Một cố gắng sai lầm nhằm theo đuổi quyền tối cao của Mỹ bằng mọi giá đã dẫn đến hậu quả của nó.
Tác giả: Sameed Basha
Người dịch: Daniel Trần
DĐKP giới thiệu: Việc Nga xua quân vào một quốc gia đã độc lập từ hơn 30 năm là một hành động xâm lược cần lên án. Người Ukraine có quyền đứng lên bảo vệ đất nước họ và cũng xứng đáng để nhận sự hỗ trợ từ mọi phía. Nhưng có phải chỉ có Nga mới là nước cần bị lên án? Một tài liệu cách đây hơn 30 năm sau bị rò rỉ cho thấy là Mỹ đã có sai lầm chết người làm “thổi bùng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, chống phương Tây và quân phiệt trong công luận của Nga”. Hy vọng trong tương lai, Mỹ sẽ rút kinh nghiệm để tránh sai lầm tại những vùng khác, thí dụ Thái Bình Dương.
***
Một năm đã trôi qua kể từ khi Nga vượt biên giới sang Ukraine, và Chiến tranh Lạnh, tưởng chỉ xuất hiện hạn chế trong văn học của thế kỷ 20, một lần nữa quay trở lại với việc phương Tây làm chảy máu nước Nga thông qua một quốc gia vùng đệm. Cuộc chiến không phải là để ngăn chặn việc Ukraine bị thôn tính bởi Nga. Đúng hơn là, cuộc chiến là để duy trì ưu thế của Hoa Kỳ trong Bộ Tư lệnh Châu Âu -Hoa Kỳ (EUCOM).
Học thuyết Wolfowitz, được đặt theo tên của Thứ trưởng bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lúc đó là Paul Wolfowitz, đã bị rò rỉ do tờ The New York Times vào năm 1992. Điểm mấu chốt của chính sách này là nhấn mạnh quyền tối cao của Hoa Kỳ bằng mọi giá trong một thế giới hậu Xô Viết và “loại bỏ các đối thủ ở bất cứ nơi đâu có thể xuất hiện.” Ngoài ra, giới lãnh đạo Hoa Kỳ đặt các thỏa thuận quốc phòng làm nền tảng cho chính sách của mình và vô tình độc quyền hóa việc buôn bán vũ khí toàn cầu thông qua các hiệp ước. Hơn thế nữa, nó sẽ ngăn cản các đồng minh phát triển hệ thống phòng thủ của họ và tăng sự phụ thuộc vào phần cứng do Mỹ sản xuất. Cuối cùng, khả năng cộng tác đã hình thành cơ sở cho việc hợp nhất các bè phái cạnh tranh bên trong NATO.
Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ quen thuộc, thì điều cơ bản là phải hiểu học thuyết này hình thành khi nào, nó ra đời như thế nào và tại sao nó vẫn định hình quan điểm của nhiều cá nhân ở phương Tây—bao gồm cả quan điểm của tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự sụp đổ của Liên Xô và lời hứa bị phá vỡ
Chiến thắng của Hoa Kỳ trước Liên Xô đã đặt nền móng cho Học thuyết Wolfowitz. Đầu tiên, việc trục xuất Liên Xô khỏi Afghanistan, do Pakistan sử dụng chiến thuật chiến tranh du kích, đã khiến nền kinh tế Liên Xô và nước Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Thứ hai, chiến thắng của chính Hoa Kỳ trước Saddam Hussein thông qua một cuộc chiến „điều chỉnh“ trong cùng năm, cho phép Washington thể hiện sức mạnh quân sự tối cao của mình, lấy lại chút tự hào đã mất sau thất bại ở Việt Nam và xây dựng lại niềm tin của các đồng minh.
Cùng với điều này, Học thuyết Wolfowitz quy định rằng Hoa Kỳ có thể bịt miệng và hợp nhất hai cường quốc trước đây là Đức và Nhật Bản, “vào một hệ thống an ninh tập thể do Hoa Kỳ lãnh đạo và tạo ra một khu vực dân chủ hòa bình”. Mặt khác, Nga lại bị đối xử theo cách khác – đất nước này đã bị loại khỏi tầm ngắm. Nó trở nên không đáng kể với tư cách là một đối thủ cạnh tranh địa chính trị trong mắt phương Tây, thông qua việc những đề nghị hòa bình của nó đã bị từ chối và những đảm bảo dành cho nó đã bị mất qua việc mở rộng của NATO.
Một biên bản, được Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia giải mật và phát hành, kể lại cuộc gặp giữa Mikhail Gorbachev và Ngoại trưởng James A. Baker III tại Moscow. Baker hứa NATO sẽ không mở rộng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông tiếp tục và tuyên bố rằng “NATO là cơ chế đảm bảo sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Âu…Chúng tôi hiểu rằng điều đó không chỉ dành cho Liên Xô mà còn cho các nước châu Âu khác…. điều quan trọng là phải đảm bảo rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục hiện diện ở Đức trong khuôn khổ NATO, thì không một inch đất nào trong khu vực tài phán quân sự hiện tại của NATO sẽ lan rộng, theo hướng Đông… Sự thống nhất của nước Đức sẽ không dẫn đến việc quân đội của NATO lan rộng sang phía đông.”
Trong trong cùng cuộc họp đó, Gorbachev đề xuất với Baker rằng khi Liên Xô giải thể, nhu cầu về NATO không còn nữa và một nước Nga mới thành lập được phép gia nhập NATO. Baker bác bỏ điều này, coi đó như một “giấc mơ”. Tuy nhiên, khi Boris Yeltsin lên nắm quyền, ông cũng đề xuất gia nhập NATO và tiến thêm một bước bằng cách coi tư cách thành viên NATO là “mục tiêu chính trị của nước Nga”. Năm 1994, Nga đã ký kết chương trình Đối tác Hòa bình với NATO , nhằm mục đích làm cầu nối cho khoảng cách giữa hai thực thể độc lậo và dẫn đến con đường để trở thành thành viên NATO.
Khi Hoa Kỳ nhận ra vị trí đặc quyền của mình với tư cách là một cường quốc không thể cạnh tranh, họ đã làm trái lời của Baker. Xét cho cùng, những “bảo đảm” này đã được trao cho Liên Xô chứ không phải cho nước Nga. Tận dụng thủ thuật này, Hoa Kỳ đã thúc đẩy các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây—chẳng hạn như Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungary—gia nhập NATO tại Hội nghị thượng đỉnh Washington năm 1999. Nga phản đối việc đưa vào, nhưng ngoài một tiếng xì xào tượng trưng, Moscow không thể làm gì để ngăn chặn một nỗ lực như vậy. Nhà nước kế thừa của Liên Xô hùng mạnh không ngang bằng với nó, và do đó không được coi là đủ quan trọng để tham gia vào quá trình quyết định trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp quy mô và phạm vi ảnh hưởng bị thu hẹp, Nga vẫn tiếp tục được coi là một bên đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế.
Sự đi lên của Putin và sự kết thúc của sự kiên nhẫn
Năm 2000, ba tuần trước khi lên nắm quyền tổng thống, một Vladimir Putin trẻ tuổi và bạo dạn đã được phóng viên David Frost của đài BBC phỏng vấn . Ông nói rõ ý định của mình: “Nga là một phần của văn hóa châu Âu. Và tôi không thể tưởng tượng được đất nước của mình lại bị cô lập khỏi châu Âu, cái mà chúng ta thường gọi là thế giới văn minh. Vì vậy, thật khó để tôi hình dung NATO là kẻ thù”.
Khi vụ tấn công 11/9 xảy ra, nó đã tạo cơ hội cho Putin chứng minh rằng Nga sẵn sàng hợp tác với phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố, vì nước này cũng nhận thấy các vấn đề liên quan đến an ninh tương tự ở Chechnya. Tình báo Nga đã hợp tác trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược Afghanistan của Hoa Kỳ bằng cách cung cấp các điểm nhập dữ liệu quan trọng về hậu cần, địa hình và đô thị vào Afghanistan, đặc biệt là các khu vực trong và xung quanh Kabul. Putin cũng gây ảnh hưởng đến các quốc gia Trung Á cũ để mở các tuyến đường tiếp tế vào Afghanistan cho cuộc chiến chống khủng bố của George W. Bush. Không bao giờ có bất kỳ sự đáp lại hay cảm kích nào đối với hành động này từ phía Hoa Kỳ, vì nước này đã tiếp cận quá mức và thiết lập các căn cứ ở Uzbekistan và Kyrgyzstan. Mỹ đã tự thành lập ở sân sau của Nga, và đã làm vậy như „một sự ưu ái“ để giải quyết vấn đề an ninh của nước này và ngăn chặn mọi hình thức kích động của các nhóm mạo hiểm ra khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực thân thiện và suy nghĩ vượt tầm của Putin, NATO và Hoa Kỳ không thể đánh mất bản sắc Chiến tranh Lạnh – Liên minh này thậm chí còn đẩy mạnh hơn nữa với việc mở rộng của mình. Năm 2004, bảy quốc gia—Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia—được cấp tư cách thành viên NATO. Liên minh không chỉ di chuyển xa Đức hơn một “inch” so với những gì Baker đã hứa, mà giờ đây đang đứng vững trước ngưỡng cửa của Nga. George Kennan, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Xô và là kiến trúc sư của chính sách ngăn chặn, đã bác bỏ ý tưởng mở rộng NATO và cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng của nó. Ông tuyên bố rằng “sai lầm chết người” này có thể “thổi bùng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, chống phương Tây và quân phiệt trong công luận của Nga”.
Đỉnh điểm xảy ra vào năm 2007, khi Putin mất kiên nhẫn với sự kiêu ngạo của những người đồng cấp phương Tây. Tại Hội nghị An ninh Munich , Putin tuyên bố rằng ông nghĩ “rõ ràng là việc mở rộng NATO không có bất kỳ mối quan hệ nào với việc hiện đại hóa chính Liên minh hoặc với việc đảm bảo an ninh ở châu Âu. Ngược lại, nó thể hiện sự khiêu khích nghiêm trọng làm giảm mức độ tin tưởng lẫn nhau. Và chúng ta có quyền đặt câu hỏi: việc mở rộng này nhằm chống lại ai? Và điều gì đã xảy ra với những đảm bảo mà các đối tác phương Tây đã đưa ra sau khi Hiệp ước Warsaw bị giải thể? Những tuyên bố đó ngày nay ở đâu? Thậm chí không ai nhớ đến những điều đó”.
Hậu quả
Quan điểm của Mỹ về việc không trao cho Nga một quy chế ngang hàng nghiêm chỉnh chỉ làm kích động thêm Putin. Ông, cùng với phần lớn giới tinh hoa chính trị của Nga, chỉ có thể đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ không có ý định hợp tác với Nga một cách có trách nhiệm và tôn trọng. Điện Kremlin nhận ra rằng Washington không làm gì khác ngoài việc thực hiện một kế hoạch được xác định vào năm 1992 nhằm áp đặt ý chí của mình lên thế giới và “triệt hạ các đối thủ ở bất cứ nơi nào chúng có thể xuất hiện”.
Điều này sẽ càng được khẳng định trong suy nghĩ của Putin bởi các hành động của Mỹ ở Ukraine, can thiệp vào các vấn đề chính trị của đất nước và vạch ra một con đường để nước này cuối cùng gia nhập NATO và Liên minh châu Âu. Sự qua lại giữa hai bên đã dẫn đến Cách mạng Euromaidan, về cơ bản đã thiết lập một sự chia rẽ vĩnh viễn trong nền chính trị Ukraine ngày càng sâu sắc hơn theo năm tháng.
Theo quan điểm của Putin, xâm lược Ukraine vào năm 2022 là lựa chọn duy nhất để báo hiệu cho Liên minh xuyên Đại Tây Dương rằng Nga hiện đang ở vị trí kinh tế và địa chiến lược để chống lại bất kỳ sự bành trướng nào nữa – rằng Moscow nhớ rằng Baker đã thất hứa như thế nào với Gorbachev, rằng đường lối này chỉ được vẽ trên cát, và Học thuyết Wolfowitz sẽ không tiến xa hơn nữa.
Tác giả Sameed Basha là một nhà phân tích quốc phòng và chính trị với bằng thạc sĩ về quan hệ quốc tế tại Đại học Deakin, Úc. Ông chuyên nghiên cứu về động lực và xung đột & an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nguồn: https://nationalinterest.org/feature/how-wolfowitz-doctrine-shaped-putin%E2%80%99s-outlook-206225