Trang chủ » TRONG THÂM TÂM, ÔNG TA LÀ MỘT CẬU BÉ ĐANG HOẢNG SỢ

TRONG THÂM TÂM, ÔNG TA LÀ MỘT CẬU BÉ ĐANG HOẢNG SỢ

Tháng Sáu 2023
H B T N S B C
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930  

Tìm chuyên mục

Thư viện

Tác giả: BOB WOODWARD, JOHN BOLTON, MARY TRUMP, ANTHONY SCARAMUCCI
Phỏng vấn bởi Jude Roger và Andrew Anthony, The Guardian
Người dịch: Trần Ngọc Cư

DĐKP giới thiệu: Một phần của bài này đã được đăng trên một số báo việt ngữ trong những ngày qua. Dịch giả gởi trọn bài cho DĐKP hôm nay với một ít cập nhật.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử. Donald Trump sẽ thắng hay thua chưa ai biết được, nhưng một điều ai cũng đồng ý: Donald Trump đã để lại một di sản quá lớn. Tốt hay xấu thì tùy thế đứng góc nhìn, nhưng di sản ấy vô cùng lớn, mà các Tổng thống kế vị phải mất thêm vài thập niên để phục hồi như cũ, nếu muốn phục hồi: Liên minh phương Tây, thương mại, chính sách về môi trường, và nhiều thứ khác. Cho nên, hiểu về Donald Trump cũng là điều cần thiết cho mọi người. Bốn tác giả ở trên là những người trong vòng gần gũi Trump nhất. Đặc biệt ý kiến của người cháu gái, Mary Trump rất đáng chú ý, vì nó cho chúng ta biết tình trạng tâm thần của cậu bé Donald có nhiều vấn đề trong gia đình. Như Sigmund Freud có nói, tâm lý tuổi thơ sẽ có ảnh hưởng lên chúng ta suốt cả cuộc đời. Qua Mary Trump, có thể chúng ta sẽ hiểu hiện tượng Donald Trump hơn một ít. Xin mời đọc.

Tác giả của một số sách phơi bày sự thật gần đây, gồm cả Mary Trump và Anthony Scaramucci, nói về Tổng thống Trump, nhiệm kỳ của ông ta và những điều họ tin chắc sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử.

NHẬN XÉT CỦA BOB WOODWARD

Bob Woodward là phó tổng biên tập của Washington Post và là tác giả của 20 cuốn sách về chính trị Mỹ. Trong 50 năm làm báo, ông đã đưa tin về 9 đời tổng thống. Báo cáo của ông với đồng nghiệp Carl Bernstein về vụ đột nhập Watergate và sự che đậy của chính quyền sau đó đã giúp hạ bệ Richard Nixon và giành giải thưởng Pulitzer cho Washington Post. Cuốn sách mới nhất của ông về Donald Trump, “Rage” [Cơn thịnh nộ], dựa trên 10 giờ phỏng vấn, trải dài hơn 19 cuộc điện thoại được ghi âm, thường do chính tổng thống khởi xướng, trong đó Trump tỏ ra “quá sốt sắng thổi còi chính mình”, như bài điểm sách trên The Observer [Người quan sát] nhận xét.

Có một bầu không khí lo lắng cao độ ở Washington. Trump đang tan chảy, nói một cách nhẹ nhàng. Chiến dịch tranh cử của ông là để đả kích, để đòi các đối thủ chính trị cũ của ông ta – Tổng thống Obama và Joe Biden, những người hiện đang chống lại ông ta, tất nhiên – phải bị truy tố rồi bị buộc tội. Rồi ông lại tuyên bố rằng ông không nhất thiết phải chấp nhận kết quả bầu cử trái với ý mình. Khái niệm cho rằng tổng thống sẽ nghi ngờ quy trình cơ bản của thể chế dân chủ và việc bỏ phiếu không chỉ là không thể chấp nhận, đấy là một cơn ác mộng.

Bây giờ chúng ta có thêm một yếu tố là Trump cũng nhiễm Covid-19 và ông ấy đang sử dụng steroid, nói những điều như, “Thật là một phước lành từ Thiên Chúa vì tôi đã nhiễm vi-rút”. Tôi không thể nghĩ ra điều gì vô lý hơn, hay tàn ác hơn, là gọi việc nhiễm vi-rút là một phước lành từ Thiên Chúa. Hơn 210.000 người đã chết ở Mỹ. Đối với tổng thống Mỹ mà nói như vậy là quái đản, nhưng tôi nghĩ mọi người đã trở nên tê liệt với những phát biểu của ông. Trong một cách nào đó, sự phẫn nộ chồng chất. Mọi người đã quên đi rủi ro. Tôi nghĩ Kamala Harris đã diễn tả rất đúng trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên phó tổng thống: những gì đã xảy ra ở Hoa Kỳ với Covid-19 là thất bại lớn nhất của tổng thống trong việc thực thi trách nhiệm của mình, có lẽ trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đây là giai đoạn thực sự nguy hiểm trước cuộc bầu cử. Tôi đã biết rất rõ về Trump hàng giờ đồng hồ trong các cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện với ông ta cho cuốn sách của tôi, “Rage”, và tôi nghĩ nếu có một tai nạn nào đó, một vấn đề nào đó xảy ra, trong những tuần tranh cử cuối cùng, ông ấy sẽ lợi dụng nó. Henry Kissinger, một trong số những người, gần đây đã cảnh báo rằng chúng ta nên lo lắng về một loại khủng hoảng nào đó, và nhắc nhở mọi người rằng Thế chiến thứ nhất bắt đầu vì một tai nạn. Có lẽ không ai muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh ngay bây giờ, nhưng hiện có một bầu không khí căng thẳng ở Trung Đông và ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đã thực sự quân sự hóa, nơi có thể có một tia lửa nào đó kích hoạt một cuộc đối đầu nhẹ – tôi không nghĩ Trump sẽ tạo ra điều này.

Trump không đủ mẫn cảm để nắm bắt thái độ và kinh nghiệm của người khác, đó là yêu cầu thiết yếu của một nhà lãnh đạo. Sau khi George Floyd bị giết, tôi đã hỏi ông ta về những căng thẳng bùng phát ở đất nước này chưa từng thấy kể từ thời kỳ cao điểm của phong trào dân quyền. Tôi nói rằng chúng ta là những người có đặc quyền của người da trắng, rằng chúng ta phải hiểu nỗi đau khổ và sự phẫn nộ mà người da đen cảm thấy ở đất nước này. Đấy là lúc Trump nói ra một điều làm tôi phải kinh ngạc: “Chà, chắc chắn là bạn đã uống phải Kool-Aid [thuốc mê] rồi đấy! Tôi không cảm thấy như vậy chút nào.” Ông hoàn toàn bác bỏ khái niệm cho rằng người da trắng trong một cách nào đó phải hiểu được nỗi đau và sự tức giận của người khác. Tôi nghĩ đó là một trong những vấn đề chính của ông ta. Trump chỉ nghĩ về nỗi đau và sự tức giận của bản thân mình thôi, và điều ông ta muốn làm, đó là tái đắc cử.

Trump cũng nói với tôi rằng Mỹ có vũ khí hạt nhân có sức tàn phá khủng khiếp thậm chí Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập của Trung Quốc cũng không biết đến. Ngay cả tôi hiện nay cũng không biết chính xác là liệu ông ta đang phóng đại hay đang nói về điều gì có thật. Nhưng một vấn đề thực sự quan trọng cần xét đến ở đây là quyền lực của tổng thống lớn như thế nào: khi chúng ta quyết định tham chiến, cho dù chúng ta nhìn vào trường hợp Việt Nam hay Afghanistan hay Iraq, tất cả đều do tổng thống lãnh đạo, về cơ bản, với tư cách là tổng tư lệnh. Khi chúng ta đi vào một môi trường truyền thông nóng vội và nhanh nhạy nhờ internet, tổng thống cũng ở lợi thế này để nắm bắt các làn sóng. Như con rể của ông là Jared Kushner nói, tin tức đang lan truyền và Trump chỉ tweet một cái gì đó là mọi người phải bỏ ngang bất cứ việc gì đang có trên tay. Trump nhận ra điều này. Ông ta lợi dụng nó. Ông ta có sức mạnh đó. Ông ta thích làm chủ tình hình. Ông ta thích gây ra cảnh tượng. Hoàn cảnh đã hội tụ tất cả ở đây tạo cho ông sức mạnh phi thường.

Hướng tới kết quả của cuộc bầu cử, Trump đã dàn dựng tình huống để nói rằng nếu ông không thắng, ông sẽ nghi ngờ các phiếu bầu gửi qua bưu điện. Tôi nghĩ câu hỏi nên đặt ra là: nếu ông ta thua, liệu đảng chính trị của ông có tập hợp lại và đến gặp ông và nói chuyện với ông, nói rằng, ngài không thể làm điều này? Ngài không thể làm điều đó với đảng Cộng hòa và quan trọng nhất là ngài không thể làm điều đó với đất nước. Cần phải có một sự chuyển giao quyền lực có trật tự, nếu đó là điều nhiên hậu phải đến.

Đây là mức độ lo lắng của tôi hiện nay với tư cách là một phóng viên: Tôi đi ngủ và thức dậy vào nửa đêm và bắt đầu kiểm tra tin tức vì đố Trời biết được điều gì có thể đã xảy ra. Chúng ta đang ngồi trên chông trên gai ở đất nước này trong mọi khoảnh khắc, mọi hành động, mọi đánh giá, và mọi thứ đó đang cạn kiệt dần. Tôi nghĩ rằng nhiều người đã đến mức họ đang loại bỏ các luận điệu của Trump và cả tình hình chính trị được chừng nào hay chừng ấy.

Thật không may, các tác động đến cuộc sống của mọi người vẫn tiếp diễn, do vi rút, do không có kế hoạch hoặc một đường lối có tổ chức để đối phó với điều này. Tất cả đều là việc đưa ra quyết định bốc đồng. Tôi không thể nghĩ đến một thời điểm nào trong 50 năm làm phóng viên của tôi mà tôi cảm thấy lo lắng hơn hiện nay về đất nước, về vai trò của một tổng thống và về tương lai. JR

NHẬN XÉT CỦA MARY TRUMP

Mary Trump là một nhà tâm lý học và là cháu gái của Donald Trump. Cha cô, Fred Trump Jr, anh trai của tổng thống, qua đời khi cô 16 tuổi. Cuốn sách kể về tổng thống và gia đình Trump, “Too Much and Never Enough: How My Family Created the World’s Most Dangerous Man,” [Quá nhiều và không bao giờ đủ: Gia đình tôi đã tạo ra con người nguy hiểm nhất thế giới] đã bán được gần 1 triệu bản vào ngày đầu tiên nó được xuất bản vào tháng Bảy năm nay.

Lý thuyết của tôi về cách Donald điều hành chiến dịch tranh cử của mình là ông ta biết mình đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, vì vậy ông ta sẽ đốt cháy tất cả, gieo rắc thêm hỗn loạn và chia rẽ, vì đó là cách ông đã thành công. Ông biết rằng mình đang thua – ông sẽ mạnh mẽ phủ nhận điều đó – và ở một mức độ nào đó, ông hiểu điều gì đang bị đe dọa. Nếu ông thua, ông có thể sẽ đi tù. Vì vậy, nếu ông ta xuống hố, ông sẽ kéo theo tất cả chúng ta xuống cùng.

Tôi luôn tin rằng trong sâu thẳm Donald là một cậu bé đang khiếp sợ. Nỗi sợ hãi mà ông cảm thấy bây giờ chắc hẳn đang khiến ông ta bất chấp mọi thứ. Ông không chỉ bị bệnh do vi-rút, mà cả câu chuyện thuế và triển vọng của ông trong cuộc bầu cử hiện đang thực sự tồi tệ. Ông ta chắc chắn hoàn toàn hoảng loạn.

Trong suốt thời kỳ tranh cử, tôi nghĩ rằng viễn cảnh tồi tệ tuyệt đối sẽ là ông ta bị nhiễm virus và sau đó sẽ khỏe lại. Tôi biết điều đó nghe có vẻ khủng khiếp. Ông đã phớt lờ mức độ nghiêm trọng của đại dịch cả năm bởi vì khái niệm bệnh tật là yếu hèn đã ăn sâu vào gia đình tôi, đến nỗi ngay cả mối liên hệ với nó cũng không thể chấp nhận được và đó là lý do tại sao bây giờ chúng ta đã có 210.000 người Mỹ chết vì đại dịch. Nhưng bây giờ tuyên bố của ông ta – bạn có thể đánh bại nó, đừng sợ nó – sẽ khiến nhiều người bị bệnh hơn và nhiều người trong số đó sẽ chết. Ngay cả trước khi ông ta nói điều đó, tôi đã tin rằng ông ta đang tham gia vào một vụ giết người hàng loạt, nhưng điều đó đã chứng minh ý nghĩ của tôi là đúng. Bất kỳ ai có khả năng khiến hàng trăm triệu người gặp rủi ro để tránh hình ảnh xấu cho mình đều không quan tâm đến người khác.

Kể từ khi Donald đắc cử, tôi không hề ngạc nhiên về việc ông ấy làm và về những điều ông ấy nói. Nhưng tôi đã bị sốc trước việc đảng Cộng hoà hoàn toàn thoái thác trách nhiệm trong cuộc vận động tranh cử này và trong suốt bốn năm qua. Tôi không hiểu được mức độ mà họ sẵn sàng hỗ trợ ông ấy trong Quốc hội và trong nội các của ông. Nếu họ thực hiện công việc của mình và hoạt động như một ngành chính phủ riêng biệt, ông ta sẽ bị kiềm chế. Bằng cách đứng về phía ông 100% thời gian, họ đã đảm bảo rằng chúng ta hiện đang phải đối mặt với một số thảm họa ngày càng trở nên tồi tệ theo cấp số nhân.

Không có tổng thống nào khác trong lịch sử Mỹ có thể nống các giới hạn ra ngoài như Donald đã làm. Ông luôn cố gắng xem những gì ông có thể thoát khỏi và, như tôi đã thấy trong suốt cuộc đời của ông, ông luôn thoát khỏi mọi thứ. Không ai bắt ông phải chịu trách nhiệm về sai lầm của mình. Ông liên tục nhận được phần thưởng khi thất bại. Đảng Cộng hòa hiểu rõ khả năng của ông và đã cho phép ông thông qua một chương trình nghị sự hoàn toàn trái ngược với những gì đa số mong muốn.

Ở Donald, tôi thấy một con người sợ hãi, cô đơn, tuyệt vọng, không được yêu thương. Tôi e ngại vẽ ra một chân dung nhân ái về ông vì ông rất đáng khiển trách. Tuy nhiên, tôi thực sự cảm thương cho đứa trẻ ba tuổi đã không có mẹ trong suốt một năm trời khi bà lâm bệnh. Việc mất đi sự trìu mến và không có ai xoa dịu là một điều có hại vô cùng. Và khi hồi phục ở mức độ như bà đã hồi phục, bà không làm gì cả để chữa lành vết thương của cuộc chia ly, và đó là trước khi chúng ta nói đến ông tôi, một con người luôn luôn kinh khủng, có khả năng tàn nhẫn hèn hạ, vui trên sự đau khổ của người khác. Vì vậy, bây giờ chúng ta mới có một Donald trưởng thành buồn bã, cô đơn, ngu dốt nhưng cũng có sức mạnh to lớn – và đó là một viễn cảnh đáng sợ.

Mọi người cần phải chấm dứt lo lắng về những gì có thể xảy ra nếu Donald thua phiếu mà không chịu chấp nhận kết quả bầu cử; họ cần phải cười vào mặt ông ta. Đó là cách tốt nhất để làm suy yếu ông ta. Nếu ông ta thắng, điều đó cũng không hợp pháp. Ông đã sử dụng quyền hạn của chức vụ để làm lung lay lòng tin của mọi người vào việc bỏ phiếu bằng thư vào thời điểm mà mọi người muốn bỏ phiếu qua thư trong thời gian xảy ra đại dịch. Ông nói với những người ủng hộ ông nếu Biden thắng thì đó là do gian lận, yêu cầu họ xuất hiện tại các phòng phiếu để đảm bảo không có gian lận, đó là hành vi đe dọa cử tri. Nếu bạn là một người da đen ở Mỹ thì khi có một đám người da trắng mang vũ khí tự động đứng bên ngoài địa điểm bỏ phiếu, bạn sẽ không muốn bỏ phiếu, đó chính là điều Donald muốn xảy ra.

Nếu ông ta ở lại Phòng Bầu dục [NhàTrắng], tôi sẽ cố gắng lấy hộ chiếu Anh Quốc vì tôi không nghĩ mình sẽ yên thân. Ông ta là một người cực kỳ thù dai, được bao quanh bởi những người sẵn sàng giúp ông báo thù. Nhưng đó là chuyện cá nhân: về mặt quốc gia, nếu ông thắng, thì mọi chuyện coi như kết thúc. Chế độ dân chủ cáo chung. Liên minh phương Tây chấm dứt. Chúng ta sẽ bước vào thời kỳ cực kỳ đen tối của một chế độ chuyên quyền trên phạm vi toàn cầu. JR

NHẬN XÉT CỦA JOHN BOLTON

John Bolton là cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump từ năm 2018 đến năm 2019. Bắt đầu sự nghiệp là một luật sư, ông đã giữ các vai trò cấp cao trong bộ ngoại giao và bộ tư pháp dưới thời chính quyền của Ronald Reagan, George HW Bush và George W Bush, người bổ nhiệm ông làm đại sứ Hoa Kỳ thứ 25 tại Liên Hợp Quốc. Cuốn sách của ông về nhiệm kỳ tổng thống Trump, “The Room Where It Happened” [Căn phòng nơi vụ việc xảy ra], được xuất bản vào tháng 6 năm nay.

Người ta phàn nàn rằng Trump có khoảng thời gian chú ý ngắn ngủi, và tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng khi nói đến việc tái ứng cử của chính ông ta, ông có một khoảng thời gian chú ý vô hạn. Các quyết định được đưa ra không dựa trên cơ sở ưu và nhược điểm của các chính sách đang được tranh luận mà dựa trên tác động chính trị trong nước có thể là gì. Mọi tổng thống đều cân nhắc về yếu tố chính trị nhưng với Trump thì yếu tố này khác về phẩm chất. Chính trị không chỉ là một yếu tố. Nó là yếu tố cốt lõi duy nhất.

Đối với Trump, mọi thứ là một hình thức giao dịch rõ ràng – có thể đó là cách để bạn thành công trong kinh doanh bất động sản. Nếu Trump không thấy tác động lợi nhuận trước mắt, ông chỉ muốn chuyển sang làm việc khác. Ví dụ: với các đồng minh thân cận của chúng ta, ông nói những điều như: “Chúng tôi đang bảo vệ bạn ở đây và bạn không trả tiền cho các căn cứ của chúng tôi trong khi bạn có thặng dư thương mại với chúng tôi.” Xin thưa, chúng ta không ở đó để bảo vệ họ. Chúng ta ở đó vì chúng ta có một liên minh phòng thủ lẫn nhau. Chúng ta nghĩ rằng vì lợi ích của chúng ta cũng như vì lợi ích của các đồng minh khi hai bên cùng nhau triển khai ở một tuyến đầu [triển khai về phía trước/forwardly deployed]. Chúng ta không ở đó với tư cách lính đánh thuê. Và chúng ta không muốn ở đó với tư cách lính đánh thuê. Nhưng Trump không hiểu được điều này.

Tôi nghĩ chiến dịch tranh cử của Trump đang gặp rắc rối sâu sắc. Vì những gì đã xảy ra vào năm 2016, khi mọi người nghĩ rằng Hillary sẽ giành chiến thắng, Trump có thể nói rằng các cuộc thăm dò là tin giả và dù sao thì ông ta cũng sẽ thắng. Và ông sẽ nói điều đó gần đêm bầu cử và có thể là sau đó. Nhưng trừ khi những chuyên gia thăm dò hoàn toàn không làm gì cả để cố gắng sửa chữa phương pháp thăm dò của họ kể từ năm 2016, bạn phải nói rằng Trump đang gặp rắc rối. Mỗi ngày bạn tiến gần hơn đến cuộc bầu cử, theo định nghĩa thì việc bù đắp khoảng cách giữa hai ứng cử viên sẽ khó khăn hơn nhiều. Không có gì trong đời này là chắc chắn nhưng có vẻ như Trump đang hướng đến một thất bại khá nặng nề.

Ông ta đang cố gắng biến vụ nhiễm vi-rút Covid-19 của mình thành một lợi thế. Tôi cho rằng đó là điều ông nghĩ trong thâm tâm khi đường bệ bước vào Nhà Trắng, đứng tạo dáng trên ban công giống như Il Duce [Benito Mussolini]. Nhưng tôi nghĩ nó đã có tác dụng ngược lại. Một điều tôi chờ đợi là một làn sóng thiện cảm mà bạn mong đợi từ người dân Mỹ khi nhà lãnh đạo của họ bị đau ốm. Có thể nó có ở đâu đó nhưng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy nó vào thời điểm này.

Tôi chắc chắn đã nghe tất cả những lời chỉ trích nhắm vào Donald Trump trước khi tôi nhận nhiệm vụ cố vấn an ninh quốc gia nhưng tôi cảm thấy rằng trọng lực của chức vụ tổng thống, sức nặng của trách nhiệm, sẽ ảnh hưởng đến ông ấy giống như mọi tổng thống Mỹ đương đại khi họ nhậm chức. Hóa ra là tôi không đúng.

Quá trình chuyển đổi và sáu tháng đầu đã diễn ra lúng túng vụng về, nhưng có nhiều thói quen và thái độ mang đặc tính Trump đã được hình thành trong giai đoạn đó. Mặc dù tôi có nguyện vọng tạo ra các quy trình chính sách có trật tự hơn trong lĩnh vực an ninh quốc gia, nhưng đã quá muộn để làm điều đó. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình đã quá lạc quan vì tin rằng tôi có thể sửa chữa các vấn đề vốn có trong cách tiếp cận công việc của Trump ngay từ đầu.

Càng ngày càng trở nên rõ ràng, trong nhiều cách thế, trước đây tôi đã không thể dự kiến rằng ông ta không có lấy một triết lý, một chiến lược lớn, ông ta không suy nghĩ về mặt chính sách. Mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu mới. Và cách tôi nghĩ rằng chính sách đối ngoại thành công được đặt ra là bằng cách phân tích và cân nhắc kỹ lưỡng, thực hiện cẩn thận, duyệt xét nhiều lần và phải kiên trì. Tất cả những điều này về cơ bản không hề có trong chính quyền Trump. Có quá nhiều thứ mà ông không biết đến và gần như không muốn tìm hiểu. Thật khó mở ra một cuộc thảo luận tiến bộ khi cơ sở dữ liệu của ông không bao giờ thay đổi.

Tôi không hối hận về việc đã nhận công việc. Tôi đã dấn thân và ở lại trong chính quyền lâu dài đến mức có thể và sau đó tôi đi ra và viết một cuốn sách để mọi người biết chính xác chuyện gì đang xảy ra. Vẫn có những người trong đó đang cố gắng thúc đẩy ông ta làm điều đúng đắn. Một điều tôi lo lắng trong nhiệm kỳ thứ hai là những người như thế đơn giản là sẽ không tham gia chính quyền. Mãi đến bây giờ, thật hợp lý khi nói, tôi đã có đủ tự tin để có thể tạo ra sự khác biệt. Rất khó có thể đưa ra lập luận này bây giờ sau bốn năm.

Tôi không nghĩ Trump có đủ tư cách hoặc khả năng thích hợp để làm tổng thống. Tôi đã từng nói với một nhà tâm lý học rằng Trump không có tư cách và nhà tâm lý đã nói, ông ta có chứ, ông ta có khuyết tật về tư cách. Vì vậy, tôi sẽ để việc ấy cho các nhà phân tâm lo. Lẽ ra chúng ta không nên đề cử ông ấy bao giờ. Người ta không bao giờ nói rằng chính trị sẽ mang lại những con người tốt nhất cho chính quyền. Nhưng có điều gì đó không ổn khi một người như thế này có thể thắng thế.

Tôi nghĩ Trump hơi ghen tị với địa vị của các nhà lãnh đạo như Putin, Tập Cận Bình và Erdoğan. Họ là những người hùng, họ làm những việc của người hùng và Trump cũng muốn trở thành một người hùng như vậy. Tôi không thể giải thích lý do tại sao ông ta có cảm tình tự nhiên với các nhà lãnh đạo độc tài nhưng chắc chắn là ông ta có cảm tình với họ.

Tôi không tin rằng ông ta miễn cưỡng tuyển dụng tôi vì bộ ria mép của tôi, như một số người nói. Liệu ông ta có một nhận xét thiếu suy nghĩ về nó vào một lúc nào đó không? Chắc chắn, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Dù nhận xét  của ông ta là gì đi nữa – như ông thường xúc phạm hầu hết mọi người, không sớm thì muộn – thì ông cũng đã mướn tôi làm việc và tôi thực sự đã kéo dài 17 tháng. Nếu Trump thất cử và ra đi vào ngày 20 tháng 1, trong số bốn cố vấn an ninh quốc gia, tôi sẽ là người phục vụ lâu nhất.

Quan hệ giữa chúng tôi không giống như một cuộc chiến về hai thế giới quan cạnh tranh nhau, bởi vì ông ta không có một thế giới quan. Và đó là điều khó nhất để tôi hiểu được và để tôi đánh giá đúng mức.

NHẬN XÉT CỦA ANTHONY SCARAMUCCI

Anthony Scaramucci là một nhà tài chính New York ít được biết đến khi Donald Trump bổ nhiệm ông làm giám đốc truyền thông của Nhà Trắng vào tháng 7 năm 2017. Ông bị sa thải chỉ 11 ngày sau đó, sau một loạt tuyên bố vấp váp về quan hệ công chúng, nhưng vẫn là người trung thành với Trump trong hai năm tiếp theo. Tuy nhiên, các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc của tổng thống nhằm vào bốn nữ nghị sĩ da màu của đảng Dân chủ đã khiến Scaramucci rút lại sự ủng hộ của mình. Kể từ đó, ông trở thành một nhà phê bình thẳng thắn đối với Trump, người thường xuyên đả kích Scaramucci trên Twitter. Cuốn sách của ông, “Trump: The Blue-Collar President” [Trump: Tổng thống của công nhân cổ xanh], được xuất bản vào năm 2018.

Ở đất nước của chúng ta, hiện nay chúng ta rất phân cực đến nổi bạn phải ghét người mà bạn không đồng ý. Nhưng tôi không ghét Donald Trump. Có chăng, tôi có phần thông cảm cho ông vì rõ ràng là có điều gì đó không ổn với ông ta. Như có một cái đinh vít lỏng lẻo trong tâm lý của ông và bạn không cần phải là bác sĩ phân tâm để thấy được điều đó. Bạn chỉ cần nhìn vào hành vi điên khùng, sự vô lý, sự thiếu chín chắn. Ông ta không phải là một người trưởng thành được phát triển đầy đủ. Ông ra ngoài đời, làm những điều lố bịch khiến tôi lo sợ cho thế giới và cho đất nước. Có điều gì đó không ổn với ông ta nhưng những người xung quanh quá sợ ông nên không can thiệp để bảo vệ ông.

Trump nói về việc “tát cạn đầm lầy” nhưng đầm lầy bây giờ giống như một cái bồn nước nóng dát vàng. Ông đã đưa tham nhũng lên một tầng cao mới. Tôi nghĩ nếu ông thất cử, mọi thứ sẽ đi đong theo ông. Tôi không biết làm thế nào ông có thể sống sót sau thất bại này. Ông ta rất có thể sẽ bị truy tố. Nhưng, nếu bị truy tố, ông ta có thể sẽ không phải ngồi tù – tôi không nghĩ rằng nước Mỹ thích tống các cựu tổng thống của mình vào tù. Vì vậy, rất có thể ông ta sẽ bị truy tố với mức án được giảm nhẹ.

Ông ta thích vật lộn trong bùn với các đối thủ của mình nhưng ông không thể làm điều đó với Joe Biden vì Biden là một chính trị gia có kỷ luật theo trường phái cũ. Tỷ số khác biệt tích cực-tiêu cực của ông cao hơn 20% so với Hillary Clinton. Nhưng tôi đủ thông minh để biết rằng các tỉ số thăm dò gần nhau hơn mọi người đã tưởng.

Nếu Trump thắng, sẽ có thêm một sự tàn phá xã hội Mỹ. Ông ta sẽ bắt đầu phá bỏ các định chế dân chủ của chúng ta và đất nước sẽ trở nên yếu hơn do hậu quả của hành động đó. Sẽ có nhiều rối loạn hơn, nhiều cuộc biểu tình hơn, căng thẳng chủng tộc hơn.

Việc ông trở lại Nhà Trắng, sau khi nằm viện, là một cố gắng tạo ra nhãn quan cho rằng ông là một siêu nhân. Nhưng đất nước đã có 210.000 người Mỹ chết, vì vậy nếu ta lập một bản ma trận [matrix], thì có khoảng 9 triệu người Mỹ đã có gia đình hoặc bạn bè bị tổn thương bởi vi rút, vì vậy hành vi của ông sẽ không gây ấn tượng với họ. Ông là một chính trị gia của phe thiểu số, là một tổng thống thiểu số. Ông ta chưa bao giờ thắng phiếu phổ thông; ông ta sẽ có thể thắng cử tri đoàn hai lần và hai lần thua phiếu phổ thông.

Thực tế cho thấy ông ta là một tên ngốc. Ông không thích hợp để phục vụ trong vai trò tổng thống. Ông ta không có khả năng quản lý. Ông ta không có khả năng đồng cảm với kẻ khác. Ông không phải là một nhà lãnh đạo. Ông ta là một kẻ bắt nạt không phải người Mỹ. Bạn có thể nói rằng ông ấy có rất nhiều thuộc tính tệ hại đó khi còn là ứng cử viên vào năm 2016, vậy tại sao tôi lại ủng hộ ông ta? Và tôi sẽ nói, đúng thế, tôi đã chọn bỏ qua điều đó bởi vì tôi đang cố gắng trung thành với đảng của tôi và ứng cử viên của nó.

Từ đầu tôi đã không thích ông ta. Sau đó, tôi nghĩ, OK, tôi đang ở trong đảng Cộng hòa, ông ấy sẽ trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và bây giờ ông ấy đã thắng cử tổng thống, vì vậy ông sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa kể từ thời George W Bush, hãy để tôi tìm ra cách để thích ông ta. Tôi đã làm việc cho ông và tôi phải chịu trách nhiệm về điều đó trong suốt phần đời còn lại của mình.

Tôi đã nhìn nhận sai lầm của mình, tôi xin lỗi về điều đó và tôi thú nhận rằng tôi đã sai trong nhận định và đánh giá chính trị về ông ta trên phương diện một cá nhân và một nhà lãnh đạo chính trị. Mọi người nói với tôi, ông ấy không hề thay đổi, và tôi chấp nhận điều đó. Nhưng tôi đã thay đổi. Tôi hiểu biết về tâm lý hơn trước rất nhiều. Tôi hiểu rõ hơn về nỗi đau và sự rắc rối mà ông ấy đang gây ra cho mọi người.

Tôi rất vui vì đã bị sa thải. Nó có lẽ đã cứu cuộc hôn nhân và sự nghiệp kinh doanh của tôi. Tôi đã trung thành với ông ta trong hai năm nhưng một năm sau khi cuốn sách của tôi ra mắt, Trump đã nói với bốn phụ nữ được bầu một cách dân chủ vào Quốc hội – ba người trong số họ sinh ra ở Mỹ, người còn lại là công dân nhập tịch – hãy về lại đất nước vốn là nơi xuất phát của họ. 100 năm trước người ta cũng đã nói với ông bà người Mỹ gốc Ý của tôi như vậy.  Khi tôi nói rằng ông ta đang phân biệt chủng tộc, ông ta bắt đầu tấn công vợ tôi trên Twitter. Tôi đã nói với cựu Thị trưởng Giuliani: “Anh đang từ bỏ sự chính trực cá nhân và lai lịch gia đình anh khi ủng hộ một người như thế này.” Không ai có thể có giọng điệu như vậy với tư cách là tổng thống Mỹ vào năm 2020. Ông ta là một kẻ đáng khinh.

Tôi không nghĩ rằng hầu hết những người ủng hộ ông nghĩ rằng ông là người phù hợp nhất cho công việc. Tuy nhiên, họ coi ông như một chiến binh văn hóa. Các hãng tin bảo thủ đã nói với họ rằng chúng ta có một cuộc chiến văn hóa toàn diện đang diễn ra ở Hoa Kỳ, và ông ta là người da trắng cuối cùng đứng ra bảo vệ nước Mỹ khỏi những người chuyển giới da đen và gốc Tây Ban Nha thích uống cà phê latte, những người sẽ tiếp quản chính phủ và văn hoá của họ.

Chiến lược của đương kim tổng thống là, hãy xem liệu là tôi có thể vận động được mọi người phân biệt chủng tộc ở Mỹ hay không. Và ông hy vọng có đủ phiếu để đánh bại những người không phân biệt chủng tộc. Ngoại trưởng Mike Pompeo ủng hộ ông ta vì Pompeo nhìn vào gương và thấy một tổng thống tương lai.

Chúng ta có 63 triệu người ở Mỹ đã bỏ phiếu cho Trump năm 2016 vì lý do này hay lý do khác, và những gì tôi có thể làm là giải thích sự thay đổi của lòng mình. Bây giờ chúng ta có gần 4 năm dữ liệu đầy đủ về sự bất tài của ông ta. Không có vấn đề cá nhân trong đó, Trump không phải là người thích hợp để làm tổng thống Hoa Kỳ. AA

Nguồn: https://www.theguardian.com/us-news/2020/oct/25/deep-down-terrified-little-boy-bob-woodward-mary-trump-john-bolton-anthony-scaramucci-on-donald-trump

Xem thêm những bài của dịch giả Trần Ngọc Cư trên DĐKP