Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai
Hôm nay đọc thấy tin này trên mạng :
Nghị định số 109/2012 NĐ-CP thay thế Viện Xã hội học bằng một Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội với mục đích nghiên cứu và đào tạo để tư vấn cho Đảng và nhà nước để phát triển nhanh và phát triển bền vững.
Một cách chi tiết hơn, thông tin này cho biết sứ mạng của Viện Hàn Lâm này sẽ là :
nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội gồm: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; Những vấn đề cơ bản về phát triển toàn tiện con người Việt Nam và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của văn hóa, văn minh nhân loại; những vấn đề cấp bách về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, tâm lý học nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỳ vọng của nghị định thành lập Viện này rất cao :
Viện còn có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề về tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tới Việt Nam; lý luận và kinh nghiệm phát triển trên thế giới, dự báo xu hướng phát triển chủ yếu của khu vực và thế giới; tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới; tổ chức khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và bảo tàng nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Về cấu trúc, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có Chủ tịch và không quá 3 Phó Chủ tịch.
Đọc tin này có lẽ nhiều khoa học gia vừa vui vừa buồn
Vui vì Việt nam ta đã ý thức được tầm quan trọng của khoa học xã hội để không phải trễ chuyến tàu cho các ngành này. Một Viện Hàn Lâm là một cú hích lớn, một động cơ cho phát triển khoa học. Nhất là về khoa học xã hội. Với một Viện Hàn Lâm mới về Khoa học xã hội có thể học sinh ta sẽ thích học sử hơn !
Thật vậy, lược một vòng qua các Viện Hàn Lâm khoa học của thế giới (Institut de France hay Viện Hàn Lâm Pháp, Viện Hàn Lâm Thụy sĩ, Viện Hàn Lâm Bỉ, …) tất cả đều mang các sứ mạng khuyến khích phát triển khoa học, bằng cách giúp phương tiện để quảng bá, in ấn và phát hành các thành quả nghiên cứu hay tặng các giải thưởng danh giá.
Cái hay nữa của các Viện Hàn Lâm quốc tế là thông thường các Viện này sinh hoạt tự chủ, thành viên đều là những người có lương của các Đại học, các Viện lại được sự tài trợ của các mạnh thường quân, một khả năng chưa phổ biến ở xứ ta.
Chuyện các mạnh thường quân tài trợ cho các Đại học hay các học viện là một việc rất bình thường vì họ muốn khoa học phát triển, vì đấy là một cách xài tiền hay vì như thế thì sẽ đóng thuễ ít hơn
Các Viện Hàn Lâm nói trên đều đã được thành lập từ hơn hai trăm năm nay và đã tích cực đóng vai «hội đồng bô lão» (Comité des sages), soi đường đi cho giới khoa học nghệ thuật của các nước này. Những thành viên của các Viện Hàn Lâm là những nhà khoa học kỳ cựu, danh tiếng và được cộng đồng khoa học kính nễ, bầu chọn (bầu chọn bởi những khoa học gia khác – cũng y như quá trình bình chọn các bài để đăng trong các tập san khoa học quốc tế hay bổ nhiệm các giáo sư Đại học bên Âu Mỷ – bầu chọn bởi những người cùng ngành). Một số người có giải Nobel. Ngược lại, người được bầu là thành viên Viện Hàn Lâm là một vinh dự lớn, như được một loại vòng nguyệt quế trên đầu nên lúc nào họ cũng tận tâm làm việc cho xứng đáng với chỗ đứng ấy, thực hiện trách nhiệm của mình dù không bị ai kiểm soát…
Quyết định của chính phủ thành lập một Viện Hàn Lâm khoa học xã hội chắc chắn là một quyết định thức thời mà bất cứ nhà khoa học xã hội nào cũng phấn khởi.
Thế nhưng niềm vui của họ có thể không vẹn tròn.
1. Theo nghị định nói trên, đó là cơ quan thuộc chính phủ, để cung cấp luận cứ cho Đảng và nhà nước, tư vấn và phản biện các chiến lược, quy hoạch, chính sách và dự án kinh tế – xã hội quan trọng theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, và doanh nghiệp;
Chủ đích của Viện Hàn Lâm để chính thống hóa guồng máy Đảng và nhà nước bằng những luận cứ khoa học ? Phục vụ theo yêu cầu hay đơn đặt hàng của Chính phủ ? Tức là xem khoa học như «tôi tớ» của quản lý ? Người viết bài này tin rằng không một Viện sĩ Hàn Lâm nào chấp nhận vai trò đó. Khoa học là tự do. Lệ thuộc là hết … hàn lâm (khái niệm liberté académique- tự do hàn lâm).
Trong tất cả mọi trường hợp vừa kể trên của các Viện Hàn Lâm Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, … không Viện nào tùy thuộc chính phủ và lãnh trách nhiệm tư vấn cho chính phủ. Sứ mạng của một Viện Hàn Lâm là lo cho khoa học. Có thể những người quản lý cần vốn liếng khoa học để quản lý tốt hơn nhưng một Viện Hàn Lâm không là nơi cho quản lý … đặt hàng.
2. Cũng trong câu đầu ở trên, nhiệm vụ của Viện Hàn Lâm này còn là Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Vấn đề đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị là một vấn đề quản lý. Chữ hoàn thiện là một từ thuộc hệ thống giá trị chứ không còn là khoa học nữa. Kế đến, nếu năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản không đủ cao thì phải gửi Đảng đi học thêm chứ không thể cậy Viện Hàn Lâm được. Chuyện thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam là vai trò của cơ quan lập pháp chứ không phải của một Viện Hàn Lâm.
3. Ngoài ra, Viện có nhiệm vụ kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực khoa họcxã hội; đào tạo và cấp bằng thạc sỹ và tiến sỹ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của cả nước, ngành, vùng, địa phương và doanh nghiệp; Tổ chức hợp tác nghiên cứu, liên kết đào tạo về khoa học xã hội với các tổ chức quốc tế, viện, trường đại học nước ngoài theo quy định của pháp luật; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin khoa học xã hội, phổ biến tri thức khoa học, góp phần nâng cao trình độ dân trí…
Đoạn này cho thấy, hóa ra, Viện Hàn Lâm tương lai này không khác hơn bất cứ một Đại học nào. Như thế đâu cần phải thành lập thêm một Viện mới để làm những công tác của các Đại học ?
Trong dấu ngoặc, Xã hội học không nằm trong danh sách của các khoa học mà Viện Hàn Lâm tương lai phải lo đào tạo, phát triển và tư vấn. Xã hội học không cần thiết chắc ?
4. Trong các nhiệm vụ, Viện Hàn Lâm tương lai có trách nhiệm tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới; tổ chức khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và bảo tàng nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam
Câu này có nhiều «phức tạp» : trong một chừng mực nào đó, tổ chức giúp biên soạn những công trình khoa học là một trong những sứ mạng thông thường của các Viện Hàn Lâm. Thế nhưng ở đây, Viện Hàn Lâm tương lai phải biên soạn những công trình «tiêu biểu», những «bộ sách lớn». Thế nào là tiêu biểu và thế nào là lớn. Mỗi công trình khoa học khác nhau và công trình nào cũng … quan trọng hết. Làm sao so sánh hơn kém một công trình sử học với một công trình tâm lý học để biết cái nào tiêu biểu ?
5. Ngoài ra, Viện còn có nhiệm vụ dự báo xu hướng phát triển chủ yếu của khu vực và thế giới . Khoa học có thể trong một chừng mực nào đó cho thấy vài viễn ảnh tương lai. Các phương trình toán học có thể cho vài kết quả dự đoán với tầng số chính xác cao nhưng thông thường, khoa học không dự đoán tương lai vì khoa học có bổn phận phải kiểm chứng trước khi đưa kết luận. Kỳ vọng cho Viện Hàn Lâm tương lai nhiệm vụ dự báo xu hướng tương lai có thể là một kỳ vọng khó thực hiện.
6. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có Chủ tịch và không quá 3 Phó Chủ tịch.
Chi tiết này một lần nữa nhấn mạnh sự lệ thuộc hoàn toàn vào chính phủ của Viện Hàn Lâm tương lai.
Với sáu điểm trên, Viện Hàn Lâm tương lai giống một học viện đào tạo và nghiên cứu hành chánh hơn là một Viện Hàn Lâm.
Thêm một rườm rà hành chánh, tốn ngân quỹ, nhưng kết quả không bao nhiêu ?
Nguyễn Huỳnh Mai
(Bài này đã được đăng trên https://huynhmai.org/2013/01/04/khoa-hoc-va-chinh-tri/ ngày 4.1.2013)
——-
Ghi chú của tác giả: Xin xem thêm, gần như cùng ý và cùng đề tài :
http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1621-nhu-cau-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi
( hiện gs Tuấn đã dời nhà sang blogspot, có thể bài này không còn đọc được)