Trang chủ » PROMETHEUS

PROMETHEUS

Tháng Sáu 2023
H B T N S B C
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930  

Tìm chuyên mục

Thư viện

Tác giả: Johann Wolfgang von Goethe
Người dịch: Phạm Hải Hồ

Hỡi thần Zeus,
Thần cứ kéo mây che kín trời,
Cứ thử sức trên ngọn sồi, đỉnh núi,
Rộn ràng như thằng bé
Chặt đầu cây cúc gai;
Nhưng thần hãy để yên
Trái đất của ta,
Túp lều ta dựng
Và lò lửa
Với ngọn lửa hồng bừng cháy
Khiến lòng thần ganh tức khôn nguôi.

Hỡi các thần, ta không được biết
Ai thấp hèn hơn trong cõi đất trời.
Các thần nuôi
Lão thần chúa tể
Chỉ bằng chút cầu kinh
Và bằng vật lễ,
Các thần sống
Nhờ lòng tin rồ dại
Của trẻ con và những kẻ ăn mày!

Thuở còn thơ
Gặp cơn bối rối,
Lầm lạc, tôi ngước mắt nhìn trời,
Tưởng có ai
Lắng nghe lời than thở,
Có trái tim như tôi
Thương xót kẻ khốn cùng.

Nhưng nào ai giúp tôi
Chống lũ titan khổng lồ kiêu ngạo?
Ai cứu tôi thoát chết,
Thoát cuộc đời nô lệ lầm than?
Có ai đâu,
Hỡi trái tim nóng bỏng?
Mọi việc đều hoàn tất một mình ngươi.
Cớ sao ngươi quá ngây thơ,
Cám ơn kẻ rỗi thì trên ấy?

Ta phải tôn kính Zeus à? Vì sao?
Thần có xoa dịu nỗi đau
Kẻ chịu nhiều đau khổ?
Thần có lau nước mắt
Kẻ phải lúc gian truân?
Không! Rèn luyện ta thành người cứng cỏi
Là thời gian vạn năng,
Là định mệnh khôn cùng,
Các chủ nhân chung của thần và ta.

Phải chăng Zeus ngỡ rằng
Ta căm giận cuộc đời
Và trốn vào sa mạc,
Vì những giấc mơ hoa
Đã không rộ nở?

Không, ta ở lại đây
Nhào nặn những người
Theo mẫu hình ta,
Những người cũng biết đau biết khóc,
Biết hưởng lạc và biết cười vui,
Những người không màng tới Zeus,
Như ta!

J. W. von Goethe
Phạm Hải Hồ dịch

(Theo phiên bản đầu tiên được sáng tác trong khoảng thời gian 1772-1774 và xuất bản năm 1789: https://de.wikisource.org/wiki/Prometheus_(Gedicht,_frühe_Fassung).

 

Diễn giải của người dịch: 

Goethe sáng tác bài ode Prometheus trong khoảng thời gian 1772-1774 giữa trào lưu văn học đươc gọi theo tên vở kịch “Sturm und Drang” (tạm dịch là “Giông bão và thôi thúc”) của nhà thơ – nhà soạn kịch Friedrich Maximilian Klinger. Trào lưu Giông bão và thôi thúc hình thành trong thời đại Khai sáng[1] và kéo dài từ năm 1770 đến 1780[2]. Trong khi thời đại Khai Sáng xem lý tính là tiêu chuẩn và dạng thức chủ yếu, đáng tin cậy của nhận thức, những người theo trào lưu Giông bão và thôi thúc đặt nặng cảm xúc, sự đam mê, tính chất thật trong tác phẩm của mình. Họ có khát vọng đi đầu trong việc đổi mới nền văn học Khai sáng và chủ ý không sáng tác theo các chuẩn mực của nền văn học này cả về nội dung lẫn hình thức. Họ nhắm đến những chủ đề mới, thậm chí kiêng kỵ (việc giết anh em ruột thịt, tình dục, dân ca…), hoặc những đề tài cổ điển (tình yêu, cuộc đấu tranh giữa các giai tầng xã hội, sự khác biệt về thẩm mỹ, thi pháp…) nhưng với cách nhìn mới. Trào lưu này có thể được xem là một sự phản kháng địa vị độc tôn của chủ nghĩa duy lý, sự ràng buộc của các quy tắc khai sáng. Theo Matthias Luserke, hai nhân vật đóng vai trò quan trọng nhất trong trào lưu Giông bão và thôi thúc là Wolfgang von Goethe (1749-1832) và Jakob Michael Reinhold Lenz (1751-1792) vì sức sáng tác mạnh mẽ và sự tích cực vận động của họ. Những nhân vật khác cũng góp phần lớn lao trong trào lưu gồm có Gottfried August Bürger (1747-1794, với những bài ballad, „Những cuộc phiêu lưu của nam tước MünchhausenÂ), Friedrich Schiller (1759-1805, với các vở kịch „Bọn cướp“, „Âm mưu nổi loạn của Fiesco ở Genua“, „Âm mưu và Ái tình“), Friedrich Maximilian Klinger (1752-1831, với  „Cặp song sinh“, „Giông bão và thôi thúc“), Johann Gottfried Herder (1744-1803, với „Dân ca“).

Bài ode[3] Prometheus được làm theo thể tự do, tuy vẫn có nhịp điệu nhưng không vần. Nó gồm bảy đoạn thơ với số câu khác nhau và đa số các câu có độ dài không đồng đều, nhiều câu trong số đó là những câu thơ vắt dòng. Trong hai đoạn thơ đầu, Prometheus tỏ thái độ xem thường vị thần tối cao Zeus và các thần cấp dưới: so sánh Zeus với một chú bé nghịch phá, cũng như chỉ trích các thần khác là thờ cúng chúa tể của họ nhưng lại sống nhờ trẻ con và người nghèo khó. Trong hai đoạn thư kế tiếp, Prometheus kể về quá trình phát triển của mình từ lúc còn thơ ngây mong nhờ sự trợ giúp của Zeus những khi gặp nguy hiểm, để rồi thất vọng vì sự thờ ơ lãnh đạm. Nhưng nhờ vậy Prometheus mới tự giải quyết mọi khó khăn bằng sức lực và lòng nhiệt huyết của mình, không phải mang ơn “kẻ rỗi thì” trên núi Olymp.  Trong ba đoạn thơ sau cùng, Prometheus quay về phê phán Zeus là vô cảm và cũng phải chịu thần phục trước sức mạnh của thời gian và định mệnh nên không đáng được tôn kính. Prometheus bảo Zeus không nên cho rằng mình sẽ trốn chạy khỏi trái đất vì không phải mọi lý tưởng cao đẹp đều trở thành hiện thực. Prometheus quyết định ở lại để giáo dục con người theo mẫu hình của mình, tức là vừa có tình cảm vui buồn vừa có tính cứng cõi, không màng đến Zeus. Đến đây chấm dứt bài thơ.

Bài ode của Goethe là lời tự thuật của một nhân vật, dựa vào truyện thần thoại Hy Lạp: Prometheus thuộc tộc thần titan bị Zeus, chúa tể cả trời đất tước mất quyền lực và đuổi khỏi núi Olymp. Prometheus xuống trần lấy đất nặn thành người mang hình dạng các vị thần và những đặc tính của loài vật. Nữ thần Athena thấy hay, thổi thêm lý trí vào người họ. Prometheus lại dạy cho người biết quan sát các vì sao, học chữ và nghệ thuật kể chuyện, thuần hoá thú vật… Chẳng bao lâu, họ cũng biết xây cất nhà ở. Thấy vậy, giới thần linh bắt họ phải thờ cúng, lễ lạt. Prometheus thay mặt con người, dùng mẹo lừa thần Zeus chọn lễ vật vô giá trị, khiến thần nổi giận, cấm con người dùng lửa. Nhưng Prometheus vẫn nghĩ ra cách đem lửa đến cho người. Zeus trả thù, sai Pandora mang bệnh tật, khổ đau và cả cái chết xuống trần. Còn Prometheus thì Zeuscho trói bên ghềnh đá và cho đại bàng Ethon đến rỉa gan hàng ngày. Gan cứ mọc trở lại vì Prometheus bất tử. Sau nhiều thế kỷ chịu đói khát và đau đớn, Prometheus mới được Hercules giải thoát. Nhân vật chính diện của bài ode khác xa câu truyện thần thoại: Prometheus không phải là một titan (“chống lũ titan khổng lồ hung bạo”), nhưng rõ ràng là người sinh trưởng dưới trần (“Lúc còn thơ gặp cơn bối rối, \ Lầm lạc, tôi ngước mắt nhìn trời”, “Trái đất của ta, \ Túp lều ta dựng” v.v.). Tương tự, Zeus không phải là vị thần có quyền lực vô biên mà cũng phải chịu thần phục “thời gian vạn năng” và “định mệnh khôn cùng” như Prometheus. Bài ode Prometheus cũng không đề cập đến hậu quả của thái độ không phục tùng Zeus của Prometheus. Nó đã được nhiều tác giả diễn giải bằng những cách khác nhau[4], nhưng tựu trung nó mô tả sự phản kháng quyền lực vô hạn, vị thế độc tôn, địa vị thống trị…  Qua đó, hình thành một mẫu người có tính tự lực, tự chủ, có tình cảm tốt đẹp với ý muốn giúp người khác cũng được như mình.

 Ghi chú:

[1] Xem Tôn Thất Thông, Thời đại Khai sáng ở châu Âu, Diễn đàn Khai phóng tháng 11-2019.

[2] Matthias Luserke-Jaqui, Sturm und Drang − Profil einer literaturgeschichtlichen Periode, in: Sturm und Drang − Epoche der Grenzüberschreitungen, Hamburg 2011. Tuy nhiên, đây có lẽ là thập niên hưng thịnh nhất của trào lưu.

[3] Từ „ode“ được nhiều người dịch không đúng là „tụng ca“ hay „bài thơ ca tụng“ vì hai từ này có nghĩa tương ứng với từ „hymn“. Có lẽ không thể dịch chính xác từ „ode“ nên đề nghị dùng ngay từ này, không dịch.

[4] Hartmut Reinhard, Prometheus und die Folgen, Goethezeitortal.de.

Prometheus_Carlo-Spiridione-Mariotti_WikiPD

Prometheus đem lửa đến cho người.
(Tranh của Carlo Spiridione Mariotti)
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/7/76/Mariotti_Prometeo