Trang chủ » Nhân mùa khai trường, vài đề nghị cụ thể về giáo dục

Nhân mùa khai trường, vài đề nghị cụ thể về giáo dục

Tháng Ba 2023
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thư viện

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai

Thời sự của mùa khai trường năm nay là chuyện thi tốt nghiệp phổ thông bằng trắc nghiệm cho năm 2017, hay chuyện TP Hồ chí Minh cấm học thêm – dạy thêm. Trước đó cũng có chuyện học sinh bỏ học.

Bài này đặt trọng tâm trên vài đề nghị có tính bền vững cho những cải tổ giáo dục cần làm để hướng tới một trường học hiện đại, nơi thầy và trò cùng hạnh phúc làm việc, để các em tiến tới việc làm chủ một số tri thức và kỹ năng có thể giúp chúng sống chung với người khác trong một xã hội bình an.

  1. Đề nghị đầu tiên: về tầm quan trọng của trường mầm non

Nói đến thế hệ trẻ thì có lè ta phải chú tâm đến trẻ mầm non trước nhất, hay nói khác đi, “dạy con thì dạy thuở còn thơ”.

Đầu tư cho mầm non là …một vốn bốn lãi. Tại sao? Vì cho trẻ từ ba tuổi, như tờ giấy thấm, dạy tốt thì sẽ có kết quả dài lâu. Có nhà giáo dục như Rachel Cohen từ những năm 1980 đã đấu tranh cho việc khai tâm sớm (1). Các nhà thần kinh học cũng nói đến những “tiếp thu căn bản”, kiểu tương đương trong sinh học “cellule  souche” – tế bào gốc –  nếu ta tiếp tục dùng từ ngữ theo các bác sĩ.  UNICEF cũng có cùng quan điểm (2).

Xin lặp lại: Các lớp mẫu giáo vô cùng quan trọng: đó là thời điểm các cháu tập tành cấu tạo bản thể và học sống với người khác.  Mẫu giáo là những lớp đầu tiên trẻ tiếp xúc với trường – “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Nghìn năm chưa dễ đã ai quên” –  Những lớp mẫu giáo ghi dấu hằn, gần y như câu thơ của Thế Lữ. Những lớp đó chuẩn bị cho trò vào tiểu học rồi trung học cơ sở và trẻ đã có khả năng sáng tạo từ tuổi mầm non. Các hình thức lớp học đảo ngược, chẳng hạn, hoàn toàn có thể áp dụng cho trẻ từ 3-5 tuổi.

Dựa trên kinh nghiệm mầm non ở Bỉ, dưới đây là  hướng đi có thể của mầm non (3)

Sáu …cái học được ở trường mầm non

Học tự tin ở mình để thoải mái trong thân thể mình, có kỹ năng đối diện với mình, biết trọng bản thể của mình trong tiếp xúc với những trẻ đồng trang lứa, hay với người lớn, trong những hoàn cảnh và ở những môi trường khác nhau. Nói một cách nôm na : bé sẽ không rụt rè bám vào váy mẹ khi rời mái ấm gia đình.

Học tự lập. Ở trường, không có mẹ bên cạnh, mỗi cô giáo phải lo cho trên dưới 20 trò, dù muốn hay không các cháu phải bươn chải giải quyết những vấn đề cá nhân. Quen bươn chải một mình các cháu sẽ đi tới suy nghĩ một mình và có ý kiến cá nhân. Dĩ nhiên thỉnh thoảng có cháu cũng cần sự giúp đở của người lớn – nếu không thì cô giáo thất nghiệp sao ! Sống trong cộng đồng, cũng có thể giữa bạn bè với nhau, các cháu tương trợ nhau và giúp đở nhau trên con đường học tự lập.

Tự lập và giúp nhau tự lập cũng là cách các cháu học cách sống trong xã hội, sống với người khác và vần tương thân tương trợ với người khác.

Học nghe và học nói là bước khởi thủy, tối cần cho cuộc sống. Con người là một con vật biết nói nhưng đồng thời ta sống trong xã hội, ta cần nghe nữa. Nghe là kính trọng người nói. Ở trường mầm non, nói ở đây không chỉ là ngôn ngữ bằng lời một vốn ngôn từ đủ để hiểu người khác (+/- 800 – 1000 chữ – cho các trẻ nói tiếng Pháp) mà còn là khả năng diễn tả và giải mã các ngôn ngữ của cơ thể, các ngôn ngữ của hình ảnh.

Đồng thời các cháu tập tành để có khả năng làm câu diễn tả những cảm nhận, những ý nghĩ và những gì các cháu cần.

Ở trường mầm non có muôn vàn cơ hội để học nghe và nói. Khi đối thoại với cô giáo và với bạn, khi nghe kể chuyện hay khi chính các cháu kể chuyện, khi các cháu cùng làm việc trong các nhóm nhỏ, khi cha mẹ các cháu nói chuyện với cô giáo, khi các cháu cùng cô xem TV hay xem kịch, xem hát.

Học thiết kế các hiểu biết. Ở nhà thì chỉ quanh quẩn trong bếp với mẹ nhưng ở trường, dù chỉ là trường mầm non, các cháu bắt đầu khám phá thế giới của hiểu biết. Chưa biết đọc nhưng các cháu bắt đầu tiếp cận với sách, nghe đọc và hiểu truyện qua các tranh hình ảnh và màu sắc minh họa. Các cháu bắt đầu khám phá khả năng của ngũ quan và dùng ngũ quan để thu lượm kiến thức : nghe, thấy, ngữi, sờ, nếm và từ đó đếm, xếp loại, so sánh, đánh giá, nhớ, … những phương thức tối cần cho sự học sau này.

Khám phá môi trường để có thể sống và làm chủ môi trường là nội dung của chương trình mầm non. Các cháu quan sát thời tiết, học cách xem giờ, phân biệt bốn mùa, xếp loại các loại hoa quả, các loại lá cây, thú vật, …

Chỉ mới ở mầm non thôi mà kiến thức của các cháu đi những bước bảy dậm …

Học sáng tạo tập tành các cháu khả năng diễn đạt ý tưỡng của mình, những tưỡng tượng, sáng tạo, vẽ, nặn, sơn, múa hát, … với hai bàn tay của mình, với tiếng nói, với thân thể, … Cho các cháu gia nhập vào thế giới phong phú và không có giới hạn của các ý tưởng, kể cả những ý tưởng xa vời nhất.

Cô giáo ở đó  khuyến khích sáng tạo bằng cách kể cho trò nghe các chuyện thần tiên, các văn hóa xa lạ, cho các cháu tiếp xúc với những dụng cụ khác nhau, những kỹ thuật các loại, với nghệ thuật, nhiều hình thức khác nhau về cái đẹp, cho các cháu thấy là mộng mơ không chỉ là hoang đường.

Được thỏa mản các nhu cầu tình cảm. Điều cuối cùng này các cháu không phải học mà trường mầm non phải bảo đảm cho các cháu.

Thật vậy, dù đã đi học nhưng cháu nào cũng cần được yên ổn, được đón tiếp một cách nồng nhiệt, ở trong một môi trường đầy tín cậy, được săn sóc và có những vòng tay trìu mến ấp ủ.

Trường mầm non là trường «học chơi» chứ chưa «học thật», kỷ luật phải được thay thế bằng tình thương, chú tâm đến sự thoải mái từ vật chất đến tâm sinh lý của trẻ, không áp đặt một thời dụng biểu khắc khe, cho trẻ có nhiều liên hệ có chất lượng với ê-kíp giáo viên và lúc nào cũng chủ tâm chú ý đến hạnh phúc của các cháu.

Tất cả những “môn học” này đều được chuẩn bị đàng hoàng trong giáo án (mục tiêu của tiết “học”, nội dung, phương pháp, kết quả dự trù, tiện lợi và khó khăn phải vượt qua …) của các giáo viên trường mầm non.

Chương trình học mẫu giáo cũng nặng như chương trình … đại học. Cái khác là các cháu hoàn thành chương trình dễ như chơi, mà chơi thật và phần lớn là nhờ công của các giáo viên.

Tựu trung lại, các “môn học” này là các “môn chơi”, các món “khai vị”, để các cháu đi vào “bữa tiệc” học hành khi vào lớp 1 với những hành trang vững chắc.

  1. Đề nghị thứ nhì: về công tác đào tạo giáo viên

“Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Nhưng không có thầy giỏi thì không làm sao có trò hay chữ. Sau củng cố giáo dục mầm non là phải cải tổ đào tạo sư phạm và cập nhật hay tái đào tạo một triệu giáo viên tại chức. Đây là một chuyện cần cố gắng và kiên trì vì bất cứ thay đổi nào cũng rất là khó khăn, vì giáo viên đã có những tập tính. Muốn thay đổi thì phải xóa những thói quen cũ và tạo thói quen mới. Mà trong thuật ngữ xã hội học, ta nói phải désocialiser – từ bỏ những tiếp thu vốn có –  rồi  resocialiser – để học lại những cách làm mới –

Tầm quan trọng của đào tạo giáo viên có lẻ chưa được chủ ý đúng mức. Mà không có thầy giỏi thì khó mà hoàn thành các mục tiêu giáo dục.

Cải tổ đào tạo giáo viên để trong thời gian ngắn nhất có một đội ngũ người dìu dắt trẻ, những người có năng lực thay đổi học đường.

Các lớp học đảo ngược, các lớp học không thầy và không giáo trình là những bước tiến mới nhất của giáo dục hiện thời. Có thể ta không cần tạo “choc” hay “bất an” cho các giáo viên tương lai với những phương thức “cách mạng” đến như thế.

Nhưng tâm lý nhi đồng, dạy lấy trò làm trung tâm, các hình thức giáo dục theo chủ đề, dự án, dạy theo nhóm, đánh giá đào tạo, … là những cơ sở mà bất cứ giáo viên tương lai nào cũng phải nằm lòng.

Trao quyền cho trò, liên hệ đồng hàng, dạy theo nhu cầu của trò để trò phát triển, … là những sợi chỉ đỏ mà các giáo viên tương lai cần tiếp thu và có khả năng  “dịch” ra bằng những phương thức dạy cụ thể mỗi ngày.

Nhiều nhà giáo than là các phương thức sư phạm mới không khả thi cho một lớp mà sỉ số quá đông. Đối với người viết bài này vấn đề sỉ số là một vấn đề … giả, có thể giải quyết được bằng cách cho các em học theo nhóm, tự lực tự quản. Học với bạn là một hình thức vừa dễ thực hiện vừa rất hiệu quả.

Trong một chừng mực nào đó, việc cải tổ đào tạo giáo viên có những khâu quan trọng:

(a) Tuyển đầu vào các giáo viên. Phần Lan thực hiện điều này. Để “trồng người” giáo viên trước nhất phải đầy động cơ yêu trẻ và muốn làm tốt công việc mình. Khả năng thì có thể đào tạo được nhưng kỹ năng và nhất là các đam mê là thuộc về bản chất của ứng viên. Làm sao thấy trước được – tiên lượng – cái mà chúng tôi gọi là évaluation pronostique – đánh giá khả năng tương lai – một đánh giá rất tế nhị vì tương lai đầy bất ổn – nhưng trong giới hạn nào đó ta có thể nói ứng viên có tiềm năng thành một nhà giáo có hiệu quả hay không qua các trắc nghiệm về bản thể (4).

Sau phần tuyển vào và sau phần đào tạo, Phần Lan đặt hết tin cậy vào giáo viên, không áp đảo chương trình, không thi đua, không thanh tra, chế tài. Một sự tin cậy đã cho các kết quả tốt.

(b) Dạy lấy trò là trung tâm cũng cần được chủ ý trong cải tổ đào tạo sư phạm.

Tới bây giờ ta chỉ dạy lấy thầy làm trung tâm. Lời thầy dạy gần như là lời kinh thánh và khi thi trò phải chép y nguyên những mẫu thầy đã cho. Nhưng thế nào là “lấy trò làm trung tâm”?

Muốn lấy trò làm trung tâm thì trường không còn là nơi dạy mà phải là nơi trò học. Nhất là học cách học

Thầy phải trao quyền cho trò. Trò có quyền quyết định cách học tùy theo khả năng của mình, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo những thời điểm nhất định. Phải theo chương trình, nhưng trò có thể lập khế ước với thầy và tuần tự trải các môn học cho suốt học trình. Trong lớp thế nào cũng có một số em … cùng hoàn cảnh và …đồng chí hướng, dạy lấy trò làm trung tâm bắt đúng nhịp ấy và cho các em làm việc theo nhóm, … để rồi cuối cùng, với những cách khác nhau, tất cả lớp hoàn thành xong học trình.

Thầy thành người tổ chức cho trò học, gây hứng thú, tạo động cơ, dìu dắt trò vượt qua khó khăn. Thành người đồng hành. Với rất nhiều thương yêu thông cảm. Thầy phải rành trên đầu ngón tay về tâm lý trẻ để biết trước kết quả phản ứng có thể của bất cứ phương thức sư phạm nào mà giáo viên dùng cho một buổi học, cho một môn học.

Phải có những liên hệ thầy trò kiểu mới, ngang hàng, tương trợ trong công việc chứ không phải liên hệ quyền lực (5).

Dạy lấy trò làm trung tâm không chỉ là một phương thức sư phạm. Đây cũng là một triết lý của dạy học đặt trên sự tôn trọng người đi học.

Triết lý này cần được áp dụng từ trường sư phạm, đối với các giáo sinh vì dầu muốn hay không, các giáo viên tương lai đều có khuynh hướng lặp lại những “kinh nghiệm” mà họ đã từng trải lúc học cách dạy.

(c) Không đánh giá-chế tài mà dùng đánh giá-đào tạo hay đánh giá để phát triển

Hình thức thứ nhất – chế tài – là để cho lên lớp, để cấp bằng. Một loại thưởng hay phạt. Như các kỳ thi mà ta hiện đang tổ chức. Chấm điểm ở cuối học trình. Sau đó trò nào đậu thì mừng với kết quả, còn những trò khác thì không biết tại sao mình thi rớt .

Hình thức thứ hai – để phát triển – chấm điểm để thấy chỗ nào đã hiểu hết, đoạn nào đã suôn sẻ và chỗ nào chưa thấu đáo hầu làm lại, đào sâu hơn để thấu đáo. Sau khi thi, với bài thi trên tay, thầy và trò phân tích để hiểu thêm, học cách khác, thay đổi phương pháp chẳng hạn, để kết quả tốt hơn. Ở đây, đánh giá nằm trong đào tạo (6).

Nói một cách cực đoan : nếu chỉ chấm điểm kiểu chế tài, trò nào không đủ điểm phải ngồi lại lớp, phải thi lại, … việc ngồi lại lớp, mất một năm, nhiều khi không có ích lợi gì vì thầy và trò vẫn không hiểu những “nguyên nhân” của bảng điểm xấu để có thể làm tốt hơn.

(d) Đào tạo sư phạm khởi thủy và đào tạo sư phạm bổ túc sau đó

Như tất cả mọi khoa học, khoa sư phạm cũng không ngừng thay đổi. Chính vì thế các giáo sinh cần được đào tạo theo lối mở để họ có thể tiếp tục tự đào tạo suốt đời sau khi ra trường bằng cách đọc thêm sách, tìm tài liệu học thêm trên mạng hay theo học các lớp tập huấn sau này.  Có ý thức được nhu cầu tự đào tạo suốt đời các giáo viên này mới có thể …”truyền lữa” cho học sinh của họ và giúp trẻ tiếp tục học suốt đời.

  1. Đề nghị thứ ba về công tác truyền thông

Truyền thông về những phương pháp sư phạm mới. Truyển thông về triết lý giáo dục để thầy và trò, cha mẹ, phụ huynh, giới quản lý giáo dục cùng ở trên một tầng sóng. Tất cả từ đó có thể góp phần cho việc học của trẻ.

Truyền thông không chỉ là đăng đàn tuyên bố  này nọ, khen thưởng X, Y hay tổ chức các sự kiện lớn nhỏ – lớn như các lễ khai giảng, nhỏ như thưởng nóng các học sinh giành được thắng lợi ở các kỳ thi quốc tế

Xin nhắc lại, ta cần truyền thông giáo dục về nội dung và có chiều sâu cho tất cả những diễn viên giáo dục – từ cán bộ quản lý học đường tới giáo viên và học trò và cả phụ huynh học sinh nữa. Để mọi người đều hiểu và chấp nhận cơ cấu tổ chức, sinh hoạt, chương trình, phương pháp dạy học… để mọi người ai cũng nắm vững và cùng chấp nhận đồng hành. Có đồng hành thì mới đi tới được.

Truyền thông cần, nhất là để cho cả xã hội đồng tâm đồng ý với những cải tổ giáo dục. Nhưng truyền thông cho nội dung chứ không dừng lại ở hình thức màu mè hay chỉ nêu những khẩu hiệu.

Truyền thông để cha mẹ không đòi hỏi con cái phải học ngày học đêm, phải học những ngành mà cha mẹ chỉ định, …chẳng hạn.

  1. Thế còn về chương trình và sách giáo khoa?

Sở dĩ tác giả bài này chưa nói đến chương trình và sách giáo khoa vì trên khía cạnh sư phạm, với một đất nước trải dài từ Bắc tới Nam, với những đồng bằng và miền núi khác nhau, với những thành phố lớn và những vùng xa vùng sâu, học trò có nhiều đặc thù khác nhau, … khó mà có một chương trình học và một bộ sách giáo khoa khả dĩ có thể dùng được cho tất cả mọi trò.

Nhất là nếu như ta vừa nói ở trên, dạy là dạy lấy trò làm trung tâm thì không thể áp đặt một chương trình duy nhất. Vã lại, nếu ta đã đào tạo những giáo viên đủ khả năng thì các giáo viên này sẽ tùy tình huống sư phạm mà co giản áp dụng những nội dung học hành cho học trò của họ.

Tức là không có một chương trình bắt buộc. Mà chỉ là một chương trình khung với nhiều biến thể tùy trường hợp đặc thù. Đa dạng nhưng cùng hướng tới đào tạo những kỹ năng căn bản để học trò có thể thành tự lập ra sống ở đời (7).

Chủ đích đào tạo thành sợi chỉ đỏ, từ đó giáo viên có thể cùng học trò thiết kế cụ thể đường đi để thực hiện chủ đích đó.

Như thế,  một bộ sách giáo khoa sẽ không cần thiết. Thầy và trò có thể kết hợp dùng nhiều sách giáo khoa khác nhau, co giản tùy theo hoàn cảnh của trường lớp và học trò.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhất thiết phải biên soạn bộ sách gião khoa, vừa tiết kiệm được ngân quĩ vừa “giải phóng” được cho vấn đề này và khuyến khích …”trăm hoa đua nở” cho ra đời những tài liệu giáo khoa và giáo viên sẽ tha hồ chọn lựa.

Lộ trình của những đề nghị vừa kể trên?

– Điều cần đầu tiên là thống nhất rành rẽ những chủ đích giáo dục của từng cấp và nếu có thể được từng lớp (năm).

– Cổ động sự phát hành những tài liệu sách giáo khoa phù hợp với những chủ đích giáo dục nói trên.

– Cải tổ trường mầm non không khó. Để bắt đầu, một đào tạo ngắn ngày, trong kỳ hè chẳng hạn, đủ để giáo viên mầm non thấu triệt vài cơ sở để lo cho trẻ. Tất nhiên là cần những giáo viên đầy nhiệt huyết và có … quyết tâm làm tốt vai trò của mình, những giáo viên tận tụy với nghề vì tương lai cho trẻ. Sau đó, lúc giao thời, ta có thể đặt những khóa đào tạo giáo viên mầm non trong một năm trong lúc chờ đợi những giáo viên được đào tạo theo chương trình chính thống ra trường.

– Cải tổ đào tạo sư phạm cần tối thiểu ba năm và cần vốn nhân sự ban đầu. Ba năm để cho … ra lò một “thế hệ” giáo viên mới. Còn vốn nhân sự cho đào tạo sư phạm thì tác giả bài này hi vọng với chủ trương đổi mới giáo dục được đề xướng như thế sẽ huy động được những tiềm năng đang … ngủ của các chuyên viên giáo dục bên nhà vì triết lý không có gì cao siêu, trao quyền cho trò, dạy lấy trò làm trung tâm, phương pháp qui nạp, từ cụ thể để đi tới lý thuyết, đánh giá thường xuyên và theo mẫu đánh giá-đào tạo, kỹ thuật dạy theo nhóm, theo dự án – tức là một số lý thuyết căn bản của giáo dục ai cũng biết từ cả thế kỷ nay. Đồng thời, nếu  kêu gọi được sự giúp đở thêm của một số nhỏ chuyên viên Việt kiều hay của các trường Đại học ngoại quốc thì càng tốt.

– Trong ba năm đó cũng lần lượt cập nhật hóa phương pháp sư phạm của các giáo viên tại chức.

– Sau ba năm, phải làm sao để số giáo viên mới ra trường có nơi dụng võ, được chấp nhận có vai trò đầu tàu hay làm vết dầu loang để cùng sánh vai với các đồng nghiệp của thế hệ cũ,  mang những triết lý giáo dục và phương pháp sư phạm mới vào sinh hoạt dạy và học ở trường mình. Họ sẽ mang một sinh khí mới cho trường học.

– Với công tác truyền thông tuyên truyền không những trong giới giáo dục mà cho cả quảng đại quần chúng tiếp sức thì chín năm sau, tức là trải qua ba khóa giáo viên đào tạo kiểu mới ta có thể quan sát được những kết quả đầu tiên: một thế hệ học trò thoải mái hơn ở trường, biết học cách học và biết tự chủ tự quản. Dạy học, nói cho cùng là giúp trẻ tự lập.  Cũng vào thời điểm này, nghĩa là mười năm sau lúc khởi đầu, ta có thể tính đến chuyện bỏ thi tốt nghiệp phổ thông.

Tất cả những dự đoán thời gian này còn tùy thuộc những biến chuyển trên lĩnh vực giáo dục của thế giới trong thập niên tới. Nhiều khi giữa đường ta phải đổi chiến lược vì thời thế đổi thay.

Lời kết

Làm sao để trò hạnh phúc ở trường là chủ đích của tác giả bài này và xin nhấn mạnh rằng đây chỉ là vài đề nghị đúc kết từ những quan sát và suy nghĩ từ gần mười năm nay về tình hình giáo dục bên nhà.

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai
(Xin tham khảo nhiều bài khác về giáo dục tại https://huynhmai.org/)

Ghi chú

(1) Cohen R., Plaidoyer pour les apprentissages précoces – Biện hộ cho những cách học sớm – NXB Presses Universitaires de France, 1982.

(2) http://www.unicef.org/french/earlychildhood/index_40747.html

(3) https://hocthenao.vn/2013/07/29/tre-co-the-hoc-gi-o-truong-mam-non-nguyen-huynh-mai/

(4) http://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/ban-ve-vai-ky-nang-%C2%ABben-le%C2%BB-can-cho-mot-nguoi-di-day%E2%80%A6

 (5) https://huynhmai.org/2014/08/15/vai-dong-ve-lien-he-giua-tro-va-thay/

 (6) https://huynhmai.org/2015/03/14/danh-gia-dao-tao/

http://dantri.com.vn/c202/s202-450575/ban-ve-cach-thuc-cham-diem-hoc-tro.htm

 (7)  Chương trình khung cũng là đường hướng áp dụng tại Bỉ

https://hocthenao.vn/2013/06/10/chuong-trinh-bac-pho-thong-o-bi-nguyen-huynh-mai/

%d người thích bài này: