Về chuyện đặt tên đường Alexandre de Rhodes ở Đà Nẵng
Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân, thư gởi GS Nguyễn Đăng Hưng với tựa đề
“Nếu nhầm lẫn thì xin lỗi và im lặng”
DĐKP giới thiệu: Trong thời gian qua có nhiều cuộc tranh luận chung quanh việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes ở Đà Nẵng. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes quả là có công trong việc xây dựng nền tảng đầu tiên của chữ quốc ngữ (đúng ra, công đầu thuộc về Linh Mục Bồ Đào Nha Francisco de Pina). Nhưng việc lấy tên Alexandre de Rhodes để đặt tên đường ở một thành phố lớn thì cần xem xét nhiều yếu tố khác không kém phần quan trọng. Thí dụ như: Một cách tổng quát, vai trò và hành động của các thừa sai (chức năng của các giáo sĩ như Alexandre de Rhodes) trong đội quân chinh phục thuộc địa như thế nào? Liên hiệp cộng sinh giữa nhiệm vụ truyền giáo và mục đích thôn tính thuộc địa của người Âu như thế nào? Alexandre de Rhodes đã rao giảng cho giáo dân VN những gì về Nho giáo, Phật giáo, đạo thờ cúng ông bà, hay nói chung là về văn hóa Việt Nam? Có phải ông đã làm bước đầu trong kế sách chia rẽ Lương-Giáo ở VN? Có phải ông đã cố ý hoặc vô tình dọn đường cho chính sách sau này của Pháp trong việc tiêu diệt văn hóa VN để dễ bề cai trị? v.v… và sau cùng là câu hỏi: Bàn cân giữa “công” so với “tội” có đủ nặng để tôn vinh đặt tên đường hay không?
Bức thư sau đây của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là một tài liệu đáng được tham khảo, dựa trên các tư liệu lịch sử đáng tin cậy để lý giải nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của các thừa sai nói chung và của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes nói riêng trong bối cảnh lịch sử của Giáo hội Công giáo thời hậu trung cổ đang trên đường tiến vào thời kỳ phát triển thuộc địa của người Âu.