Trang chủ » TIẾT 3 – ĐẠO, BÀI 2

TIẾT 3 – ĐẠO, BÀI 2

Tháng Sáu 2024
H B T N S B C
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930

Tìm chuyên mục

Thư viện

Tác giả: ITÔ JINSAI (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Điều 2

Đạo là luân lý của con người để dùng hàng ngày trong cuộc sống (1), là con đường nên đi qua, không phải chờ dạy mới có, không phải chỉnh sửa mới đầy đủ tốt, tất cả đều được hình thành một cách tự nhiên (a). Cho đến cả bốn phương tám hướng, ngay cả nơi thấp hèn ở đồng quê, nơi ngu muội của các nước chưa phát triển; không có nơi nào mà tự nhiênkhông có luân lý của các quan hệ quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu, và đạo của thân, nghĩa, biệt, tự, tín (2). Từ hàng vạn năm từ trước và hàng vạn năm về sau đều như vậy, không có sự thay đổi. Do đó có câu nói “Đạo là thứ mà không thể tách rời trong giây lát” (Trung Dung).

Trong khi đó nội dung dạy (ý nói đạo) của Phật Lão thì không giống như vậy. Khi (nội dung dạy của Phật Lão còn được người đời) tôn kính thì tồn tại, nếu phế bỏ thì mất; tồn tại cũng không có tác dụng hoặc ích lợi (dụng), mất đi cũng không gây tổn thất gì. Vào các thời đại cổ xưa của các vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ thiên hạ đều thái bình, dân chúng đều sống thọ, dù không có Thích Ca và Lão tử người đương thời cũng không phải lo lắng. Từ khi Phật giáo và Đạo giáo bắt đầu thịnh hành thì số người ở địa vị vua tôn phụng 2 đạo này đông lên. Tuy nhiên tôn phụng nhiều thì xã hội loạn lớn, tôn phụng ít thì xã hội loạn ít (b). Hai đạo này không giống như Đạo thánh nhân của chúng ta một ngày không có đạo cũng không được nhưng 2 đạo này không giống như vây nên mới nói là “có cũng không ích lợi mà không có cũng không có tổn thất” .

Nguyễn Sơn Hùng
Dịch xong ngày 20/1/2024
Tu sửa bổ sung: 10/2/2024

(*) Nguồn: Itô Jinsai (1683): Ngữ Mạnh Tự Nghĩa (語孟字義)

Trở về trang chủ
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Ghi chú

(1) Căn cứ theo lời trong Hệ Từ Thượng Truyện của kinh Dịch: “Bách tính nhật nhi bất tri” (Người đời dùng đạo hàng ngày nhưng không biết đó là đạo).

(2) “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín.” (Bài 4 chương 5 Đằng Văn Công thượng, Mạnh Tử). Xem “Tham khảo thêm”. Nguyên văn trong sách Mạnh Tử quan hệ thứ 4 là “trưởng ấu” nhưng trong nguyên văn của Jinsai là “côn đệ” đồng nghĩa với “huynh đệ”. “Huynh đệ” trong trường hợp này nên hiểu là “trưởng ấu” hoặc “người đi trước và người đi sau”. Nếu không như vậy, quan hệ “thầy trò” là một quan hệ quan trọng của con người mà không được đề cập đến trong 5 quan hệ này.

Tham khảo thêm

(1) Phần đầu chương 5 của Hệ Từ Thượng Truyện: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo. Kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã. Nhân giả kiến chi vị chi nhân. Tri giả kiến chi vị chi tri. Bách tính nhật dụng nhi bất tri. Cố quân tử chi đạo tiển hỹ”一陰一陽之謂道。繼之者善也、成之者性也。仁者見之謂之仁。知者見之謂之知。百姓日用而不知。故君子之道鮮矣。Đại ý như sau.
   “Nhất âm nhất dương gọi là đạo. Những thứ kế tiếp của đạo thì tốt lành. Đạo tạo thành tính (bẩm sinh của con người). Người nhân thấy đó (đạo) gọi đó là nhân, người có kiến thức thấy (đạo) gọi đó là tri. Người đời dùng (đạo) hàng ngày nhưng không biết (đó là đạo). Do đó, đạo của người quân tử thì thật ít thấy.

(2) Xuất xứ của “ngũ luân” (nhân luân) (Phần giữa của bài 4 chương 5 Đằng Văn Công thượng, Mạnh Tử)

Hậu Tắc giáo dân giá sắc, thụ nghệ ngũ cốc. Ngũ cốc thục, nhi dân nhân dục.Nhân chi hữu đạo dã; bão thực, noãn y, dật cư nhi vô giáo, tắc cận ư cầm thú. Thánh nhân hữu ưu chi, sử Tiết vi Tư đồ, giáo dĩ nhân luânphụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín.

Phóng Huân viết: “Lạo chi, lại chi, khuông chi, trực chi, phụ chi, dực chi; sử tự đắc chi; hựu tùng nhi chấn đức chi.” Thánh nhân chi ưu dân như thử, nhi hạ canh hồ?” Đại ý như sau.

“(Tiếp theo) (Vua Thuấn) bổ nhiệm cho ông Hậu Tắc phụ trách nông nghiệp, dạy dân các cách trồng trọt ngũ cốc tốt. Kết quả thu hoạch ngũ cốc tốt, mọi người đều no đủ có thể sống thọ. Tuy nhiên mặc dù ăn mặc no đủ có thể sống an nhàn nhưng nếu không có giáo dục thì gần giống như loài cầm thú. Do đó, thánh nhân (tức vua Nghiêu, vua Thuấn) lo lắng việc này nên mới bổ nhiệm ông Tiết phụ trách công việc giáo dục dân chúng để dạy dân đạo làm người. Nghĩa là, giữa cha mẹ và con cái thì cần có sự thân thuộc gần gũi (thân), giữa vua và bề tôi thì cần đối xử đúng (nghĩa), giữa người lớn tuổi và người ít tuổi cần có thứ tự (tự), giữa vợ chồng cần có phân biệt vai trò rõ ràng (biệt), giữa bạn bè cần có sự tin tưởng nhau (tín). (Các quan hệ này gọi là ngũ luân).

Phóng Huân (tức vua Nghiêu) nói: “Nên biết công ơn cực nhọc của dân để khích lệ họ, ai có lòng sai lệch thì tu sửa tâm họ thành đúng, ai không đủ tài sức thì giúp đỡ họ, sao cho họ tự biết được đâu là con đường đúng của mình, sau đó hãy thi ơn huệ cho họ, hãy làm cho dân chúng được thịnh vượng”. Người gọi là thánh nhân là biết lo lắng cho dân, phải làm chính sách này chính sách nọ, làm gì còn thời giờ để canh tác”.

(Trên là nội dung của Mạnh tử trả lời cho Trần Tương về chủ trương của Hứa Hành rằng “vua phải tự canh tác cho phần ăn của mình để hiểu sự khó nhọc của dân”. Yoshida Shôin (1830~1859), nhà lãnh đạo tinh thần của Minh Trị Duy Tân, trong “Giảng Mạnh Tráp Ký” viết: “Nếu cho Hứa Hành sai hết tức là sai lầm lớn”. Ý nói “Người phụ trách quản trị dân cần phải biết sự nhọc của dân” dù không có thời giờ để làm những việc giống như dân làm).

   Trong Luận Ngữ không có bài nào đề cập về ngũ luân và đầy đủ một lần như trong sách Mạnh Tử. Và khi Mạnh tử đề cập đến tứ đoan chỉ nói về nhân, nghĩa, lễ, trí (tứ đức) không có nói về “tín”. “Tín” là do Đỗng Trọng Thư (179 TCN ~ 104 TCN) thêm vào sau này, ông căn cứ theo thuyết ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa và thổ.

Nên lưu ý bài này nói về thânnghĩabiệttự và tín không nói về nhânnghĩalễtrí và tín (tức ngũ thường). Nên lưu ý theo bài này, ngũ luân có từ thời Nghiêu Thuấn chớ không phải Khổng tử hay Mạnh tử đặt ra.

Nhận xét

Về nội dung nguyên tác

(a) Cách nói “không phải chờ dạy mới có, không phải chỉnh sửa mới đầy đủ tốt, tất cả đều được hình thành một cách tự nhiên” của Jinsai có thể làm độc giả hiểu nhầm và cho thấy ông tự mâu thuẫn, chính người dịch mới đầu cũng đã hiểu nhầm! Bởi vì nếu “không phải chờ dạy mới có, không phải chỉnh sửa mới đầy đủ tốt” thì thánh nhân cần đặt ra đạo và thuyết dạy, và thực hiện công việc “giáo” để làm gì?

Sau khi suy nghĩ lại mới hiểu ý Jinsai là muốn nhấn mạnh ở điểm bẩm tính của người vốn thiện tốt từ ban đầu, nghĩa là ý nói bẩm tính tốt đẹp của con người là do hình thành tự nhiên. Phần lời trước từ “tự nhiên” của toàn câu là để giải thích từ này nhưng vì cường điệu tính thuyết phục của đạo Khổng Mạnh sinh ra mâu thuẫn. Nhưng đó chỉ là phần “nhân nghĩa lễ trí” tức tứ đức (liên quan đến tứ đoan, theo thuyết của Mạnh tử). Đối với ngũ luân thì cần phải nói là thánh nhân căn cứ vào kinh nghiệm sống của xã hội từ trước. Biết rằng 5 quan hệ: quân thần (cấp trên và cấp dưới), phụ tử, phu thê, trưởng ấu, bằng hữu là bao gồm tất cả các quan hệ giữa người và người là thiết yếu trong đời sống con người nhưng không thể nói là khi sinh ra đời ai cũng biết đầy đủ 5 quan hệ này. Để tránh hiểu lầm nên nói: Đạo là con đường nên đi qua mà thánh nhân đã căn cứ vào bẩm tính tự nhiên của con người và kinh nghiệm để con người có thể sống hòa bình trong quá khứ để  lập ra để nhắc nhở và khuyên mọi người (nên tuân theo). Nội dung của Điều 5 của cùng Tiết 3 Đạo chứng minh cho giải thích của người dịch.

(b) Jinsai đưa ra nhận xét không có chứng cứ cụ thể không sức thuyết phục. Có thể do đạo đức của xã hội suy đồi đúng vào lúc các vua tin nhiều vào Phật Lão. Đưa ra nhận xét khách quan và chính xác không phải dễ dàng. Các nhà Nho học khác của Nhật Bản như Nakae Tôju, Kumazawa Banzan cũng phạm khuyết điểm này.

Theo người dịch biết là do sự quá tôn sùng Phật giáo từ thời thiên hoàng Shômu (Thánh Vũ, tại vị 724~749) nên tăng Dôkyô (Đạo Kính), người được nữ thiên hoàng Hiếu Khiêm (Kôken, tại vị 749~758), nên khi lên ngôi lần thứ 2 với danh xưng thiên hoàng Xứng Đức (Shôtoku, tại vị 764~770), bà phong cho Dôkyô một chức vụ đặc biệt tên là Daijôdaijin Zenshi (Thái chính đại thần thiền sư), có quyền lực của một vị tể tướng kiêm giáo chủ (Hôô = pháp vương), một chức vụ trước nay chưa từng có. Sau đó bà lấy cớ là có lời của thần ở đền Usa Hachiman Jinguu ủy thác để  mưu tính đưa cả Dôkyô lên ngôi thiên hoàng. Tuy nhiên nhờ các đại thần hiệp lực ngăn cản nên không thành công (1). Nếu không, hệ thiên hoàng Nhật Bản không còn giữ được huyết thống cho đến ngày nay. Không biết trong những sự kiện mà Jinsai căn cứ có sự kiện này không?

Tổng hợp

(1) Sống trong xã hội con người, ứng xử đúng đối với các quan hệ giữa bản thân và người khác rất quan trọng, là điều ai cũng hiểu rõ không cần phải nói nhiều. Ưu điểm của Khổng Mạnh học là nêu ra 5 quan hệ như trong sách Mạnh Tử, không thừa cũng không thiếu. Đây là điều hiếm thấy trong cách sách Tây phương.

Điều nên lưu ý về cách hiểu 5 đạo của ngũ luân (còn gọi là ngũ giáongũ điển): thân, nghĩa, biệt, tự và tín, và ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín. Bởi vì nghĩa và tín trong ngũ luân trùng hợp với nghĩa và tín trongngũ cương nên có thể hiểu sai rằng đối với đạo của quân thần chỉ cần giữ nghĩa là đủ, đối với bằng hữu chỉ cần giữ tín là đủ, hiểu như vậy là sai. Làm người trước hết đối với mọi người cần phải có nhân, nghĩa, lễ, trí và tín nhưng đối 5 quan hệ của ngũ luân thì “thân, nghĩa, biệt, tự và tín” là đặc biệt quan trọng nhất đối với mỗi quan hệ tương ứng.

(2) Một điểm đặc biệt đáng lưu ý là theo Jinsai Khổng Mạnh học cho rằng “Đạo là luân lý của con người để dùng hàng ngày trong cuộc sống, là con đường nên đi qua, không phải chờ dạy mới có, không phải chỉnh sửa mới đầy đủ tốt, tất cả đều đều được hình thành một cách tự nhiên.” Có nghĩa là Khổng Mạnh chủ trương “đạo làm người được hình thành một cách tự nhiên”, không phải chờ dạy mới có, không phải chỉnh sửa mới đầy đủ tốt” (Xem thêm Điều 5 của Tiết 3 Đạo). Tại sao vậy? Bởi vì như trong Tiết 9 Tâm Tứ Đoan đã giới thiệu Khổng Mạnh học cho rằng bản chất tức tính của con người vốn thiện, nhân, nghĩa, lễ và trí vốn có từ lúc chào đời. Bởi vì tính này bị ảnh hưởng chung quanh làm lu mờ hoặc bị quên đi nên thánh nhân chỉ nhắc nhở nên trở lại bản chất thiện vốn tự nhiên đã có từ ban đầu chớ không phải do thánh nhân bắt ép phải chỉnh sửa. Có lẽ bởi vì Tống Nho quá chú trọng về lý luận, lý thuyết nghiên về trừu tượng cao xa bỏ quên phần thực tiễn nên đã không nhấn mạnh ở điểm này nên người đời ít có được nhận thức điểm đặc biệt này của Khổng Mạnh học. Đây là một đặc sắc lớn của Cổ Nghĩa học (môn học tìm hiểu ý nghĩa thật sự của Khổng Mạnh học) mà Jinsai là người đầu tiên khởi xướng ở Nhật Bản.

Quan niệm không cưỡng bách đè ép trong giáo dục này không khác biệt quan niệm giáo dục cận đại ngày nay.

Tài liệu tham khảo

(1) Nguyễn Nam Trân (2013): Giáo Trình Lịch Sử Nhật Bản, Mục 7.3, Tiết 7, Chương II của Phần I:

http://chimviet.free.fr/vannhat/nguyennamtran/GiaoTrinhLSNhatBan/NNT_GTLichSuNB_1_ch02.htm

Điều 3

Mạnh tử nói “Đạo giống như đại lộ (con đường lớn) thì làm sao khó biết được? (1) . Đại lộ là nơi để mọi người tôn quý hoặc ti tiện qua lại giống như 5 kỳ 7 đạo của nước ta, 17 đạo của Trung Quốc đời Đường, 23 lộ đời Tống (2). Từ cấp trên như vương công, đại nhân cho đến cấp dưới như thương gia, người giữ ngựa, nô bộc đi khập khiễng, không ai mà không đi qua. Nếu như chỉ có vương công, đại nhân đi qua được mà một người đàn ông thông thường (thất phu), một phụ nữ thông thường không thể đi qua được thì không phải là đạo. Nếu như người tài giỏi đi qua được mà người ngu xuẩn không đi qua được thì không phải là đạo. Do đó Mạnh tử mới nói “Đạo là giống như đại lộ”. Việc phân biệt là đạo hay không, là xem mình có thể yên tâm gắng sức thực hiện được nó hay không (yên an dự yên miễn). Những nội dung như của Phật Lão và Thiền Nho cận đại đề xướng lý lẽ () hư không cao siêu khó nương cậy tới, các đạo này thích giảng dạy việc cao xa không thể đạt tới. (Người đời thường hay) Không kỳ dị thì không hài lòng, không cao xa thì không lấy làm kinh ngạc. Những nội dung như thế thì làm sao có thể là đạo thông dụng trong thế giới cho suốt muôn đời và không thể xa cách được? Do đó nếu muốn phân biệt sự chân giả và đúng sai giữa Nho học chúng ta và các dị đoan thì không cần phải tốn nhiều lời, chỉ cần quan sát xem xét nội dung có thể tách rời với cuộc sống hàng ngày của chúng ta hay không là đủ.

Ghi chú

(1)   “Phù, đạo nhược đại lộ nhiên. Khởi nan tri tai? Nhân bệnh bất cầu nhĩ. Tử qui nhi cầu chi; hữu dư sư.” (Bài 2 chương 12 Cáo Tử hạ, Mạnh Tử).

(2)   “Đạo, kỳ” là đơn vị hành chính của Nhật Bản trước Minh Trị duy tân. Đạo và lộ là đơn vị hành chính của Trung Quốc vào đời Đường và đời Tống theo thứ tự.

Tham khảo thêm

Bài 2 chương 12 Cáo Tử hạ, Mạnh Tử

Nội dung Bài 2 như sau.

Tào Giao (em của vua nước Tào) hỏi Mạnh tử: “Người ta nói: “Con người tất cả đều có thể trở thành thánh nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn, không biết có thật không?”

Mạnh tử trả lời: “Thật như vậy”.

Tào Giao hỏi: “Thân hình Văn vương cao 10 xích (cuối đời Chu 1 xích=20.5cm), Thang vương cao 9 xích. Tôi cao 9 xích 4 thốn (thốn=1/10 xích), rất cao nhưng không có khả năng gì cả, chẳng khác gì kẻ ăn không ngồi rồi. Tôi nên làm thế nào?”

Mạnh tử nói: “Để trở thành vua Nghiêu, vua Thuấn, tại sao lại liên quan đến chiều cao của thân hình. Chỉ cần thực hiện đạo đủ trở thành vua Nghiêu, vua Thuấn là được. Giả sử bây giờ ở đây có một người mà ngay cả một con vịt con cũng không nhắc lên được thì hãy cho rằng người đó không có sức lực. Ngược lại, nếu như có thể nhắc lên được 100 cân thì hãy cho là người có sức lực đi.

Như vậy, nếu như người nào có thể nâng lên được một vật nặng mà ngày xưa Ô Hoạch, người được xem là người có sức mạnh, đã nâng lên được thì có thể nói người đó là Ô Hoạch. Do đó, không cần phải lo sợ có việc mà con người không thể làm được. Vấn đề là có muốn nỗ lực làm hay không”.

Thí dụ, việc đi từ từ theo sau người cấp bậc trên gọi là hành vi có đức đễ (thuận, biết đạo ứng xử với người trên). Ngược lại, đi nhanh vượt qua người cấp bậc trên gọi là hành vi bất đễ. Việc đi từ từ vốn không phải là việc con người không làm được nhưng bởi vì không muốn làm mà thôi. Căn bản của đạo vua Nghiêu, vua Thuấn chỉ là đạo của hiếu đễ như nói trên mà thôi. Bởi vậy nếu ông mặc y phục vua Nghiêu mặc, nói lời vua Nghiêu nói, làm việc vua Nghiêu làm thì ông là vua Nghiêu. Ngược lại, nếu ông mặc y phục vua Kiệt (vị vua xấu) mặc, nói lời vua Kiệt nói, làm việc vua Kiệt làm thì ông là vua Kiệt.

Nghe vậy, Tào Giao nói “Giao này sẽ đi yết kiến vua nước Trâu (nơi Mạnh tử đang sống) mượn nơi trọ để ở lại đây tiếp nhận lời dạy của tiên sinh”.

Mạnh tử nói: “Không cần phải như vậy. Đạo vốn là con đường rộng lớn ai cũng có thể hiểu được, chỉ sợ không chịu tìm kiếm mà thôi. Nếu như ông trở về nước tiếp tục việc tìm đạo, người ông có thể nhận làm thầy có rất nhiều.”

Nhận xét

Thông thường chúng ta nghĩ rằng chỉ cần lời nói và việc làm là đủ. Tại sao Mạnh tử lại thêm việc mặc y phục? Thật sự cần thiết không, nếu có thì tại sao? Quý độc giả nghĩ là do lý do gì?

Điều 4

Trong các kinh sách cổ điển, chúng ta không thể tìm thấy từ “đạo thể” (bản chất của đạo). Từ ngữ này do Tống Nho đặt ra. Y Xuyên lấy “Âm dương vô đoan, động tĩnh vô thủy” (Đối với âm dương không có đầu mối, đối với động tĩnh không có bắt đầu) (1) làm đạo thể. Hối Am lấy lý sở dĩ nhiên (lý do mà sự vật có như đang có) không mùi vị, không âm thanh làm đạo thể (2). Đối với giải thích của 2 Nho gia này, giải thích của Y Xuyên thì gần với chủ trương “Nhất âm nhất dương gọi là đạo” nhưng ông đã không đặt ra từ ngữ “đạo thể”. Trong khi kinh Dịch lấy khí 気để nói về đạo, còn Y Xuyên lấy lý để nói về đạo. Do đó 2 nội dung giải thích rất giống nhau nhưng ý muốn nói khác nhau. Đối với giải thích của Hối Am thì trong các kinh sách của thánh nhân vốn không có lý (giải thích căn nguyên) như vậy. Tôi nghĩ rằng, cách giải thích này là có nguồn gốc từ thuyết hư vô của Lão Trang. Có người cho rằng “Thuyết của họ Chu có xuất xứ từ đạo trong hình nhi thượng của kinh Dịch và khí 器 (vật chứa đựng đồ vật)” của hình nhi hạ trong kinh Dịch” . Tôi cho rằng “Ý kiến trên là do người đề xướng học giải thích của họ Chu nhưng đã hiểu sai ý của tác giả. Nếu dùng thí dụ của quạt gió mà nói thì cách hiểu trên giống như sau. Việc phát sinh ra gió là đạo của quạt (hình nhi thượng); vật liệu giấy của quạt là khí器 (hình nhi hạ). Sự “bốc lửa, cháy lên” là đạo của lửa và “làm ướt và chảy xuống thấp” là đạo của nước. Trong khi đó, ý của Chu tử như sau, khí 器là sự phát sinh ra gió của quạt; đạo là , là lý do (sở dĩ) phát sinh ra gió. Như vậy (nhưng hiểu như Chu tử cũng) là sai lầm. Tại sao lại có thể lấy khí 気 làm khí器được? (ý nói, không thể lấy khí 気 làm khí器được bởi vì Jinsai cho rằng việc phát sinh ra gió là đặt tính của quạt là khí của quạt chớ không phải khí器).

Nhận xét

Do không có kiến thức khoa học như ngày nên giải thích đạo của lửa, nước và sự phát sinh ra gió ở trên đều không đúng.

Như chúng ta biết nguyên nhân của lửa là tác dụng của oxy trên vật chất có đặc tính cháy được đạt đến đủ điều kiện nhất định sẽ phát sinh ra ra nhiệt và ánh sáng. Đặc tính “làm ướt, và chảy xuống thấp” là do cấu tạo phân tử của nước, và do tác dụng lực hút của trái đất. Nguyên nhân của phát sinh gió của quạt là do sức cản không khí của quạt.

Điều 5

Phật thị lấy không空làm đạo, Lão tử lấy  虚làm đạo. Tôi nghĩ rằng Phật thị xem đại địa, sông núi tất cả đều là ảo tưởng hoặc vọng tưởng, Lão tử thì xem tất cả mọi vật sinh ra từ không. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trời thì vĩnh viễn lúc nào cũng bao trùm và đất thì vĩnh viễn lúc nào cũng chở chứa, mặt trời vĩnh viễn luôn luôn soi sáng, mặt trăng vĩnh viễn luôn luôn ở trên rọi xuống, 4 mùa vĩnh viễn lúc nào cũng di chuyển, núi non vĩnh viễn luôn luôn đứng trơ trọi, sông ngòi vĩnh viễn luôn luôn lưu chảy không ngừng. Những vật có lông (như chim), có lông (như thú), có vảy (như cá), trần truồng, có rễ, có dây leo vĩnh viễn lúc nào cũng đều như vậy. Thứ thay đổi hình dạng thì vĩnh viễn lúc nào cũng thay đổi hình dạng, thứ ở dạng khí thể thì vĩnh viễn lúc nào cũng ở trạng thái khí thể, lưu chuyển tuần hoàn từ trạng thái lỏng rồi bốc hơi, kế đến ngưng động lại thành chất lỏng vĩnh viễn không ngừng; sinh ra rồi trưởng thành lớn lên, vô tận không cùng. Tại sao lại cho đó là không hoặc  ? (ý nói, không thể xem đó là hư hoặc không). Tôi nghĩ rằng Phật Lão dùng trí tuệ nhưng lại phế bỏ việc học, ẩn cư trong rừng núi, ngồi yên để có được tâm lắng động, chủ trương hư không này chỉ là một loại ý kiến, cách nhìn (quan niệm), thật ra dù ở trong hay ở ngoài trời đất cũng không có cái lý như vậy. Ngay từ ban đầu cha con vốn thân thuộc nhau, vợ chồng thương yêu nhau, đồng tuổi thì hay bắt chước nhau, không phải chỉ có con người mới có đạo mà đồ vật cũng có đạo. Không phải động vật mới có đạo mà các thứ không có trí tuệ như tre trúc như cây cỏ, loài chim muông cũng biết phân biệt mẹ con. Đó là chưa kể đến việc tâm tứ đoan, lương tâm và lương năng có ở mỗi cá thể, không phải chỉ có ở người quân tử mới có mà ngay cả người ăn xin ở ngoài đường cũng đều có. Thánh nhân chỉ lấy các thứ này (tâm tứ đoan, lương tâm và lương năng) làm phẩm tiết mà giảng dạy, giáo hóa người đời chứ không phải cưỡng ép.

Do đó, sách Trung Dung viết “Cho nên đạo của người làm vua là đặt nền tảng ở hành động và lời nói của chính bản thân mình để làm gương mẫu cho dân chúng. Cần phải luôn luôn kiểm chứng xem xét dân chúng có tin tưởng ở mình mà noi gương theo không. Ngoài ra, tham khảo, đối chiếu việc làm, chính sách của mình với các vị vua hiền của 3 đời Hạ, Ân và Chu xem mình có lầm lỗi gì không. Xem chính sách quản trị dân, xây dựng đất nước có trái nghịch với quy luật tự nhiên của tạo hóa không. Đem việc làm của mình hỏi các bậc linh thiêng như quỷ thần có thấy nghi ngờ không đúng không. Đối với các thánh nhân của trăm đời sau cũng chắc chắn việc làm của mình là thích đáng.” (1) Do đó, đạo của thánh nhân không những có thể thực hiện để là gương mẫu cho dân chúng mà khi tham khảo so sánh với các vị vua hiền của 3 đời ngày xưa, kiến tạo của trời đất, chất vấn của quỷ thần cũng không có gì trái nghịch không phải. Đối với các học thuyết của Phật Lão nếu đem kiểm chứng với trời đất, nhật nguyệt, núi sông, thảo mộc, các thứ của người và vật tất cả không có cái gì là có triệu chứng cho thấy phù hợp. Kết cuộc chúng ta nên hiểu rằng trong trời đất không có cái lý (hư không) này.

Ghi chú

(1) Trích dẫn của tiết 5 chương 29 của Trung Dung: “Cố quân tử chi đạo, bản chư thân, trưng chư thứ dân; khảo chư tam vương, nhi bất mậu; kiến chư Thiên địa, nhi bất bội; chất chư quỉ thần, nhi vô nghi; bách thế dĩ sĩ thánh nhân, nhi bất hoặc. 故君子之道,本諸身,徵諸庶民,考諸三王而不繆,建諸天地而不悖,質諸鬼神而無疑,百世以俟

聖人而不惑。

Nhận xét

Nhận xét của Jinsai “đồng tuổi thì hay bắt chước nhau” rất hay, nhắc nhở chúng ta việc chọn bạn cho trẻ em sinh hoạt chung rất quan trọng. Người đời thường không để ý đến điều này.

Nguyễn Sơn Hùng

Tu sửa và bổ xung xong ngày 19/5/2024