Tại sao lây nhiễm và tử vong thấp?
Tác giả: GS BS Nguyễn Sĩ Huyên
DĐKP giới thiệu: Trong khuôn khổ buổi hội thảo về Covid, bài thuyết trình của GS Nguyễn Sĩ Huyên đã được đăng cách đây một tuần trên Diendan.org (xem ở đây). Căn cứ vào câu hỏi của một số độc giả, bài viết được bổ sung thêm một đoạn ở cuối bài. DĐKP hân hạnh được tác giả cho phép đăng để rộng đường thảo luận.
***
Thưa các Anh Chị và các Bạn,
Trước hết xin cảm ơn GS Thoại đã cho tôi có cơ hội báo cáo về đề tài này hôm nay.
Cập nhập những dữ liệu về COVID-19, xét về mặt lây nhiễm và con số tử vong thấp liên quan đến COVID-19, thì Việt Nam hiện nay đang dẫn đầu trong những nước có mật độ dân số cao tương tự.
Câu hỏi là tại sao, khác hẳn với Châu Âu, một số nước ở Châu Á có số ca lây nhiễm và tử vong thấp, và Việt Nam có gì đặc biệt hơn để có thể giữ vị trí hàng đầu trong các nước hiện nay?
Trong khuôn khổ thời gian 10 phút cho phép, tôi xin trình bày một số biện pháp cơ bản đã được thực hiện ở một số nước Châu Á và những yếu tố thuận lợi ngẫu nhiên về mặt xã hội đã đưa đến thành công trong việc phòng chống đại dịch COVID-19 tại những nước đó:
1. Kinh nghiệm
Một số nước ở Châu Á đã rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt trong những đại dịch tương tự đã xảy ra trong thời gian trước như hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng SARS (2003), dịch cúm Influenza A H1N1 (2009), hội chứng hô hấp Trung Đông MERS (2012). Do đó, họ đã có những chính sách phòng chống đại dịch COVID-19 thích nghi kịp thời cho quốc gia của họ, tiêu biểu là các quốc gia Đài Loan, Việt Nam, Nam Hàn và Nhật Bản.
2. Việc tiến hành những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm ở những nước này đã được thực hiện rất sớm và triệt để
Họ có những điểm giống nhau nhất định với những biện pháp đóng cửa biên giới sớm, cách ly người bệnh, khử trùng khu vực người bị nhiễm bệnh, quyết liệt truy lùng nguồn bệnh, theo dõi và kiểm dịch chặt chẽ, qui định mang khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc trong cộng đồng, tăng cường giãn cách xã hội cho từng vùng cần kiểm dịch và cho cả nước khi cần thiết. Riêng trong việc sử dụng rộng rãi test kháng nguyên SARS-CoV-2 để kiểm dịch thì có khác biệt. Nam Hàn và Đài Loan sử dụng test kháng nguyên rộng rãi, Nhật Bản và Việt Nam thì không. Việt Nam chủ yếu chỉ tập trung làm xét nghiệm xác định SARS-CoV-2 ở những người có triệu chứng và ở quần thể nghi ngờ có bệnh.
3. Cấu trúc dân số trẻ
Đây là một trong những yếu tố có tính quyết định. Quan sát số liệu tử vong trên thế giới, theo một nghiên cứu có tính hệ thống và phân tích tổng hợp “Đánh giá độ tuổi cụ thể của tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đối với COVID-19” của G. Meyerowitz-Katz và cộng sự, được công bố trên European Journal of Epidemiology (2020) hai tuần trước đây, ta thấy tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng ước tính theo tuổi cụ thể đối với trẻ em và thanh thiếu niên rất thấp (ví dụ: 0,002% ở tuổi 10 và 0,01% ở tuổi 25) nhưng tăng dần lên 0,4% ở tuổi 55, 1,4% ở tuổi 65, 4,6% ở tuổi 75, và 15% ở độ tuổi 85. Điều này cho thấy một lợi điểm lớn của Việt Nam trong đại dịch COVID-19. Tại sao? Tại vì, lứa tuổi dưới 65 ở Việt Nam chiếm 93,6 % và lứa tuổi dưới 55 chiếm 87 % dân số hiện nay. Tuổi trung vị của người dân Việt Nam là 29 tuổi rất trẻ so với những nước ở Châu Âu (tuổi trung vị của người Châu Âu nằm giữa 37 – 46 tuổi).
Quan sát hai nước nằm cạnh Việt Nam là Campuchia và Lào, hai nước này cũng có một dân số rất trẻ, tuổi trung vị của Campuchia 24 tuổi và của Lào là 22 tuổi. Campuchia và Lào, cũng chỉ với những phòng chống COVID-19 cơ bản, có con số lây nhiễm COVID-19 cho đến hôm nay là 362 người ở Campuchia và 41 người ở Lào, và không thấy có thông báo về tử vong bởi COVID-19. Như vậy, cấu trúc dân số trẻ, cần phải được xem là một yếu tố cực kỳ quan trọng có liên quan đến tử vong thấp trong đại dịch COVID-19.
4. Chiến lược cụm
Nhận thức này rút ra từ quan sát phát triển dịch COVID-19 ở Nhật Bản. Nhật Bản có một con số lây nhiễm và tử vong thấp. Người Nhật đã khởi động rất sớm những biện pháp phòng chống COVID-19, cuối tháng hai là đã cấm tụ họp đông người và đóng cửa trường học, yêu cầu làm việc tại nhà nếu có điều kiện, bên cạnh dó là những biện pháp đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc. Nhật Bản, khác với những nước còn lại, không có điều kiện pháp lý để thực hiện giãn cách xã hội triệt để. Nhật Bản cũng như Việt Nam, không làm test xác định SARS-CoV-2 rộng rãi, nhưng thực hiện chiến lược cụm, tập trung vào việc tìm kiếm các cụm nhiễm. Khác với Việt Nam, Nhật Bản có một cấu trúc dân số với nhiều người cao tuổi, tuổi trung vị của người Nhật là 46 tuổi ngang hàng với Đức và các nước Châu Âu. Và ở đây, ta có thể rút ra một kết luận quan trọng: mặc dầu có một cấu trúc dân số cao tuổi tương đương với cấu trúc dân số ở Châu Âu, nhưng Nhật Bản với những biện pháp phòng chống COVID-19 cơ bản và thực hiện chiến lược cụm cho thấy đã kềm hãm được mức độ lây nhiễm của COVID-19 một cách hiệu quả. Và đây cũng là những biện pháp được áp dụng tại Việt Nam, giống mô hình của Nhật.
5. Tính kỹ luật của người dân
Sự tuân thủ tốt việc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có tính kỷ luật của người dân ở một số nước Châu Á. Một vấn đề mà ở một số nước phương tây hiện nay đang gặp khó khăn.
6. Phong tục tập quán văn hóa xã hội
Đó là những thuận lợi được xem là một sự bổ xung, tăng hiệu quả cho những biện pháp phòng chống COVID-19 đã được minh chứng ở một số nước Châu Á, đặc biệt rất rõ tại Nhật Bản và Việt Nam , bởi tự nó, đã là những giãn cách tiếp xúc xã hội tự nhiên trong đời sống hàng ngày có tính bảo vệ đối với người cao tuổi trong thời dịch COVID-19 (về điểm này, xin xem chi tiết đã được trình bày ở Diễn Đàn Khai Phóng, tháng 4/2020 dưới tựa đề: Corona: tại sao số ca nhiễm ở Việt Nam thấp).
