tinh hoa thời đại tự nhận lãnh trách nhiệm, cất cao tiếng nói đòi cải tạo xã hội, tình hình mới bắt đầu thay đổi. Xuất phát từ nhận thức về lẽ phải[4], những người tiền phong trong trào lưu khai sáng[5] thế kỷ 17 và 18 cho rằng những vấn nạn của thời đại có thể giải quyết được trong một xã hội biết hướng về lẽ phải. Tư tưởng khai sáng của họ bao trùm lên mọi mặt, từ khoa học, triết học đến lý thuyết về nhà nước.
Trào lưu khai sáng đã thay đổi sâu sắc bộ mặt châu Âu thế kỷ 18. Khoa học kỹ thuật cũng như văn chương nghệ thuật nở rộ như chưa bao giờ có trong quá khứ. Và cũng chính văn chương nghệ thuật đã là phương tiện chuyển tải những tư tưởng cao siêu trừu tượng đến từng người bình thường trong xã hội. Lẽ phải, công bằng, dân chủ dần dần trở thành những khái niệm phổ biến và được nhiều người tiếp thu, tạo ra nguồn lực mới để thay đổi tận gốc rễ xã hội châu Âu. Không những quyền lực tôn giáo bị đẩy lùi khỏi cấu trúc chính trị, mà chính trong bản thân giới quý tộc cầm quyền cũng hình thành tư tưởng tự giải phóng và đòi hỏi cải cách. Sự đòi hỏi tự do bình đẳng của dân chúng ngày càng mạnh đã tất yếu dẫn đến hai cuộc cách mạng lớn: cách mạng ở Mỹ năm 1776 và ở Pháp 1789, chấm dứt chế độ phong kiến và mở đường cho nền cộng hòa, tự do dân chủ kéo dài tới tận hôm nay.
Mọi người sinh ra đều có quyền sống, hưởng tự do và sở hữu tài sản. Chính phủ chỉ được xem là hợp pháp khi nó thừa nhận và bảo vệ các quyền tự nhiên đó. Chính phủ nào không làm chuyện đó, thì mọi người có quyền chống lại. John Locke (1632-1704) Nguồn: Sir Godfrey Kneller. Tải từ wikipedia, vùng công cộng. | ![]() |
Khi tư tưởng con người được giải phóng thì đó là mảnh đất mầu mỡ cho mọi sáng tạo được đâm chồi, đơm hoa kết trái. Hoạt động kinh tế cũng không thoát ra ngoài quy luật này. Với ý thức tự do ngày càng được nâng cao và viễn cảnh về công bằng dân chủ ngày càng có triển vọng trở thành hiện thực, hàng loạt người hăng hái lao vào kinh doanh sản xuất. Hoạt động kinh tế không còn là sản xuất nhỏ gia đình hay tiểu thủ công nghiệp. Nhiều người bỏ hết vốn liếng dành dụm để thành lập doanh nghiệp, đầu tư máy móc, mướn nhân công, thử nghiệm sáng kiến kỹ thuật với hy vọng tạo được cuộc sống giàu sang bằng những sản phẩm được giới tiêu thụ ưa chuộng. Hậu bán thế kỷ 18 của châu Âu là một giai đoạn đầy rẫy sáng kiến và phát minh, khoa học kỹ thuật thăng hoa, kinh tế phát triển, thu nhập đầu người tăng lên gấp đôi chỉ sau một thế kỷ, trong khi nó không hề thay đổi suốt cả bảy trăm năm trước[6].
Công cuộc phát triển công nghiệp và kinh tế dù ồ ạt nhưng vẫn mang tính chất tự phát, mỗi người làm theo cách của riêng mình, thành công hay thất bại không theo một quy luật nào. Trong lúc tự do chính trị được định hướng bởi lý thuyết sâu sắc, được hướng dẫn về tinh thần bởi những học giả tiếng tăm, thì hoạt động kinh tế vẫn hỗn tạp, dù mang tính cách mạng nhưng chưa được soi đường bởi một lý thuyết nào khả dĩ giúp các thành viên kinh tế hoạt động theo quy luật, nhất là giúp cho chính quyền đương thời một cơ sở lý thuyết vững vàng để ban hành chính sách thích hợp.
May mắn thay, một lý thuyết như thế đã ra đời năm 1776, được tổng kết trong một tuyệt tác của học giả uyên bác Adam Smith[7] người Tô Cách Lan, bạn thâm giao của triết gia David Hume (1711-1776) và cũng là một đại biểu nổi danh của trào lưu khai sáng đương thời.

Adam Smith và tác phẩm Wealth of Nations
Adam Smith sinh ra trong một gia đình trung lưu của thành phố nhỏ ven biển Kirkcaldy ở Tô Cách Lan với dân cư chưa tới 1500 người. Cha của Smith mất lúc ông còn trong bụng mẹ. Có lẽ vì hoàn cảnh cô đơn của hai người mà quan hệ mẹ con được phát triển một cách mật thiết kéo dài suốt cuộc đời. Và cũng có lẽ tình mẫu tử quá đậm đà đã làm lu mờ tất cả mọi bóng hồng đi qua đời Smith. Cho đến lúc chết năm 67 tuổi, Adam Smith vẫn chưa lập gia đình.
Adam Smith theo học đại học Glasgow rất sớm dưới sự hướng dẫn của giáo sư Francis Hutcheson, một triết gia đạo đức học tiếng tăm của trào lưu khai sáng đương thời. Sau đó, Smith theo học khoa triết tại Oxford, trở thành giáo sư triết học đạo đức tại đại học Glasgow lúc mới 27 tuổi và được bầu làm khoa trưởng năm 1758, lúc tuổi vừa tròn 35[8]. Bước hoạn lộ thênh thang này đã làm cho Smith nổi tiếng như cồn, trở thành gương mặt sáng giá của trào lưu khai sáng ở Tô Cách Lan. Trong giai đoạn này, tình bạn có một không hai giữa Adam Smith và David Hume được phát triển mạnh mẽ. Kể từ đây, Hume luôn luôn là người bạn tâm giao, người cố vấn tin cậy, người đứng bên cạnh Adam Smith trong mọi bước thăng trầm cho đến cuối đời.
Năm 1759, Adam Smith xuất bản tác phẩm triết học đầu tiên “Lý thuyết về cảm xúc luân lý[9]”, tác phẩm đã đưa Smith lên đài danh vọng của những triết gia hàng đầu đương thời. Ngay ở câu đầu tiên của Chương I, Smith bắt đầu tác phẩm như sau:
Dù con người có ích kỷ đến đâu, thì thâm tâm anh ta vẫn tuân theo những nguyên lý thật hiển nhiên, điều đã làm cho anh ta quan tâm đến hạnh phúc của người khác, mặc dù anh ta chẳng có chút lợi lộc nào từ sự quan tâm ấy, ngoại trừ niềm vui được thấy nó [hạnh phúc của người khác].
Với tác phẩm này, Adam Smith diễn đạt một cách khúc chiết toàn bộ nhân sinh quan của ông, một triết gia lấy đạo đức luân lý làm kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động trong một xã hội còn quá nhiều bất cập. Qua tác phẩm này, Smith khảo sát bản chất của con người và mối quan hệ giữa họ và xã hội chung quanh. Ông cho rằng, con người có khả năng phán đoán khi đứng trên quan điểm đạo đức và vượt ra ngoài vòng ảnh hưởng của tính tự quy của chính họ[10]. Về khía cạnh đó, Smith rất có thiện cảm với cách hành xử tự nhiên của con người trong xã hội.
Nhân sinh quan hàm chứa giá trị đạo đức ấy đã chi phối Adam Smith suốt cuộc đời. Nó để lại những dấu ấn không hề phai nhạt trong sách sáng tác, tiểu luận và các cuộc đàm luận với bạn bè, đồng nghiệp. Sau này, khi khảo sát tác phẩm “Phồn vinh các quốc gia”, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, các lập luận cơ bản của Smith về lý thuyết kinh tế đều ít nhiều liên quan đến nhân sinh quan đạo đức mà ông diễn đạt rõ ràng trong tác phẩm triết học nói trên. Và thật là thú vị, cũng chính triết lý đạo đức học này lại là gốc rễ của học thuyết “bàn tay vô hình” để lý giải quan hệ giữa doanh nhân và xã hội trong cơ chế hoạt động của nền kinh tế thị trường. Chúng ta sẽ trở lại đề tài này sau.
Tác phẩm “Lý thuyết về cảm xúc luân lý” của Adam Smith được đón nhận nồng nhiệt trong giới học thuật châu Âu và sớm lọt vào mắt xanh của lãnh chúa Charles Townshend, bộ trưởng tài chính Anh. Ông này không ngần ngại chi một số tiền khổng lồ khi thuyết phục Adam Smith tạm rời bỏ vị trí khoa trưởng để làm cố vấn học thuật cho người nhà của Townshend trong chuyến du lịch khảo sát dài ngày sang Pháp và Thụy Sĩ, bắt đầu từ năm 1763. Có phải đây là một chuyến đi định mệnh của Adam Smith?
Trong thời gian phái đoàn lưu lại Paris, Adam Smith có cơ hội làm quen với phong cách hoạt động của giới học thuật Pháp, vốn thường xuyên hội họp trong các câu lạc bộ của giới học giả, gọi là Salons, để đàm đạo các vấn đề chính trị, văn hóa, triết học trong xã hội đương thời. Cũng đúng vào thời gian này, David Hume là tùy viên thứ nhất của tòa đại sứ Anh tại Pháp, và thông qua vai trò đặc biệt của Hume, Adam Smith tiếp cận được rất nhiều học giả tiếng tăm của Paris, vốn dĩ được xem như là kinh đô học thuật của lục địa châu Âu trong thế kỷ 18.
Tại Paris, học giả quốc tế quy tụ đông đảo trong câu lạc bộ của một vị học giả hàng đầu của Pháp, Jacques Vincent de Gournay, người nổi danh với thuật ngữ “laissez faire, laissez passer”[11] vốn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong giới kinh tế gia suốt hơn một thế kỷ về sau. Câu lạc bộ này công bố nhiều tiểu luận có giá trị của các nhà tư tưởng lớn như Cantillon, Hume. Các nhà kinh tế mới nổi ở Paris đồng ý với nhau ở một điểm quan trọng: việc sản xuất và phân phối hàng hóa, trong thời kỳ đó chủ yếu là nông sản, phải được thực hiện một cách tự do, được tiến hành bởi tư nhân, chứ không thể bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của nhà nước lên quá trình sản xuất cũng như sự áp đặt bởi cơ quan công quyền lên giá cả trên thị trường.
Tư tưởng tự do của học giả Pháp đã để lại dấu ấn sâu đậm lên tư duy của Smith về sau. Đặc biệt là những buổi đàm đạo với nhà kinh tế quốc gia số một của Pháp, người khai sinh học thuyết trọng nông[12] François Quesnay, đã thôi thúc Smith đi tìm lời giải cho sự bế tắc của nền kinh tế trên toàn lục địa châu Âu. Tương truyền rằng, lúc đang viết tác phẩm “Phồn vinh các quốc gia”, Adam Smith có ý định đề tặng François Quesnay trên tác phẩm đang còn dở dang, nhưng tiếc thay, Quesnay mất (1774) trước khi sách được xuất bản năm 1776.
Trong những ngày nhàn rỗi năm 1764 tại Toulouse và được gợi cảm hứng từ những tư tưởng tự do mới lạ của giới học thuật Pháp, Adam Smith bắt đầu ghi chép những ý tưởng đầu tiên về một hệ thống lý thuyết kinh tế hoàn toàn mới mà ông tin rằng có khả năng giải quyết các vấn đề của thời đại để mang lại phồn vinh và bình đẳng cho mọi người trong xã hội.
Tự nguồn gốc, Adam Smith sinh ra và lớn lên trong thời gian giữa các cuộc chiến-tranh-ba-mươi-năm[13] khốc liệt ở tiền bán thế kỷ 17 và những biến động lớn trong thế kỷ 18. Trong bối cảnh lịch sử đó, Smith chứng kiến sự tăng trưởng phồn vinh chưa hề có từ trước và ý thức khao khát tự do mãnh liệt trong mọi tầng lớp dân chúng. Giống như bạn đồng thời Rousseau ở Pháp, Smith chịu ảnh hưởng của các triết gia chính trị Thomas Hobbes và John Locke, nhưng ông có một mối liên hệ đặc biệt đối với triết lý đạo đức và kinh tế quốc gia trong ý thức xây dựng một triết lý xã hội hiện đại[14]. Trong sách vở về lịch sử triết học thế kỷ 18, nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng bỏ qua không đề cập đến tư tưởng của Adam Smith, mà chỉ xếp ông vào phạm trù “kinh tế”. Nhưng đối với ông, kinh tế, chính trị và đạo đức không hề tách rời nhau, mà chúng là ba chiều kích của cùng một nền triết học toàn diện.
Khi trở lại Anh năm 1766, Adam Smith dành trọn thì giờ để tiếp tục dự án dở dang được manh nha từ Toulouse. Ngoài công việc giảng dạy nhàn rỗi ở đại học Edinburgh, ông thường xuyên sống ở Kirkcaldy cách nơi làm việc không xa để tận hưởng sự thanh bình của quê nhà và xây dựng một hệ thống lý thuyết ngày càng định hình rõ rệt và kéo hút ông vào công trình quan trọng nhất trong đời. Lý thuyết kinh tế cổ điển bắt đầu thành hình trong bối cảnh đó. Dựa trên nền tảng tôn trọng tự do của từng cá nhân trong xã hội, lý thuyết kinh tế của Adam Smith đã để lại dấu ấn sâu đậm trong hệ tư tưởng của các thế hệ kinh tế gia hiện đại.
(Còn tiếp: Adam Smith khai sinh lý thuyết kinh tế cổ điển)
./.
Những bài liên quan:
Phần I. Từ học thuyết trọng thương đến trọng nông
Phần II. Bước đường dẫn đến chủ nghĩa tự do
Phần III. Adam Smith khai sinh lý thuyết kinh tế cổ điển
Phần IV. Những tư tưởng cốt lõi của Adam Smith
Xem thêm cùng tác giả:
Những bài viết về Thời Đại Khai Sáng
Những bài viết về lịch sử, kinh tế và các đề tài khác
Tài liệu tham khảo
- Anikin, Andrej: Der Weise aus Schottland. ISBN 3-349-00647-7 (Vị học giả xứ Tô Cách Lan). Günter Wermusch dịch từ nguyên tác tiếng Nga.
- Brinton, Crane (1), Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to the present. ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).
- Eltis, Walter: Classical School (Trường phái Cổ diển). Bản dịch Anh- Pháp bởi Claude Jessua. Bản dịch Pháp-Việt bởi Nguyễn Đôn Phước. Xem phantichkinhte123.com ngày 11-4-2021.
- Hirschberger, Johannes: Geschichte der Philosophie – Band II: Neuzeit und Gegenwart (Lịch sử triết học – Tập II: Cận và hiện đại). ISBN 3-933366-00-3). Trọn bộ tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt: Lịch sử triết học Tập I & II – Bùi Văn Nam Sơn và tập thể dịch giả – NxB Tri Thức.
- Höffe, Otfried (I) chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie I (Những nhà kinh điển của triết học, Tập I). ISBN 3-406-08048-0.
- Linss, Vera: Die wichtigsten Wirtschaftsdenker (Những nhà tư tưởng kinh tế quan trọng nhất). ISBN 978-3-86539-922-9.
- Locke, John: Khảo luận thứ hai về chính quyền. NxB Tri Thức 2006, ISBN 978-604-908-896-4. Lê Tuấn Huy chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Anh: Two Treaties of Government, Cambridge University Presss 2005.
- Skousen, Mark: The Big Three in Economics (Ba nhân vật vĩ đại của kinh tế). ISBN 0-7656-1694-7 hoặc 978-0-7656-1694-4.
- Smith, Adam: An Inquiry into the nature and causes of the wealth of nations (Khảo sát bản chất và nguồn gốc sự phồn vinh của các quốc gia). ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7.
- Starbatty, Joachim: Klassiker des ökonomischen Denkens (Những tác giả kinh điển về tư tưởng kinh tế). ISBN 978-3-86820-126-0.
- Ziegler, Walther (SMITH): Smith trong vòng 60 phút. Nhà xuất bản Hồng Đức và Văn Lang 2019. ISBN 978-604-9948-30-5.
Tủ sách “Những nhà tư tưởng lớn” (Tôn Thất Thông dịch từ bản tiếng Đức: Smith in 60 Minuten. ISBN 978-3-7347-8157-5).
Ghi chú
[1] Xem M. Skousen trang 4 (Nguyên văn của Thomas Hobbes: “solitary, poor, nasty, brutish, and short”)
[2] Mercantilism – Merkantilismus
[3] Xem M. Skousen, biểu đồ trang 5
[4] Vernunft – Reason
[5] Thuật ngữ Anh là Enlightenment Figures, Đức là Vordenker der Aufklärung và Pháp là Les Philosophes des Lumières
[6] Xem M. Skousen, đồ họa trang 5
[7] Sinh ngày 5.6.1723, mất ngày 17.7.1790, hưởng thọ 67 tuổi.
[8] Xem V. Linss trang 23.
[9] Adam Smith – The theory of moral sentiments (Theorie der ethischen Gefühle).
[10] Xem V. Linss trang 24.
[11] Xem W. Eltis.
[12] Physiokratismus – Physiocracy
[13] Cuộc chiến 1618-1648 bắt đầu do sự hiềm khích giữa hai giáo phái lớn là Thiên Chúa và Tin Lành. Người ta phỏng đoán rằng hơn một nửa số dân trong vùng Đế chế La mã Thần thánh (Đức ngày nay) bị tử vong vì chiến tranh và dịch bệnh trong suốt 30 năm đó.
[14] Xem B. Redhead trong J. Starbatty, trang 195.