Tác giả: Tôn Thất Thông
Trong các cuộc họp báo quan trọng của Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn về dịch Corona, người ta thường thấy hai nhân vật đi kèm như bóng với hình: một là GS Christian Drosten, chuyên gia số một của Đức về vi trùng học có tiếng trên thế giới, và hai là GS Lothar Wieler, giám đốc Viện Robert Koch, viện nghiên cứu quốc gia về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ. Hiện nay, chính phủ Đức thường căn cứ vào kết luận của các chuyên gia này để định hướng chiến lược phòng chống Corona. Bỏ qua các chiến lược phòng ngự thuộc phạm vi nhà nước như hỗ trợ kinh tế, doanh nghiệp, tài chính, người lao động, y tế công cộng và các qui định về hoạt động xã hội, chúng tôi tóm tắt những ý kiến của các chuyên gia này liên quan đến việc phòng thủ cá nhân và trong gia đình để quí độc giả tham khảo. Đây là những ý kiến mới trong vòng 10 ngày qua, rất sát với tình hình Corona hiện nay trên thế giới, được phổ biến trên Focus.de, Spiegel.de, đài NDR và các báo lớn ở Đức.
GS Christian Drosten, nhà vi trùng học số một của Đức.
Nguồn ảnh: Gettyimages/istockphoto/dpa/Britta Pedersendpa/Zentralbild/dpa
Cách đây hai tuần, GS Drosten phát biểu là đại dịch toàn cầu (Pandemics) có thể xảy ra. Bây giờ thì – cả trước khi WHO tuyên bố – Drosten khẳng định là nó đã, đang xảy ra và sẽ kéo dài với mức độ nặng nhẹ khác nhau ở mỗi nước, tùy theo tiêu chuẩn y tế công cộng, chiến lược phòng thủ của từng nước, mức độ hiểu biết và ý thức của người dân trong các hoạt động xã hội. Những ý kiến tóm tắt sau đây là ý kiến của chuyên gia Đức, đặc thù cho nước Đức, nhưng chúng tôi đã lọc lựa những điều mang tính chất phổ quát có thể có giá trị cho nhiều nơi khác tham khảo.
Kiến thức của các chuyên gia nói trên chắc hẳn uyên bác hơn các quan chức của WHO. Họ nói rất thẳng thắn không giấu diếm những điều họ biết, rất nghiêm trang nhưng không kích động gây sợ hãi. Họ chỉ muốn mọi công dân đều hiểu thấu đáo tình trạng Corona như các chuyên gia. Mỗi buổi trưa trước giờ ăn, nhóm nghiên cứu của GS Drosten cập nhật thông tin để mọi người theo dõi. Bản thân GS Drosten cũng cập nhật mỗi ngày 30 phút trên đài NDR lúc 12:50 bằng ngôn ngữ bình dân dễ hiểu. Người nào không theo kịp các buổi phát thanh thì có thể tải nội dung về để nghiên cứu [NDR Coronavirus Update]. Nhận xét chung của các chuyên gia hàng đầu là, “một sự bùng phát mạnh mẽ ở Đức là điều khó tránh khỏi” [FOCUS 12.3], vấn đề là nó bùng phát lúc nào, và sẽ kéo dài bao lâu. Các khuyến cáo của họ đặt trên những tiền đề tương đối thống nhất đó.
Minh bạch thông tin và nâng cao hiểu biết của mọi người về dịch Corona
Chuyên gia và giới chính trị biết rút kinh nghiệm của Trung Quốc và Iran, nơi thông tin về bệnh dịch bị bưng bít, làm cho giới y tế mất đi “thời gian vàng”, tức 15 ngày kể từ những ca nhiễm đầu tiên, cho nên cuối cùng đã trở thành những ổ dịch vượt khỏi vòng kiểm soát. Vì thế, phương châm làm việc hiệu quả phải là chia xẻ thông tin đến mức tối đa đến mọi người dân, từ thống kê lây nhiễm, tử vong cho đến các tin tức về vi-rút và cuối cùng là kinh nghiệm thành công hoặc thất bại của cơ quan y tế. Ngay cả các khám phá khoa học cũng phải được phổ biến tức thời để chia xẻ với mọi người trên thế giới.
Từ chuyên gia đến các lãnh đạo chính trị, họ đều nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng trong chiến lược phòng chống dịch. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn: “Mỗi một người đều có thể hỗ trợ việc làm chậm sự bùng phát dịch Corona”. Thủ tướng Merkel: “Cộng đồng chúng ta đang bị Corona thử thách nghiêm trọng về lý trí, tình đoàn kết, trái tim yêu thương đồng loại trong xã hội”. Vị chủ tịch hiệp hội các trung tâm y tế tư nhân thì nhấn mạnh rõ: “Dịch đang xảy ra không thể ngăn chận được, nhưng làm suy giảm tốc độ lây lan là chiến lược quan trọng trước mắt. Điều đó thì mọi người trong cộng đồng đều có thể góp phần tham dự” [Gassen, FOCUS].
Các chuyên gia đều thống nhất: Chỉ có sự hiểu biết đầy đủ trong mọi tầng lớp dân chúng, việc phòng chống mới thực sự có hiệu quả, mới có thể đẩy lùi sự sợ hãi phi lý của người dân dẫn đến cách hành xử thiếu lo-gic, ích kỷ và có lúc bạo lực. Bác sĩ Abdu Sharkawy người Canada mới đây kêu gọi trên Facebook: “Hãy gìn giữ lý trí thay vì sợ hãi vốn dĩ sẽ làm cho bạn mất tỉnh táo dẫn đến hoảng loạn. Hãy tin vào tri thức thay vì sự thiếu hiểu biết. Chúng ta đang nắm giữ cơ hội để học hỏi về vệ sinh và làm thế nào để cả cộng đồng có thể góp phần hạn chế sự bùng phát của căn bệnh quái ác này” [Sharkawy].
Bộ trưởng Y tế Đức đã khởi động một chiến dịch truyền thông (communication campaign). Trong thời gian tới có lẽ chúng ta sẽ nhận được vô vàn tài liệu, flyers về Corona, sẽ được xem nhiều phỏng vấn chuyên gia trên truyền thông đại chúng, nhiều talkshow giữa chuyên gia và chính trị gia trái chiều. Tin tức nhiều có thể sẽ trở thành lạm phát, nhưng mỗi người cần tự chọn lựa cho mình một thái độ phù hợp. Một trong những mục tiêu của chiến dịch truyền thông này là làm cho mọi người hiểu rằng, dịch đang đến, mức độ lây lan sẽ lớn rộng, thời gian sẽ kéo dài nhiều tháng, vi-rút này cực kỳ nguy hiểm, nhưng quan trọng hơn hết, bình tĩnh để đối phó với nó là chìa khóa để thành công. Trong bối cảnh đó, ý thức của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để chống dịch.
Lực lượng y tế mạnh và phương tiện bảo hộ đầy đủ
Chiến lược thông tin nói trên cũng khơi dậy ý thức người dân về một vấn đề ít người để ý: Người dân cần dành ưu tiên thiết bị bảo hộ cho lực lượng y tế, chứ việc vơ vét tích trữ không những là việc làm thiếu trách nhiệm mà thực chất là tự làm hại bản thân, gia đình và cộng đồng. Biện pháp tốn kém nhưng cần thiết là “kiểm tra hàng ngày nhân viên y tế để biết rõ tình trạng lây nhiễm vi-rút trong nhân viên và có quyết định kịp thời” [NDR 11.3]. Bên cạnh đó, việc trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho nhân viên y tế phải được nâng lên vị trí ưu tiên. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không ít bác sĩ và y tá đã tử vong vì lây nhiễm nhiều ngày trong tình trạng thể chất kiệt quệ, đến khi bệnh bộc phát thì cơ thể đã suy yếu dẫn đến tử vong.
Thật nực cười khi nói rằng, hệ thống y tế Đức đang quá tải chỉ với 2.000 ca nhiễm. Nhưng đó là thực tế của các cơ quan quản lý y tế và nhà thương. “Chúng ta thường xuyên nhận được phản hồi rằng, họ đã đầu hàng với tình trạng thiếu thốn. Về mặt nhân viên, họ không đủ điều kiện để thử nghiệm những trường hợp cần thiết. Người tiếp xúc với mầm bệnh không được thử nghiệm tức thời. Với người tự cách ly ở nhà, chúng ta không đủ lực lượng để kiểm tra thực hư. Rõ ràng các cơ quan y tế đang gặp khó khăn” [FOCUS 12.11].
Để vượt qua tình trạng quá tải này, nhà nước sẽ phải tổ chức việc sản xuất và cung ứng đầy đủ phương tiện cho nhân viên y tế. Trước hết là bộ thử (Test kits) đã được thiết kế và thành công từ cuối tháng giêng, áo quần bảo hộ cho nhân viên y tế, khẩu trang, găng tay, thuốc trị khuẩn v.v… Mặt khác cần khơi dậy ý thức cộng đồng để mọi người hiểu rằng, bảo vệ nhân viên y tế chính là bảo vệ cho mình và gia đình khi bị lây nhiễm. Như vậy, người dân phải biết hạn chế không vơ vét phương tiện bảo hộ, mà phải nghĩ đến những đối tượng cần thiết nhất: nhân viên y tế và các dịch vụ đi kèm.
Đặc biệt chú trọng đến người già
Những người già trên 65 tuổi thuộc nhóm người dễ bị lây nhiễm, và khi bệnh phát ra thì khó chữa vì sức đề kháng người già thấp hơn giới trẻ. Đấy là chưa kể qua năm tháng, đa số người già đã có tiền sử bệnh án. GS Drosten cho rằng, “nếu không có những biện pháp phòng ngự hiệu quả, thì tỉ lệ tử vong trong số người già bị nhiễm có thể lên đến 20-25%” [FOCUS 13.3].
Về phía nhà nước, nhiệm vụ của các cơ quan y tế là kịp thời đưa ra biện pháp phòng ngự nghiêm ngặt tại các viện dưỡng lão và các dịch vụ người già. Tất nhiên là rất tốn kém để thực hiện yêu cầu này, nhưng đó là nhiệm vụ phải làm của nhà nước và các cơ quan bảo hiểm.
Về phía cộng đồng người già, các chuyên gia đều khuyến cáo rằng họ phải hy sinh giảm bớt đời sống xã hội. Người già khi về hưu thường tham gia vào các hội đoàn bô lão, nhóm vui chơi, bằng hữu gặp mặt thường kỳ. Trong điều kiện bình thường, các hoạt động đó rất đáng khuyến khích, nhưng trong thời buổi Corona này, chính các hoạt động đó là mầm mống lây nhiễm. “Đa số người già chưa hiểu rằng, họ là những người dễ bị lây nhiễm nhất. Giờ đây, họ cần phải tạm thời giảm bớt đời sống xã hội trong những tháng tới” [FOCUS 11.3].
Về phía cá nhân và gia đình, người ta khuyến cáo phải để người già yên tĩnh, thư thới để nâng cao sức đề kháng, đồng thời thường trực cách ly. Tuyệt đối không đưa con nhỏ cho ông bà trông nom, vì sẽ làm cho người già thêm stress từ đó suy giảm sức đề kháng, đấy là chưa kể trẻ con cũng là một nguồn lây nhiễm vô hình. Thống kê cho thấy, số trẻ con bị thử nghiệm dương tính rất ít, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng chưa hề bị lây nhiễm, mà chuyên gia phỏng đoán rằng, trẻ con rất dễ bị nhiễm vì thiếu thận trọng, nhưng có lẽ hệ miễn nhiễm tự nhiên ở trẻ con đủ sức kháng cự lại Corona trước khi phát bịnh. Tuy nhiên, điều đó không ngăn chận sự lây lan ra bên ngoài trong thời gian ủ bệnh. Chăm sóc cháu nội ngoại có thể là một nguồn lây nhiễm đáng kể. Ngoài ra, trong vòng ít nhất 6 tháng tới, “mọi người trong gia đình nên làm thay cho ông bà việc mua sắm, giao tiếp bên ngoài, để cho ông bà khỏi phải đến các nơi công cộng” [FOCUS 12.2].
Nhóm người có độ rủi ro cao
Đấy là những người, trẻ hoặc già, vốn đã có tiền sử bệnh án về phổi, tim, áp huyết cao, từng bị tai biến, tiểu đường, suyển, ung thư hoặc hệ kháng cự yếu.
Cách xử trí với nhóm người này tương đối phức tạp hơn nhóm già trên 65. Phương tiện thử nghiệm và chữa trị cũng cần được ưu tiên cho nhóm người này. Chuyên gia nhận xét rằng, “đặc biệt nguy hiểm là người già trên 65 và giới trẻ đã có tiền sử bệnh án. Đối với giới trẻ này, đa số còn trong tuổi lao động, nhà nước cần có qui định rõ ràng cho các chủ doanh nghiệp, để buộc họ phải cho phép nhóm người có độ rủi ro cao được hưởng qui chế đặc biệt, thí dụ ở nhà ngắn hạn có ăn lương hoặc làm việc online ở nhà” [FOCUS 12.11].
Ở đây, ngoài sự kêu gọi tinh thần hiểu biết của các chủ doanh nghiệp, nhà nước sẽ đưa ra khung pháp lý để ràng buộc họ đối với nhóm người trên trong thời gian còn dịch. Riêng cá nhân những người đã có tiền sử bệnh án, họ cần chủ động đi thử nghiệm khi có bất kỳ triệu chứng đáng ngờ nào. Điều mà nhóm người này phải nhận thức là, khi đã nhiễm vi-rút, tỉ lệ tử vong của họ sẽ cao hơn người thường một mức!
Cần thử nghiệm những trường hợp nghi ngờ
Có người ngạc nhiên tại sao nước láng giềng Ý có 10.000 ca nhiễm, trong lúc Đức có chưa tới 2.000. Bên cạnh nhiều yếu tố, việc lấy mẫu nước bọt để thử nghiệm sớm và đại trà là yếu tố then chốt. Điều này trước hết phải kể đến công lao của nhóm nghiên cứu của GS Christian Drosten. Họ đã khám phá một bộ thử hiệu quả kể từ cuối tháng giêng và công khai thông báo cho các nước khác tham khảo – tất cả có thể sao chép miễn phí. Nhờ việc áp dụng rộng rãi bộ thử này ở Đức, nhiều trường hợp nhiễm vi-rút được phát hiện rất sớm, trước khi nó lây nhiễm qua người khác.
Chuyên gia Đức sử dụng chiến lược thống nhất: “Có lẽ là hợp lý, nếu có thể thử nghiệm tất cả những người có triệu chứng nghi ngờ hoặc có tiếp xúc với người đã bị nhiễm, thay vì chỉ thụ động buộc họ tự cách ly. Chẳng thà thử thừa ra, còn hơn là bỏ sót vài trường hợp lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu hàng chục triệu người đều muốn đến bác sĩ để lấy mẫu thử nghiệm, điều đó thật là vô nghĩa và làm hạn chế hiệu quả của hệ thống y tế” [Gassen, FOCUS]. Giữa sự cần thiết cho sức khỏe và tính cẩn trọng quá mức, thật khó để định một ranh giới rõ rệt. Điều này phụ thuộc vào quyết định của từng người, căn cứ vào hiểu biết của họ về Corona và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Chiến lược thông tin của bộ y tế Đức cũng muốn nâng cao hiểu biết và ý thức của công dân để họ có quyết định phù hợp.
Tất nhiên, việc thử nghiệm đại trà rất tốn kém, không phải quốc gia nào cũng có nguồn lực cần thiết để thực hiện. Tuy nhiên, việc thụ động cách ly những đối tượng liên hệ chỉ là biện pháp đẩy lùi nguy cơ về phía sau. Khi bệnh đã bộc phát trong thời gian cách ly, thì nguy cơ lây nhiễm càng cao và việc chữa trị càng tốn kém. Chỉ riêng về khía cạnh kinh tế, việc thử nghiệm tất cả những người cách ly có thể ít tốn kém hơn là phải có các biện pháp phức tạp sau này khi các triệu chứng đã xảy ra. Vì thế, việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối đầy đủ các bộ thử (Test kits) là yếu tố quan trọng của chiến lược phòng chống trên bình diện quốc gia.
(Đón đọc tiếp phần 2: “Bao giờ thì chúng ta được miễn nhiễm?” và các đề tài khác)
Tôn Thất Thông
Xem thêm:
Những bài đã đăng về Covid-19 trên DĐKP.
Những bài cùng tác giả về các chủ đế khác
.
Tài liệu tham khảo
Drosten, Christian – NDR 9.3: phỏng vấn bởi Anja Martini, NDR – Coronavirus Update Nr. 9.
FOCUS 11.3: Nhà vi trùng học hàng đầu: Tỉ lệ tử vong ở người già có thể đến 25%. Họ cần được bảo vệ tốt.
FOCUS 12.3: Dịch Corona sẽ đạt đỉnh vào mùa hè, sau đó số đông chúng ta sẽ có hệ miễn nhiễm.
Gassen, Andreas – phỏng vấn bởi Lisa Kleine: Ý kiến của chủ tịch hiệp hội các phòng mạch tư.
NDR Coronavirus Update hàng ngày (GS Christian Drosten): https://www.ndr.de/nachrichten/info/Coronavirus-Update-Die-Podcast-Folgen-als-Skript,podcastcoronavirus102.html
Sharkawy, Abdu – Tôi không sợ Covid-19 (Facebook cá nhân)