La misère du monde, NXB Seuil, 1993 (coll. Points), 1468 trang.
Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai (Xem thêm trang nhà: https://huynhmai.org/)
Pierre Bourdieu (1930-2002), xã hội học gia người Pháp.
Nếu Auguste Comte và Emile Durkheim được xem như hai bậc tiên phong của xã hội học thì Pierre Bourdieu đóng vai người cha trí tuệ của một số không nhỏ các nhà xã hội học trên thế giới hiện nay.
Các khái niệm như “sự tái tạo xã hội”, “bốn loại vốn”, “tập tính”, “trường”, “bạo lực biểu tượng”, … của ông thường được bàn đến. Bài này giới thiệu một tác phẩm do Pierre Bourdieu chủ biên, La Misère du Monde – Sự khốn khổ của thế gian – xuất bản năm 1993.
Dẫn nhập
Khi Pierre Boudieu và 23 cộng sự cho ra đời quyển “La misère du monde – Sự khốn khổ của thế gian” – có lẻ họ không ngờ rằng sách ấy nhanh chóng thành một trong những quyển sách bán chạy nhất năm – bestsellers –
80 000 quyển được mua ngay trong mấy tháng đầu, phải tái bản nhiểu lần và in ra dưới dạng sách bỏ túi để giá thành rẻ hơn. Sau đó sách được dựng thành kịch. Nhiều kênh truyền hình phỏng vấn Bourdieu và sách được dịch sang tiếng Đức (Das Elend der Welt), tiếng Anh (The weight of the world : social suffering in contemporary society), tiếng Tây ban Nha (La meseria del mundo) vài năm sau đó.
“Sự khốn khổ của thế gian” là một sách xã hội học tức là cũng đi từ một câu hỏi sơ khởi, cũng có những giả thuyết ban đầu, cũng có những phương pháp nghiên cứu rõ ràng để cuối cùng kiểm chứng các giả thuyết ấy trên thực địa. Đó là công trình của những nhà nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Bourdieu – các vấn đề và dẩn giải, kết luận, … là phần của Bourdieu, ông cũng đi thực địa và đã thực hiện 11 trong số các phỏng vấn.
Câu hỏi sơ khởi là cái nghèo.
Khởi thủy, chương trình nghiên cứu được tài trợ bởi La Caisse de Dépôt, một nhóm kinh tế tài chính bảo hiểm có theo đuổi vài mục tiêu xã hội
http://www.caissedesdepots.fr/sites/default/files/medias/notre_utilite_sociale_v2.pdf
Đến khi đào sâu vấn đề, Bourdieu vượt hiện tượng nghèo để đi tới sự khốn khổ. Phương pháp được chọn ở đây là phỏng vấn dài để thu thập chuyện đời (longue entretien en face à face, collecte de récit de vie).
Nhưng cái “lạ” của sách là, đa phần, ghi lại trung thành các phỏng vấn. Trao tiếng nói cho đối tượng nghiên cứu tức là người được phỏng vấn. Các phần lý thuyết, giới thiệu, diễn dịch là phần phụ. Người đi phỏng vấn cũng phải thu nhỏ mình lại, phải làm sao cho người đối diện kể chuyện đời của họ. Phỏng vấn viên dùng những kỹ thuật của “dân chuyên môn” như đặt lại câu hỏi, tóm tắt câu trả lời để người đối diện tiếp tục kể, tôn trọng cảm xúc của người kể, dùng ngôn ngữ không lời để khuyến khích người được phỏng vấn tiếp tục câu chuyện, không gây ảnh hưởng trên đối tượng, …
Cả quyển sách hết là một sách xã hội học mà thành một chuỗi 58 chuyện đời. Viết như những truyện ngắn. Như chuyện của một nhà báo, lận đận lao đao ở lúc khởi nghiệp, đi “bán” từng bài viết, một bác nông phu phải bỏ nghề, một người cảnh sát trong cuộc sống thường nhật, một cô điều dưỡng làm dâu trăm họ, một sinh viên chọn môn Sử vì không đậu vào trường Thương mại, hay một cặp đôi hai người vô gia cư, …. – cả cái thế giới mà người ta thường gọi là “nước Pháp ở phía dưới” – La France d’en bas – gồm những người không được trọng vọng, không có tiếng nói và họ khổ sở trong im lặng.
Cái điểm chính của Bourdieu và 23 cộng sự của ông là ở đó: đem ra ánh sáng tiếng nói của những người mà thường ngày không ai chú ý, không ai nghe họ.
Họ có thể không nghèo vì thiếu điều kiện để sống. Nhưng họ khổ vì địa vị, chỗ đứng của họ trong xã hội so với những người khác.
Đó là khác biệt rõ ràng giữa cái nghèo vì thiếu điều kiện sống và cái khổ vì chỗ đứng xã hội – tiếng Pháp mà Bourdieu dùng là “pauvreté de condition” hoàn toàn khác với “misère de position” – hai khái niệm quan trọng trong xã hội học.
Khái niệm đầu, nghèo vì thiếu điều kiện sống, đặc biệt các nhà kinh tế xã hội miêu tả rất rõ: thiếu lợi tức, nhà ở không tiện nghi, không được đi học đến nơi đến chốn,… Một khái niệm cụ thể, đong đo đếm được.
Còn cái khổ vì chỗ đứng trong xã hội là những khó ở, giằng co, xung đột, … của những người không thực hiện được các ước vọng tối thiểu trong đời mình để sống thoải mái – dù đó là ước vọng tầm thường nhất – không bị đau – của một người bệnh ở nhà thương hay của một cô giáo, chỉ mong học trò tích cực học hành với mình. Có sống trong hoàn cảnh mới cảm nhận rồi từ từ biểu lộ bằng lời, nói được những áp lực của hoàn cảnh – dù đó là áp lực của trường học, của tổ chức hay của thị trường nhà ở, … Cái khổ này thuộc về nội tâm hơn mà chỉ có người trong cuộc mới diễn tả được. Nhà xã hội học ở đó để ghi lại, một cách trung thành nhất, những gì các đương sự bộc lộ.
Tức là “Sự khốn khổ của thế gian” cuối cùng vẫn là một quyển sách xã hội học! Một xã hội học có chiều sâu mà ta có thể tiếp cận được bằng cả cái đầu và con tim..
Hai mẫu chuyện đời, trích, tóm lượt, từ quyển sách, đề minh họa
Sách gồm 58 chuyện và mỗi chuyện dài từ 10 đến 30 trang.
Chuyện đầu: Danielle, một nhân viên Bưu điện, làm ca ban đêm
Danielle, 32 tuổi, là con con gái út một gia đình có ba anh chị em, nhà nông, cha mẹ vốn xuất thân ở vùng trồng nho làm rượu gần Alsace, phía đông nước Pháp. Anh cả của Danielle làm nghề cảnh sát, ở thủ đô Paris. Chị của Danielle lúc mới lấy chồng còn trụ lại ở quê song sau đó cũng lên Paris mở tiệm bán cà phê. Danielle tốt nghiệp trường trung học nghề thư ký, không muốn rời cha mẹ, trong hai năm làm nghề vặt vãnh ở quê nhà nhưng rồi cũng lên Paris từ 12 năm nay và làm việc ở một Trung tâm xử lý phân loại thư từ bưu điện sau một thời gian là người phát thư.
Chồng của Danielle chơi cờ tướng chuyên nghiệp và sống được với “nghề” ấy. Hai vợ chồng, vào lúc phỏng vấn năm 1990, có lương tính ra euros hiện nay thì trên 3300 mỗi tháng. Danielle thuê nhà ở ngoại ô, có hai phòng ngủ và một phòng khách, nhà tắm, nhà bếp…
Từ ngoài nhìn vào thì Danielle có việc làm, có gia đình, có nhà ở, có lương đủ sống.
Người phỏng vấn Danielle là một người vốn ở cùng quê, đã quen Danielle trong thời thơ ấu. Không khí buổi phỏng vấn là không khí thân tình. Danielle đã mời cơm người cùng quê lâu ngày mới gặp lại. Chuyện của Danielle còn được bổ túc bằng những quan sát tại nơi làm việc của cô ấy, ở Trung tâm xếp và phân phối thư – cô ấy đã xin phép người trách nhiệm để nhà xã hội học được đi viếng Trung tâm hầu biết rõ hơn môi trường làm việc của cô.
Thời điểm đầu 1990, thời điểm của phỏng vấn này, những hiểu biết về Chrono biologie – sinh học về thời gian – hay chrono sociologie – xã hội học về thời gian – còn rất sơ khai. Các nhà chuyên khoa về giấc ngủ, vào thời điểm ấy, vừa mới khám phá ra đồng hổ sinh học nội tại nơi con người. Đi làm ban đêm là phải cưỡng lại cái “tự nhiên của tạo hóa” về lịch thức–ngủ, khác nhau giữa ban ngày–ban đêm. Nhưng dân tình, lúc đó, thì chưa có nhiều thông tin về vấn đề này.
“Tôi không bao giờ thấy mặt trời” Sách dẫn ở đầu bài, trang 569 – 591.
Danielle kể :
”Khi tôi rời nhà lúc bảy giờ chiều để đi làm ca đêm thì trời tối rồi, nhất là vào mùa đông. Khi xong ca, năm giờ sáng, hừng đông chưa rạng, tôi trở về nhà – tức là tôi không bao giờ thấy mặt trời – ban ngày thì tôi ngủ”
“ Lúc mới lên Paris, tôi làm người phát thư – có nghĩa là mỗi ngày phải đi bộ, mang cái túi thư trước bụng rất nặng – dù là Bưu điện tổ chức tốt, tôi chỉ mang phân nửa thư của lộ trình, giữa buổi, sẽ có xe của Bưu điện đem cho tôi phần thư của nửa sau lộ trình. Bây giờ thì người phát thư có xe hơi hay ít nhất là xe máy cho những lộ trình ngắn ở thành phố. Cách đây mười năm, hoàn cảnh còn khó khăn hơn, …”
“Thế là tôi không trụ được với nghề phát thư và xin chuyển về Trung tâm phân phối thư, công việc ban đêm, chỉ phải đọc địa chỉ và liệng thư hay bưu kiện vào các ô khác nhau – một công việc mà rô bốt làm được nhưng rô bốt thì không thể đọc những “bất thường” trong các địa chỉ. Tóm lại, tôi phải đứng từ chín giờ tối đến năm giờ sáng với một giờ nghỉ ở giữa để ăn nhẹ, để thư giản. Chung quanh tôi có người bị vấn đề tĩnh mạch ở chân, có người vì lớn tuổi hơn một tí, không ngủ được ban ngày, phải đổi sang chỗ khác.”
Mà thật vậy, bạn đồng nghiệp của Danielle toàn người trẻ, không ai trên 35 tuổi.
“Đi làm lúc đã tối. Khi tan ca, tôi đón chuyến tàu đầu tiên của ngày để về nhà, trời cũng chưa sáng – cho một phụ nữ, cũng tế nhị, không dễ, nhưng lâu rồi thành quen.
Cuối cùng, vì đi làm ban đêm, chuyện vợ chồng tôi cũng có vấn đề, dù là chưa đến nổi phải chia tay, …”.
Chuyện thứ nhì: Isabelle hay cái khổ của người bệnh ở nhà thương
Isabelle, 50 tuổi, là một phụ nữ trưởng giả, sinh ra với dị tật ở cột sống và bệnh thoái xương mãn tính. Nhưng Isabelle có một nghị lực thép và một khả năng bươn chải một mình, tự lập, mặc dù có giới hạn về sức khỏe. Nhờ “vốn” xã hội, quen biết của gia đình, Isabelle tiếp cận được với những bác sĩ đầu ngành về bệnh trạng của bà. Thế nhưng, khi bà vào nhà thương, cái tự lập, cái nghị lực hay vốn xã hội của bà thành … phù phiếm: vai trò của bệnh nhân ở nhà thương chỉ là một vật thể, bác sĩ, đầu ngành đi nữa, cũng xem bà như một … trường hợp, một bệnh lý. Không ai chú ý đến những lo lắng hay cái đau đớn của bệnh nhân – chữ “nhân” ở đây quan trọng, vì dù là mang bệnh đi nữa, Isabelle, cũng như bất cứ ai, là một người biết đau, có cảm xúc và có suy nghĩ.
“Tôi chỉ là một cọng rơm” Sách đã dẫn, trang 1341-1355.
Isabelle kể:
“Tôi biết rất rõ bệnh trạng của tôi : phải mỗ ghép xương giả ở chân nếu không thì trong ngắn hạn tôi sẽ nằm một chỗ, không đi đứng được.
Thế là, nhờ giới thiệu của một người bà con, tôi đi gặp bác sĩ phẫu thuật chuyên môn về bệnh thoái xương. Lần tiếp xúc đầu tiên tôi rất ấn tượng và giữ kỷ niệm đẹp : đó là một bác sĩ lớn tuổi, lịch sự, “bác học tinh thông”. Bằng chứng là trong suốt buổi khám bệnh, ông ấy và tôi đã bàn về hội họa, về những chuyện từ Đông sang Tây.
Cuối cùng, ông bác sĩ ấy nói “Không có vấn đề, tôi sẽ ghép cho bà bốn phần xương nhân tạo, ở háng và ở đầu gối. Một phần, hai phần hay bốn phần cũng là một lần mỗ”.
Tôi còn đang do dự vì làm sao mình có thể “dung túng, chịu đựng” bốn bộ phận lạ trong cơ thể nhưng ông bác sĩ đã quyết định và nói “Tốt lắm, ta mỗ”.
Tôi lo lắng nhưng ông bác sĩ, đúng ra là phải gọi là “ông giáo sư đầu ngành”, đã dở lịch và đề nghị sẽ tiến hành cuộc mỗ vào ngày Giáng sinh.
Tín đồ đạo Thiên chúa, bị “đóng đinh” – để chơi chữ vì Chúa bị đóng đinh trên thánh giá – ở nhà thương đêm Giáng sinh thì bất tiện quá nên tôi đùa – “Đồng ý, với điều kiện là hôm sau ông mang rượu vào mừng Giáng sinh trể với tôi”.
Rốt cuộc thì cuộc mỗ được dự trù cho đầu tháng giêng. Một cuộc đại phẩu trong sáu giờ.
Nhưng cái khó là thời điểm và những tình huống sau kỳ mỗ: hậu phẩu thật là đau đớn, tôi than với tất cả mọi người và đòi thuốc chống đau nhưng có lẻ tôi bị “mang nhãn” là một phụ nữ trưởng giả, tức là thuộc loại bệnh nhân khó tính và hay than. Không ai cho tôi thuốc chống đau. Tôi lại bị tụ máu vì thiếu cử động – mà tôi thiếu cử động vì tôi đau kinh khủng – nhưng không ai tin. Cho đến lúc ông giáo sư trở lại khám, cả tuần sau – vì tôi đã phải nhờ một thằng cháu đi gọi ông ấy – ông cho tôi vào phòng mỗ khẩn cấp để rút chỗ máu đọng.
Ở nhà thương thì nhân viên thay đổi mỗi ngày ba phiên, không ai biết tôi: Những gì tôi cần, có khi phải lặp đi lặp lại ba lần, … vì các thông tin không được truyền tải từ ê-kíp trực trước sang ê-kíp trực sau…Và trừ ông giáo sư mỗ, không nhân viên nào biết tên tôi – tôi được xem như là “một trường hợp bệnh lý” và tôi được gọi bằng … số phòng của tôi.
Cuối cùng thì tôi cũng lành lặn ra viện nhưng cái khổ sở vì không được nghe, không được hiểu, “bị xem như một cọng rơm rác” … trong lúc nằm viện còn đau hơn cái đau vì phẩu thuật.”
Hiện, ba mươi năm sau, hoàn cảnh của các bệnh nhân ở nhà thương có khá hơn vì cuối thế kỷ thứ XX và đầu thế kỷ thứ XXI là thời của “quyền người bệnh”, của “sự hợp tác giữa bác sĩ và bệnh nhân” chứ không còn liên hệ quyền lực giữa hai đối tác. Nhưng có lẻ những “tiến bộ” đó vẫn chưa đủ để … người bệnh được hạnh phúc khi vào nhà thương.
Tại sao Bourdieu đã hoàn thành công trình này?
Để khai quật cho mọi người thấy những cơ chế, cách cấu trúc sinh hoạt làm cho cuộc sống thành “đau đớn”, có khi đến khó sống. Mang ra ánh sáng các mâu thuẩn – dĩ nhiên mang ra ánh sáng không đồng nghĩa với giải quyết nhưng ít nhất, diễn tả có ngọn có ngành có thể giúp người đang sống hiểu hoàn cảnh mình hơn, hiểu tại sao mình khổ và tự tìm ra giải pháp – phân tâm học dùng những cách điều trị tương tự.
Bourdieu đi xa hơn : miêu tả sự khốn khổ của thế gian không phải là một việc làm vô vọng. Cái gì xã hội gây ra, xã hội có thể sửa đổi, với điều kiện là có ý thức rõ ràng, ông viết trong phần “Tái bút” ở cuối quyển sách (trang 1449 -1454 sđd).
Bourdieu giải thích: Vài điều về phương pháp
Phần “Để hiểu” – Pour comprendre, trang 1389 – 1447 sách đã dẫn.
Thu thập chuyện đời thường được dùng trong giai đoạn khai quang của bất cứ nghiên cứu nào. Chuyện đời của một vài người để tìm cách tiếp cận một vấn đề nào đó qua kinh nghiệm của một số nhỏ. Vì mỗi kinh nghiệm có những thăng trầm giúp người nghiên cứu hiểu rõ hơn các biểu hiệu của hiện tượng xã hội. Mỗi kinh nghiệm có những lô gích đặc thù cho thấy những cấu thành, tuần tự trước sau cách giải quyết vấn đề, …
Vai trò của chuyện đời thu thập trong giai đoạn khai quang dừng lại ở đó. Người nghiên cứu có thể dựa trên các chuyện này để đặt câu hỏi, đặt giả thuyết xã hội học, cấu tạo thiết kế bản điều tra, …
Cho “Sự khốn khổ của thế gian”, thu thập chuyện đời là phương pháp của cả nghiên cứu.
Trong phương pháp điều tra, phỏng vấn, thông thường, dù muốn hay không, cũng có hiện tượng quyền lực: người đi phỏng vấn “xâm phạm” vùng riêng tư của đối tượng nghiên cứu và “bắt buộc” đối tượng này “khai”.
Cho các phỏng vấn của “Sự khốn khổ của thế gian”, sự áp đảo này được các phỏng vấn viên cẩn thận tránh – bằng nhiều phương thức kỹ thuật, bằng triết lý và cụ thể nhất là bằng sự gần gũi với đối tượng nghiên cứu.
Trong các nghiên cứu xã hội học, các khảo sát thực địa, các ghi chú phỏng vấn chỉ là những dữ kiện thô, là tài liệu để nghiên cứu phân tích và đi tới kết luận.
Để hoàn thành “Sự khốn khổ của thế gian”, dữ kiện thô được cấu trúc, được chỉnh trang, thí dụ như ghi chữ đậm các câu hỏi hay gạch dưới những ngần ngại, những khoảng lặng của chủ thể kể chuyện, … những cách làm cho câu chuyện dễ hiều hơn, để ai cũng đọc được. Và dữ kiện thô được phát hành, in trọn vẹn trong sách.
Chính Bourdieu cũng thừa nhận rằng viết lại những phỏng vấn không dễ. Phải trung thành với “người nói”, với từ ngữ của họ, với những dấu lặng, những cảm xúc trên gương mặt, với cử động của các ngón tay,… Mà còn phải viết lại tất cả các chi tiết chứ không phải chỉ ghi những cái mà nhà xã hội học cần tìm. Nhà nghiên cứu, trong “Sự khốn khổ của thế gian”, không là nhà văn nhưng phải hội đủ hai khả năng:
– khả năng viết suôn sẻ dễ hiểu cho tất cả mọi người
– và khả năng trung thành với sự kiện, lời kể của người đối diện, trung thành một cách tuyệt đối, cho từng dấu chấm, phẩy nhỏ nhất,…
“La misère du monde” thành công là nhờ những cố gắng và sự nghiêm chỉnh của cả ê-kíp Bourdieu..
Trên thực địa, và một cách cụ thể:
. Các câu hỏi đã được soạn trước dựa theo những giả thuyết của vấn đề.
. Còn cách đặt câu hỏi, thời điểm, thứ tự trong cuộc phỏng vấn là quyết định của người đi thực địa, tùy theo đường hướng của câu chuyện mà đối tượng phỏng vấn kể – cái lô gích của chủ thể nghiên cứu. Ở đây quả là tùy cái khả năng nhìn thấy, biết nghe, biết quan sát và cái tài ứng biến của người đi phỏng vấn – để giúp người trả lời tiếp tục kể chuyện, để không làm lạc hướng hay làm cạn nguồn câu chuyện.
Người đi phỏng vấn biết trước đường hướng nhưng những chi tiết thâm sâu, thiết thực, cụ thể, … là phải do người đối diện cung cấp.
. Có thể nói là trong chừng mực nào đó, một số chủ thể trả lời phỏng vấn tự khám phá, lần đầu tiên, rằng hoàn cảnh của mình sáng tỏ ra. Có thể là vì họ cảm thấy được nghe, được hiểu… Phỏng vấn xã hội học ở đây … xích gần lại với hỏi chuyện lâm sàng (anamnèse clinique) của nhà phân tâm học.
Đa phần các phỏng vấn có ghi âm. Tuyệt đại đa số các chủ thể chấp nhận sự hiện diện của máy ghi âm, không có vấn đề. Phải nói là giữa đối tượng và phỏng vấn viên thường là những người quen biết nhau, hoặc trực tiếp, hoặc qua trung gian giới thiệu, nên việc tin tưởng nhau rất lớn. Đó là chưa nói đến khả năng gây tin tưởng của người đi phỏng vấn.
Rốt cục, Boudieu và 23 cộng sự đã hành xử với những phương pháp và thận trọng như vậy cho gần 150 phỏng vấn tất cả. Trong sách La misère du monde, chỉ có 58 chuyện đời “tiêu biểu” nhất được sàng lọc và cho đăng – chữ tiêu biểu được để trong dấu ngoặc vì thật ra những chuyện này được chọn theo chủ đề của nghiên cứu và dựa theo những tiêu chỉ về phương pháp – trong đó có giá trị chi tiết của đối tượng nghiên cứu và giá trị nội tại của cuộc phỏng vấn -.
Xin nhắc lại, dù thế nào đi nữa, các chuyện đời này được đặt vào vào vị thế trung tâm, được ghi chép lại một cách trung thành nhất và quyển sách xoay quanh các chuyện đời này.
Phần giới thiệu, bình luận, dẫn giải, phương pháp, … chỉ chiếm 158 trang trong số 1468 trang của quyển sách. Dĩ nhiên những trang này cần để hiểu trọn quyển sách. Ta phải biết cách thu thập những chuyện đời để xem các chuyện ấy có đáng tin hay không.
Ńgoại trừ vấn đề “chuyên chính” của phương pháp khoa học, các chuyện đời có giá trị nội tại của các chuyện ấy – thế nên người không chuyên môn cũng thích đọc “Sự khốn khổ của thế gian”.
Bố cục của sách hay sáu tiêu đề trong “Sự khốn khổ của thế gian”
Sự khốn khổ, nếu muốn mổ xẻ vấn đề một cách “hợp lý” thì bất cứ ai sẽ nghĩ đến những miêu tả hiện tượng, sau đó giải thích nguyên nhân và hậu quả để sau cùng hướng đến viễn ảnh tương lai làm sao giải quyết vấn đề.
Ở đây, với “sợi chỉ đỏ” là trung thành với các đối tượng, là để các đối tượng nói – họ khổ, họ không được nghe, họ vốn phải im lặng, … chủ đích của Bourdieu và các cộng sự là phá vở cái hiện trạng đó bằng chính ngôn ngữ của người sống trong hoàn cảnh, chính thống hóa chứng từ của người trong cuộc.
Như vậy, theo nguyên tắc, mỗi chứng từ là độc nhất vô nhị, không thể hao hao giống hay cùng loại với một hoàn cảnh nào khác.
Thế nhưng các “biên bản” phỏng vấn cũng được trình bày tuần tự theo một bố cục “uyển chuyển” trong quyển sách – tác giả bài này dùng chữ “uyển chuyển” vì nếu xét trên nội dung, một phỏng vấn có thể được xếp trong nhiều “hộc”.
.
Bố cục tổng quát, “Sự khốn khổ của thế gian” được chia ra sáu tiêu đề. Cho mỗi tiêu đề, Bourdieu đảm trách phần giới thiệu, dẫn dắt để vào topic…
- Không gian của những ý kiến gồm 10 chuyện đời, từ trang 13 đến trang 248 sđd.
Ở các đô thị, ở các thành phố, sự khốn khổ chiếm những không gian đặc thù. Trước nhất, đó là khu nhà nghèo, khu thợ thuyền, khu những người ngoại quốc, khu những người nhập cư. Những nơi chung cư mà giá thuê vừa phải – tiếng Pháp là HLM – logement à loyer modéré – Trong các khu HLM đó, sự kỳ thị hiện hữu, không những giữa người bản xứ và người ngoại quốc mà là kỳ thị với tất cả mọi người. Tương trợ và tình xóm riềng hoàn toàn vắng bóng. Ai ở nhà nấy. Thanh niên ăn cắp vặt ở tiệm tạp hóa, thiếu trách nhiệm và phá hoại ở các thang máy, nhà công cộng, trẻ ngoại quốc bỏ học, bạo lực ở góc phố, … Rốt cuộc, một số “người bản xứ” thành kỳ thị chũng tộc và sẳn sàng bỏ phiếu cho đảng cực hữu.
Có những con đường mang tên hoa – đường hoa Thủy tiên chẳng hạn, La rue des Jonquilles, là bài viết của chính Bourdieu – nhưng chỉ có bê tông và những cánh cửa đóng then gài. Có những vùng gọi là vùng thành phố được ưu tiên (ZUP – zone à urbaniser prioritaire –), nhưng kết quả là những tòa nhà cao tầng mọc lên và mật độ dân cư tăng chóng mặt mang theo độ thất nghiệp cao – làm sao tìm được việc làm cho ngần ấy người? Bạo lực tăng, phạm tội tăng, …Và không có giải pháp. Báo chí và truyền hình làm phóng sự, nhưng giới chính trị không ai nghe, không ai đọc.
- Ảnh hưởng của nơi chốn gồm 3 chuyện đời, từ trang 249 đến trang 336 sđd,
Thập niên 1980, hiện tượng bạo lực ở ngoại ô các thành phố lớn ở Pháp bùng nổ, vì địa hình, vì mật độ dân cao, vì thiếu không gian cho từng cá nhân, …Cách xa nước Pháp, đây là những chuyện khổ sở của khu biệt lập (ghetto) người da đen ở Chicago, nơi mà nghèo khó đi cùng với bất an, với bạo lực. Từ đó, người ta đi đến sát nhân một cách dễ dàng, như một chuyện thường tình, nhất là khi cái lẽ phải bị mất đi vì chất nghiện, vì ma túy, … Đó cũng là hoàn cảnh của những người vô gia cư ở Harlem, New York. Chuyện của Rickey, Ramon là những thí dụ.
- Sự từ chức của cơ chế, của Quốc gia gồm 7 chuyện đời, từ trang 337 đến trang 492 sđd.
Khốn khổ ở đời thường gặp. Đó là những trường hợp của cá nhân. “Cứu khổ” là công việc hàng ngày của các cán sự xã hội. Nhưng chính những cán sự xã hội này cũng …khổ. Khả năng của họ giới hạn, họ “tát biển bằng thìa”, họ bị giằng co bởi sự khốn khổ của “khách hàng” và sự hạn chế của cơ chế. Nhiều khi các cán sự xã hội bị cản trở bởi cảnh sát vì khi cả hai đối diện với một trường hợp khó khăn, cảnh sát và cán sự xã hội làm việc khác nhau, với hai triết lý khác nhau. Một bên là “giúp”, bên kia là “phạt”. – Mà ai cũng biết là chế tài chỉ nhất thời, không có kết quả bền vững. Nhưng “xúc” một người nghiện mang về đồn cảnh sát dễ hơn là tìm hiểu, nâng đở hay giải quyết các vấn đề đã đưa đẩy một cá nhân đến nghiện ngập.
Nhưng ngay đến những người sống trong …chăn, làm nghề cảnh sát, cái khó ở cũng rất cao. Từ chuyện của một cảnh sát trưởng, một nữ cảnh sát,.. tới chuyện của một quan tòa.
Khó ở trong giao tiếp với các “phạm nhân” và khó ở cả trong tổ chức, với đồng nghiệp và với cấp trên, cấp dưới.
Đó là những chuyện của André, của Agnès, của Francis, …
- Sự sụt giảm suy tàn – 16 chuyện, trang 493-911 sđd – Phần chiếm nhiều trang nhất.
Xã hội thay đổi. Có những khổ sở gây ra bởi sự “vang bóng một thời” của những người ngày xưa được hưởng một vài “đặc quyền” của vị trí xã hội. Thật vậy, khi kỹ nghệ còn rạng rở, khi nghề nông còn có “đất” dụng võ – một cách chơi chữ – , khi ước mơ của gia đình là con cái tốt nghiệp các trường lớn, … Thế nhưng, một ngày đẹp trời ṭất cả bỗng tan vở – các nhà máy đóng cửa, nông sản không cạnh tranh được với các giá thành trên thế giới, khi thế hệ con cái có những mơ ước cá nhân khác với dự tính của cha mẹ, …Đó là trường hợp của Danielle mà ta đã thấy ở trên, phải rời bỏ quê nhà để lên Paris “cầu thực”. Mà còn là trường hợp của những người thợ thành thất nghiệp khi nhà máy phá sản, của một phụ nữ suốt đời giúp chồng trong việc đồng án mà không được trả một đồng lương, của người đại diện nghiệp đoàn lao động khi các tranh chấp thất bại, …
- Những người bị bỏ xó ngay bên trong xã hội gồm 7 chuyện đời, từ trang 913 đến trang 1090 sđd.
Bạo lực học đường không phải bây giờ mới hiện hữu. Từ những năm 1980, 1990, cái “khó ở” của các trường trung học cho thấy một diện mạo mới của học đường.
Trường học từ thuở đó đã không còn là nơi mà thành phần tinh hoa của xã hội rèn luyện để sau này quản lý quốc gia. Trường học thành nơi ăn chốn ở của tất cả mọi thành phần của xã hội và thật tình, trường học không kịp chuẩn bị để … dạy những trò không đến trường vì hiếu học. Vì thật ra, học xong chúng cũng không biết làm gì, … Có những học trò như thế, chán học ở trường, chán làm khi ra trường, vì không tìm được việc làm thích hợp. Có những giáo viên sợ … đi dạy vì không điều khiển nổi lớp học của mình, …
- Những mâu thuẫn đi từ quá khứ, 15 chuyện đời, từ trang 1091 đến trang 1387 sđd.
Có những gia tài mà không ai …kham nổi. Trường hợp của các cao vọng mà cha mẹ đặt trên con, bắt con phải chọn ngành hay trường mà con không có khả năng, hay đôi khi, mà con không thích. Xung đột với cha mẹ, xung đột với những giá trị cổ truyền và dự tính tương lai của cá nhân. Hay xung đột cả với chính mình.
Đó là trường hợp của một phụ nữ trẻ khi cô chọn trở thành diễn viên kịch, trái với ý kiến của cha mẹ cô, rồi chính nữ diễn viên này thất nghiệp sau đó và khổ sở vì sự lựa chọn của mình.
Một trường hợp khác, đối tượng phỏng vấn nói “tôi đã thành công trong tất cả những gì tôi muốn nhưng có lẻ tôi đã không muốn tất cả những gì mình gặt hái thành công – một câu có vẻ mâu thuẫn, nhưng cái mâu thuẫn không nằm trong ngôn từ mà nằm trong hoàn cảnh xã hội của người nói – người này là một nhà vật lý học giỏi, nghiên cứu sư. Nhưng không phải vì địa vị cao mà cuộc sống đầy màu hồng, có khi đến gần cuối đời, như nhà khoa học này, người ta tiếc con đường đã chọn…
Chuyện của Isabelle nằm trong tiêu đề này. Quyền lực của nhà thương là một “tập tục” vốn đi từ “gia tài” của quá khứ.
Vài dòng để tạm kết luận
Sách “Sự khốn khổ của thế gian” được đón tiếp khác nhau tùy đối tượng.
Đại đa số các nhà xã hội học khám phá “phương pháp phỏng vấn theo Bourdieu”, từ của những người này – dù là phương pháp thu thập chuyện đời – collecte des récits de vie – đã được nhiều tác giả bàn đến, Daniel Bertaux chẳng hạn.
Với “Sự khốn khổ của thế gian” Bourdieu còn cho thấy một khía cạnh khác của vị trí “quan lại” mà ông được xã hội thừa nhận – giáo sư ở Collège de France – khía cạnh dấn thân của người làm khoa học, rời tháp ngà để đến gần với dân tình, với cái khổ của kiếp người.
Một số người khác chỉ trích “cách tiếp cận những người khốn khổ – một cách tiếp cận gián đoạn, không có hậu” của Bourdieu – Vì đáng lý ra khi “bới một vết thương thì phải chữa cho nó lành chứ không thể để cho người bệnh tiếp tục đau đớn”. Vấn đề thuộc éthique – luân lý đạo đức – của người làm khoa học. Những đối tượng được phỏng vấn sẽ giải quyết thế nào với cái khốn khổ của họ?
Trả lời chỉ trích này là phải lo cứu tế xã hội chăng? Nhưng làm gì được khi mà mọi can thiệp đều vượt tầm tay, và thẩm quyền, của người khảo cứu khoa học ? Khoa học dừng lại ở chữ “biết”. Còn chữ “làm” hay “can thiệp” là “trường” (champ – chữ của Bourdieu), lĩnh vực của chính trị và quản lý.
Ngắn gọn, nhiều độc giả cảm thấy … hạnh phúc sau khi đọc “Sự khốn khổ của thế gian” vì được đọc một quyển sách khoa học viết như tiểu thuyết, mà là tiểu thuyết của đời thường, đời thật.
Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai
Thư mục – để đi xa hơn
1. Tác phẩm của Bourdieu, hơn 200, được ghi lại khá đầy đủ ở đây – cùng với hơn 400 sách và bài phân tích phê bình, tích cực cũng như tiêu cực, về Bourdieu – Có lẻ Bourdieu là tác giả xã hội học của cuối thế kỷ XX được nhiều người “nghiên cứu” đến như thế:
- 2. Quyển dưới đây phân tích di sản và phê bình các công trình của Bourdieu – khá cô động và đa dạng vì qui tụ các tác giả đi từ nhiều chân trời khác nhau –
Lahire B. (chủ biên), Le travail sociologique de Pierre Bourdieu. Dettes et critiques. NXB La Découverte, 1999, 258 trang.
Sách này được giới thiệu ở đây:
Ông Bernard Lahire, giáo sư ĐH Sư phạm Lyon, đại diện cho thế hệ những nhà xã hội học trẻ, ông sinh năm 1963, nhưng vô cùng có uy tín.
- 3. Một giới thiệu ngắn, điểm sách “Sự khốn khổ của thế gian”
http://www.scienceshumaines.com/la-misere-du-monde_fr_14199.html
. Wikipedia cũng giới thiệu sách này, chỉ có trang tiếng Pháp và tiếng Đức
https://fr.wikipedia.org/wiki/La_Mis%C3%A8re_du_monde
. Điểm sách này, đầy đủ hơn, viết bởi Franck Franceries, giáo sư ĐH Strasbourg III:
http://www.persee.fr/docAsPDF/polix_0295-2319_1994_num_7_25_1831.pdf
- 4. Về phương pháp “phỏng vấn theo kiểu Bourdieu”
Mayer N., «L’entretien selon Pierre Bourdieu: Analyse critique de La misère du monde», Revue française de sociologie, Vol. 36, No. 2 (Apr. – Jun., 1995), trang 355-370.
Có thể đọc được trên mạng ở đây:
http://www.persee.fr/doc/rfsoc_0035-2969_1995_num_36_2_4407
- 5. Khoa học ròng và quan niệm của nhà xã hội học – trường hợp của Bourdieu
Karsenti B. và Chauvire C., «Le sociologue dans l’espace des points de vue», Revue Critique, n°579-580, 1995, trang 661-673.
Địa chỉ này cung cấp bài full text – toàn văn – cho cộng đồng các khoa học gia:
http://www.refdoc.fr/Detailnotice?cpsidt=3272477&traduire=fr
- 6. Nhiều phần của quyển sách “Sự khốn khổ của thế gian” có thể đọc được ở đây – tiếng Pháp – :
http://pierrebourdieuunhommage.blogspot.be/2011/08/en-ligne-pierre-bourdieu-autour-de-la_13.html
Blog này cũng là blog của những “tín đồ” theo Bourdieu vô điều kiện – một thái độ mà chính tác giả của bài này, vốn là một học trò của Bourdieu, không đồng tình.
- 7. Người “theo” Bourdieu thì nhiều lắm, trang này có vẻ “đứng đắn” hơn, đăng lại nhiều bài phỏng vấn Bourdieu, thư mục, … khả tín, dù là tìm trên ResearchGate thì Eric Chabert, người chủ trang, hoàn toàn không có hoạt động khoa học hay hàn lâm và không có bài đăng báo.
http://www.homme-moderne.org/societe/socio/bourdieu/index.html