Nói tóm lại, đây là sáu yếu tố cơ bản đã giúp cho một số nước ở Bắc và Đông Nam Á thành công trong việc phòng chống dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay. Trong các nước đó, cần nhắc lại, tiêu biểu là Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Nhưng khác với những nước còn lại, Việt Nam có hai điều khác biệt cơ bản nổi bật để cắt nghĩa con số tử vong thấp, đó là Việt Nam có một cấu trúc dân số trẻ, và hầu hết người già ở Việt Nam, khoảng chừng bảy triệu người, phần lớn sống ở những khu vực nông thôn và chủ yếu là sống trong gia đình, không sống trong nhà dưỡng lão. Người cao tuổi ở Việt Nam được bảo vệ lây nhiễm COVID-19, ngay trong đời sống gia đình hàng ngày, như đã nói trên, qua giãn cách tiếp xúc xã hội tự nhiên thông qua truyền thống phong tục tập quán xã hội.
Một ý tưởng khác, có lẽ không những chỉ có ở người Việt Nam mà còn ở Lào và Campuchia, đó là tình trạng trẻ em thường xuyên nhiễm ký sinh trùng, ví dụ sán lãi rất phổ biến, để lại một hệ thống miễn dịch tốt ở đường ruột, điều đó,cũng có thể là một lời giải thích, đương nhiên còn cần được kiểm chứng, cho việc giảm phần nào tải lượng của SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể qua đường ruột.
Còn một yếu tố khác, mà tôi cũng muốn nhắc đến, đó là tình trạng miễn nhiễm tự nhiên qua lây nhiễm: Một yếu tố quan trọng chưa có lời giải thích. Khả năng có tình trạng miễn nhiễm tự nhiên qua lây nhiễm COVID-19 ở mức độ cao ở người trẻ Việt Nam là một điều có thể nghĩ đến. Vì đó cũng là một lối giải thích cho việc ít lây nhiễm qua rào cản tự nhiên của tình trạng miễn dịch cao trong dân chúng. Ý tưởng làm test kháng thể để kiểm chứng tình trạng miễn dịch ở Việt Nam là một ý tưởng hay, nhưng hiện nay không khả thi.Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy sự phức tạp của việc xác định kháng thể. Trong khi bệnh diễn biến nặng thì ta thấy rất rõ ràng có sự đáp ứng miễn dịch cấp thời với sự hình thành kháng thể và kháng thể trung hòa, nhưng trong những trường hợp bệnh nhẹ thì đáp ứng miễn dịch rất yếu, hầu như không có, và sáu tuần sau khi điều trị COVID-19 thì ở 40% người bệnh không còn phát hiện kháng thể nữa. Phản ứng miễn dịch thông qua tế bào T, tức là tế bào nhớ, sẽ kéo dài lâu hơn. Do đó, đo chức năng tế bào T trở thành một công cụ tốt hơn để xác định tình trạng đã có nhiễm COVID-19, nhưng về mặt kỹ thuật thì nó rất phức tạp và không thể thực hiện rộng rãi được.
Còn một điều, không thể không nhắc đến, đó là gần đây có những giả thuyết cho rằng người dân một số nước Châu Á có khả năng miễn dịch tự nhiên do nhiều lần tiếp xúc trước đó với các chủng corona-virút tương tự virút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đây là những luận điểm thú vị, hiện nay đã có một vài nghiên cứu khởi đầu phấn khởi, nhưng vẫn còn cần thêm chứng cớ y học.
Cuối cùng, việc cập nhập tình hình COVID-19 cho thấy, sự phát triển dịch từ đầu tháng 12 đến nay tăng trở lại ở hầu hết mọi nước trên thế giới, kể cả Nam Hàn và Nhật Bản với cường độ mãnh liệt khác nhau. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là sự nới lỏng nhiều hay ít việc thực hiện triệt để những biện pháp cơ bản phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc lan rộng lây nhiễm. Hai nước cho đến nay vẫn còn giữ vững vị trí của mình đó là Đài Loan và Việt Nam. Câu hỏi thú vị tiếp theo sẽ là, sự phòng thủ này sẽ kéo dài được bao lâu và chuyện gì sẽ còn xảy ra cho hai nước này trong tương lai? Những yếu tố gì, sẽ là những yếu tố quyết định cho sự thành bại? xin được dành cho phần thảo luận.
Xin cảm ơn sự quan tâm của Anh Chị và các Bạn.
Bổ sung và cập nhật
Theo yêu cầu của một số độc giả, tôi xin bổ sung thêm đoạn sau đây để trả lời câu hỏi về việc dự đoán tình hình gì sẽ xảy ra với Đài Loan và Việt Nam trong thời gian tới:
Tình hình Đài Loan và Việt Nam hiện nay với chính sách cách ly hai tuần và kiểm dịch nghiêm ngặt người nước ngoài nhập cảnh vào nước, cho thấy tình trạng phát triển dịch cho đến nay nằm trong vòng kiểm soát và ổn định. Sự khác biệt cơ bản giữa Đài Loan và Việt Nam là, Đài Loan có một cấu trúc dân số có người cao tuổi tương tự như ở các nước châu Âu với tuổi trung vị của người dân là 39-40 tuổi (Việt Nam 29 tuổi) nhưng dân số Đài Loan ít hơn (23,6 triệu dân), tức khoảng 1/4 dân số Việt Nam.Quan sát phát triển dịch COVID-19 của những nước ở châu Âu ta thấy rất rõ, họ có một khuôn mẫu tương đối giống nhau, mỗi một sự bất cẩn trong biện pháp phòng chống dịch hoặc từ phía nhà nước hoặc từ sự bất tuân thủ của người dân, đã đưa đến sự bùng nổ của dịch từ nhiều địa phương khác nhau, không còn kiểm soát được với tử vong cao ở người già. Và đây, là điểm yếu nói chung của những quốc gia có cấu trúc dân số nhiều người cao tuổi. Sự kiện này hiện cũng đang xảy ra ở những nước được xem là khuôn mẫu tốt nhất trong phòng chống COVID-19 của Châu Á là Nam Hàn và Nhật Bản và của phương Tây là nước Đức. Đài Loan với dân số thấp, nên trong lúc này vẫn còn nằm trong vòng kiểm soát. Các cơ quan y tế Đài Loan giám sát nghiêm ngặt việc tuân thủ các biện pháp kiểm dịch và phạt nặng những người có hành vi không tuân thủ.
Những chờ đợi sẽ đến với Đài Loan
Trong thời gian mừng Tết Tân Sửu sắp đến Đài Loan sẽ còn phải đối phó với làn sóng người dân lao động từ Trung Quốc về nhà ăn Tết. Một thử thách không đơn giản trong một thời điểm mà người dân trong dịp lễ lạc dễ lơ là với những biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đài Loan cũng như những nước phương Tây với cấu trúc dân số người cao tuổi sẽ không tránh khỏi sự cần thiết của việc tiến hành chủng ngừa rộng rãi (70% dân số) để có được sự ổn định về y tế (không bị rơi vào tình trạng quá tãi) và lâu dài cũng là ổn định về kinh tế.
Hai vấn đề của chủng ngừa vẫn còn là mối lo lớn:
a. Chưa ai rõ các tác dụng phụ lâu dài của tiêm chủng dựa trên phương pháp gen. Tác dụng phụ ngắn hạn nhất thời cho đến nay là không có gì nghiêm trọng, ngoại trừ một vài trường hợp bị sốc phản vệ qua dị ứng với thuốc, không có ca nào tử vong.
b. Chủng ngừa bị mất hiệu lực bởi đột biến của vi-rút. Những đột biến của vi-rút trong thời gian qua cho đến nay, thì chưa có ảnh hưởng vào hiệu quả của thuốc chủng ngừa. Theo thông tin của GS Ugur Sahin, người sáng lập hãng thuốc Biontech, thành phố Mainz, Cộng Hòa Liên Bang Đức thì với những kỹ thuật điều chế hiện nay các hãng thuốc chỉ cần sáu tháng để có thể sản xuất thuốc chủng ngừa tương ứng cho loài vi-rút đột biến mới (chưa tính đến thời gian duyệt xét cho giấy phép).
Những chờ đợi sẽ đến với Việt Nam
Việt Nam từ đầu tháng 9.2020 đến nay không phát hiện có dịch bộc phát trong cộng đồng, tất cả những ca nhiễm bệnh COVID-19 mới hoàn toàn là ngoại nhập, đều được cách ly và kiểm dịch hai tuần tại những cơ sở y tế qui định, không có thêm ca tử vong nào mới. Đời sống người dân hầu như đã được bình thường hóa. Việt Nam được xem là một trong những nước có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng ở Đông Nam Á trong thời Corona.
Nhìn lại tình trạng phát triển dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, ta thấy mặc dầu Việt Nam có dân số lớn hơn nước Đức (97 tr. vs. 80 tr.) và khoảng bốn lần lớn hơn Đài Loan nhưng hội đủ những yếu tố đã nêu trong bài nói chuyện trên, đặc biệt là dân số trẻ cộng thêm nhiều yếu tố hổ trợ đã đưa đến tử vong thấp trong đại dịch COVID-19 (0,03/100.000 dân)còn ít hơn tử vong bởi bệnh cúm mùa tại Mỹ 2019/2020 là2.7/100.000 dân).
Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam do đó, nếu không có thay đổi đột biến vi-rút nghiêm trọng sẽ vẫn tiếp tục ổn định, không có gì thay đổi lớn. Việt Nam từ những lý do trên không cần chủng ngừa rộng rãi để đạt miễn nhiễm cộng đồng. Bốn thành phần ở Việt Nam cần được khuyến cáo chủng ngừa, đó là:
- Thành phần những người cao tuổi (trên 65 tuổi). Cân nhắc lợi hại nhất thời của chủng ngừa, thì rõ ràng thành phần này hưởng lợi của chủng ngừa trước nguy cơ có thể rơi vào tử vong khi bị nhiễm COVID-19 (1.4-15%).
- Thành phần thứ hai ở Việt Nam có thể hưởng lợi qua chủng ngừa đó là thành phần dân chúng dưới 65 tuổi, nhưng có bệnh nền, có những yếu tố nguy cơ về tim mạch hay có suy giảm sức đề kháng vì nhiều lý do khác nhau.
- Thành phần nhân sự làm việc trong ngành y tế có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân hay trong những công việc hành chánh có tiếp xúc với nhiều người.
- Những công dân Việt Nam cần đi ra nước ngoài (du lịch, nghề nghiệp, SV du học, nghiên cứu sinh, ngoại giao đoàn …). Chỉ định chủng ngừa ở đây không phải là cho sức khỏe cá nhân, nhưng chủ yếu sẽ là đòi hỏi của các nước sở tại.
Liên lạc với tác giả:
Prof. Dr. Si Huyen Nguyen
Vice Dean of Vietnamese-German Faculty of Medicine/Pham Ngoc Thach University Duong Quang Trung 2, P12, Q.10, Ho Chi Minh City, Vietnam. www.pnt.edu.vn
Germany:
Med. Clinic II/ Cardiology/ Intensive Care Medicine/ Sleep Medicine
HELIOS St. Marienberg Clinic Helmstedt/Academic Hospital of the Otto-von-Guericke-University Magdeburg; Conringstrasse 26, D-38350 Helmstedt, Germany. Tel. 00 49 (0) 5351 148300
President of German-Vietnamese Association of Cardiology/Deutsch-Vietnamesicher Förderkreis für Kardiologie e.V. (DVFK); www.dvfk.org; e-Mail: dvfk@gmx.de1/4