Tác giả: Nguyễn Thanh Lâm
(Đã đăng trên Thesaigontimes.vn ngày 21.04.2016)
(TBKTSG) – Chiều ngày 15-4-2016, Hậu Giang có cơn mưa “vàng” đầu mùa ở huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Vào lúc 19 giờ 15 phút cùng ngày, tại Cần Thơ cũng xuất hiện cơn mưa đầu tiên. Phương tiện truyền thông ghi nhận cơn mưa kéo dài gần 30 phút tại các quận như Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Mặc dù mưa không lớn nhưng đã tạo cho khí trời dịu mát và cây xanh được giải khát vì thời tiết nắng nóng trong nhiều tháng qua.
Chưa ai đặt câu hỏi: “Cơn mưa đầu mùa trị giá bao nhiêu?”, nhưng với tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta cũng nên tìm cách đánh giá.
Hạn hán đã gây thiệt hại mùa màng và cuộc sống của hàng triệu gia đình nông dân Việt Nam. Hai cơn mưa giải hạn và giúp giảm nồng độ mặn phần nào cho vùng này báo hiệu tác động El Niño đã giảm dần.
Hà Lan chỉ có 17 triệu dân, có chưa tới nửa triệu nông dân nhưng lại xuất khẩu nông sản đứng hàng thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ), đặc biệt nổi trội với sản phẩm sữa và hoa tulip. Một con bò ở đây có thể cho gần 10 tấn sữa tươi mỗi năm. Họ có 1.200 giống hoa tulip nhưng chỉ tập trung sản xuất 40 loại chất lượng tốt nhất và bảo quản an toàn nhất.
Cách làm của họ nói lên điều gì?
Điều thứ nhất, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lãnh vực nông nghiệp là yếu tố quyết định cho việc tăng thu nhập cao nhất cho từng mét vuông đất.
Điều thứ hai, cấu trúc và bậc thang giá trị của tổng kết “nước, phân, cần, giống” của gần 100 năm trước đây đã thay đổi. Nước vẫn quan trọng nhưng kỹ thuật nông nghiệp đi vào hướng “more crop per drop” (thu hoạch nhiều hơn từ từng giọt nước), giống vẫn quan trọng nhưng phân bón hóa học thì không được lạm dụng và hạn chế sức cần lao của người nông dân.
Điều thứ ba là hướng đến việc tăng năng suất cây trồng bằng cách sử dụng các loại nấm rễ (Micorrhizal) để thêm sức cho hạt giống, phục hồi sự màu mỡ của đất bằng phù sa, giữ hàm lượng khoáng trong đất một cách tự nhiên nhất, canh tác đúng quy trình tối ưu và đảm bảo cái ăn của toàn thế giới mà không cần đến hơn 4% tổng lực lượng lao động lại gìn giữ được trái đất xanh và sạch đẹp.
Xin quay lại câu chuyện ở xứ ta.
Nền văn minh lúa nước ở Đông Nam Á cần một lượng nước ngọt khổng lồ. Một ký lúa cần đến 3.400 lít nước, thế nhưng hệ thống hồ chứa đã không được tạo dựng theo hướng phát triển bền vững và được xem như cơ sở hạ tầng cơ bản nhất của mọi hạ tầng.
Hàng năm, ở nước ta, có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500-2.000 mi li mét. Nơi ít mưa nhất là vùng Ninh Thuận (dưới 800 mi li mét). Một trong những đặc điểm cực kỳ quý báu của Việt Nam là dãy Trường Sơn, nơi xúc tác hơi nước đọng lại làm mưa dọc suốt Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, cũng là nơi phát xuất những dòng sông lớn, góp một lượng nước khoảng 15-18% hòa vào dòng Mêkông chảy về Biển Hồ (Tonle Sap), sông Bassac (tức sông Hậu) và sông Tiền. Thế nhưng nạn phá rừng tàn bạo đã đưa đến tình trạng sụt mức nước ngầm nghiêm trọng. Việc thiếu quy hoạch làm thủy nông, thiếu hệ thống nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, việc trồng tràn lan những loại cây công nghiệp không có tác dụng giữ nguồn nước… cũng là những nguyên nhân dẫn đến nạn hạn hán nghiêm trọng.
Biển Hồ với 16.000 ki lô mét vuông bị hạn nặng đến mức thu hẹp lại còn 3.000 ki lô mét vuông, từ độ sâu 14 mét nước chỉ còn 3 mét nên không còn đủ nước để chảy ngược lại phía Việt Nam. Dòng sông Tiền và dòng sông Hậu với sức nước và lượng nước giảm mạnh, độ dốc thấp lại phải chảy trên đoạn đường dài nên rất khó ngăn mặn trong mùa khô. Thêm vào đó, việc đắp đê ngăn lũ trước đây ở vùng Tứ giác Long Xuyên và phía Đồng Tháp Mười đã xóa sổ ít nhất hai hồ chứa nước tự nhiên khổng lồ của tạo hóa vốn có khả năng điều tiết nước thật tuyệt vời giống như Biển Hồ.
Theo dự báo khí hậu năm nay, dựa trên những quy luật El Niño đã được đúc kết, khả năng lũ lớn có thể xảy ra. Độ mặn có thể bị đẩy lùi một thời gian, nhưng khả năng tiếp cận phù sa và rửa mặn cho đất sẽ rất hạn hẹp, nếu không có kế hoạch thích ứng ngay từ bây giờ.
Phải chăng đã đến lúc ưu tiên phục hồi lại hai hồ nước lớn ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Có thể nói, một kế hoạch tương tự Delta Works của Hà Lan (gồm 13 dự án làm trong 39 năm) cần phải được xác định và triển khai sớm để cứu ĐBSCL và một phần đồng bằng sông Hồng kéo đến Nghệ An. Một kế hoạch khôi phục lại rừng và nước ở Tây Nguyên cũng rất cần thiết. Hệ thống hồ điều hòa, hồ chứa nước, nhất là ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận là cực kỳ cấp bách. Cấp bách hơn chuyện xây dựng nhà máy điện nguyên tử mà rất nhiều nước có công nghệ tiên tiến đang từ bỏ dần, như Đức và Nhật.
Trở lại với việc định giá một cơn mưa, hay đúng ra là định giá một mét khối nước, giá một giọt mưa thì chúng ta sẽ thấy mưa là vàng trong cuối mùa khô hạn. Mưa nhân tạo cũng là vàng giữa mùa khô hạn, nhưng lại có thể là giá trị âm, thậm chí là sự thiệt hại vào mùa lũ.
Hy Lạp ngày xưa, cách đây mấy ngàn năm đã xác lập một cái quyền rất đặc biệt, quyền tiếp cận nước.
Câu nói ngày xưa “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày” giờ đây cần mang một nội hàm mới. Đó là xây dựng hạ tầng nước.
Chúng ta không thể ngồi yên cầu mưa, hay cầu mong tai qua nạn khỏi mà phải thực sự cầu thị và hành động, ngay từ bây giờ. Nếu hôm nay chúng ta sáng suốt thì ngày mai sẽ không phải than trời.
Nguyễn Thanh Lâm