Trang chủ » QUÝ VỊ ĐÃ SUY NGHĨ THẤU ĐÁO ĐẾN TẬN CÙNG CHƯA?

QUÝ VỊ ĐÃ SUY NGHĨ THẤU ĐÁO ĐẾN TẬN CÙNG CHƯA?

Tháng Năm 2023
H B T N S B C
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031  

Tìm chuyên mục

Thư viện

Tác giả: Pankaj Mishra, phỏng vấn bởi Bernhard Zand, tuần báo Der Spiegel số 18/2022
Người dịch: Tôn Thất Thông.

Nhà tư tưởng nổi tiếng của Ấn Độ, giáo sư Pankaj Mishra tuyên bố: Các hành động của phương Tây chống lại Nga là không trung thực, đã đi quá xa và trên hết sẽ làm tổn hại các quốc gia nghèo ở Nam bán cầu.

Nhà tiểu luận kiêm nhà văn Mishra, 53 tuổi, là một trong những tiếng nói quan trọng nhất của Ấn Độ. Cuốn sách „Butter Chicken in Ludhiana“ và „Age of Wrath“ của ông là những cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới.

Pankaj Mishra, indischer Essayist, Literaturkritiker und Schriftsteller

SPIEGEL: Thưa ông Mishra, cuộc xung đột nào trong lịch sử mang tính tượng trưng nhất để hiểu về cuộc chiến Ukraine?

Mishra: Tốt hơn là không nên so sánh. Chưa bao giờ có một tình huống địa chính trị như hiện nay, trong đó các cường quốc hạt nhân như Nga và Trung Quốc đóng vai trò không nhỏ, và các quốc gia như Ấn Độ đóng một vai trò mơ hồ như hiện nay. Thậm chí có thể nguy hiểm khi tìm kiếm các biểu tượng lịch sử đơn giản trong tình huống này.

SPIEGEL: Bản thân ông gần đây đã đưa ra một so sánh: với vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Mishra: Nếu bạn hỏi về những câu chuyện mang tính cảnh báo, tôi thực sự sẽ nhắc bạn về phản ứng của phương Tây đối với sự kiện 11/9 – chứ không phải như bây giờ nhiều chính trị gia và nhà báo đang nhắc chúng ta về Hitler, Munich và chính sách nhân nhượng năm 1938. Những kẻ cuồng tín của al-Qaeda đã giết rất nhiều người vào ngày 11 tháng 9 và gây ra thiệt hại to lớn. Tuy nhiên, thiệt hại còn to lớn hơn là những phản ứng ngu ngốc tồi tệ đối với cuộc tấn công 11.9 – đó là sự mở đầu của một cuộc chiến chống khủng bố có sự tham gia của rất nhiều quốc gia và – như chúng ta biết bây giờ – đã kết thúc trong thất bại, nhục nhã và trong sự tan rã chính trị của cả vài vùng trên thế giới.

SPIEGEL: Điều đó dạy chúng ta điều gì về cuộc xung đột hiện nay?

Mishra: Vladimir Putin đối mặt với thất bại nhất định, giống như al-Qaeda hơn 20 năm trước. Nhưng nếu hôm nay bạn giải quyết nó quá đáng về quân sự, kinh tế và vũ khí chính trị, bạn gây thiệt hại lâu dài thậm chí còn lớn hơn.

SPIEGEL: Ông có nghĩ rằng các biện pháp chống lại Putin là quá đáng không?

Mishra: Tôi nghĩ rằng phản ứng đối với cuộc xâm lược của Nga là rất cực đoan. Và hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến Nga, các quốc gia trong khu vực và châu Âu, mà cả các quốc gia rất xa nước Nga. Điều gì xảy ra với các nước phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng và lương thực của Nga? Liệu Nga có nên luôn luôn bị tẩy chay? Liệu người Nga sẽ lật đổ Putin và tìm kiếm một nhà lãnh đạo thậm chí còn cực đoan hơn? Chúng ta biết rằng, ký ức về sự sỉ nhục quốc gia sẽ gây ra những điều bất hạnh lớn hơn nhiều.

SPIEGEL: Ông đề nghị ngừng chiến tranh như thế nào?

Mishra: Người Mỹ đã làm gì ở Afghanistan? Họ cuối cùng đã thương lượng. Họ đã thương lượng với chính những người mà ban đầu họ muốn tiêu diệt.

