Trang chủ » Lang thang trong giáo dục

Lang thang trong giáo dục

Tháng Ba 2023
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thư viện

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai

Học để làm gì?

Câu hỏi giản dị này có lẻ vẫn chưa được trả lời một cách toàn diện ở nước ta.

Các nhà giáo dục chú trọng đến chương trình, đến sách giáo khoa và đề nghị nhiều cải tổ theo các đường hướng đó.

Phụ huynh, cha mẹ học sinh đều có chủ đích đẩy con em mình học càng cao càng tốt. Thi vào Đại học để đổi đời, để bảo đảm cho tương lai. Tích cực mà nói, ta bảo đó là biểu hiệu của truyền thống hiếu học. Nhưng nếu nhìn một cách tiêu cực, ta có thể thấy rằng đó không khác gì tính thực dụng.

Thế là các em đi học vì được xã hội hóa trong bối cảnh đó: phải có điểm cao, phải có mảnh bằng để cha mẹ vui lòng, để kiếm ăn sau này… Học … bán chết bán sống, quá tải, kiệt lực, hết cả tài sản của cha mẹ, … không hề gì, hi sinh đời cha để lo cho đời con, hi sinh hiện tại để ngày mai tươi sáng.

Học để làm quan hay học để làm giàu là tựa một bài báo gần đây, một bài báo phản ảnh được ít nhất là một phần thực trạng xã hội.

Rồi tất cả thu gọn vào chủ đích học vị, chủ đích kiếm sống, làm ra tiền. Mặc kệ nếu ra trường mà không có kỹ năng sống hay không khả năng làm việc.

Học để phát triển bản thân, học để biết, học để làm, học để sống với người khác, học để hạnh phúc… mấy điều cơ bản mà UNESCO đưa ra từ ba bốn thập niên rồi, mà nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng nhưng ta chưa để tâm đến.

Nhưng ngày nào ta chưa “vẽ” ra những chủ đích của sự học thì làm sao bàn thảo đến chương trình và phương pháp sư phạm? Rốt cuộc đoàn tàu giáo dục hôm nay sơn thêm màu sắc, hôm sau thay toa, đổi bánh, nhưng vẫn luẩn quẩn lúng túng trong sân ga…

Trên lý thuyết

. ḥoc để trở thành người có tri thức biết suy nghĩ
. học để hạnh phúc
. học để biết sống tương trợ trong xã hội
. học để thích ứng với thế giới hiện thời và tương lai
. Học để tự giải phóng khỏi cái dốt, cái nghèo, cái chậm tiến,…
Giáo dục khai phóng là như thế.  

Vấn đề nghiệp vụ hóa nghề dạy học

Hiện một số nhà giáo dạy học như ông cha ta đã dạy học ở những thế kỷ trước: truyền kiến thức, đánh giá – chế tài, phạt và thưởng, có khi dùng cả những hình phạt đụng chạm đến thân thể của trò, …

Thế nhưng tâm lý nhi đồng, vai trò và phản ứng của não bộ trong sự học, các phương pháp và triết lý cận đại nhất về giáo dục là những điều tối cần chứ không phải chỉ có nội dung của các môn học cần phải rót vào đầu của trò.

Đồng thời đi dạy hết là một “sứ mạng” – chỉ cần thương cần tận tụy với học trò thì dạy chúng được – mà phải có kỷ thuật và phương pháp. Cái tâm không liệng qua cửa sổ nhưng cái tâm thôi không đủ phải có tài nữa. Nghề giáo không còn là một sứ mạng mà là một nghiệp vụ. Cái “tài” thì đào tạo được. Vai trò của trường sư phạm là ở đó.

Công việc của giáo viên cũng là một công việc sáng tạo chứ không phải chỉ theo giáo trình và kiểm soát chế tài học trò. Sáng tạo để làm thế nào trò học tốt nhất, nhanh nhất, lại sung sướng hạnh phúc nhất.

Giảm quá tải bằng cách đổi phương pháp dạy học?

Tới bây giờ ai cũng đồng ý rằng học sinh tiểu và trung học bị quá tải. Nhiều tiếng nói đã đòi thay đổi hay bớt chương trình.

Nhưng dù có thay đổi và cắt xén chương trình tới đâu đi nữa thì vẫn quá tải vì vũ trụ tri thức hiện nay là không bờ bến. Ḿỗi trẻ  có đến ba cái đầu đi nữa cũng không thể nào chứa hết. Rốt cuộc ta chỉ còn một cách: dạy trẻ biết phương thức tự đi tìm tri thức khi cần.

Cách đây gần cả thế kỷ, học luật ở các nước Âu Mỹ đã như thế. Các bộ luật, từ luật dân sự, hình sự, tài chính, xã hội, luật quốc tế nữa,…Đó là chưa nói đến các luật tố tụng, … là cả mấy trăm ngàn trang. Làm sao thuộc lòng hết? Một luật gia giỏi là một luật gia thấu triệt những nguyên lý cơ bản, sau đó, chỉ cần biết phương pháp tìm tòi tra cứu.

Bây giờ ta còn có mạng internet.

Tức là dạy cách học và học cách học. Một phương pháp dạy mở chứ không truyền kiến thức – hoàn toàn đối ngược với kiểu phải trung thành với nội dung thầy dạy, với bài mẫu, …Nắm được cái chìa khóa này thì trò không còn phải đi học thêm. Thầy cũng không cần dạy thêm.

Trong dấu ngoặc, cấm dạy thêm hay học thêm chỉ là một biện pháp chế tài phần ngọn.

.Thi bằng trắc nghiệm hay bài thi dưới hình thức tự luận?

Hình thức thi đã được Bộ quyết định rồi. Bây giờ chĩ mong các câu hỏi trắc nghiệm được chuẩn bị hoàn hảo nhất để vừa phủ hết môn thi vừa sáng tỏ để không gây khó khăn cho thí sinh.

Cũng xin nói thêm là dù thế nào đi nữa thì cũng cần thông tin cho thí sinh về các hình thức câu hỏi  (câu hỏi đơn môn hay câu hỏi tích hợp, chỉ một mệnh đề đúng, có điểm âm khi trả lời sai hay không, …).

Đối với các nhà giáo dục thì thi trắc nghiệm không hẳn là tốt hơn thi tự luận. Hình thức bài thi còn tùy chủ đích của giáo dục, tùy môn học, tùy cách dạy, tùy từng trò, …

Cái điểm cần nêu lên ở đây là trắc nghiệm hay không trắc nghiệm cũng vẫn là thi, cũng là đánh giá các tiếp thu, cũng là chế tài. Thi bắt học trò phải đối phó. Phải học để thi. Để rồi trên 90% thậm chí 98% hay 99% thí sinh sẽ thi đổ. Thi thành ṃột hình thức “hành” các em, tốn kém tiền ngân quĩ, cực cha mẹ, … chứ không sàng lọc bao nhiêu.

Có lẽ trong trung hạn cần đi đến sự dẹp bỏ kỳ thi THPT, khi cả các diễn viên giáo dục, trong đó quan trọng nhất là học sinh, từ bỏ tập tính “học để thi”.

Lời kết

Tình trạng hiện thời của giáo dục là thành quả của nhiều năm tích lũy. Có muốn thay đổi có lẻ cũng cần ngần ấy năm – tức là ta nói chuyện trên cơ sở thế hệ chứ không nhất thời trên năm hay ba năm. Nhưng chậm mà chắc và nhất là cần bắt đầu ngay trước khi tình trạng tồi tệ hơn.

Còn vấn đề lương bỗng của giáo viên, xin để giới chuyên trách tìm giải pháp.

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai
(Xem thêm các bài cùng loại trên: https://huynhmai.org/)

Ghi chú

Cách đây một năm, tác giả bài này đã “lang thang trong giáo dục”
https://hocthenao.vn/2015/09/07/vai-buoc-lang-thang-trong-giao-duc-nguyen-huynh-mai/

Có thể đi xa hơn về những vấn đề bàn trong bài
https://hocthenao.vn/2014/11/18/hoc-duoi-goc-nhin-cua-khoa-than-kinh-nguyen-huynh-mai/

http://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/lai-ban-ve-day-them-va-hoc-them

http://dantri.com.vn/dien-dan/ban-ve-thi-bang-trac-nghiem-20160910114451136.htm

 

%d người thích bài này: