Tác giả: Taras Kuzio, Atlantic Council, 27 tháng 1, 2022
Người dịch: Lê Nguyễn
Chúng ta hiện đang sống trong điều mà nhiều nhà quan sát coi là cuộc khủng hoảng địa chính trị nguy hiểm nhất đối với một thế hệ. Nga đã tập trung một lực lượng quân sự rộng lớn dọc theo biên giới với Ukraine và đe dọa sẽ mở một cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước này nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng. Cuộc xung đột sau đó có thể sẽ là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, với những hậu quả không lường được nhưng thảm khốc cho toàn bộ lục địa.
Trung tâm của cuộc khủng hoảng này là việc một người từ chối chấp nhận phán quyết của Chiến tranh Lạnh và sự căm phẫn cháy bỏng của anh ta trước việc nước Nga hiện đại ngày càng giảm vị thế trên trường quốc tế. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Vladimir Putin không giấu giếm mong muốn phục hồi uy tín quốc tế của Nga và giải quyết những bất công địa chính trị được nhận thức trong quá khứ gần đây. Những tham vọng đế quốc này đã được thể hiện trong nỗi ám ảnh ngày càng tăng của Putin đối với Ukraine, một quốc gia mà chính sự tồn tại của nó đã trở thành hiện thân của nỗi sợ hãi đen tối nhất của nhà cầm quyền Nga và nhiều nỗi bất bình lịch sử của ông.
Hiểu rõ về nỗi ám ảnh Ukraine của Putin là điều cần thiết đối với bất kỳ ai muốn hiểu rõ về cuộc khủng hoảng hiện tại. May mắn thay, việc này đã trở nên dễ dàng hơn một cách đáng kể bởi một bài luận 5.000 từ về chủ đề đó do chính Vladimir Putin là tác giả xuất bản trong mùa hè năm 2021.
Với tựa đề “ Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine ”[1], chuyên luận đáng chú ý của Putin thể hiện sự khinh miệt của ông đối với việc hình thành nhà nước Ukraine và niềm tin của ông vào bản chất giả tạo của sự tách rời hiện tại của đất nước này với Nga, mà ông cho rằng do những ảnh hưởng ngấm ngầm từ bên ngoài. Putin, nhà sử học nghiệp dư khẳng định rõ ràng rằng người Ukraine và người Nga là “một dân tộc” và kết luận bằng cách tuyên bố “Tôi tin tưởng rằng chủ quyền thực sự của Ukraine chỉ có thể thực hiện được khi hợp tác với Nga”.
Đường lối của Tổng thống Nga chắc chắn đã giúp nâng cao nhận thức quốc tế về nỗi ám ảnh Ukraine của ông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gần đây đã viết một bài báo của riêng mình [2] về chủ đề này và đưa ra nhiều kết luận đáng báo động từ những phân tích tỉnh táo của ông về lời nói của Putin. “Bài báo của Tổng thống Putin hoàn toàn phớt lờ mong muốn của người dân Ukraine, đồng thời khơi dậy chủ nghĩa di sản dân tộc (ethno-nationalism) tương tự đã diễn ra trên khắp châu Âu trong nhiều thế kỷ và vẫn có khả năng đánh thức những thế lực hủy diệt tương tự của lòng thù hận cổ xưa”, Wallace lưu ý. Tuy nhiên, tương đối có ít chính trị gia hoặc nhà hoạch định chính sách phương Tây nào dường như đã nắm bắt đầy đủ quy mô hoặc tác động của mối bận tâm của Putin với Ukraine.
Theo nhà báo Nga Mikhail Zygar [3] , Putin đã bị ám ảnh bởi Ukraine kể từ năm đầu tiên lên cầm quyền vào năm 2000. Nỗi ám ảnh này tăng lên sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004, mà Putin coi là một sự sỉ nhục cá nhân sau khi có sự can thiệp không tốt của ông vào cuộc bầu cử tổng thống Ukraine và đã giúp châm ngòi cho cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ.
Toàn bộ thái độ của Putin đối với thế giới dân chủ đã thay đổi sau Cách mạng Cam. Ông đổ lỗi cho phương Tây vì đã lên tiếng ủng hộ phong trào biểu tình chống đối của Ukraine và coi cuộc cách mạng như một cuộc diễn tập cho một cuộc nổi dậy tương tự chính bên trong nước Nga. Trong vòng vài tháng, Putin đã cho ra mắt kênh Russia Today TV và bắt đầu một chặng đường mới về cuộc đối đầu mang tính dân tộc với thế giới phương Tây, gieo mầm cho cuộc chiến hỗn hợp ngày nay.
Kể từ sau Cách mạng Cam, Putin coi việc đưa Ukraine trở lại vùng ảnh hưởng của Nga là nhiệm vụ quan trọng nhất của ông. Đây là “ công việc còn dang dở ”[4] mà ông ta phải hoàn thành nếu ông ta muốn đảm bảo di sản của mình và đi vào sử sách Nga với tư cách là một trong những nhà cai trị vĩ đại nhất của đất nước mình.
Người ta thường cho rằng Putin mang nặng một hoài niệm về Liên Xô và mong muốn tái tạo lại nó, nhưng nhãn hiệu đặc biệt của ông về nỗi nhớ Liên Xô đó trên thực tế phần lớn được thúc đẩy bởi mong muốn phục hồi quá khứ độc tài toàn trị và vì vậy hợp pháp hóa hiện tại độc tài cá nhân của ông. Putin cực kỳ không thích nhà lãnh đạo Liên Xô Vladimir Lenin và thường xuyên cáo buộc ông đã tạo ra các vấn đề ngày nay với Ukraine bằng việc nuôi dưỡng ý thức riêng biệt về bản sắc dân tộc Ukraine và gắn các vùng đất lịch sử của Nga cho cộng hòa Ukraine trong Liên bang Xô viết.
Nguồn cảm hứng thực sự của Putin không phải là Liên Xô theo chủ nghĩa quốc tế trên danh nghĩa mà là đế chế Nga theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sự từ chối của ông trong việc tạo ra nhà nước Ukraine và việc ông phủ nhận một quốc gia Ukraine riêng biệt bắt nguồn chặt chẽ từ quá khứ Nga hoàng và phản ánh sát sao với các tuyên bố và chính sách đối với Ukraine từ thời Đế quốc Nga.
Để đánh giá đầy đủ tư duy của Putin mang hệ thống quyền lực thời Nga hoàng, điều quan trọng là phải hiểu rằng tuyên bố khét tiếng vào tháng 4 năm 2005 của ông gọi sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX” đã bị hiểu sai một cách rộng rãi. Quan trọng nhất là, Putin đã chứng minh về tuyên bố của mình bằng cách nói thêm, “đối với người Nga, nó đã trở thành một bi kịch thực sự. Hàng chục triệu công dân và đồng hương của chúng tôi đã phải sống bên ngoài lãnh thổ Nga ”. Nói cách khác, sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa đặc biệt đối với người Nga vì nó khiến đất nước của họ bị chia cắt và không hoàn thiện.
Putin mở rộng ý tưởng này vào tháng 12 năm 2021, mô tả sự sụp đổ của Liên Xô [5] là “sự tan rã của nước Nga lịch sử dưới tên Liên bang Xô viết.” “Chúng tôi đã trở thành một đất nước hoàn toàn khác,” ông tuyên bố. “Và những gì đã được xây dựng trong hơn 1.000 năm đã bị mất đi phần lớn.”
Theo quan điểm của Putin, thiệt hại lớn nhất trên tất cả là Ukraine. Là một quốc gia có hơn bốn mươi triệu người, Ukraine là nơi có dân số gốc Nga lớn nhất thế giới bên ngoài nước Nga. Nó cũng được cho là gần gũi nhất trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với Nga về dân tộc, văn hóa, lịch sử và tôn giáo. Thật vậy, thủ đô Kyiv của Ukraine được tôn sùng là “thành phố mẹ” của lịch sử Nga. Vì vậy, khi than thở về sự sụp đổ của Đế chế Liên Xô và nói về sự bất công của việc dàn xếp thời hậu Xô Viết, Putin thực sự nghĩ đến chủ nghĩa đế quốc Nga và chủ yếu nghĩ đến Ukraine.
Putin chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận nền độc lập của Ukraine và tiếp tục coi đất nước này chỉ có chủ quyền một phần. Ông ta không tán thành các cơ quan của Ukraine và thích đổ lỗi cho sự sụp đổ hiện tại trong quan hệ song phương là do sự kết hợp của các phần tử cực đoan Ukraine và sự can thiệp của nước ngoài.
Trong những năm gần đây, ý tưởng về Ukraine là một quốc gia bù nhìn của phương Tây đã trở thành câu chuyện quan trọng của Nga. Bất chấp những bằng chứng ngược lại, các nhà tuyên truyền và quan chức chính phủ của Điện Kremlin vẫn khăng khăng rằng phần lớn người Ukraine thầm lặng mong mỏi được trở về với Nước Nga Mẹ.
Những tuyên bố về âm mưu của nước ngoài này là một cách thuận tiện để tránh thừa nhận sự thật đau đớn rằng Ukraine hiện đại đã đơn giản từ chối Nga để ủng hộ sự hội nhập vào Châu Âu-Đại Tây Dương. Điều đó cũng giúp che giấu nỗi sợ hãi của Putin rằng việc tha thiết với nền dân chủ của Ukraine sẽ truyền cảm hứng cho những yêu cầu về những thay đổi tương tự bên trong nước Nga.
Putin vẫn bị ám ảnh bởi làn sóng nổi dậy ủng hộ dân chủ tràn qua Đông Âu vào cuối những năm 1980, tạo tiền đề cho sự sụp đổ của Liên Xô sau đó. Ông coi nền dân chủ non trẻ của Ukraine là một thách thức trực tiếp đối với chế độ độc tài của chính mình và nhận ra rằng sự gần gũi trong lịch sử của Ukraine với Nga khiến mối đe dọa này trở nên đặc biệt nghiêm trọng.
Matxcơva đã cố gắng đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng hiện tại là do NATO, qua nhiều thập kỷ, bị cáo buộc xâm phạm vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga. Tuy nhiên, trong khi Điện Kremlin đưa ra cho phương Tây một danh sách dài các yêu cầu an ninh, các quan chức Nga đã nhiều lần nói rõ rằng việc cô lập Ukraine khỏi thế giới dân chủ là ưu tiên hàng đầu của họ.
Ông Putin đã lập luận rằng ngay cả khi Ukraine chưa phải là thành viên NATO, nhưng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa liên minh này và Ukraine sẽ đặt ra mối đe dọa an ninh trực tiếp đối với Nga. Điều này không có ý nghĩa lắm. Ukraine đã tổ chức các cuộc tập trận chung với các nước thành viên NATO trong gần ba thập kỷ mà không xảy ra sự cố gì, trong khi đó cả NATO và Mỹ đều không có ý định lắp đặt loại hệ thống tên lửa tinh vi ở Ukraine có thể chạm tới Nga.
Nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng ngày nay là việc Putin muốn đưa Ukraine trở lại quỹ đạo của Nga. Trong 8 năm qua, ông đã kết hợp sử dụng các biện pháp can thiệp quân sự trực tiếp, tấn công mạng, các chiến dịch sai lệch thông tin, dùng sức ép kinh tế và ngoại giao cưỡng bức để cố gắng buộc Ukraine từ bỏ tham vọng hội nhập vào vùng Châu Âu-Đại Tây Dương của mình. Sự thất bại của những nỗ lực này đã dẫn chúng ta đến cuộc đối đầu hiện tại, với việc Nga hiện đang cảnh báo về “các biện pháp quân sự-kỹ thuật” nếu nước này không thành công trong việc tái lập quyền thống trị của mình đối với Ukraine.
Mục tiêu cuối cùng của Putin là sự đầu hàng của Ukraine và sự tái hấp thụ của nước này vào vùng ảnh hưởng của Nga. Việc theo đuổi mục tiêu này cho ám ảnh của ông đã đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Giờ đây, nó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang lớn ở ngay trung tâm châu Âu.
Không có gì khác ngoài việc Ukraine quay trở lại quỹ đạo của điện Kremlin sẽ giúp Putin thỏa mãn hoặc xoa dịu nỗi lo sợ của ông về sự tan rã tiếp theo của quyền thừa kế đế quốc Nga. Ông ta sẽ không dừng lại cho đến khi ông ta bị chặn lại. Để đạt được điều này, phương Tây phải trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều trong việc đối phó với sự xâm lược của đế quốc Nga, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập Châu Âu-Đại Tây Dương của chính Ukraine.
Người Ukraine đã chọn một tương lai châu Âu dân chủ cho chính họ và đất nước của họ. Tuy nhiên, cho đến khi Putin chấp nhận sự lựa chọn này, nguy cơ chiến tranh sẽ tiếp tục đeo bám Đông Âu.
Tác giả, Tiến sĩ Taras Kuzio là một thành viên nghiên cứu tại Hiệp hội Henry Jackson ở London. Cuốn sách mới của ông “Chủ nghĩa dân tộc Nga và Chiến tranh Nga-Ukraine” được xuất bản vào ngày 27 tháng 1.
./.
Nguồn: https://www.atlanticcouncil.org/blogs/ukrainealert/inside-putins-ukraine-obsession/
Xem thêm: Những bài viết / dịch của Lê Nguyễn
[1] http://en.kremlin.ru/events/president/news/66181
[2] https://www.gov.uk/government/news/an-article-by-the-defence-secretary-on-the-situation-in-ukraine
[3] https://www.theguardian.com/books/2017/jan/05/all-the-kremlins-men-mikhail-zygar-review-putin
[4] https://carnegieendowment.org/2021/11/12/ukraine-putin-s-unfinished-business-pub-85771