SPIEGEL: Ông định đàm phán như thế nào với một người mà hàng chục cuộc nói chuyện với các chính trị gia hàng đầu đã không ngăn cản ông ta khơi mào cuộc chiến này?

Mishra: Không có cách nào khác ngoài đàm phán. Tôi không phải là một chính trị gia, không phải là một nhà tình báo và cũng không phải là Bộ trưởng Bộ Tài chính, vì vậy tôi không thể giải thích điều này một cách chi tiết cho bạn. Nhưng tôi lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hiện nay cuối cùng sẽ phá hủy nền kinh tế Nga. Và điều đó liên quan đến một quốc gia, một cường quốc hạt nhân, được cai trị bởi một người – mà nhìn theo một cách nào đó – là một người điên.

SPIEGEL: Vẫn có thể nói chuyện với Putin sau những hành động tàn bạo ở Bucha? Ngay cả Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, người luôn ủng hộ đàm phán, giờ cũng đồng ý rằng, thật khó khăn để thương lượng.

Mishra: Sau sự tàn bạo mà người dân Ukraine phải chịu đựng, họ sẽ rất khó khăn để đàm phán. Nhưng Zelenskyy biết rằng ông ta không thể loại trừ nó. Có con đường nào khác dẫn đến công lý và hòa bình không? Phản đối leo thang quân sự và đánh võ miệng với một quốc gia hạt nhân là câu trả lời thích đáng cho cuộc khủng hoảng về đói và lạm phát đang lan tràn ở các nước Nam bán cầu?

SPIEGEL: Chính Putin là người đã kích hoạt phản ứng này.

Mishra: Vâng, nhưng phản ứng hiện nay chống lại ai bây giờ? Chống lại Nga – hay chống lại chính thế giới đã toàn cầu hóa? Hậu quả của chính sách này cuối cùng sẽ phá hủy kết cấu của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu. Phương Tây đang gửi tín hiệu rằng, họ có thể biến sự thống trị toàn cầu hóa của mình thành vũ khí. Ngoài Nga, tín hiệu này cũng được gửi đến các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, khiến họ có lý do để từ chối và thiết lập các pháo đài kỹ thuật số, hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài, đẩy lùi truyền thông phương Tây…

SPIEGEL: …điều mà Trung Quốc đã làm trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Có phải đã có một khối quyền lực thứ hai giống như trong Chiến tranh Lạnh?

Mishra: Mô hình Chiến tranh Lạnh lỗi thời – dân chủ chống lại chế độ chuyên quyền, như Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói – là sai lầm. Nó tạo ra ấn tượng rằng chỉ có hai khối quyền lực này. Trong thực tế, thế giới đã được liên kết sâu sắc với nhau. Bằng cách trừng phạt Nga, bạn đang vô tình trừng phạt nhiều quốc gia khác nghèo hơn. Bạn khuyến khích sự hoang tưởng và khuyến khích những kẻ chuyên quyền đi theo con đường mà Trung Quốc đang đi. Câu hỏi của tôi rất đơn giản: Quý vị đã suy nghĩ thấu đáo đến tận cùng chưa?

SPIEGEL: Ông nghĩ thế nào về từ tận cùng?

Mishra: Tôi không phủ nhận rằng phương Tây đang phải đối mặt với một thách thức to lớn. Kể từ thế kỷ 19, vấn đề là làm thế nào các nhà lãnh đạo và những người hưởng lợi sớm của sự hiện đại hóa, tức là Anh, Mỹ và Pháp, giải quyết các yêu sách của những kẻ đi sau – đầu tiên là Đức, sau đó là Nhật Bản và Nga và bây giờ là Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều cường quốc khu vực nhỏ hơn như Iran. Vào thế kỷ 20, hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc đã nổ ra. Sự chọn lựa này là không thể tưởng tượng được khi rất nhiều trong số này là các cường quốc có vũ khí hạt nhân. Chúng ta chỉ có thể tồn tại trong những năm tới nếu chúng ta nhận ra cục diện có một không hai này và tìm lời giải thích đáng cho nó.

SPIEGEL: Có phải bản thân Putin không phải là một chiến binh lạnh lùng, người mà trước cuộc chiến này, đã ký một bản tuyên ngôn với người đứng đầu nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong đó họ thách thức phương Tây hay sao?

Mishra: Trung Quốc và Nga ban đầu cũng muốn trở thành một phần của sự hiện đại của phương Tây. Putin khởi đầu là một “người phương Tây hóa”, việc ông trở thành một chiến binh lạnh lùng là bước phát triển sau này. Điều tương tự cũng thế đối với Trung Quốc. Điều cần chiêm nghiệm là: Chúng ta là một phần của trật tự thế giới do phương Tây tạo ra và chúng ta sẽ sử dụng trật tự đó. Chúng tôi để vốn phương Tây vào và đầu tư ngược lại vào phương Tây. Tuy nhiên, trong những năm qua, người ta nghi ngờ rằng toàn cầu hóa cuối cùng chỉ là phương tiện của phương Tây để đảm bảo quyền bá chủ của mình.

SPIEGEL: Putin là “người phương Tây hóa”? Một điệp viên KGB bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng một cuộc chiến tàn khốc ở Chechnya?

Mishra: Xin lỗi, chúng ta đừng viết sai lịch sử. Hãy nhìn tất cả các chuyến thăm của Putin tới Hoa Kỳ và Anh, nơi ông được George W. Bush và Tony Blair đón tiếp một cách long trọng: Putin đón nhận phương Tây, và phương Tây đón nhận ông – và các nhà tài phiệt của ông. Bất cứ điều gì ông ấy làm ở Chechnya đều không khiến ai bận tâm vì ông ấy là “người của chúng ta” vào thời điểm đó. Ông ấy là một đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ và Nga rất thân thiết trong mục tiêu đó.

SPIEGEL: Ngày nay, Trung Quốc gần với Nga.

Mishra: Suy nghĩ ở Trung Quốc và Nga trùng hợp một cách kỳ diệu. Tập Cận Bình đã đi một con đường khác dài hơn, chủ yếu liên quan đến nhiệm kỳ của Donald Trump và cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc. Trong mọi trường hợp, cả hai đều đi đến kết luận rằng họ phải dấn thân vào một con đường mà mục tiêu là chấm dứt sự phụ thuộc vào phương Tây. Đây là cơ sở của tình bạn giữa họ và là lý do tại sao Trung Quốc cho đến nay vẫn im lặng về Ukraine.

SPIEGEL: Tờ South China Morning Post mô tả ông là một người theo chủ nghĩa hiện thực “u ám” – và đặt ông đối diện với nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ Francis Fukuyama. Đối với Fukuyama, cuộc kháng chiến của Ukraine là sự tái sinh của »Tinh thần năm 1989« và nhắc nhở chúng ta về giá trị của trật tự thế giới tự do.

Mishra: Tôi nhìn thế giới và các xã hội mà tôi đến với bản chất thực sự của chúng. Bất cứ ai làm điều này đều phải sống với việc bị gọi là người bi quan. Nhưng tôi nghĩ, thật ngu xuẩn khi cho rằng, lịch sử một lần nữa sắp kết thúc với sự phục hưng toàn cầu của chế độ tự do. Chúng ta đã nghe từ 30 năm nay rằng nền dân chủ tự do của phương Tây là mô hình tối thượng và hầu hết các xã hội khác sẽ hướng về nó – mặc dù sự tự tâng bốc đó rõ ràng là đi ngược với thực tế.

SPIEGEL: 141 trong số 193 quốc gia đã đứng về phía Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, chỉ có 4 bỏ phiếu với Nga, và 35 bỏ phiếu trắng.

Mishra: Khoan đã, nếu bạn đếm dân số các quốc gia đã bỏ phiếu trắng hoặc từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, thì bạn đang đối mặt với đại đa số dân số trên thế giới [hơn bốn tỉ người]. Tất cả đều có động cơ riêng của họ để không ủng hộ các biện pháp trừng phạt và không lên án cuộc xâm lược. Trong mọi trường hợp, ý tưởng cho rằng toàn bộ cộng đồng quốc tế đoàn kết chống lại Nga là một chuyện tự đánh lừa mình.

SPIEGEL: Ông đang nói về các quốc gia. Trong trường hợp này, có lẽ người ta nên phân biệt rõ hơn giữa các chính phủ bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc và người dân của họ?

Mishra: Về điều đó, tôi chỉ có thể nói cho Ấn Độ và có thể cũng phát biểu cho Indonesia, nơi Putin được ưa chuộng một cách lạ kỳ. Điều đó thật đáng lo ngại, nhưng đối với nhiều người, ông ta được coi là người đang hành động chống lại một quốc gia vốn được phương Tây hậu thuẫn. Điều đó cũng đủ để một số người ủng hộ ông ta. Ở Ấn Độ, điều này cũng bao gồm nhiều người đang ủng hộ Thủ tướng Narendra Modi. Ở đây, chúng ta đang giải quyết một lĩnh vực công cộng bị phân mảnh, trong đó rất khó khăn để đạt được thống nhất, ngay cả khi đối mặt với sự việc hoàn toàn xấu xa, sự xâm lược Ukraine. Điều quan trọng là phải có sự đa dạng về động cơ để hiểu sự việc, thay vì nói chuyện đạo đức và đưa ra quyết định vốn dĩ có thể chứng minh là vội vàng và mang tính phá hoại.

SPIEGEL: Chuyện Ấn Độ không chống lại Putin làm nhiều người ở phương Tây thắc mắc.

Mishra: Tôi cá là nhiều người ở phương Tây thậm chí không biết rằng Ấn Độ dưới thời Modi đã phá hủy một cách có hệ thống quyền tự trị được bảo đảm theo hiến pháp của Kashmir. Không có gì được nghe từ phương Tây, chứ đừng nói đến bất cứ điều gì được thực hiện về nó. Và đó chỉ là một trong nhiều mâu thuẫn, xung đột. Các nước phương Tây đang đi đâu sau việc trừng phạt dầu mỏ của Nga? Họ đến Venezuela và Ả Rập Saudi. Nhiều người ở Nam bán cầu cũng cay đắng về việc phương Tây giàu có đã dự trữ vắc xin COVID như thế nào. Ở đây, lập trường đạo đức đột nhiên bị phơi bày là đạo đức giả và rỗng tuếch, và nó càng tăng cường những tiếng nói chống phương Tây ở các quốc gia nghèo hơn.

SPIEGEL: Làm sao các nước phương Tây có thể sử dụng sự thống nhất mới thành hình của họ để ngăn chặn điều đó?

Mishra: Nếu sự thống nhất này bị cạn kiệt, khi Nga và do đó nhiều nước phụ thuộc Nga bị trừng phạt, thì sự thống nhất đó là biểu hiện của tiêu cực và cuối cùng là đi đến phá hoại. Nếu nó hướng tới một điều gì đó lớn hơn, một phản ánh về cách ngăn chặn những tình huống như vậy trong tương lai, thì điều đó thật tuyệt. Mọi người cần phải suy ngẫm về những lỗi lầm mà họ đã gây ra.

SPIEGEL: Xét về một vụ xâm lược của một nước này sang nước khác, có phải là chuyện không thực tế, để yêu cầu cả hai bên cùng nhìn lại lỗi lầm của mình?

Mishra: Có người nói cách khác là, chỉ một bên phạm sai lầm. Điều đó nghe có vẻ ngớ ngẩn, thậm chí hoàn toàn ngu ngốc phải không?

SPIEGEL: Không, bởi vì Putin đang tấn công và bởi vì nó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chứ không phải về việc xem xét những nhầm lẫn về lịch sử.

Mishra: Điều quan trọng là phải hỏi xem chúng ta đã rơi vào tình huống này như thế nào và có thể học được gì từ đó. Chỉ nhìn vào hiện tại và áp dụng một lập trường đạo đức cao là nguy hiểm. Tất cả các cường quốc lớn và trung bình, dù bước vào thời hiện đại sớm hay muộn, đều đã phạm phải những tội ác kinh hoàng, từ chế độ nô lệ và chủ nghĩa đế quốc đến các cuộc chiến tranh xâm lược và diệt chủng. Ở giai đoạn muộn và quan trọng này trong lịch sử thế giới hiện đại, chúng ta đừng giả vờ rằng ai đó cũng vô tội.

Phỏng vấn: Bernhard Zand

Der Spiegel số 18/2022 (báo giấy)

Bản dịch từ tiếng Đức: Tôn Thất Thông

Có thể xem thêm bản phỏng dịch tiếng Anh: https://www.spiegel.de/international/world/indian-author-pankaj-mishra-on-the-war-in-ukraine-have-you-really-thought-this-through-a-83885b19-1fb0-43ae-a0f8-f60f4b61577e

Tác giả Pankaj Mishra sinh năm 1969 tại Ấn Độ. Nhà sử học từng là giáo sư thỉnh giảng tại Wellesly College và University College ở London. Bài viết của ông tập trung vào văn học du ký và các tác phẩm lịch sử được làm phong phú thêm bằng các truy vấn triết học.

Xem thêm các bài viết và dịch của Tôn Thất Thông