Trang chủ » Đừng để mất rồi mới tiếc !

Đừng để mất rồi mới tiếc !

Tháng Ba 2023
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thư viện

Ghi chép và thực hiện: Nguyễn Quang
Chiều 3/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Cuộc họp lần thứ VI của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, với nhiều nội dung quan trọng. Trò chuyện với Sinh Viên Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Lâm, chuyên gia chương trình nghiên cứu tổng thể Mekong Delta nhận định, biến đổi khí hậu là một câu chuyện mà mọi người Việt Nam cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, nhìn ra những thách thức của tương lai để gìn giữ đất và nước.

 

Mất cân bằng sinh thái

Những năm gần đây, chúng ta thường nhắc tới cụm từ “biến đổi khí hậu”. Vậy, biến đổi khí hậu là gì, thưa ông?

“Biến đổi khí hậu” (climate change) là thuật ngữ nói đến sự thay đổi kéo dài hàng thập kỷ của hệ thống khí hậu, gồm: Khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển, bởi các nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp, do tác động của hoạt động con người dẫn đến thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu và những biến thiên của khí hậu. Đặc trưng chính là hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Làm thế nào để nhận biết chúng ta đang bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu?

Những ghi chép toàn cầu hoàn chỉnh về nhiệt độ bề mặt bắt đầu được ghi nhận từ giữa sau thế kỷ 19 cho thấy những thay đổi các nhân tố phản ánh khí hậu, như: Thảm thực vật, khí hậu thực vật, lõi băng, sự thay đổi mực nước biển và địa chất sông băng. Các dấu hiệu khảo cổ, lịch sử được ghi chép và lịch sử truyền miệng cung cấp thông tin về những biến đổi khí hậu trong quá khứ và đã có nhiều lúc dẫn đến sự sụp đổ các nền văn minh.

Lịch sử sông băng chứa đựng những thông tin có liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhờ vệ tinh viễn thám, chúng ta biết đến hơn 100.000 sông băng bao phủ một diện tích khoảng 240.000 km2. Tổ chức Giám sát Sông băng Thế giới (WGMS) thu thập dữ liệu hằng năm về mức độ lùi dần của sông băng và sự cân bằng lượng sông băng từ năm 1940 và nhất là từ năm 1980 đến nay. Sông băng tan chảy làm lượng nước biển tăng lên. Các thông tin từ việc phân tích lõi băng khoan từ một khối băng ở Bắc và Nam Cực cho thấy mối liên hệ giữa nhiệt độ và sự biến đổi mực nước biển toàn cầu. Không khí mắc kẹt ở dạng bong bóng trong băng có thể cho biết những biến đổi nồng độ CO2 trong khí quyển từ xa xưa, sự khác nhau giữa điều kiện không khí thời xa xưa và hiện tại.

Khí hậu thực vật là ngành phân tích các dạng vòng gỗ tăng trưởng của cây để xác định biến đổi khí hậu xảy ra trong quá khứ. Việc nghiên cứu dựa trên những loài bọ cánh cứng cũng đem lại kiến thức về khí hậu… Nói chung là có nhiều phương pháp khoa học để xác lập sự biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nhất. Biến đổi khí hậu gây nguy hiểm ra sao?

Các số liệu ở Việt Nam ghi nhận xu hướng tăng nhiệt độ từ 0,5 đến 1°C trong vòng một thế kỷ qua và tăng lượng mưa trung bình hằng năm. Trong 50 năm qua, mực nước biển tăng trung bình 20cm và thiên tai, bão lũ, hạn hán đã diễn ra khốc liệt hơn trước. Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam theo những xu hướng sau: Mùa Đông ở phía Bắc ngắn lại, ít sương mù. Hạn hán tăng về tần suất và cường độ. Nhiều cơn bão hơn trước, nhất là các tỉnh phía Nam Trung Bộ. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong năm vùng của thế giới chịu ảnh hưởng khốc liệt do nước biển dâng, nhất là từ năm 2050 trở đi.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán và quá dư thừa trong mùa mưa, gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm dần đến cạn kiệt do khai thác quá mức và thiếu nguồn bổ sung. Ngành nông nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng do nhiệt độ tăng cao. Hạn hán và lũ lụt góp phần ảnh hưởng đến diện tích canh tác. Diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp. Đa dạng sinh học giảm. Nói tóm lại, biến đổi khí hậu tác động mạnh lên WEHAB, nghĩa là Water – Nước, Ecology – Sinh thái, Health – Sức khỏe, Agriculture – Nông nghiệp và Biodiversity – Đa dạng sinh học.

Những hoạt động nào của con người gây nên sự biến đổi khí hậu, thưa ông?

Đó là việc tăng lượng khí CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch, như: Than đá, than nâu, than cốc… tạo thành các khí thải CO2 , SO2 tồn tại trong khí quyển. Các tác động tiêu cực do công nghiệp không thân thiện với môi trường. Ví dụ, ngành sản xuất xi măng, khai mỏ, các sản phẩm dầu khí… Ngoài ra, còn có các hoạt động khác như sử dụng đất, nạn phá rừng, sự bê tông hóa các khu đô thị, sự mất cân bằng sinh thái ngày càng nghiêm trọng trên Trái Đất.

Đừng thờ ơ

Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển. Làm thế nào để các nước phát triển hỗ trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu?

Đã có các quy chế đa phương như Nghị định thư Kyoto trước đây và COP hiện nay – là hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, khởi đầu từ Copenhagen (Đan Mạch). Các tổ chức bảo vệ môi trường và Ngân hàng Thế giới luôn tích cực hỗ trợ tìm giải pháp, Tổ chức Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), các dự án mua quota khí thải, như Cơ chế phát triển sạch CDM (Clean Development Mechanism)… Việt Nam cũng được hưởng khoảng chục dự án. Nhưng giải quyết vấn đề này không chỉ cần tiền, mà cần khoa học, trí thông minh và sự phối hợp chính trị khôn ngoan giữa các nước, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Các biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay thường gặp khó khăn do nhận thức của người dân còn kém và không mang lại lợi ích cụ thể. Làm sao để có các cơ chế giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu hiệu quả và tạo ra lợi nhuận từ vấn đề này, thưa ông?

Lợi nhuận quan trọng nhất là môi trường sống an toàn, lành mạnh, sung túc và tốt cho sức khỏe. Vì thế, nhận thức của những người làm chính sách và quản trị đất nước là điều đáng quan tâm hơn cả. Còn người dân thì tôi tin là họ hiểu, nếu được thông tin đầy đủ. Vì thế, ý thức thân thiện với môi trường phải chan hòa trong lĩnh vực giáo dục học sinh, sinh viên và rất nên khuyến khích việc nghiên cứu để tự cứu chính chúng ta.

Có vẻ nhiều người dân Việt Nam còn hoài nghi với các thông điệp chống biến đổi khí hậu. Họ không tin rằng, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ông bình luận gì?

Nếu mỗi năm mực nước biển chỉ tăng trung bình 1 – 2cm thì có ai nhìn thấy sự biến đổi. Nhưng sau 100 năm thì sẽ tăng 1 – 2m. Đó là thảm họa. Do đó, chúng ta phải chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước đây, người dân miền Tây thường nói là “sống chung với lũ”. Nhưng hiện tại, họ lại muốn làm chủ thiên nhiên. Ông nghĩ gì về sự thay đổi này?

“Sống chung với lũ” chỉ là một sự miêu tả, nhiều hơn là một giải pháp. “Làm chủ thiên nhiên” lại là một khái niệm đầy kiêu ngạo. Thiên nhiên, vũ trụ rất vĩ đại, luôn có những bí ẩn, những năng lượng mà loài người chưa thể hiểu hết, có thể nói là chẳng bao giờ hiểu hết, cho dù nền văn minh phát triển tới đâu. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu ở Miền Tây chủ yếu do xâm thực bờ biển, do nước biển dâng, do quy luật triều cường bị tác động mạnh, do ảnh hưởng “trị thủy”của sông Mekong và sự khai thác nước ngầm vô tội vạ ở khắp vùng châu thổ này.

Khi người ta mất đi một cái gì đó, cái đó mới được luyến tiếc và trở nên rất giá trị. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên nỗ lực tìm giải pháp sớm và luôn thật lòng khiêm tốn trước tạo hóa. Tôi ước mong là thế hệ trẻ sẽ gìn giữ được đất nước tươi đẹp và quý báu mà bao thế hệ đi trước đã dày công khai hoang và gây dựng.

Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN QUANG (Thực hiện)

Bài viết đăng trên Sinh Viên Việt Nam số 10, ra ngày 9/3/2015


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: